Hành trình hội ngộ của cựu binh Mỹ và con trai Việt
Ông Vo Huu Nhan. Ảnh: Washington Post
Ông Nhan, 46 tuổi, không biết gì nhiều về cha mình, ngoại trừ việc ông là một binh lính Mỹ có tên là Bob.
"Tôi đã khóc", ông Nhan nhớ lại. "Tôi lạc cha 40 năm rồi và bây giờ cuối cùng tôi đã tìm thấy ông ấy".
Tuy nhiên, hành trình hội ngộ của họ không hề dễ dàng. Thông tin về sự trùng hợp ADN chỉ là bắt đầu cho một chuỗi khó khăn mà hai gia đình ở cách nhau 14.000 km và người cựu binh bệnh tật Robert Thedford Jr. phải đối mặt.
Khi quân nhân Mỹ cuối cùng rời Sài Gòn ngày 29 và 30/4/1975, họ không chỉ để lại sau lưng đống hoang tàn của chiến tranh mà còn cả hàng nghìn đứa trẻ. Những đứa trẻ ấy, có thể mang một nửa dòng máu da màu hoặc da trắng, ra đời sau những cuộc hẹn hò của các binh lính với những cô gái ở bar, những người giúp việc, các nhân viên giặt là hay những người làm nhiệm vụ đổ đầy các túi cát bảo vệ cho các căn cứ Mỹ.
40 năm sau chiến tranh, hàng trăm đứa trẻ ấy vẫn chưa được đoàn tụ với cha, người thân của mình, vì không đủ giấy tờ để được đưa vào chương trình Đạo luật Hồi hương Á Mỹ 1987, nhằm tái định cư cho con em của binh lính Mỹ.
Hiện nay, một nhóm Á Mỹ đang nỗ lực hết sức để tái hợp các cặp cha con bằng cơ sở dữ liệu ADN trên một trang web phả hệ. Những người con lai có rất ít thông tin về cha mình vì các giấy tờ và hình ảnh đã bị chiến tranh phá hủy, ký ức cũng đã phai nhạt. Vì thế, dữ liệu ADN là hy vọng duy nhất của họ.
Hy vọng
Trista Goldberg, 44 tuổi, một hướng dẫn viên thể hình ở bang New Jersey, tự hào giới thiệu bản thân bà là một người mang hai dòng máu Á và Mỹ và là người sáng lập của tổ chức Chiến dịch Đoàn tụ.
Một gia đình ở Mỹ nhận nuôi bà vào năm 1974 và bà đã tìm thấy mẹ đẻ năm 2001. Hai năm sau, bà trở lại TP.HCM và gặp gỡ 80 con lai Á Mỹ để tập hợp các mẫu ADN. Bà hy vọng phương pháp này có thể giúp khoảng 400 con lai đang chờ xác nhận để xin thị thực Mỹ.
Nhan cũng đi từ nhà ông ở An Giang đến gặp Goldberg. Ông khá trầm tính, mới chỉ học đến lớp 3, có cái miệng cười rộng, tai hơi chĩa ra ngoài và đã là cha của 5 đứa con.
Năm lên 10 tuổi, mẹ ông bảo ông là con trai của một binh lính Mỹ.
"'Tại sao tụi nó cứ suốt ngày trêu chọc con? Con rất khó chịu, lắm lúc chỉ muốn lao vào đánh chúng", ông Nhan nhớ lại câu chuyện với mẹ. "Bà ấy ngừng lại giây lát và nói rằng tôi là một đứa con lai. Bà ấy trông thật buồn nhưng ông bà tôi nói họ yêu tôi. Chuyện đó không quan trọng".
Sau khi Nhan và những người khác cung cấp mẫu ADN, họ bắt đầu chờ đợi xem liệu công nghệ hiện đại có cho họ một cơ hội.
Kết nối
Ông Bob Thedfor thời còn phục vụ trong quân đội cuối những năm 1960. Ảnh: Washington Post
Mùa thu năm ngoái, vợ của ông Bob Thedford, bà Louise, đăng tải thông tin ADN lên trang web phả hệ và nhận được kết quả rất bất ngờ. Chồng bà có mẫu ADN quan hệ cha - con trùng với một người. Người con đó chính là Nhan.
Louise từ lâu đã nghi ngờ rằng ông Bob có thể có con rơi từ những ngày ở Việt Nam vào cuối những năm 1960. Bà từng tìm thấy bức ảnh một phụ nữ Việt nằm trong chiếc vali của ông ngay sau khi họ kết hôn.
