Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân trao quà Tết tặng gia đình chị Hà.
Trong một trận chiến đấu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, Đinh Ngọc Doanh cùng 64 đồng đội đã mãi mãi nằm lại giữa lòng đại dương bao la. Anh Doanh ra đi khi còn quá trẻ, để lại người vợ hiền và đứa con thơ chưa tròn một tuổi. Thời gian đằng đẵng, giọt nước mắt của người vợ hòa cùng biển mặn. Và cũng ngần ấy thời gian, chị ở vậy âm thầm nuôi con trong khốn khó, nhọc nhằn.
Sao anh chẳng về với mẹ con em?
Thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) những ngày giáp Tết Quý Tỵ nhưng tiết trời vẫn ảm đạm khó chịu. Người ta bực bội bởi những cơn gió rít não nề, những hàng phi lao chết khô như không muốn đón chào sự chuyển mùa của tạo hóa… Thế nhưng tâm trạng của chị Đỗ Thị Hà – vợ của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh lại vui hơn mọi ngày. Căn nhà tình nghĩa ở thị trấn Mỹ Ca (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) được chị dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp từ sáng sớm. Chị cũng gác công việc hằng ngày để chuẩn bị đón Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) cùng Đoàn công tác của TCCT và Thủ trưởng Quân chủng Hải quân đến thăm, chúc Tết gia đình…
Sau chuyến tháp tùng Đoàn công tác của TCCT, tôi hẹn và trở lại gia đình chị Hà. Bấy giờ, chị có nhiều thời gian hơn để kể về phận đời bạc mệnh của mình. Mở đầu câu chuyện, chị đưa tôi quay về miền kỷ niệm của một mối tình đẹp:
Hôm ấy, trời nhá nhem tối, tôi đạp xe từ Ba Ngòi về Mỹ Ca thì có anh bộ đội xin đi nhờ. Thấy anh sĩ quan hải quân dáng vẻ vội vàng, ba lô trĩu nặng, vạt áo đẫm mồ hôi, tôi đã nhận lời… Chính nhờ chuyến xe lần ấy mà chúng tôi nên duyên chồng vợ.
Đầu năm anh chị tổ chức đám cưới. Cuối năm đó, cháu Đinh Thị Mỹ Lệ ra đời. Ba thành viên trong mái ấm nhỏ bé sum vầy bên nhau hơn một năm thì anh nhận lệnh ra đảo công tác. Chị Hà kể: “Đêm trước ngày lên đường, anh quấn lấy con gái. Lời anh nựng con in mãi trong tâm khảm tôi: “Cún của ba ở nhà phải ngoan, không được quấy mẹ nha!”. Nựng con một hồi, anh sang thăm ông bà ngoại và bà con làng xóm, rồi về động viên tôi: “Mình ở nhà ráng nuôi con nghe…!”. Ngờ đâu, đó là lời căn dặn cuối cùng của anh dành cho tôi…”.
Ngày nhận được tin anh hy sinh, suốt mấy tuần liền, chị ôm con vào lòng, khóc cạn nước mắt. Trước hoàn cảnh đó, gia đình chồng ở tận Hoa Lư (Ninh Bình) vào Mỹ Ca đưa mẹ con chị về quê. Tất cả mọi người đều xót xa thương anh ra đi quá vội vàng. Đến nỗi, cưới vợ xong, chưa kịp đưa về ra mắt họ hàng thì anh đã hy sinh. Hơn nữa, chồng chị là con út, nhà đã có một liệt sĩ, nay lại thêm một liệt sĩ nữa, khiến ai cũng nước mắt lưng tròng.
Anh Doanh hy sinh, thân xác hòa vào đại dương nên nỗi đau càng nhân lên gấp bội. Không chịu đựng được nỗi đau, rất nhiều đêm chị thức trắng để sống trong một thế giới ảo, tưởng tượng nên những phút giây tự sự với người đã đi xa, mà hờn dỗi: “Sao anh chẳng về với mẹ con em?!”.
Một đời nhớ biển!
