Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
HÀNH TRÌNH TÌM BỐ NƠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Phần II)
Sau hành trình 40 giờ, đoàn tàu Thông Nhất 3 xuất phát từ Ga Hà Nội đưa chúng tôi tới Ga Sài Gòn đúng lịch trình lúc 7 giờ 45 phút một buổi sáng đẹp trời.

Phần II: Đường lên biên giới – xã Tân Hòa

Sau hành trình 40 giờ, đoàn tàu Thông Nhất 3 xuất phát từ Ga Hà Nội đưa chúng tôi tới Ga Sài Gòn đúng lịch trình lúc 7 giờ 45 phút một buổi sáng đẹp trời.

Tại ga Sài Gòn, anh rể và chị gái tôi cùng người lái xe ô-tô đang chờ sẵn. Rời ga Sài Gòn, chúng tôi không đi về thị xã Tây Ninh mà vội về hướng Bình Dương nhập vào quốc lộ 13 đi An Lộc, thị trấn của huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước để từ đây rẽ trái qua An Phú đến cầu Sài Gòn. Lộ trình từ Sài Gòn lên đây hoàn toàn mới lạ, chúng tôi không một ai biết, vừa đi, vừa hỏi đường hết khoảng hơn hai giờ ô-tô chạy mặc dù đường rất mới, rất hiện đại. Tôi chọn quốc lộ 13 để đi không phải là nó được thể hiện trên bản đồ to, thẳng dễ đi mà chính con đường này và các địa danh Mỹ Phước, Lai Khê, Chơn Thành, Chà Là, An Lộc, An Phú, cầu Sài Gòn... là những điểm đến, điểm đi và cũng là những tọa độ lửa đã đi vào lịch sử các trận đánh của Trung đoàn 96 – Đoàn Pháo binh Biên Hòa mà tôi đã được đọc, được nghe. Tôi cũng muốn đi trên con đường này bởi nó đã từng in dấu chân của bố tôi. Chuyện cũ kể rằng, năm 1968, khi bố tôi ở tiểu đoàn 3 (D3), cả tiểu đoàn phải từ điểm đóng quân ở Phước Vĩnh đánh căn cứ Lai Khê, rồi vượt qua quốc lộ 13 và sông Sài Gòn sang trảng Bầu Cột, Suối Bà Chiêm, Ka-tum của Tây Ninh chiến đấu để rồi mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Tây Ninh này. Đến cầu Sài Gòn, xe của chúng tôi dừng lại bên đầu cầu Bình Phước mua ít trái cây và hương hoa, bên kia là đất của huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tôi lững thững lên giữa cầu nhìn ngược, rồi nhìn suôi dòng nước mà thấy lòng nao nao xúc động, có linh cảm bố tôi đã vượt tại khúc sông này, nơi tôi đang đứng đây. Hai dòng nước mắt bỗng dưng làm nhòa đi hình ảnh tưởng tượng bố cùng đồng đội đang cố gắng bí mật vượt sông, người đã sang được bờ, người còn ở dưới nước không cầu, không đường dẫn. Lúc đó ông Tám, ông Năm là hai đồng đội của bố tôi đi cùng đoàn đứng đằng sau tôi từ lúc nào không biết. Các ông nói cả tiểu đoàn vượt sông ban đêm và cách cầu Sài Gòn khoảng một ki-lô-mét về phía hạ lưu.

Từ cầu Sài Gòn cách điểm đến là ấp Trảng Trai, xã Tân hòa gần 20 ki-lô-mét. Biết đường còn xa, lại vắng vẻ nên nhân tiện có đôi vợ chồng trẻ cũng dừng xe trên cầu, có lẽ anh chị đi làm về. Tôi liền hỏi:

- Anh chị làm ơn cho tôi hỏi đường về xã Tân Hòa ? Anh thanh niên nhanh mồm hỏi lại:

- Các chú về đâu của xã Tân Hòa, ấp nào ? Tôi trả lời: về ngã ba ấp Trảng Trai.

- Dạ, từ đây về đó còn khoảng 16-18 cây nữa. Anh thanh niên tỏ vẻ quen khá nhiều người ở Trảng Trai, anh hỏi lại: thế các chú đến nhà ai ?

- Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Hải Đường, cán bộ thương binh và xã hội xã Tân Hòa.

Anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi trả lời, tôi không biết ông Hải Đường mà chỉ biết ông Hai Đường thôi. Nhà ông có sạp bán hàng khô và tạp hóa to ở ngay ngã ba.

Tôi nhớ lại, khi còn ở Hà Nội, tôi đã gọi cho ông nhiều lần, được ông cho địa chỉ, tả đường đi và ông cũng nói nhà ông có sạp hàng bán ở ngay ngã ba. Tôi liền cảm ơn đôi vợ chồng trẻ và tới ngã ba Trảng Trai lúc 11 giờ không khó chút nào.

Chúng tôi xuống xe định hỏi thăm nhà ông Hải Đường thì đã thấy cả hai vợ chồng ông đứng đón ở cổng và chủ động hỏi chúng tôi trước: Có phải Trường từ Hà Nội vào không ? Tôi đáp: Dạ, cháu là Trường... ! chỉ mới nói có thế, cả hai ông bà đã vui vẻ nhận ra, bắt tay và đưa chúng tôi vào nhà. Chúng tôi uống nước, giới thiệu, nói chuyện rất vui vẻ, nhất là khi được biết ông Tám và ông Năm là đồng hương Thanh Hóa, ông Hải Đường hồ hởi hơn và vui hơn nhiều khiến chúng tôi cảm nhận được sự gần gũi thật sự của ông. Có lẽ với tính cách cởi mở và chân tình ngay từ phút đầu của ông bà Hải Đường đã trả lời hộ tôi câu hỏi "Tại sao còn cách đến gần 20 cây số mà đã có người quen, người biết ?". Trong lúc vui vẻ ấy, hình như ông Hải Đường đoán được sự nôn nóng muốn tranh thủ đi tìm ngay hôm nay của đoàn chúng tôi. Ông mau mồm nói, các anh và các cháu đến đây cứ yên tâm, nghỉ ngơi tại đây, trưa nay ăn cơm xong, buổi chiều ta tiến hành đi thăm địa hình, hỏi thăm dân địa phương để xác định nơi các anh đóng quân và chiến trường cũ cho thật chính xác, sau rồi mới tìm và xác định vị trí các ngôi mộ. Chiều nay tôi sẽ trực tiếp đi cùng đoàn. Chúng tôi rất vui mừng và đồng ý với chương trình của ông đưa ra.

Tìm dấu tích chiến trường xưa

Ăn cơm trưa và nghỉ ngơi xong, với những dụng cụ hỗ trợ như la bàn, bản đồ địa hình, bản đồ quân sự in trong những năm 60 và 70 được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng hai giờ chiều chúng tôi bắt đầu đi tìm những điểm chuẩn quan trọng không thể thiếu được là Lộ Trắng, trảng Bầu Cột, cây Cày (tên loại cây trong rừng), Suối Cạn... Các bản đồ được căn lên căn xuống, đối chiếu đi đối chiếu lại, chúng tôi đã mất thời gian khá lâu mới xác định được con Lộ Trắng.


