Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Hành trình tìm liệt sĩ: Ai là tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”? - Bài 6
timnguoithatlac.vn - 22/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

Bài 6: Xuôi về miền Tây

Tạm biệt các nhà giáo kháng chiến, chúng tôi trở về Bình Dương để chuẩn bị cho kế hoạch họp lớp mà cô Thu Vân đã đề xuất, thì bất ngờ tiếp nhận một thông tin từ Bộ Giáo dục - Đào tạo: “Có một nhà giáo quê ở miền Tây, tên N.T.T., hy sinh năm 1966 tại chiến trường miền Đông”. Mới đọc cái tên N.T.T., trong lòng mọi người đã sáng lên một niềm tin mãnh liệt, bởi trong trang đầu quyển nhật ký, chị cũng viết tắt tên mình bằng hai chữ T.T. Đầu tháng 11, chúng tôi nhanh chóng hành trình về miền Tây - điểm đến đầu tiên là huyện Cai Lậy, Tiền Giang.

Đất anh hùng

Từ Bình Dương đi ô tô khoảng 2 giờ đồng hồ, hết đường cao tốc đã thấy thấp thoáng thành phố Mỹ Tho, tọa lạc bên dòng sông Tiền nổi tiếng cùng với biết bao thăng trầm của lịch sử. Tiền Giang, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, phù sa sông Tiền đã vun đắp cho những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt quanh năm. Gạo Tiền Giang nổi tiếng thơm ngon. Du lịch nơi đây cũng rất hấp dẫn, đặc biệt là loại hình du lịch xanh ở cù lao Ngũ Hiệp, Tân Phong. Vùng đất trù phú, sông nước hữu tình làm nao lòng lữ khách và mãi mãi là cảm hứng của thi ca.

Từ Mỹ Tho, đi về phía Tây khoảng 30km đến huyện Cai Lậy - mảnh đất anh hùng với nhiều chiến công đánh giặc đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Cai Lậy đã lập nên những chiến tích rực rỡ. Năm 1961, nhân dân đồng loạt vùng lên diệt ác, phá kìm, giải phóng nông thôn. Vùng giải phóng ra đời đã đóng vai trò rất quan trọng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nổi bật có vùng giải phóng Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông ở phía bắc, vùng giải phóng “20 tháng 7” ở phía nam... Các trận đánh làm rạng danh Cai Lậy là chiến thắng Ấp Bắc (2-1- 1963), trận Ba Rài (15-9-1967)... Trừ Văn Thố, Đoàn Thị Nghiệp, Thái Thị Kiểu... là những tấm gương anh hùng sáng ngời trong lịch sử kháng chiến của huyện.

Tiếp chúng tôi tại Văn phòng Huyện ủy Cai Lậy, đồng chí Nguyễn Văn Nhã, Bí thư Huyện ủy tự hào kể: “Cai Lậy quê tôi trong chiến tranh có đến 4.000 liệt sĩ, nếu so với cả nước thì danh sách liệt sĩ đứng hàng thứ 3, tức sau huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và huyện Củ Chi (TP.HCM)”. Thật vậy! Hiện nay ở Cai Lậy có gần 400 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Máu xương của cha ông đổ xuống đã tô điểm lên những trang sử trên mảnh đất anh hùng này càng thêm chói lọi.

Do được báo trước về nội dung sự việc nên ông Nhã nhiệt tình ủng hộ. Mục đích của chúng tôi là được về làm việc tại xã M.P.T., nhằm truy lục danh sách liệt sĩ có tên N.T.T. theo thông tin của Bộ Giáo dục - Đào tạo cung cấp. Ông Nhã nói: “Tôi đã thông báo và lãnh đạo xã M.P.T. đã chuẩn bị đầy đủ thông tin, đang chờ các anh xuống”. Từ sự ân cần, tạo điều kiện của lãnh đạo huyện Cai Lậy, chúng tôi ai cũng có linh cảm sự việc đang dần sáng tỏ. Xuôi theo dòng kênh xanh, chúng tôi tranh thủ đến xã M.P.T., cách trung tâm huyện chừng 10km.

Kịch tính ở phút cuối

Thực ra, thông tin mà chúng tôi có được từ Bộ Giáo dục - Đào tạo bao gồm tổng cộng 810 nhà giáo trong cả nước hy sinh thời kháng chiến. Và chắc chắn, chị - tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” có tên trong danh sách này. Nhìn hơn 800 họ tên, chúng tôi rất vui mừng, nhưng vấn đề là làm cách nào để xác định được tên và địa chỉ của chị. Thế rồi, bằng phương pháp loại dần, khoanh vùng chúng tôi xác định: Những họ tên quê ở miền Bắc, miền Trung, Đông Nam bộ tạm gác lại, bởi ở các vùng, miền này đã được xác minh và không có kết quả. Chỉ còn lại các tỉnh miền Tây cần phải tìm hiểu, trước hết những ai là nữ chiến sĩ có họ tên như: Thu Thủy, Thanh Thủy, Thanh Tâm... được ưu tiên hàng đầu. Và, trong một buổi sáng tình cờ, lãnh đạo Báo Bình Dương đã phát hiện một trường hợp rất đáng lưu tâm trong tổng danh sách 810 liệt sĩ, đó là: “Liệt sĩ N.T.T. quê xã M.P.T., huyện Cai Lậy, Tiền Giang; nguyên giáo viên, hy sinh năm 1966 tại miền Đông”. Đây là lý do chúng tôi xuôi về miền Tây.

