Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Hành trình sang Campost tìm cha ( Kỳ 3 )
timnguoithatlac.vn- 29/4/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hôm nay, Thầy Phước Ấn yêu cầu dùng thước dây và la bàn đo khoảng cách cẩn thận. Vị trí xác định ngày hôm nay cách vị trí ngày hôm qua có tới 100 mét. Sau khi làm lễ, chúng tôi bắt đầu cho đào. Buổi sáng, chúng tôi chỉ đào hai vị trí rồi nghỉ. Mọi người xuống bìa rừng đi ăn cơm. Thầy Phước Ấn không ăn mà ngồi một mình trên đỉnh đồi. Khoảng 1 giờ sau thầy xuống núi và nói đã tìm ra mộ. Vị trí thầy chỉ là một khoảng đất nằm chính giữa hai hàng cao su, khoảng đất này hơi trũng xuống như hình một cái huyệt. Linh cảm mách bảo tôi đúng đấy là mộ bố mình rồi

12h35p chúng tôi bắt đầu đào. 12h57p, cháu Đen phát hiện mầu đất đổi sang mầu đen, 13h07p, cái thuốn của ông Bảy Thương kéo lên được một mẩu mầu đen dài khoảng 2cm. Bóp thấy chẩy nước và khi xé ra thì xác định đấy là một mẩu tre.  Lại nói về cây thuốn của ông Bảy -  Thiếu tá Huỳnh Thương, chủ tịch hội cựu chiến binh xã Tân Đông. Ông có cây thuốn bằng thanh sắt 12 li được đánh hai cái ngạnh ở đầu, hai cái ngạnh này có thể kéo từ dưới đất lên những vật mà người tìm kiếm cần nghiên cứu. Với cái thuốn này, ông đã cùng bạn bè tìm được 477 hài cốt của đồng đội.


 Từ trái sang: vợ tôi, bà Em Khòn, tôi, thiếu tá Huỳng Thương, cô Chang, chị Tơ và cháu Tuấn

Do những người đào tìm đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đi tìm hài cốt nên bắt đầu từ đây việc hót đất được tiến hành rất thận trọng. Từng lớp đất mỏng được hớt lên. 13h15p, chúng tôi phát hiện ra một mảnh sắt rỉ. Mảnh hài cốt đầu tiên chúng tôi tìm được là một cái răng hàm, cái răng này lại nằm ở phía đồi thấp, như vậy thì mộ sẽ là đặt đầu xuống phía chân đồi, điều này có vẻ hơi ngược. Nhưng theo cô em tôi nói thì đúng là đặt đầu xuống phía dưới vì khi chôn bố tôi gia đình hướng đầu quay về phía núi Bà Đen, đấy là tổ quốc Việt Nam. Tôi ngước mắt nhìn sang phía Đông Nam, đúng là nhìn thấy ngọn núi Bà Đen xanh mờ phía chân trời.

Sau đó chúng tôi nhặt được rất nhiều những mảnh xương đã vón cục tròn tròn. Các cháu nhỏ người Miên cũng rất nhiệt tình tìm nhặt giúp chúng tôi, chúng nhặt được một vốc to so với bàn tay của chúng những mẩu xương vụn. Di vật chúng tôi thu lượm được ngoài hài cốt ra còn có: những mảnh tre đen, những mảnh sắt gỉ, những mẩu ni nông vụn. Đến đây, chúng tôi đã khẳng định chính xác là mộ bố tôi. Khi bố tôi mất, Người được khâm liệm bằng một mảnh vải mưa mua ở chợ Cà Chay, quấn bên ngoài là hai mảnh tôn có mấy thanh tre đặt dọc theo thi hài bó lại. Vị trí theo lời bà mẹ kế tôi nói tính từ cái giếng bê tông vuông đi về phía bắc 20 mét, quay sang phía đông chừng 400 mét là nhà ở. Khi ông chết, được khiêng chéo về phía tây tây bắc khoảng 70 mét, chôn cạnh mấy bụi tre non. Theo lời cô em tôi thì nhà ở phía bên trên một rặng tre, và rặng tre thì đến nay vẫn còn. Như vậy vị trí ngôi nhà bố tôi ở là ranh giới giữa vườn cao su và vườn điều. Chỉ có một yếu tố khác là nó chỉ cách cái giếng 300 mét chứ không phải 400 mét như bà mẹ kế tôi nói. Điều đó cũng dễ hiểu, vì chạy loạn chiến tranh, chỉ ở đó có 7 tháng, khoảng cách chỉ là áng khoảng làm sao cho chính xác được. Người đầu tiên tôi gọi điện thông báo là mẹ tôi, tôi vốn cứng rắn nhưng khi sóng bắt được liên lạc thì tôi không nói được mà chỉ khóc, và đầu dây bên kia mẹ tôi cũng khóc, có lẽ không cần nói mẹ tôi cũng đã đã biết được tin mừng. Có thể phải đến 2 phút sau tôi mới nói được những lời cần nói. Tôi không dám gọi cho người thân nữa vì sợ rằng lại khóc. Đến lúc này, chị Tơ và chị Hoa là người phiên dịch nói thạo tiếng Miên giới thiệu một người đàn bà Miên và nói: Chính bà này đã dắt tay thầy Phước Ấn chỉ ngội mộ. Lý do là mỗi lần đi làm qua đây bà đều thấy cái cây kia nó rung rinh, bà nói rằng nó không phải là một cái gốc cây chết mà là một cái cọc đánh dấu mộ chôn người. Đến lúc này chúng tôi mới để ý tới cái gốc cây chết. Chúng tôi nhổ thử thì thấy đúng là một cái cọc được chôn xuống chứ không phải cái gốc cây, và còn phát hiện thêm lúc đào bới cũng có mấy cái cọc nằm dưói đất nữa. Thì ra chủ rẫy sau này có chôn 4 cái cọc xung quanh mộ để đánh dấu, nay còn một cái vẫn còn cao đến hơn một mét. Đến lúc tìm ra mới thấy thật đơn giản. Và theo bà Em Khòn ( người đàn bà chỉ mộ ) thì phía trên đỉnh đồi này chỉ có một ngôi mộ, còn những ngôi mộ khác đều được chôn ở phía dưới chân đồi. Điều đó càng khẳng định ngôi mộ chúng tôi tìm được chính xác là mộ bố tôi.

