Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
HÀNH TRÌNH TÌM BỐ NƠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA (Phần I)
Từ Hà Nội đến Tây Ninh là cả một hành trình vừa dài thời gian vừa xa khoảng cách. Mặc dù chuyến đi chưa tìm thấy bố nhưng đã làm cho tôi vơi lòng buồn tủi, nhẹ bớt nghĩ suy trĩu nặng từ bấy lâu bởi nghĩa tình sâu nặng của những người đồng đội, bởi những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ UBND xã Tân Hòa và tình cảm chân thật của người dân hai ấp Suối Bà Chiêm và ấp Trảng Trai vốn cần cù, đôn hậu đã dành cho tôi. Tôi thành thật muốn nói những lời tri ân tới họ qua bài viết này.

Phần I: Nhật ký đường sắt Bắc Nam

Bố tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Thành, quê xã Phúc Hoà, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây, Hòm thư quân bưu: 86.555.YK.C4, hoặc 86.555.YK.C3.B15. Những thông tin trên giấy báo tử có ghi: Họ và tên Nguyễn Văn Thành, sinh năm 1939, cấp bậc thượng sỹ, chức vụ tiểu đội trưởng, đơn vị: D4 - E96 - F69 KB, hy sinh ngày 21 tháng 4 năm 1970, tại Tây Ninh.

Sau nhiều lần gặp gỡ và hỏi thăm, tôi được các bác, các chú đồng đội của bố tôi dựng lại sơ đồ nơi bố tôi xung trận và kể cho nghe những câu chuyện cảm động lúc bố tôi hy sinh. Ông Bùi Anh Tám và Ông Lê Văn Năm là hai trong nhiều đồng đội ở Thanh Hóa đã xung phong đưa tôi vào Tây Ninh để xác định lại chiến trường xưa, nơi các ông cùng bố tôi đã chiến đấu hơn 40 năm trước và tìm mộ bố tôi.

Từ Hà Nội đến Tây Ninh là cả một hành trình vừa dài thời gian vừa xa khoảng cách. Mặc dù chuyến đi chưa tìm thấy bố nhưng đã làm cho tôi vơi lòng buồn tủi, nhẹ bớt nghĩ suy trĩu nặng từ bấy lâu bởi nghĩa tình sâu nặng của những người đồng đội, bởi những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ UBND xã Tân Hòa và tình cảm chân thật của người dân hai ấp Suối Bà Chiêm và ấp Trảng Trai vốn cần cù, đôn hậu đã dành cho tôi. Tôi thành thật muốn nói những lời tri ân tới họ qua bài viết này.

Nhật ký đường sắt Bắc Nam

Hành trình của chúng tôi bắt đầu vào một buổi chiều giữa xuân có nắng vàng đẹp đẽ. Đoàn tàu Thống nhất 3 (TN3) rúc một hồi còi báo hiệu và rùng mình, rồi hậm hực, hậm hực ra khỏi ga Hà Nội lúc 15 giờ 45 phút. Chẳng mấy chốc đoàn tàu lao vun vút đưa chúng tôi qua những cánh đồng còn đang cấy dở để trơ các bờ vùng, bờ thửa của vùng đồng chiêm chũng huyện Phú Xuyên (Hà Tây). Xa xa, những mái nhà lúp xúp xen dưới những bóng tre xanh. Khói bếp đâu đó cũng đã nổi lên đang bảng lảng in trên nền trời hồng cuối chiều ở vùng quê Hà Nam, Ninh Bình yên tĩnh. Tôi đứng bên ô cửa sổ nhìn về phía Tây Nam, nơi mà sau ngày mai chúng tôi sẽ tới, suy nghĩ mông lung, bất giác tôi nhớ nhà, nhớ quê hương và thương nhớ bố da diết. Đúng lúc đó, khúc ca "... Làng thôn quê ta khuất xa trìu mến, ơi núi sông quê nhà, hỏi sông nơi đây, có bao anh hùng, hò ơi dô ơi ! Các anh, các chị tuổi xuân đôi mươi, đánh tây luyện thép..." trong bài ca Chào Sông Mã anh hùng đã cất lên như muốn cho biết đoàn tàu vừa đến đất Thanh Hóa khiến tôi càng nhớ quê, càng thêm yêu mến và ngưỡng mộ thế hệ cha anh. Trời tối dần, những hành khách đứng ô cửa sổ bên kia hình như cũng đang cố ngắm những gì hiện ra trước lúc trời tối. Tôi ngoảnh lại toa tàu thấy chú Tám, chú Năm, hai đồng đội của bố tôi năm xưa xung phong đi cùng tôi vào chiến trường cũ, người nằm, người ngồi đang ôn cố tri tân, và nói chuyện kỷ niệm xưa ở chiến trường.

