Ngay tối ngày mồng 8 tháng 7, chúng tôi rời Kà Tum đưa hài cốt cô Hà-em gái tôi về Lộc Ninh. Cô Chang và cô Giang đi xe máy bị lạc đến tận thị xã Tây Ninh mới phát hiện ra, thế là mất không một quãng đường chừng 60 Km nên đến tận 10h mới về đến nhà. Đêm đó, anh em chúng tôi mặc dù rất mệt nhưng do hưng phấn tinh thần nên chạm chén liên tục.
Ngày mùng 9 tháng 7, xe chúng tôi đi trước, đến Xa Kát rẽ vào thăm nhà bà Ba Bách. Chồng Bà Ba Bách tên là Trần Xuân Phùng, cùng làm việc với bố tôi ở Xa Kát trước đây. Ông cũng là người từ Hải Dương vào, ngoài Hải Dương cũng đã có vợ con. Người con trai lớn của ông ngoài miền Bắc tên là Trần Anh Quế, từng đảm nhận chức Bí thư huyện ủy huyện Cẩm Giàng, nghỉ hưu năm 2006. Bà Ba Bách và các con bà vô cùng vui mừng khi đón tiếp chúng tôi, bà hồ hởi và coi tôi như con cái trong nhà, bà kể chuyện về Ký Phong (bố tôi), về hoạt động của chồng bà , về chạy loạn năm 1972 sang Campost, bà nói rất nhiều và rất say xưa, xem ra trước đây bố tôi cũng là người được nhiều người trong đồn điền cao su Xa Kát yêu mến. Tôi nhìn lên tường nhà, thấy treo rất nhiều huân chương của ông Phùng, ông Phùng vốn dĩ cũng là Đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương được cử từ ngoài miền bắc vào.
Gia đình bà Ba Bách
Tôi thuê một chiếc xe ô tô 16 chỗ ngồi đưa bà mẹ kế và đoàn các anh em con cháu từ Lộc Ninh (Bình Phước) xuống chùa để thắp hương tiễn biệt bố tôi về ngoài miền Bắc. Thầy Phước Ấn lại đi tìm mộ liệt sỹ ở Đồng Tháp nên nhờ một nhà sư đệ tử từ Sài Gòn lên đọc kinh làm lễ. Làm lễ cầu siêu cho cha tôi còn có Ni sư Huệ Thiện là người cùng ở chùa với thầy Phước Ấn. Chùa thầy Phước Ấn có tên là chùa Gò Đá. Thực ra đây chưa phải là một cái chùa mà chỉ là một tịnh xá nhưng người dân trong vùng quen gọi là chùa, chùa được làm trên một cái gò đá bên cạnh một cái hồ nên gọi là Chùa Gò Đá, chùa chỉ có hai nhà sư là sư Phước Ấn và ni sư Huệ Thiện. Thỉnh thoảng chùa lại nuôi thêm các đệ tử rồi cho đi học để thành nhà sư chính thống. Sư Huệ Thiện vốn dĩ xuất thân từ nghề sư phạm, cô giáo dạy văn nên hiện nay sư Huệ Thiện là biên tập viên một tờ báo của hội Phật Giáo. Ni sư Huệ thiện là một người rất nhanh nhẹn, vui vẻ, hay cười, rất có cảm tình với chúng tôi.
Bà mẹ kế của tôi và các con cháu vốn theo đạo công giáo nhưng cũng vẫn cùng ngồi chịu nghe đọc kinh cầu siêu cho cha tôi tại chùa. Buổi tối chúng tôi về nghỉ tại nhà bà chị ruột tôi. Từ hôm đưa cha tôi về chùa, bà chị tôi thường xuyên có mặt ở chùa. Bà chị tôi vốn dĩ cũng là một đệ tử chăm chút việc chùa chiền, thường ăn chay vào các ngày sóc, vọng. Nhà chị tôi ở Thủ Đức, trong khuôn viên trường Đại học Nông Lâm. Về đến nhà chị tôi thì chú Thành bàn giao việc lái xe cho cháu Lâm để vào quận Bình Thạnh thăm anh em.