Ông Tám đang căn bản đồ xác định Lộ Trắng

Lộ Trắng ngày xưa là con đường cát trắng, pha ít sỏi, đầu phía Tây bắt nguồn từ Lộ Đỏ (đường 794, đi An Lộc và đi Kà-Tum) và đầu phía Đông đi qua trảng Bầu Cột tới suối Bà Chiêm. Con đường này bộ đội ta trước kia gọi là Lộ Trắng, địch gọi là đường Lệ Xuân. Giờ đây được rải lại nhiều lần bằng sỏi đỏ nên không còn trắng nữa. Rất tình cờ và rất vui chúng tôi nhận ra con Lộ Trắng cần tìm chính là con đường chạy qua mặt tiền nhà ông Hải Đường, qua ấp Trảng Trai, ấp Suối Bà Chiêm, cụt đường sẽ gặp Hồ Dầu Tiếng. Để tìm trảng Bầu Cột, dọc theo Lộ Trắng ông Tám và ông Năm chủ động gặp hỏi những người cao tuổi sống ở địa phương lâu năm, những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu cùng thời với các ông. Đi đến đâu, các ông cũng nói vanh vách những điểm chuẩn cần biết để xác định. Các ông mô tả và vẽ trảng Bầu Cột ra giấy, bản nào cũng giống như bản nào gồm một trảng lớn và một trảng con. Trảng con nằm giáp với rừng, tương đối rậm rạp bởi những cây le, cây sậy, thỉnh thoảng xen kẽ với một vài cây to. Trảng lớn dài, rộng hơn, thoáng hơn bởi những vạt cỏ rộng, bị con Lộ Trắng đi qua cắt làm hai phần, phần đuôi nhỏ nằm ở phía bên kia đường. Đặc biệt trên trảng con có một cây Cày thân rất to, cao chẽ ra làm hai nhánh, giống như hai cây trụm lại, trinh sát của trung đoàn thường trèo lên cây Cày để quan sát. Cách cây Cày này khoảng 400 mét về phía Tây-Bắc có một con suối cạn làm giới hạn trảng. Trên bờ suối cạn là căn cứ của trung đoàn 96, nơi ông Tám, ông Năm và bố tôi cùng làm cảnh vệ. Ông Tám, ông Năm nhớ như thế, thuộc như thế nhưng không có ai biết trảng Bầu Cột ở đâu. Hỏi mãi, xe ô-tô chạy vòng vèo, vòng vèo nhiều lần trên lộ trắng khiến ông Tám đã nhận ra đoạn đường gấp khúc xưa có tên là Bầu Châm. Ông Tám hỏi thăm ông Hải Đường và dân ở đây, mọi người trả lời đúng rồi, đây là Bầu Châm ! Ông Tám nói như để khẳng định: "thế thì đi hết Bầu Châm sẽ đến trảng Bầu Cột". Như vậy, địa danh trảng Bầu Cột đã hé mở và việc tìm kiếm đã được thu hẹp lại. Ông Hải Đường phấn khởi ra mặt bèn quyết định đưa chúng tôi đến gặp cụ Năm Bò ở gần đó.


Cụ ông Năm Bò, cụ bà và cô cháu gái

Cụ Năm Bò, là người Khơ-me, cán bộ kháng chiến của ta, cả hai cụ năm nay đã 85 tuổi nhưng trí nhớ còn tốt, chỉ tội tai cụ điếc nặng. Khi chúng tôi đến phải nhờ cô cháu gái dịch ra tiếng Khơ-me để nói với cụ bà, cụ bà ghé sát cụ ông nói như thét vào tai câu gì đó, để rồi cô cháu gái dịch lại cho chúng tôi mới biết rằng cụ ông nói đi hết Bầu Châm, sẽ tới Bầu Cột. Bầu Cột gần xóm Miên cách đây khoảng chừng 3 ki-lô-mét bên phải con đường này. Ông Tám đắc chí vỗ tay khẳng định thêm: Đúng rồi ! chính xóm Miên là xóm toàn người gốc Miên ở, chúng tôi phải luồn qua để ra đường đi lên Kà-tum sau năm 1970. Mọi người thở phào, cười vui làm tan biến cả những nghĩ suy, mệt nhọc, khép lại buổi chiều đầu tiên làm việc có hiệu quả. Chúng tôi cảm ơn và giơ tay chào vẫy những người dân địa phương đã theo sát suốt buổi chiều để chia sẻ, để giúp đỡ chúng tôi việc xác định trảng Bầu Cột.

Sáng hôm sau, chị gái tôi và anh rể thức dậy từ sớm mổ gà, đồ xôi sắm sanh lễ vật để mang đi thắp hương. Còn tôi cùng ông Hải Đường và ông Năm, ông Tám đi trước bằng hai xe máy tiếp tục xác định trảng Bầu Cột. Một lát sau, anh chị tôi cũng tới cùng. Từ nhà cụ Năm Bò chiều qua, chúng tôi đi thêm khoảng 3 ki-lô-mét nữa đến ngã ba Bưng Bàng, đáng lẽ phải rẽ tay phải như cụ Năm Bò hướng dẫn nhưng ông Tám tự đi thẳng. Có lẽ đi đến đây ông đã nhận ra cái gì đó nên ông cứ quanh quẩn, quanh quẩn trước một căn nhà vách liếp. Ông quyết định vào hỏi thăm thì mọi người trong nhà đều còn trẻ và không biết một tí gì về trảng Bầu Cột. Mọi người mách ông đi thêm vài chục mét nữa hỏi thăm bà Ba Cô. Rất may khi vào nhà, chúng tôi thấy bà rất hiền từ, phúc hậu đang ngồi đung đưa trên một chiếc võng xem vô tuyến.