Màn đêm buông xuống, hai bên sườn tàu chỉ thấy vụt sáng những ánh đèn pha rọi chói, thỉnh thoảng lại loang loáng ánh sáng hắt ra từ những làng quê, hay thị trấn đi qua. Tôi thầm lặng ra ô cửa thả những đồng tiền, vàng (vàng mã) mà người đời quan niệm đó là lộ phí phải gửi để bố tôi cùng đi. Cùng lúc đó, tôi thoáng buồn vì ngoài hành lang cũng có ai đó gọi điện cho người thân cố gắng ra ga nhận 500 ngàn đồng, anh muốn gửi về biếu bố mẹ. Tiền gửi người âm, tiền biếu người dương hai đường, hai ngả nhưng cùng một ý nghĩa. Cả hai số tiền cùng lớn, chắc chắn giá trị tinh thần sẽ lớn hơn rất nhiều và ý nghĩa biết bao khi người thân nhận được. Đêm đầu tiên trên tàu, cả sáu người đều khó ngủ. Khó ngủ bởi những âm thanh chói tai mỗi khi đoàn tàu qua cầu và những cú lắc lư đến khó chịu. Tôi nằm chong chong suy nghĩ mông lung, hình dung cảnh tượng núi rừng biên giới Tây Nam của đất nước và những con người cần cù, anh dũng vùng miền Đông Nam bộ mà tôi chỉ mới được nghe, được kể. Đoàn tàu lao vun vút vào màn đêm đen đặc, nhẹ nhàng đưa chúng tôi qua một số tỉnh miền Trung.

Sáng hôm sau, tôi thức giấc đã lâu nhưng khi mở mắt xem đồng hồ đã là 7 giờ 30 phút, nhìn qua cửa tàu, trước mắt tôi là cả một vùng đất cằn, cây dại, thỉnh thoảng có những thửa ruộng cấy chưa xong, nham nhở các màu vàng chanh của mạ non, mạ già ở miền Thừa Thiên ngoại vi thành phố Huế. Từ đây, trên tàu phát ra những bài ca xứ Huế và những điệu hò thân thương, mượt mà, lắng đọng đưa chúng tôi qua thành phố Huế từ lúc nào không biết. Hết đất Huế đến đèo Hải Vân, một dải đèo nổi tiếng hiểm nguy và trắc trở. Đoàn tàu bắt đầu chậm dần và ì ạch bò lên đèo như một con rắn khổng lồ, nhưng lý thú biết bao khi trên lưng "con rắn", phóng tầm mắt ra biển Lăng Cô, người ta được thưởng ngoạn một cảnh đẹp thiên nhiên bởi ánh nắng vàng buổi sớm hòa quyện với nước biển trong xanh lấp lánh ánh vàng, ánh bạc như đang vui cùng mấy chiếc thuyền buồm của ngư dân đánh cá. Tất cả tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp, sống động và đáng yêu.

Sau khi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, ông Tám, ông Năm say xưa kể lại những kỷ niệm thời các ông hành quân vượt qua miền Trung vào Nam đánh Mỹ. Đoàn tàu vẫn mải miết, lúc lầm lì, lúc gầm thét vì những chiếc cầu phải vượt qua đưa chúng tôi đi hết Đà Nẵng, Quảng Nam, rồi Quảng Ngãi. Khi tàu đi ngang qua huyện Đức Phổ, tôi chợt nhớ đến những câu chuyện về bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người đã sống, chiến đấu cùng thời với bố tôi và ông Năm, ông Tám đang ngồi đây. Cả thế hệ ấy đã được ghi danh vào sử sách vì lòng yêu nước, vì tinh thần dũng cảm. Cả thế hệ ấy đã khiến tôi ngưỡng mộ về đức hy sinh cao đẹp cho đất nước được độc lập tự do. Dẫu vẫn biết rằng phòng làm việc của chị nay là khu di tích còn xa đường quốc lộ, thế nhưng tôi vẫn cố nhìn, nhìn gần, nhìn xa xem có hình ảnh nào quen quen trong nhật ký của chị viết mà tôi đã đọc - nhưng không thể !

