Sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Đường Hồ Chí Minh xuyên qua đại ngàn Trường Sơn thâm u. Núi ở đây vách dựng đứng, để mở con đường này quả thật là tốn kém, liên tục nhiều nơi đất lở đá xô, xe đi lại rất ít gặp nhưng gặp rất nhiều các đội sửa đường. Có lẽ vùng A Lưới là đỉnh cao nhất của Trường Sơn. Xe chúng tôi từ Đông Trường Sơn xuyên sang Tây Trường Sơn. Núi non hiểm trở trùng điệp và hùng vĩ, có đi trên đỉnh Trường Sơn mới thấy sự hy sinh gian khổ của quân cán đường dây 559, mới thấy được cái lớn lao của cuộc chiến tranh vệ quốc thống nhất non sông. Buổi trưa dừng ăn cơm ở thị trấn Khâm Đức. ở đây chúng tôi được thưởng thức món rau Lủi luộc. Loại rau này ăn rất mát , có vị hơi chua và mùi thơm của trái xoài non, và cũng chỉ có vùng này mới có. Buổi chiều, xe chúng tôi qua đèo Lò So để tới Kon Tum. Mãi đến 7 giờ 30 phút chúng tôi mới đến Buôn Hồ, Vợ chồng nhà Lý Thu săn đón thầy Phước Ấn, chả là thầy đã từng tìm được cho họ mộ ba người thân, Lý là người Hà Tĩnh bỏ công nhân vào đây làm ăn từ năm 1981, hiện vợ chồng họ có một cây xăng và hơn 2 Ha cà phê. ăn cơm xong thì đã 9 giờ. Khách sạn ở Buôn Hồ 100.000 đồng một giường, phòng to rộng, tiện nghi không kém gì khách sạn 4 sao.
Km số 0 đường mòn Hồ Chí Minh- thị trấn Tân Kỳ.
Sáng ngày mùng 5 tháng 7, Lý đến khách sạn đón thầy Phước Ấn, đoàn chúng tôi trả phòng đi ăn sáng. Ăn xong quay lại nhà Lý đón thầy thì thầy do mải nói chuyện với gia đình nên chưa kịp ăn gì. Dù vậy xe vẫn phải đi. Ở Đắk Min có chú Cảnh là quân sỹ của tôi trước kia gọi điện liên tục để được đón chúng tôi vào chơi nhà. Xe chạy qua cầu 14 là sang đất tỉnh Đăk Nông, chạy thêm khoảng 40 cây số nữa thì gặp Cảnh đứng đợi ở ven đường. Cảnh có một chiếc xe FoEket tự lái dẫn xe chúng tôi vào nhà, nhà Cảnh cách đường 14 khoảng 3 km. Cảnh có trên 15 ha cao su và hồ tiêu, vợ Cảnh còn buôn bán bất động sản nên gia cảnh rất khá, mỗi một ha vườn ở đây có giá từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Trước sân nhà chú Cảnh
Mặc dù mới có 9giờ 30 nhưng đoàn chúng tôi vẫn phải ăn cơm với bố con Cảnh. Vợ Cảnh đưa con ra bắc gọi điên về trách bác Sơn không báo trước để lui chuyến đi lại ở nhà tiếp bác. Trên nóc tủ còn thấy giấy khen của hội chữ thập đỏ xã Đăk N,DRót khen vợ Cảnh. Thế là rất mừng cho vợ chồng Cảnh. Đoàn tiếp tục lên đường, từ đây vào đường bằng phẳng, hai bên trồng toàn cao su. Đến dốc Cây Chanh thuộc Bình Phước chúng tôi tạm nghỉ, quán nước ở đây dưới tán cao su và được bố trí rất nhiều võng cho khách nằm nghỉ tạm. Chúng tôi mua 3 quả mít Tố lai mất 15 ngàn đồng , bổ ra bóc cái lõi là múi bám theo, ăn như mít mật nhưng rất thơm, quả là một lòai đặc sản.
Mít Tố Lai tại quán dốc Cây Chanh - Bình Phước
Xe chạy trên đường 13 to rộng mênh mông, đến thị trấn phố huyện Bình Long thì rẽ sang đường đi Tây Ninh, từ đây đến Kà Tum, Cao su hai bên đương khép tán vào nhau như một mái vòm che mát con đường thẳng tắp như kẻ chỉ. Đoàn chúng tôi đến Kà Tum lúc 5 giờ 30. ăn cơm tối tại nhà chị Hoàng Thị Tơ, sau đó chạy 15 cây số ra thị trấn phố huyện Tân Biên tìm nhà nghỉ. Nhà nghỉ ở đây 200 ngàn đồng một phòng có một giường đôi và người nào cũng phải nộp giấy tờ tùy thân. chủ nhà nghỉ giải thích là do đây là huyện có biên giới nên quy định ngặt nghèo. OK! Phòng ốc cũng khá tinh tươm nhưng hơi hẹp.