Tí Út đang cùng ông Tám (bên phải) xác định Trảng Bầu Cột năm xưa


Bà Ba cô đang ngồi tiếp chuyện

Thấy khách đến, bà vui vẻ ra đón và mời khách vào nhà. Ông Hải Đường, vốn là người thân quen giới thiệu luôn với bà rằng năm người từ miền Bắc vào đây để tìm mộ liệt sĩ. Bà nhìn hết lượt ông Tám, ông Năm và chị em tôi với một cái nhìn thương cảm. Bà không ngớt lời an ủi, chia xẻ với chúng tôi rằng từ xa lặn lội đến đây để tìm mộ bố, bà rất thương, rất trân trọng. Bà hỏi luôn: "Liệu tôi biết được cái gì giúp mấy ảnh đây ?". Ông Tám liền vào đề hỏi trực tiếp: "Thưa bà, bà có biết trảng Bầu Cột ở đâu không ?". Bà Ba Cô suy nghĩ trả lời: "Ủa, trảng Bầu Cột tôi chưa nghe nói bao giờ !". Ông Tám hỏi tiếp: "Khu vực này bà thấy còn cây Cày nào to lớn, chẽ đôi, hoặc bị chặt đi rồi mà còn gốc không?". Bà cứ xít xoa áy náy rằng rất tiếc bà không biết một thông tin nào. Bà liền gọi cậu con trai từ nhà trong ra và nói: Tí Út, mày có nghe nói trảng Bầu Cột bao giờ không ? Tí Út trả lời: Có, nhưng lâu lắm rồi, giờ Bầu Cột người ta không gọi nữa. "Mày nghe nói ở đâu, mày giúp mấy ổng đi tìm mộ liệt sĩ đi, gắng đi làm phước nghen !" – Bà Ba Cô nói. Tí Út suy nghĩ lát lâu rồi ra phía trước nhà, tức là trên mặt Lộ Trắng, chỉ chỉ, trỏ trỏ về phía Tây Bắc, phía mà đáng lẽ chúng tôi phải rẽ tay phải từ ngã ba Bưng Bàng. Sau đó Tí Út dẫn ông Tám đi theo những gì ông Tám hỏi. Cuối cùng đi từ nhà Tí Út, vòng vèo, vòng vèo qua mấy lô cao-su, khoảng độ 2 cây số vuông, chúng tôi đã tìm thấy điểm đầu của một con suối cạn. Suối cạn mùa này không có nước, chỉ róc rách từ đâu đến không rõ vì cây cối um tùm, dây leo chằng chịt. Chúng tôi phát quang một lối để xuống suối, nước suối trong veo, lòng suối ẩm thấp vì không có ánh sáng và người đi. Mấy chú gà rừng chạy nhanh vào nơi rậm rạp. Ông Tám mừng vui khẳng định đúng rồi ! đúng nơi đây là cứ của Trung đoàn rồi ! Ông đứng sững lại, nhìn ngang, nhìn dọc và giới thiệu với mọi người: "Tại nơi tôi đang đứng đây là cổng trung đội cảnh vệ của trung đoàn, hết khu cảnh vệ đến khu tham mưu, rồi đến khu chỉ huy, sau đó K33 (tiểu đoàn 3), K34 (tiểu đoàn 4) đóng dọc theo bờ suối". Nói xong ông lầm lũi, cúi đầu đi về phía Đông-Nam, lấy điểm xuất phát chuẩn là cổng trung đội cảnh vệ. Tất cả chúng tôi cứ lẽo đẽo theo sau mà không hiểu tại sao ông đi vòng vèo, vòng vèo, thậm chí nhiều khi ông súit nữa đập đầu vào cây cao-su. Khi ông dừng lại nói với mọi người đánh dấu thật kỹ, hoặc để hết túi sách và đồ lễ thắp hương ở đây, có thể chỗ này là chỗ tôi chôn ba đồng chí Thành, Minh, Mộc. Nói hết câu, ông lại tiếp tục đi thẳng về phía Đông-Nam khoảng độ 80-100 mét. Ông ngoảnh lại hỏi Tí Út, khu này trước kia có một cây Cày rất to cao, thân chẽ ra làm hai nhánh, giống như hai cây trụm lại, anh có biết chỗ nào không ? Có thể cây to bị đốn hạ nhưng hãy để ý dấu tích là gốc, rễ. Mọi người tỏa ra đi tìm, không khó khăn lắm, ông Hải Đường và Tí Út đã tìm được một gốc cây rất to, khó có thể phân biệt là một gốc liền hay hai gốc quấn vào nhau ở gần miệng của một hố bom bị san lấp không đầy. Ông Tám reo lên chính gốc cây Cày rồi ! dưới cây Cày là một hầm trú ẩn của ta, khi bị lộ, máy bay đánh bom trúng hầm, cây Cày không bị làm sao, giờ vẫn còn dấu tích của một hầm bên cạnh và hố bom thì chuẩn quá rồi.


