Gia đình ông Hoan vẫn thường xuyên hương khói cho ngôi mộ này dù mộ ghi "vô danh"
Khi cất bốc, di dời mộ liệt sĩ có danh tính, quê quán rõ ràng về nghĩa trang, đội quy tập thuộc Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã bất cẩn không ghi chép, đánh dấu, để 3 bộ hài cốt bị lẫn lộn vào nhau.
Thân nhân các liệt sĩ có đơn gửi cơ quan chức trách Hà Tĩnh giúp xác định rõ phần mộ của các liệt sĩ để họ yên tâm hương khói. Tuy nhiên, đề nghị chính đáng đó suốt nhiều năm đã không được giải quyết. Bất bình trước sự chậm trễ của các cơ quan chức năng, gia đình ông Hoàng Đình Hoan, trú tại xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), thân nhân một trong số 3 liệt sĩ, đã gửi đơn tới Báo Dân trí đề nghị được giúp đỡ.
Theo đơn thư của gia đình ông Hoan, liệt sĩ Hoàng Thị Minh, quê quán xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, hy sinh ngày 6/4/1966 tại cầu Bến Lội, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi liệt sĩ Minh hy sinh, chính quyền địa phương và đồng đội đã chôn cất liệt sĩ tại một ngọn đồi ở xã Kỳ Lâm. Phần mộ của liệt sĩ Minh có ghi rõ danh tính, quê quán rõ ràng.
Năm 1978, gia đình ông Hoan nhận được thông báo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh với nội dung, hài cốt liệt sĩ Hoàng Thị Minh đã được phòng quy tập về nghĩa trang Chào của huyện ở xã Kỳ Thọ. Khi gia đình ông Hoan vào thăm viếng thì không thấy phần mộ nào có tên Hoàng Thị Minh. Trực tiếp hỏi Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh, gia đình ông Hoan được biết, quá trình cất bốc, di chuyển về nghĩa trang huyện, đội quy tập đã bất cẩn để lẫn lộn hài cốt của liệt sĩ Minh với hài cốt của 2 liệt sĩ khác là Trần Quang Hợp, quê Kiến Thụy, Hải Phòng và liệt sĩ Phạm Hoàn, công ty xây dựng số 8. Vì không xác định được chính xác danh tính của 3 liệt sĩ nên khi mai táng, Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh buộc phải gắn lên các phần mộ tấm bia mộ vô danh.
Quá trình tìm hiểu, gia đình ông Hoan xác định phần mộ của 3 liệt sĩ nêu trên nằm lần lượt ở các vị trí số 7, 451 và 455 thuộc ô số 1 của nghĩa trang huyện. Không được phép tiến hành khai quật mộ lấy mẫu thử ADN, gia đình ông Hoan đã nhờ đến phương pháp ngoại cảm và xác định ngôi mộ số 7 là của liệt sĩ Hoàng Thị Minh.
Bất ngờ năm 2008, các phần mộ vô danh nói trên được gắn bia của 3 liệt sĩ khác. Cụ thể, ngôi mộ số 7 là liệt sĩ Lê Đức Lợi, quê Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; ngôi mộ số 451 là liệt sĩ Chu Văn Thao; ngôi số 455 là liệt sĩ Trần Văn Hỉnh, quê Kỳ Lợi, Kỳ Anh.
Quá sửng sốt, gia đình ông Hoan đã đến từng nhà thân nhân ba liệt sĩ có tên nêu trên để làm sáng tỏ mọi chuyện. Lúc này mộ liệt sĩ Lê Đức Lợi được gia đình công nhận, trong khi hai ngôi mộ còn lại không được thân nhân thừa nhận.
Gia đình ông Hoan vẫn hương khói cho ngôi mộ số 7 nhưng bất ngờ năm 2008, ngôi mộ này được gắn tên liệt sĩ khác.