Thông tin này gây sốc cho con gái họ, Amanda Hazel, 35 tuổi, một trợ lý luật sư. "Thật sự ý nghĩ đầu tiên trong tôi là 'có chắc đây không phải là một vụ lừa đảo không' ", Hazel nhớ lại.
Những bức ảnh của Nhan được gửi đến gia đình ông Bob không lâu sau đó. Ông giống y hệt ông nội đã mất, Robert Thedford Sr. , một cựu binh hải quân từng chiến đấu trong Thế chiến II.
"Con trông giống ông nội PawPaw Bob quá", ông Bob nói với ông Nhan.
Ông Bob quen mẹ của ông Nhan khi phục vụ ở căn cứ không quân Quy Nhơn. Những ký ức trong ông về bà rất mơ hồ và ông cũng hiếm khi nhắc đến cuộc chiến.
"Ông ấy không bao giờ ngồi xuống và than thở về nó", con trai ông, John Gaines, nhớ lại. "Khi tôi hỏi ông ấy 'bố từng bắn ai chưa?', ông ấy nói 'có, nhưng con phải hiểu rằng có những lý do phía sau chuyện đó và đó là một phần của chiến tranh. Bố sẽ không ngồi đây và giải thích cho con những chuyện như thế'".
Trong khi Bob dạy Hazel bơi và đạp xe ở ngoại ô Texas thì Nhan lớn lên trong trang trại lợn của ông bà, tắm sông và bị bắt vì ăn cắp xoài.
Hai bên liên lạc như dự kiến, dù ông Nhan không nói được tiếng Anh và không có máy tính. Những bức email được gửi đi qua những người trung gian. Nhan gửi đôi xăng-đan ông làm và những chiếc nón lá cho cha mình. Bob gửi cho con trai 50 USD và những chiếc áo phông.
"Con có cần gì nữa không?", ông liên tục hỏi con trai.
Sau đó, họ có cuộc trò chuyện qua Skype đầy cảm động. Cả hai người đàn ông òa khóc khi lần đầu nhìn thấy nhau.
"Ông ấy trông rất giống tôi", ông Nhan nói. "Tôi cảm thấy mình thân quen với ông ấy ngay lập tức".
Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, Bob, 67 tuổi, tái phát bệnh ung thư da sau một thời gian chữa trị. Ung thư đã di căn và ông phải trải qua một loạt ca mổ, gần nhất là ngày 3/4 vừa rồi. Trong khi gia đình ở Texas túc trực chăm sóc cho Bob thì ông Nhan không thể làm điều đó.
Khoe 'con trai tôi ở Việt Nam'
Ông Nhan trò chuyện qua máy tính với em gái Hazel ở Mỹ tại cửa hàng một người bạn. Ảnh: Washington Post
Gần đây, ông Nhan có nói chuyện với Hazel bằng chiếc máy tính cũ đằng sau cửa hiệu của một người bạn tại TP. HCM. Ông Nhan hỏi bố thế nào rồi.
"Ông ấy ổn. Ông ấy có thể ngồi trên ghế rồi. Bác sĩ đang điều trị cho ông ấy", Hazel trả lời. "Em cảm thấy thật tệ vì đã không liên lạc sớm hơn, nhưng bố mẹ luôn nghĩ về anh và nhắc anh suốt".
Bob đã đưa ảnh ông Nhan cho các y tá ở bệnh viện xem và khoe "con trai tôi ở Việt Nam đấy".
Ông Nhan đã cung cấp kết quả DNA cho Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM vào tháng 12/2013, đề nghị xem xét lại trường hợp của mình. Tuy nhiên, ông chưa nhận được phản hồi.
Hazel cho biết gia đình cô đang nỗ lực giúp ông Nhan sang Mỹ dù biết rằng việc đó sẽ khó khăn. Câu chuyện của họ vẫn chưa có hồi kết, giống như chiến tranh là một vết thương để lại sẹo. Câu chuyện ấy vẫn còn ngoằn ngoèo ở phía trước, giống như chuỗi ADN xoắn kép đã mang họ về với nhau.
Anh Ngọc
Nguồn: vnexpress
Các tin khác
Người phụ nữ Australia nhận nhầm mẹ Việt suốt 14 năm (05/04/2018)
CÁI TẾT ĐẦU TIÊN CỦA HAI ĐỨA TRẺ BỊ TRAO NHẦM (05/02/2017)
Cậu bé Babylift tìm thấy mẹ sau 40 năm chia ly (03/08/2015)