Ông Tám và Tí Út đã xác định được gốc cây cày năm xưa

Đứng tại gốc cây Cày, ông Tám phân tích với chúng tôi, như thế ta đã xác định được hết các điểm chuẩn cần tìm từ xa tới gần, từ ngoài vào trong. Trước hết là Lộ Trắng đi qua trảng Bầu Cột. Phần đuôi trảng chính là khu nhà vách liếp ta dừng lại đầu tiên và nhà của Tí Út. Phần đầu trảng là suối cạn, gần giữa trảng là nơi ta đứng đây. Ông Tám không giấu nổi xúc động nói tiếp: "Không ngờ tôi lại có cơ hội đến và tìm được trảng Bầu Cột sau 40 năm. Đây chính là căn cứ đóng quân của Trung đoàn 96, là điểm lửa của các trận bom, của các trận đánh biệt kích, nơi có biết bao đồng đội của tôi hy sinh như đồng chí Thành, đồng chí Minh, đồng chí Mộc mà chính tay tôi chôn cất. Giờ đây cái tên Bầu Cột không ai gọi nữa, địa hình thay đổi quá nhiều. Cả trảng Bầu Cột và rộng hơn thế nữa là rừng cao-su bạt ngàn. Việc tìm kiếm các đồng chí của tôi sẽ là rất khó nhưng chúng ta sẽ cố gắng không nản chí dù một ngày, hai ngày hay một tuần, hai tuần, ta sẽ khoanh vùng, chia nhỏ các hàng cao-su lại để tìm kiếm".

Nắm đất linh hồn bố ở nơi chiến trường xưa


Để xác định nơi có ba ngôi mộ, ông Tám lại lầm lũi, cúi đầu bước từ gốc cây Cày về phía trung đoàn khoảng 80-100 mét. Ông dừng lại ngắm nhìn lên không trung như đang muốn nhìn cây Cày. Ông căn bản đồ, chỉnh hướng la bàn rồi nói to rõ rằng sau khi chôn ba đồng chí, tôi ngoảnh lại nhìn cây Cày, ước chừng khoảng 80-100 mét, sau đó tôi theo con đường mòn rất quen thuộc nhưng cũng rất mấp mô và khúc khuỷu, hết khoảng 20 phút để về trung đoàn. Lúc trước, từ cổng trung đoàn tôi cũng có lúc nhắm mắt để đi trong trí nhớ con đường ngoằn ngoèo ấy và cũng tới đây. Vậy tôi tin rằng nơi chúng ta đang đứng là nơi có ba ngôi mộ. Với kinh nghiệm của ông Hải Đường và của ông Tám, các ông quyết định nhằm hai ụ mối gần nhau và một mô đất cao hơn bình thường là điểm đào đầu tiên. Chị em tôi sắp xếp, chuẩn bị đồ lễ để thắp hương xin thần linh thổ địa, thành hoàng bản cảnh và vong linh của bố tôi để đào nơi đã định.