Cháu Lâm bay từ bắc vào để cùng chú Thành thay phiên nhau lái xe đưa bố tôi về. Chúng tôi quyết định nghỉ một ngày mùng 10 tháng 7 lấy sức trước khi khởi hành ra về. Sư Phước Ấn dẫn chúng tôi đi lên chơi miệt vườn Lái Thiêu. Trên đường đi nhà sư đưa chúng tôi vào thăm chùa Hoàng Ân Cổ Tự nói là để cho các con được xem Xá Lợi của nhà Phật. Vào đến chùa gặp Ni sư trụ trì- Sư Huệ Tâm cho biết là thầy trò chúng tôi rất hên, hôm nay nhằm đúng vào ngày nhà chùa làm lễ nghinh đón Xá Lợi từ Mi An Ma về. Lễ nghinh đón lần này do nhà doanh nghiệp Kim Lan ở Sài Gòn thay mặt nhà chùa sang Mi An Ma thỉnh Xá Lợi Phật. Chúng tôi vào trong chùa, Ở đây đã được trưng bày rất nhiều Xá Lợi của nhiều vị Bồ Tát. Không hiểu sao một chùa không lớn lắm như Hoàng Ân Cổ Tự mà lại đã có nhiều Xá Lợi Phật đến thế. Nhớ hồi đầu năm chùa Bái Đính nghinh đón ba viên Xá Lợi Phật và 6 viên Xá Lợi Cao Tăng về chùa mà người đổ đi xem làm tắc đường tới mấy cây số. Xem ra đạo Phật ở miền Nam phát triển hơn nhiều so với miền Bắc. Do tắc đường, xe bà Kim Lan đến hơi muộn so với dự kiến. Xá Lợi được đặt trong hai cái mâm đầy hoa đưa từ xe vào sảnh đường. Các Ni sư của chùa và các ni sư từ các nơi khác đang học Hạ ở chùa sếp hàng chính giữa, còn đám đệ tử chúng tôi thì sếp hàng ở hai bên.
Bắt đầu hành lễ. Ni sư Huệ Tâm đứng trên điều hành các sư đọc kinh, sau buổi đọc kinh, Ni sư Huệ Tâm còn đọc một bài thơ. Sư Huệ Tâm cũng còn là một nhà thơ. Theo Sư Phước Ấn cho biết, sư Huệ Tâm vốn xuất thân từ một gia đình sang trọng, sau khi cha mẹ mất, bao nhiêu tài sản nhà sư dồn hết cho việc xây dựng nhà chùa. Chùa Hoàng Ân Cổ Tự vốn chỉ có ni sư, sư làm việc ở đây chỉ có hơn một chục nhưng chùa lại còn là một trường học nên thường xuyên có hàng trăm các ni sư từ các nơi khác đến học. Hôm nay, có khoảng 100 người phần lớn là các ni sư được phát ngọc Xá Lợi. Chúng tôi đúng là những người may mắn vô cùng. vợ chồng tôi, chú Khoái và Lâm mỗi người cũng được phát một viên. Viên ngọc của chúng tôi được phát là Xá Lợi của ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát. Ngài Mục Kiền Liên chủ trách về việc hiếu lễ và hòa thuận. Tôi còn lo chụp ảnh lấy hình tư liệu nên thiếu chút nữa là không được, may nhờ có ni sư Huệ Thiện kéo sư Huệ Tâm quay lại thì tôi mới được phát Xá Lợi. Thế là mặc dù đi suốt hành trình với nhau nhưng hôm nay Thành lại không có cái duyên để được ngọc. Sư Phước Ấn cho biết, có nhiều nhà sư tu hành cả đời chưa chắc đã có được một viên Xá Lợi. Xá Lợi Phật phải được thờ phụng chăm chút và thành tâm hướng thiện, nếu không nó sẽ bị tiêu đi còn nếu chăm chút và thành tâm, làm nhiều việc thiện thì Xá Lợi sẽ lớn lên và còn đẻ thêm ra các viên khác, đó là điều đặc biệt khác thường.
