Vắng bóng cha…
Bà Phạm Thị Ngọc (SN 1965, ngụ phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) nhẹ nhàng xếp ngay ngắn lại những giấy tờ quan trọng trong suốt chặng đường 15 năm đi tìm mộ cha của mình.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Bà kể: “Bố tôi là liệt sĩ Phạm Trọng Bính (SN 1939 tại xã Thái Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Lúc lên 8 tuổi thì bố lên đường nhập ngũ. Vì còn nhỏ và thời gian trôi đi quá nhanh nên hình ảnh của bố chỉ còn tồn đọng trong tôi qua câu chuyện mẹ kể. Những đêm dài mẹ ngồi khóc và hoài niệm lại những kỉ niệm về bố làm lòng tôi thắt lại. Lúc nhỏ, những ngày đầu đến trường, mỗi khi trời mưa gió, bạn bè được bố đón đưa, tôi vẫn lầm lũi đi về ngôi nhà tranh rách nát thiếu bóng cha. Về nhà, tội lại thấy bóng dáng mòn mỏi của người mẹ vẫn đang còn xuân cứ ngồi hi vọng một ngày chồng sẽ về...
Lúc đó tôi chỉ tưởng tượng bố qua những bức ảnh chụp trước khi lên đường làm nghĩa vụ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi khi nhìn các chú bộ đội về làng là tôi muốn chạy tới ôm chầm lấy họ và gọi lên hai tiếng “bố ơi…”. Sau ngày 30/4/1975, hai mẹ con vẫn nuôi hi vọng bố sẽ về. Những đêm mưa to, gió lớn nước tạt vào nhà, mẹ ôm tôi vào lòng rồi khóc. Nỗi đau của mẹ như đã cứa sâu vào tâm hồn của tôi cho đến giờ”.
Mừng vui trào nước mắt sau 15 năm tìm kiếm
Ngồi đối diện với chúng tôi là người phụ nữ mới gần 50 tuổi, mái tóc đã trộn hai màu tiêu muối. Bà chậm rãi nói: “Tôi vừa nhận được giấy mời của kênh VTV9 tham gia chương trình giao lưu nhân chứng và sự kiện về cuộc hành trình 15 năm đi tìm hài cốt của bố”.
Lật lại những trang nhật kí, bà nói: “Cuối tháng 10/1977, hai mẹ con như bị sét đánh bên tai khi nhận giấy báo tử của bố. Bố tôi hi sinh ngày 17/04/1967 tại mặt trận phía Nam và an táng tại Nghĩa trang của đơn vị. Ngày bố hi sinh, mẹ tròn 26 tuổi. Như vậy, sau một năm chiến đấu, bố tôi đã hy sinh và mãi đến 10 năm sau gia đình mới nhận được tin”.
Để hoàn thành tâm nguyện của mẹ, năm 1997, bà Ngọc bắt đầu cuộc hành trình đi tìm mộ của cha. Bà lên Quân khu 7, Quân khu 9 và Quân đoàn 4 để tìm kiếm thông tin, nhưng mọi hi vọng đều dập tắt. Bà nhờ nhiều nhà ngoại cảm giúp đỡ nhưng qua 4 năm tìm kiếm vẫn vô vọng... Quyết không bỏ cuộc, bà đến các nghĩa trang ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước tiếp tục tìm. Rồi bà gặp được ông Lịch là đồng đội của liệt sĩ Bính (bố bà).
Theo ông Lịch, năm 1967, tiểu đội đặc công của liệt sĩ Bính công kích rất kịch liệt với một tiểu đoàn lính ngụy. Liệt sĩ Bính bị thương nặng và đích thân ông Lịch đưa đồng đội vào bệnh viện K50 Đoàn 92 Tây Ninh để cấp cứu. Nhưng do vết thương quá nặng, thương binh Bính đã hy sinh và được an táng tại nghĩa trang của bệnh viện. Trước khi đưa đồng đội vào bệnh viện, ông Lịch mang theo hành trang của liệt sĩ Bính gồm 1 bộ quần áo, 1 bình tông sắt, 1 bát sắt, 1 cuốn nhật ký. Giờ do tốc độ phát triển xã hội quá nhanh, nên địa điểm cụ thể của bệnh viện thì ông Lịch không còn nhớ rõ, riêng cuốn nhật ký đã được chuyển về gia đình vào ngày nhận được giấy báo tử, còn bình tông sắt và bát sắt đã được trưng bày tại nhà Bảo tàng QK7.
Từ những thông tin quý giá ấy, bà Ngọc tiếp tục đi tìm Bệnh viện K50, Đoàn 92 Tây Ninh. Qua 5 năm tìm kiếm và nhiều lần bà đi qua nước bạn Campuchia hỏi thăm thì mới biết bệnh viện K50, Đoàn 92 Tây Ninh ở trên khu vực Ô Xom Pốc, xã Chom Kâm Lu, huyện Mi Mốt, tỉnh Kông Pông Chàm (Campuchia).
Khi bà tìm đến đây, những người dân cho biết toàn bộ số hài cốt tại khu vực này đã được bộ đội Việt Nam quy tập về nước vào tháng 4/2002. Sau đó bà Ngọc liên lạc với đội K70, đội K71, họ cho biết những phần mộ đó đã được chuyển về nghĩa trang Đồi 82 huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, những liệt sĩ đều để tên vô danh.
Được sự giúp đỡ của Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh, bà Ngọc lấy các mẫu xương rồi đi thử ADN. Sau hơn 3 tháng chờ đợi kết quả, một bộ hài cốt đã trùng ADN với gia đình. Như vậy, hơn 15 năm chờ đợi và tìm kiếm, gia đình bà đã đoàn tụ được với người cha sau bao năm lưu lạc dưới dòng đất Mẹ.
Trong chặng đường 15 năm đi tìm hài cốt của bố, bà Ngọc cũng tìm được mộ của bố chồng là liệt sĩ Nguyễn Xuân Dương (SN 1939, quê quán xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nhập ngũ năm 1966, đơn vị Đại đội 23, Trung đoàn 174, hy sinh năm 1967 tại nghĩa trang huyện Sông Mã tỉnh Sơn La. Nhưng giấy báo tử ghi an táng tại nghĩa trang Lành Bánh, huyện Sông Mã tỉnh Sơn La. Với lòng kiên nhẫn và trung hiếu bà đã hoàn thành tâm nguyện của hai người mẹ.
Đậu Tất Thành (TTXVN)
Theo dantri.com.vn