Hết tỉnh Quảng Ngãi đến tỉnh Bình Định, Phú Yên, địa thế nơi đây như một thung lũng lớn. Phía trong là dải Trường Sơn hùng vĩ, phía ngoài giáp với biển cũng có dải núi lớn bao bọc, ruộng đồng tốt tươi và thích nghi với cây dừa. Dừa được trồng rất nhiều, cây sai trĩu quả, dân cư đông đúc ở rải rác hai bên đường.

Cuối đất miền Trung, cũng là lúc trời chuyển ngày sang tối, mọi người trong phòng đang dùng bữa. Ở bên ngoài, có ai đó nói đây là Đèo Cả. Tôi giật mình vì trong tập Hồi ký của viên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer trước kia có viết cái đèo này nhô ra biển, giống như đèo Hải Vân nhưng cao hơn, nhiều dốc quanh co hơn. Đường sắt được làm trên đoạn đèo này rất khó khăn, đi trên đoạn này cũng hiểm nguy vì có đoạn cua gập tay áo. Đèo Cả là ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Từ đây, trời đã tối nhưng nhờ có nhiều ánh sáng đèn của thành phố và không gian phố biển thoáng mát, tôi vẫn nhìn thấy bên phải một vài hòn núi nhỏ nhấp nhô với một vài tháp Chàm, bên trái là biển. Biển Khánh Hòa rất đẹp, có nhiều vũng, nhiều vịnh và hiền hòa lắm. Nhìn ra xa thấy cơ ngàn ánh sao trên trời, ánh sáng đèn của ngư dân câu mực lấp lánh dưới nước, giống như ta đang đứng trong không trung của một vòm trời hình cầu trên, dưới đầy sao lấp lánh sống động. Cảnh biển Nha Trang về đêm trông đẹp quá ! ban ngày chắc còn đẹp hơn nên người ta đã bình chọn cho biển Nha Trang là biển đẹp nhất nước ta. Đến ga Nha Trang, ga này cũng tấp nập và đẹp. Nó xứng đáng là ga đầu tuyến chạy vào Nam cho mọi chuyến tàu.

Đêm nay là đêm thứ hai trên tàu, có lẽ ba hành khách cùng toa với chúng tôi đã quen hơn nên ngủ rất ngon. Còn tôi, ông Tám và ông Năm vẫn không sao ngủ được. Chắc hai ông cũng trăn trở như tôi, lúc nằm, lúc ngồi mong sao trời sáng. Sáng nhanh để các ông sớm được thấy chiến trường xưa, nơi có bao kỷ niệm không thể nào quên, nơi có bao đồng đội của các ông người được về, người phải nằm lại mãi mãi mà các ông chưa có một lần trở lại viếng thăm sau 40 năm. Tôi cũng háo hức trời sáng, sáng nhanh để được đến nơi rừng xanh, đất đỏ năm xưa, nơi bố tôi cùng các bác, các chú anh dũng chiến đầu, để tôi sớm tìm được nơi bố tôi đang nằm từ 40 năm nay. Hết nằm, lại ngồi và mấy lần ra cửa thả những đồng tiền vàng, lần nào cũng nghĩ là lần cuối, mỗi lần ra là một lần xin bố, cầu mong cho chuyến đi được bình an và sớm tìm được bố. Tôi cùng ông Tám, ông Năm trò chuyện suốt đêm. Cuối cùng hành trình 40 giờ của đoàn tàu Thống Nhất 3, xuất phát từ ga Hà Nội cũng kết thúc, đưa chúng tôi đúng lịch trình tới ga Sài Gòn lúc 7 giờ 45 phút.

(Còn nữa)

Nguyễn Văn Trường

Theo k16khoaphaphanoi.blogspot.com

Các tin khác