Hai ngôi mộ này không được thân nhân liệt sĩ công nhận
Gia đình ông Hoan khẳng định, người nằm dưới ngôi mộ số 7 không phải là liệt sĩ Lê Đức Lợi. Cụ thể, Phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh không lưu bất kỳ hồ sơ nào về việc tiếp nhận hài cốt liệt sĩ Lê Đức Lợi. Việc gia đình Lê Hồng Đức khẳng định đã đưa hài cốt liệt sĩ Lê Đức Lợi từ Campuchia về nước năm 1983, sau đó đưa về quy tập tại nghĩa trang nhà nước huyện Kỳ Anh năm 1988 là không thể; bởi thời điểm năm 1983, chiến tranh tại chiến trường Campuchia đang rất ác liệt, khó có thể đưa hài cốt liệt sĩ về. Còn năm 1988 Bộ LĐ-TB&XH chưa có chủ trương cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ hồi hương.
Theo đơn của gia đình ông Hoàng Đình Hoan, sự bất cẩn của đội quy tập Phòng LĐ-TB&XH Kỳ Anh cùng những tranh chấp phần mộ số 7 khiến gia đình ông phải trải qua chuỗi ngày gian nan đi tìm phần mộ cho người cô ruột. Gia đình ông có nguyện vọng được giám định ADN hài cốt nằm dưới mộ nhưng chưa được giải quyết.
Chậm xử lý vì không được “trao gậy” giải quyết
Sáng ngày 9/4, PV Dân trí đã cùng gia đình ông Hoàng Đình Hoan có mặt tại Hà Tĩnh để tìm hiểu vụ việc. Khi chúng tôi ghé qua nghĩa trang Chào ở xã Kỳ Thọ, phát hiện hai phần mộ số 451 và 455 gắn tên hai liệt sĩ Chu Văn Thao và Trần Văn Hỉnh trước đó đã được gỡ bỏ, thay vào đó lại là liệt sĩ chưa rõ tên tuổi.
Hai phần mộ số 451 và 455 lại là liệt sĩ chưa rõ tên tuổi
.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Hảo, quyền Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Anh thừa nhận sai sót của đội quy tập cũng như Phòng LĐ-TB&XH huyện khi bất cẩn để lẫn lộn hài cốt các liệt sĩ. Ông Hảo cũng khẳng định, nguyện vọng xác minh rõ phần mộ của gia đình ông Nguyễn Văn Hoan là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc chậm xử lý là do Phòng LĐ-TB&XH huyện không đủ thẩm quyền xử lý vụ việc này.
Ông Nguyễn Văn Hảo trao đổi về vụ việc
“Chúng tôi rất muốn giải quyết dứt điểm để các gia đình yên tâm hương khói. Đã để hai gia đình tranh chấp (liệt sĩ Hoàng Thị Minh và liệt sĩ Lê Đức Lợi) tự thỏa thuận về việc lấy mẫu tro cốt đi xét nghiệm ADN để xác định hài cốt nhưng hai gia đình không thống nhất được. Khi hai gia đình không thống nhất được với nhau thì Phòng không thể giải quyết theo hướng xét nghiệm ADN, bởi cho đến lúc này theo tôi được biết, Bộ chưa có văn bản cho phép lấy mẫu ADN đi xét nghiệm mà chưa có sự đồng ý của các bên liên quan” - ông Hảo cho hay.
Ông Hảo cũng cho biết, vụ việc chậm được xử lý có một phần lỗi của cán bộ đi trước, vì thế ngay sau khi được huyện giao quyền, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện vào tháng 12/2012, ông đã tham mưu cho lãnh đạo huyện có văn bản gửi Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho phép huyện tiến hành khai quật các phần nêu trên để giám định ADN.
“Công văn đã được UBND huyện Kỳ Anh gửi ra Bộ LĐTBXH vào đầu tháng 3. Chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc của Bộ”- ông Hảo cho biết thêm.
Lý giải lý do Phòng bất ngờ gỡ bỏ hai tấm bia ghi tên hai liệt sĩ Chu Văn Thao, Trần Văn Hỉnh, ông Hảo thừa nhận có sự sai sót nên Phòng đã gỡ bia để sửa sai.
Văn Dũng - Huy Thái
Theo dantri.com.vn