10 giờ 30 phút, lúc này giờ cạo mủ cao-su cũng vừa tan, người dân địa phương kéo ra mỗi lúc một đông. Người chia sẻ, kẻ hỏi thăm, ai ai cũng tỏ lòng thành kính với các liệt sĩ, mong cho chúng tôi sớm tìm được mộ bố. Trong đám đông, ngoài Tí Út đã cùng với chúng tôi từ sáng sớm có thêm bốn người khác cùng là cháu trai, cháu dâu của bà Ba Cô, sau này chúng tôi mới biết tên là Tùng, Út Phượng, Út mười Hai và Quân đã chủ động ở lại giúp đỡ chúng tôi trong việc tìm kiếm. Đợi chúng tôi thắp hương xong, mấy thanh niên đứng bên cũng tự lấy hương cắm lên mấy mô đất và rộng ra xung quanh. Tôi nghe rõ giọng nói nhỏ nhẹ của Út Phượng khấn: "Chúng tôi là người dân  sống ở quanh đây, cầu mong mấy ổng ở đâu mau mau ứng báo, hiện lên cho con cháu và người thân sớm được tìm thấy để đưa các ổng về với quê hương và tổ tiên đất Bắc". Nhân lúc hương còn đang cháy, tôi gọi điện hỏi thăm nhà ngoại cảm Nguyễn Khắc Bảy về vị trí định đào và khả năng linh ứng. Ông Nguyễn Khắc Bảy nói ngay: "Các anh vừa thắp hương xong hả ? chỗ ấy đang khá đông người ? Tất cả ai có mặt đều đứng nguyên chắp tay khấn vái xin các liệt sĩ đi ! Lát nữa, khoảng 15-20 phút sẽ có con thằn lằn xuất hiện, nằm ở đâu thì đào ở đó". Khi nói chuyện với Nguyễn Khắc Bảy, tôi có kinh nghiệm hỏi thật to và nghe được gì cũng nhắc lại thật rõ để mọi người cùng nghe và nhớ hộ. Chỉ khoảng 10 phút sau khi gọi điện, mọi người vẫn còn đứng nguyên, quả nhiên có một con thằn lằn màu nâu đất chỉ to bằng đầu chiếc đũa, trườn từ trong đống lá khô, qua chân tôi lên đúng nơi có ba nén hương đang cháy dở và nằm ở đó. Tôi không bỏ lỡ cơ hội chụp mấy kiểu ảnh và quay vi-de-o để làm kỷ niệm. Điều linh ứng kỳ lạ này đã khiến cho ông Hải Đường, ông Tám, ông Năm vốn không tin nhiều vào chuyện tâm linh cũng phải ngỡ ngàng, tin tưởng. Sự xuất hiện đúng lúc của con thằn lằn càng khiến mọi người có thêm niềm tin và động lực.

Đợi đến sau 12 giờ trưa, nhát cuốc đầu tiên do chính tôi động thổ, rồi tất cả thành viên trong đoàn, người cuốc, người xúc, được giúp sức rất nhiệt tâm của Tí Út, Đức, Tùng, Út Phượng, Quân, Đạt, Tuyến và Út Mười Hai... Mọi người ai cũng đào, cuốc hồ hởi tin tưởng vào sự linh ứng huyền bí bởi con thằn lằn và ai cũng hy vọng sẽ sớm thấy được bố tôi.