 
Đoàn gặp gỡ Bí thư Huyện ủy Cai  Lậy, Tiền Giang

Trụ sở xã M.P.T. nằm xen lẫn những vườn cây rợp bóng mát, khuôn viên xã có nhiều cây kiểng rất đẹp. Lãnh đạo xã ân cần tiếp đoàn và nghiêm túc vào việc ngay. Trước sự việc và thông tin về liệt sĩ N.T.T. mà chúng tôi cung cấp, các đồng chí trong xã đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc bằng tinh thần trách nhiệm cao. Sau một hồi trích lục hồ sơ thương binh liệt sĩ, các đồng chí cho biết: “Theo danh sách lưu trữ từ trước đến nay, tại xã M.P.T. không có ai là liệt sĩ tên N.T.T., nhưng có một liệt sĩ tên L.T.T., hy sinh năm 1966 tại miền Đông”. Trước diễn biết bất ngờ trên, chúng tôi bắt đầu tỏ chút băn khoăn nhưng cũng tràn đầy hy vọng. Vì, tên liệt sĩ xã cung cấp và tên của liệt sĩ mà chúng tôi đang tìm chỉ khác nhau một từ. Tức là, ở xã có danh sách liệt sĩ L.T.T., chúng tôi lại là N.T.T. Mọi chi tiết còn lại đều khá trùng khớp, đặc biệt, cả hai đều hy sinh tại chiến trường miền Đông. Vâng, trong chiến tranh việc gì cũng có thể xảy ra. Mọi người bắt đầu có suy nghĩ theo hướng: “Biết đâu danh sách họ tên từ Bộ Giáo dục - Đào tạo có chút nhầm lẫn, hoặc là giấy báo tử ghi sai hoặc là đơn vị ngày ấy đã sai sót lúc chị hy sinh... Những sự việc nhầm lẫn này trong chiến tranh là chuyện thường; ngay cả thời bình bây giờ mà vẫn còn “liệt sĩ” trở về đó thôi”. Với suy nghĩ như vậy, chúng tôi liền hỏi: Vậy thân nhân liệt sĩ L.T.T. này giờ ở đâu? Chúng tôi rất cần gặp. Đồng chí Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã M.P.T. thay mặt trả lời: “Không rõ, vì mấy năm nay không thấy người thân đến xã nhận chế độ chính sách. Chúng tôi hứa sẽ có thông tin cụ thể cho các anh trong thời gian sớm nhất...”. Ông Thảo chân thành nói vậy. Nhưng với lãnh đạo đoàn chúng tôi thì khác, không thể đợi xã đi xác minh mà phải tìm ngay. Vậy là, trong hành trình tìm liệt sĩ đã vất vả như “mò kim đáy bể”, nay lại phải tìm thêm thân nhân gia đình của liệt sĩ L.T.T., một người con của xã M.P.T. mà chúng tôi vừa tiếp nhận thông tin. Tuy sẽ khó khăn nhưng mọi người đều có niềm tin mãnh liệt và hình như có một sức mạnh vô hình nào đó đang thúc giục chúng tôi bước đi.

Trước lúc tạm biệt xã M.P.T., chúng tôi đề nghị xã giới thiệu cho gặp các cựu chiến binh lớn tuổi trong xã. Rất nhiều, nhưng ngẫu nhiên chúng tôi chọn ông Mai Văn Nghiêm, nguyên là cán bộ tổ chức của xã thời kháng chiến, năm nay 80 tuổi, ngụ tại ấp B.T. Tuy tuổi cao nhưng ông Nghiêm còn rất minh mẫn. Ông nói: “Trong xã này không có liệt sĩ N.T.T!”. Thế ông có biết liệt sĩ L.T.T. không, thân nhân, gia đình ở đâu mà xã không nắm được? Biết chứ, cha nó là bạn tôi mà, người thân nó ở tại ấp này nè. Kìa - cách nhà tôi khoảng 300m đó thôi. Tất cả chúng tôi đều thở phào, những đôi mắt sáng lên, hỏi tiếp ông Nghiêm: Thế chú có biết người trong ảnh này không? Trời, con nhỏ T. đây chứ ai! Chính tôi là người tổ chức cho chúng nó lên đường tòng quân mà...!

KIẾN GIANG – NHÂN QUANG

Theo baobinhduong.org.vn

Các tin khác