Các tháp đặt Xá Lợi Phật thỉnh từ Mi An Ma về
Vợ tôi thụ nhận ngọc Xá lợi ngài Mục Kiền Liên Bồ Tát.
Ngày 11 tháng 7, sau khi sư Phước Ấn cúng cơm cho cha tôi, nhà chùa chiêu đãi chúng tôi mỗi người một bát phở chay, chúng tôi chụp ảnh lưu niệm rôi khởi hành lên đường đưa cha tôi về quê hương miền Bắc. Xe chạy qua khu vưc Phong Nha Kẻ Bàng thì bị trạm chặn đường kiểm soát. Vợ tôi bảo là chở hài cốt thế là anh cán bộ Kiểm Lâm kéo ngay valie cho chúng tôi đi không cần có ai phải xuống xe. Đến đoạn giáp ranh giữa Nghệ An và Thanh Hóa lại bị cảnh sát giao thông chặn xe. Cháu Lâm xuống xe và được người sỹ quan cho biết là mắc hai lỗi: chạy quá tốc độ và dẵm vạch. Cháu Lâm bảo là chở hài cốt cần đi nhanh cho kịp giờ, người cảnh sát hỏi thế chở hài cốt thì rượu đâu, giấy tờ đâu? Nhưng sau đó anh ta cũng cho xe đi ngay. Chắc chẳng có ai lại dại gì mà giữ xe chở hài cốt. Về đến ngã ba Ba La thì bị tắc đường do nước ngập. Cả Hà Nội nước ngập nhiều nơi do mới có một trận mưa to hồi sáng. Thủ đô một ngàn năm văn hiến chưa thoát khỏi cảnh ngập lụt,việc cải tạo hệ thống tiêu thoát nước còn là một bài toán chứa nhiều ẩn số. Chúng tôi về đến làng vào hồi 14h15p ngày 13 tháng 7 năm 2010. ở đây người nhà con cháu đã đón đông đủ. Có hai ni sư là đệ tử của sư Phước Ấn cũng đã được mời đến để làm lễ cho cha tôi. Hai ni sư này một người tên là Chúc Tiến một người tên là Tuệ Trí đều vừa tốt nghiệp Đại học Phật giáo Sóc Sơn ra. Một cái lán được dựng tạm cạnh nghĩa trang để làm nơi cho các nhà sư làm thủ tục cho cha tôi đưa vào mộ đã được xây xong phần bể dưới.
Sau khi đưa hài cốt cha tôi vào mộ, các nhà sư còn về nhà tôi để tiếp tục làm lễ cầu kinh niệm phật, hai nhà sư còn quay lại vào ngày 15 tháng 7 làm lễ mở cửa mả sau khi gia đình tôi xây xong ngôi mộ cho cha tôi.
Lúc mới vào nam, năm 1953 còn được viết bằng thư chưa phải dùng bưu thiếp, trong một lá thư gửi mẹ tôi, cha tôi có nhắc đến lời một bài hát của nhạc sỹ Hoàng Giác( Mộng Long): " Tung cánh chim tìm về tổ ấm, nơi sống bao ngày giờ đằm thắm, nhớ phút chia ly ngại ngùng lúc ra đi, luyến tiếc bao nhiêu ngày xanh...". Đó cũng là nguyện vọng của tất cả những người viễn xứ.
Thế là sau 57 năm lưu lạc, cha tôi đã được chúng tôi đưa về quê hương, chỉ có điều khi đi ông còn là một thanh niên to khỏe đẹp trai, còn khi trở về thì đã là người thiên cổ. Bất giác tôi nhớ lại câu ca dao và xin sửa lại hai từ cuối của câu tám như sau:
Cao su đi dễ khó về
Khi đi trai trẻ khi về khói hương.
Chụp ảnh kỷ niệm tại chùa Gò Đá
Nguyễn Đức Sơn
Theo dson.vnweblogs.com