Sau khi khâm liệm bố tôi xong, thầy Phước Ấn cho đào thêm một hố tìm cô em tôi nhưng không thấy gì, trời đã về chiều, chúng tôi lại phải quay về Việt Nam. Bác Bảy Thương bảo đưa bố tôi về nhà bác vì nhà bác vẫn thường để hài cốt đồng đội, không kiêng kỵ gì. Nhưng tôi thấy áy náy và quyết định đưa bố tôi về chùa thầy Phước Ấn ở Đồng Nai. Cô Chang em tôi  tỏ ý không vừa lòng và có ý trách tôi là chỉ lo tìm bố không quan tâm gì đến chị cô. Tôi không có thời gian giải thích, mặc cô em vùng vằng tôi cùng thầy Phước Ấn lên xe ra thị trấn đón Khoái rồi chạy thẳng về Đồng Nai. Gửi bố tôi vào chùa xong chúng tôi quay ngay lại Kà Tum, sau khi qua cầu Sài Gòn thì chúng tôi đi lạc loanh quanh mất một đoạn và đến 2 giờ sáng thì đến Kà Tum, vào nhà chị Tơ ngủ tạm. Sáng ngày 8 tháng 7 chúng tôi lại lên đường sang Cam Pu Chia tìm cô em gái, lúc này Chang mới hiểu và vui vẻ lên đường. Chị Hoa là người có vườn chuối ngày xưa nơi chôn em gái tôi đã khẳng định vị trí trùng khớp với thầy Phước Ấn. Nhưng có một người Miên nói rằng anh ta đã từng thuốn củ mài kéo lên được cả vải ni lon và xương người dịch vào phía trong khoảng 5 mét. Buổi sáng, chúng tôi đào được 5 hố rồi nghỉ ăn cơm. Hai cô em tôi là Chang và Giang thì hoang mang chỉ địa điểm lung tung lúc chỗ này, lúc chỗ kia do khi ấy các cô còn nhỏ vả lại thời gian đã quá lâu nên trí nhớ mông lung không rõ ràng. Buổi chiều chúng tôi lại tiếp tục đào. Thầy Phước Ấn gọi điện sang vẫn khẳng định là mộ em tôi chỉ ở quanh gốc cây mít. Thầy yêu cầu đào một hố liền với cái hố đào hôm qua nhưng lùi vào phía trong, vẫn không thấy gì, thầy lại gọi sang bảo chờ thầy ít phút để thầy tịnh tâm coi lại. Sau khoảng 10 phút thầy gọi sang bảo đào thêm một hố liền với hố vừa đào nhưng dịch lên phía trên. Thầy bảo đào xong hố ấy là về được đấy. Đó là lần đào thứ mười trong ngày. Mấy tay thợ đào tán rằng: Thầy chỉ được cái nói đúng, đúng là đào thêm một cái hố này nữa thì chúng tôi cũng bắt buộc phải về vì đã hơn 3 giờ, 5 giờ phải qua biên giới về Việt Nam. Không ai tin là dưới có mộ vì lớp đất trên mặt rất cứng. Thầy Phước Ấn gọi sang cũng nói là đất cứng nhưng cứ đào đi, chắc chăn là chỉ đào thêm lần này nữa là sẽ về được. Đúng y như rằng, đến độ sâu khoảng 60 phân thì gặp lớp đất đổi màu đen, theo kinh nghiệm của ông Bảy và các thợ đào thì chính xác đây là hài cốt. Do đã 38 năm lại khi chết cô em tôi mới có 14 tuổi nên xương cốt không còn, chỉ còn lại lớp đất màu đen này thôi. Từ trước đến nay tôi vẫn nghi ngờ và không mấy tin vào những câu chuyện kể về các nhà ngoại cảm, kể cả những người nổi tiếng như Phan Thi Bích Hằng, tôi cho rằng người đời cứ thêu dệt ra cho nó li kỳ vậy thôi. Qua diễn biến của hành trình tìm mộ bố tôi lần này, thực sự tôi tin rằng có một sức mạnh tâm linh chỉ dẫn và khả năng ngoại cảm của con người. Thầy Phước Ấn là một trong những người có khả năng ấy.

Nguyễn Đức Sơn

Theo dson.vnweblogs.com

Các tin khác