Sáng nay, ngày 6 tháng 7, đoàn chúng tôi lên đường sang Cam pu Chia. Địa danh cần đến của chúng tôi là Phum (ấp) Thơ Mây Thường cắt (xã ) Cà Chay Grốc ( huyện) Mi Mốt tỉnh Công Pông Chàm. thuê 8 chiếc xe ôm chở người và dụng cụ, những người xe ôm này cũng là người làm nhiệm vụ đào tìm. mỗi một xe như thế phải trả 350 ngàn đồng mỗi ngày. Trạm biên phòng 819 không cho 6 người chúng tôi là người từ tỉnh khác qua. Nguyên tắc ở đây là chỉ cho người ở 2 xã giáp biên qua lại. Người sỹ quan trực ban gọi điện cho Sếp xin ý kiến mãi không được, đến khi gặp được Sếp thì sếp bảo phải có giấy bảo lãnh được chính quyền xã sở tại xác nhận. Thế là lại phải quay về xã để xin thủ tục. Chờ đợi mãi rồi cũng được qua, qua được hai chốt của 2 nước xem đồng hồ thấy kim chỉ 9 giờ 35 phút. Đi được một đoạn lại bị 2 bộ đội biên phòng Campuchia chặn xét, họ lại không đồng ý việc viết chung cả đoàn người trên một giấy biên lai thu tiền mà ở ngoài trạm cửa khẩu đã làm. Tôi nhắc Vinh bồi dưỡng cho họ ít tiền, y như rằng là họ cho đi.
Mi Mốt-Rừng cao su mênh mông bạt ngàn, biết mộ cha nằm ở nơi đâu?
Nơi chúng tôi đến là một vạt đồi cao su, chủ vườn là một ông già cỡ ngoài sáu mươi tuổi nhưng khỏe mạnh. Nhờ những người Miên sở tại, chúng tôi tìm được cái giếng hình vuông bằng bê tông- vật duy nhất làm mốc chuẩn. Từ đây sẽ xác định các vị trí khác. Theo trí nhớ của bà Ba và các em tôi, thầy sư Phước Ấn chỉ vị trí cần tìm. Ở đây, đầu tiên là một cháu trong đoàn gọi là Đen( tên thật cháu là Phạm Minh Tâm) để được quả trứng trên đầu đũa, sau đó là nhà sư rồi đến cô em tôi cũng để được trứng trên đầu đũa. Tôi loay hoay mãi mà vẫn không để được. Đào bới hết buổi sáng chả tìm được gì, cho thấy việc cắm đũa đặt trứng chỉ là trạng thái cân bằng không bền, đặt khéo thì được chứ không phải hiện tượng tâm linh gì. Mãi tới 12 giờ 30 phút đoàn mới nghỉ ăn cơm trưa.
Cái giếng bê tông hình vuông- vật mốc còn lại để xác định vị trí
Buổi chiều nhà sư đi khấn tìm đứa em gái tôi. Ông gọi cho tôi yêu cầu điều người xuống đào vì ông nói đã nhìn thấy em gái tôi đứng đó. Đào đến 3 giờ chiều vẫn chẳng thấy gì. Trời phía tây nam sấm chớp đì đùng, tôi cho mọi người nghỉ ra về vì sợ rằng trời mưa xuống thì sẽ không ra được khỏi rừng cao su vì đường sẽ trơn trượt xe máy không thể đi được. Về tới nhà chị Tơ còn sớm. Nhà sư cùng chị Tơ ra nhà chùa gặp sư Miên. Nhà sư Miên bầy cho sư Phước Ấn một số thủ tục theo phong tục của người Miên, chúng tôi gửi nhà sư Miên một ít tiền nhờ nhà sư đến tối sẽ làm lễ bằng tiếng Miên. Chúng tôi lại quay ra thị trấn phố huyện Tân Biên để nghỉ. Kết thúc ngày đầu sang đất Miên tìm mộ bố. Phải nói rằng tôi thật sự thất vọng. cái rừng cao su mênh mông bao la như thế, hỏi rằng bố mình nằm ở chỗ nào?
Ngày thứ hai, khi qua trạm biên phòng Việt Nam thì lại do một sỹ quan khác trực. Vinh vào trạm tìm người sỹ quan hôm qua, sau khi ăn cơm, người này ra nói với người sỹ quan trực ban nhưng anh này vẫn bắt Vinh chạy về đồn lấy ý kiến của lãnh đạo đồn. Chờ khoảng một giờ đồng hồ thì rồi cũng được qua. Phía trạm Campuchia họ không khó khăn gì, chỉ cần nộp tiền là qua dễ dàng. Đoàn lại vào hiện trường tiếp tục tìm kiếm. Riêng xe chở tôi và chị Tơ thì đi vào ấp đến nhà ông chủ tịch Phum. Chủ tịch Phum Thơ Lây là một người trung niên khoảng 40 tuổi tên là Lon. Sau khi nghe chị Tơ trao đổi, Lon rút điện thoại gọi cho Tà (ông) Thơ Lây là chủ vườn cao su nhờ ông giúp đỡ. Tôi biếu chủ tịch Lon gói quà, ông vui vẻ nhận và thái độ rất thiện cảm.
(Còn tiếp)
Nguyễn Đức Sơn
Theo dson.vnweblogs.com