Ở quê chồng một thời gian, chị lại ôm con vào Mỹ Ca với nguyện ước được sống gần biển, được nhang khói cho anh mỗi ngày. Thời gian đầu, chị suy sụp hoàn toàn, bệnh tật, đau ốm triền miên nhưng vẫn phải gắng gượng làm đủ mọi việc như gánh muối, phụ hồ, bóc hạt điều, giặt quần áo thuê… để có tiền nuôi con.
Trung úy Đinh Trọng Doanh và con gái trước khi hy sinh
Cũng đã có không ít người đến ngỏ lời, nhưng tôi nghĩ: Ngày còn sống anh quyết tâm gắn bó cuộc đời với biển, giờ đi xa nhưng anh ấy vẫn ở lại với Trường Sa. Anh đã thực hiện đúng lời hứa, nên tôi phải thực hiện lời căn dặn của anh “Ở nhà ráng nuôi con..”. Nghĩ vậy nên tôi không nỡ đi bước nữa – chị Hà kể.
Cô con gái Đinh Thị Mỹ Lệ đến tuổi đi học, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn. Để có tiền trang trải, chị phải đi phụ hồ xây dựng. Công việc nặng nhọc, quần quật suốt ngày, cộng với căn bệnh sỏi thận từ trước, nên có thời điểm chị ngã bệnh nặng, nằm liệt giường. Không có tiền, mẹ con chị đành cầm cự mì ăn liền, rau củ thay cơm.
Tôi không có tiền mua thuốc trị bệnh cũng chẳng lo, chỉ thương con gái đã sớm mất cha, lại chịu cảnh nghèo khó… Thương nhất là mỗi khi nhìn thấy con ôm khư khư tấm ảnh anh Doanh mặc quân phục hải quân chụp cùng con gái trước lúc lên đường nhận nhiệm vụ. Cháu nó quý tấm ảnh ấy lắm. Giờ đi làm ăn xa, nó luôn giữ bên mình – Mắt chị rớm đỏ như không còn nước mắt.
Thấu hiểu nỗi gian truân của mẹ nên cuộc sống dẫu khó khăn, thiếu thốn nhưng Mỹ Lệ rất ngoan ngoãn, chăm học, năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tốt nghiệp THPT, Mỹ Lệ thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Được tin con gái đỗ đại học, chị đi khoe khắp làng trên, xóm dưới. Vui là vậy, nhưng lúc màn đêm buôn xuống chị lại thút thít một mình. Chị lo sẽ không đủ tiền chu cấp cho con theo học. Chị lo con gái sẽ sống thế nào khi rời xa vòng tay chăm bẵm của chị.
Ngày con gái đi học ngôi nhà nhỏ như rộng thêm ra. Từ bây giờ, giọt máu duy nhất của anh gửi lại cho chị cũng không thường xuyên ăn cùng, ngủ cạnh. Gần 8 năm nay, chị sống đơn chiếc một mình. Hằng ngày, chị nhận trông trẻ, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Đêm đêm nhớ con, chị lại thức dậy nhìn di ảnh chồng, nước mắt cứ thế tứa ra! Có đêm chị thao thức ngắm biển. Cả cuộc đời gắn bó với bán đảo Cam Ranh, hằng ngày đều nhìn thấy biển, vậy mà trong chị vẫn luôn hiện hữu một nỗi nhớ biển da diết, nôn nao…
Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, năm 2001, Vùng 4 Hải quân vận động 180 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chị. Mới đây, Vùng 4 lại trích 60 triệu đồng hỗ trợ chị Hà sửa sang lại ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn chục năm. Tại buổi đến thăm, chúc Tết gia đình chị, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch giao cho cơ quan chức năng của TCCT và cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân tiếp tục có những việc làm thiết thực quan tâm, chăm lo đến gia đình chị.
Lần này, được Thủ trưởng TCCT và Quân chủng Hải quân trực tiếp đến thăm, tặng quà, tôi thấy mình khỏe ra rất nhiều. Tôi đã điện thoại cho con gái và thắp hương, khấn báo với anh Doanh về vinh dự này – Chị Hà nở nụ cười thật hiền trên gương mặt khắc khổ, hằn rõ dấu vết thời gian. Tôi vội quay mặt đi, cố giấu chị cảm xúc của riêng mình..!
(BQD)
Theo nguyentandung.org