Tôi sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương của mẹ, trong tiếng ru ngọt ngào của bà, trong ánh mắt tự hào của ông nhưng so với những đứa trẻ cùng trang lứa khác, tôi không có cha bên cạnh.
Thuở ấu thơ! Tôi hình dung dáng hình của cha qua những câu chuyện của bà, của mẹ. Tôi đến trường với tấm bảng là mảnh gỗ mà mẹ hì hục đẽo cả đêm, chiếc thước do mẹ vót. Nhiều lần, tôi hỏi mẹ về cha, mẹ lặng im một hồi lâu rồi nói: “Cha con là sĩ quan quân đội, đi làm nhiệm vụ xa, nhưng lúc nào cũng nhớ về các con”. Mẹ cho tôi xem những lá thư cha viết từ thời cha mẹ yêu nhau, những dòng chữ đã nhòe theo thời gian nhưng trong ký ức của mẹ từng câu chữ đã được khắc ghi sâu đậm...
Mỗi dịp Tết đến, tôi thường ra con đường lớn, ngóng những đoàn xe hối hả về bến, nhìn các chú bộ đội với nón tai bèo, ba lô, gậy Trường Sơn xuống xe, tôi reo mừng tưởng cha trở về, để rồi thất vọng. Tết Trung thu, chiếc bánh ngọt được mẹ cắt làm 6 miếng. Em Út ngạc nhiên hỏi mẹ:“Sao năm nào mẹ cũng cắt bánh ra làm 6 khúc, trong khi nhà chỉ có 5 người?”. Em còn nhỏ, không biết rằng mẹ nhớ cha và luôn dành một phần cho cha.
Cha vắng nhà! Mẹ là chỗ dựa duy nhất của bốn chị em chúng tôi. Cứ mỗi mùa mưa bão, mẹ thường ôm chúng tôi vào lòng, nước mắt lăn dài... Khi đó, chúng tôi chưa đủ lớn nhưng ai cũng hiểu mẹ đang cần một chỗ dựa, đó là cha.
Rồi tôi cũng xa quê học đại học. Nhiều lần về thăm nhà, thấy mẹ vẫn u sầu trong nỗi nhớ cha, tôi nhận ra mình đã đủ trưởng thành để đi tìm những câu hỏi thuở ấu thơ. Tôi đi tìm cha với hành trang chỉ có vài thông tin về nơi cha từng công tác tại Sư đoàn 5 Tây Ninh và một tấm hình chụp cha thời trẻ đã ố vàng đến nỗi không rõ khuôn mặt.
Vượt qua quãng đường dài gần 3.000 km, tôi đến Tây Ninh. Mặc những cơn mưa rào và cái lạnh se sắt… tôi vẫn đi tìm kiếm cha trên các con đường thưa thớt bóng người, nhưng chẳng ai biết người đàn ông trong tấm hình ố vàng là ai. Mệt mỏi, lạnh và đói, tôi ghé vào quán “Lẩu chó 20 ngàn” ở ngã sáu thị xã Tây Ninh khi trời tối. Sau khi nghe câu chuyện và xem tấm hình của cha tôi ngày trước, ông Dương trầm ngâm, xoay ngang dọc tấm hình và vỗ vai tôi:“Tưởng tìm ai, hóa ra là cậu Sinh “cà phê” đầu hẻm”.
Ngoài trời, mưa vẫn rơi như trút nước, tôi bước vào quán cà phê nhỏ, ngồi nhìn từng giọt cà phê, chờ người chủ quán đến. Rồi một người đàn ông với bộ quần áo quân ngũ bước vào quán, ông từ tốn lau những giọt nước mưa còn đọng lại trên mái tóc đã lốm đốm bạc. Chờ ông ngồi xuống, tôi đến gần và hỏi: “Bác làm ơn cho con hỏi, bác có biết người trong tấm hình này không ạ?”. Cầm tấm hình, ông thẫn thờ nhìn tôi hỏi: “Sao con lại có tấm hình này?”.
Tôi kể về bản thân, về gia đình và ý định tìm cha, ông khẽ khàng nói: “Con không phải tìm kiếm nữa đâu vì cha đang ở ngay trước mặt con…”. Nhìn cha, trong tôi buồn, vui, giận, trách lẫn lộn. “Tại sao cha không về? Tại sao...”. Bao câu hỏi chất chứa bấy lâu trong tôi chợt tuôn trào.
Cha ôm tôi vào lòng, những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má gầy guộc. “Cha không muốn là gánh nặng cho mẹ và các con khi cha không làm được việc gì nữa do thương tật, bệnh tật”. Tôi kể cho cha về những tháng ngày mẹ khóc vì nhớ cha, về những đêm giao thừa, trung thu tôi và mẹ cầu nguyện mong cha trở về... Bom rơi, đạn nổ không làm cha sợ, nhưng những hy sinh, vất vả, thủy chung của mẹ đã khiến cha rơi lệ.
Ngày đoàn tụ, cha ôm mẹ khóc không thành lời. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà sau 20 năm chờ mong với nhiều vui, buồn… tôi mới có được. Tôi nhận ra rằng để có một mái ấm gia đình hạnh phúc, mỗi thành viên đều phải luôn biết gầy dựng mái ấm ấy bằng cả tình yêu thương, sự tôn trọng, lòng vị tha, nhân ái và sẻ chia…
Hải Ninh
Theo nld.com.vn