Thế nhưng, ngày thứ nhất đào nơi con thằn lằn nằm, ngày thứ hai đào chỗ nó chạy đi, ngày thứ ba đào nơi nó đến, suy diễn rộng hơn xung quanh đấy có nhiều cỏ cây khác lạ, có nhiều mỏm đất lồi lên, trũng xuống đều được đào bới cẩn trọng. Bước sang tuần thứ hai, tôi nghĩ "có bệnh thì vái tứ phương", một mặt ai đào cứ đào, còn tôi với ông Tám đi hỏi trong dân có ai biết ba ngôi mộ, và những ai khai thác đầu tiên trảng Bầu Cột, may chăng họ thấy xuất lộ hài cốt, hoặc biết được đội quy tập nào đã đến đây. Mặt khác, tôi tìm thầy, gọi ngoại cảm. Ông Ba Tuất là thầy địa lý xem hướng đất, tìm mồ đã lọ mọ đêm hôm vượt qua hơn 100 cây số đến với chúng tôi. Nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Nhã tận Sài Gòn an ủi chúng tôi rằng các liệt sĩ gắn bó với mảnh đất Tây Ninh này đã 40 năm rồi. Họ cũng có người quen, có đồng đội nên không muốn về. Ông ấy khuyên chúng tôi đừng đào nữa, có đào cũng không thấy được. Còn về phần hai đồng đội của bố tôi, ông Tám, ông Năm không tin nổi ở mình, sốt ruột đứng ngồi không yên cũng đã phải gọi thêm ông Minh là trinh sát chuyên nghiệp của trung đoàn vào hỗ trợ, gọi điện liên tục về Thanh Hóa tham vấn Tham mưu trưởng trung đoàn Nguyễn Hồng Lưỡng. Chị em tôi thật sự bồi hồi nóng ruột, vòng về Tỉnh đội Tây Ninh, Sở Lao động thương binh xã hội và các nghĩa trang trong tỉnh kiếm tìm đều được trả lời là không có tên bố tôi trong danh sách. Mười ba ngày đào bới, kiếm tìm không ngơi nghỉ, cả rừng cao-su, cây cách cây, hàng cách hàng hơn 1600 mét vuông được đào xới. Ông ba Hà là chủ lô cao-su cũng không xót xa lắm cho vườn cao-su nhà mình bằng sự động lòng thương cảm với chị em tôi. Chính ông đã cho tôi số điện thoại và giới thiệu tôi đến với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Nhã và ông đã thật lòng giãi bày: "Nếu có thấy, dù phải bứng 5-7 gốc cao-su, ông cũng vui lòng vì một việc nghĩa".



Buổi chiều cuối cùng, ánh nắng vàng nhạt dần sau những tán cao-su làm cả bầu trời ấp Suối Bà Chiêm tối nhanh hơn mọi ngày. Lòng tôi se lại, nặng trĩu những nghĩ suy. Thực sự tôi không muốn từ bỏ sớm cuộc tìm kiếm này, tôi không muốn chia tay sớm với mảnh đất và những con người giàu tình nghĩa nơi đây, nhưng vì thời gian nghỉ phép của chúng tôi đã hết và có đào nữa cũng khó có một hy vọng. Thời gian lúc này đối với tôi chỉ còn tính bằng giây, bằng phút. Tôi cố nán lại, đi xung quanh thắp hết những nén hương còn lại, chạy đây, chạy đó quanh trảng Bầu Cột năm xưa, nơi bố tôi xung trận. Chỗ nào tôi cũng dừng lại một lát chắp tay thành kính niệm tâm: "Thưa bố, chúng con là con trai, con gái bố, cùng các đồng đội năm xưa đến đây để tìm bố. Nếu có kém tài chưa biết nơi bố nằm thì con xin bố hiểu cho tấm lòng chúng con, xin bố sớm hiển linh ứng báo, chỉ cho chúng con nơi bố nằm. Nếu bố có vui cùng đồng đội, hay đã quen nơi đây mà khó lòng từ giã để về quê với ông, với mẹ, với tổ tiên đất Bắc thì con xin bố hãy hiển linh nói với chúng con đôi lời". Tôi cố gắng khoét thật sâu mỗi hố đào một nắm đất mang linh hồn bố về nhà mà lòng quặn đau.

Trên lối ra của cánh rừng cao-su, những người bạn mới quen cùng ông Tám, ông Năm, ông Hải Đường đang đứng đợi cũng buồn rầu không ngăn nổi những dòng nước mắt thương cảm, sẻ chia với chúng tôi. Chị em tôi và anh rể bắt tay, cảm ơn Tí Út, Tùng, Yến, Quân, Tuyến, Út Phượng, Đạt, Đức anh, Đức em mà chợt nhớ đến hình ảnh "người Miền Đông anh dũng trong đấu tranh, trong lao động người lại cũng anh hùng" của bài hát "Tình đất đỏ miền Đông".

Mặc dù chuyến đi chưa tìm thấy bố nhưng đã làm cho tôi vơi lòng buồn tủi, nhẹ bớt nghĩ suy trĩu nặng từ bấy lâu bởi nghĩa tình sâu nặng của những người đồng đội, bởi những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ UBND xã Tân Hòa và tình cảm chân thật của người dân hai ấp Suối Bà Chiêm và ấp Trảng Trai vốn cần cù, đôn hậu đã dành cho tôi. Tôi thành thật muốn nói những lời tri ân tới họ trên bài viết này.

Nguyễn Văn Trường

Theo k16khoaphaphanoi.blogspot.com

Các tin khác