Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Hành trình tìm cha của Bút Đa
29 năm, một cô bé mồ côi mang trong mình 2 dòng máu Việt - Lào thực hiện một cuộc hành trình kỳ lạ đi tìm cha. Và cho đến bây giờ, dù người cha không còn nữa nhưng cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Chuyến đi cuối cùng trong cuộc hành trình đẫm nước mắt của Lương Kim Thủy (tên tiếng Lào là Bút Đa) chính là đất nước Triệu Voi.

Người chị lưu lạc 20 năm

Cô chị cả Lương Kim Thủy dáng người nhỏ, da đen sạm, khuôn mặt khắc khổ, chị vừa đi xe ôtô khách từ Võ Nhai, Thái Nguyên lên Hà Nội từ sáng sớm. Hai người em là Khương Thị Chung và Khương Thị Thành đều làm nghề tự do ở Hà Nội. PV ANTG đã tiếp chuyện và khá ngạc nhiên khi ba chị em gái này mang hai họ khác nhau.

Ba chị em kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện khá lạ kỳ của Lương Kim Thủy và mong được tòa soạn giúp đỡ để họ tìm người cha của mình ở mãi... bên Lào.

Vào một ngày cuối năm 1998, khi còn sống với bố và mẹ kế tại Bắc Ninh, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, chị Khương Thị Thành phát hiện một bức thư cũ nát của người chị gái cùng mẹ khác cha đã lưu lạc từ rất lâu tên là Thủy.

Chị Thủy bỏ nhà ra đi từ cách đó khoảng 20 năm và khi đó Thành còn rất nhỏ nên không nhớ gì về chị. Cầm bức thư cũ nát không còn đọc được giấu kỹ trong góc tủ, Thành đoán rằng, bố và mẹ kế không muốn cho mình biết về người chị này.

Cuối năm đó, khi Thành đang ở nhà thì có một người phụ nữ dáng nhỏ thó, đen đủi đi vào nhà ôm chầm lấy Thành và khóc. Chị tự xưng là Thủy - chị của Thành, đã lưu lạc 20 năm nay. Tuy nhiên, một điều khá lạ khiến Chung và Thành băn khoăn là Thủy lại mang họ Lương, trong khi hai chị em Thành, Chung lại có họ Khương.


3 chị em Chung - Thuỷ - Thành (từ trái qua phải)

Thủy chỉ ở lại với hai em một đêm vì phải về với chồng và con ở Thái Nguyên. Trong đêm đó, Thủy kể lại cho 2 em nghe câu chuyện éo le của đời mình.

Khoảng tháng 7/1970 trong một nhóm học viên người Lào sang theo học lớp giáo viên tại Bắc Ninh có học viên tên là Bun Thăm, người này khoảng 26 tuổi, dáng thấp đậm, người ở tỉnh Luôngphabăng. Do Xí nghiệp May Đáp Cầu ở gần đó nên lớp giáo viên thường hay tổ chức giao lưu với công nhân. Bun Thăm có làm quen và yêu cô gái xinh đẹp tên là Lương Thị Thức.

Khi Bun Thăm hết hạn học tập, hai người có ý định tiến tới hôn nhân và Thức đã có thai. Nhưng bố nuôi cô Thức là ông Thành, GĐ Xí nghiệp May Đáp Cầu không đồng ý vì quan niệm về yêu đương lúc đó còn khá khắt khe.

Không được cưới nhau trước sự cấm đoán của bố nuôi cộng với những lời dị nghị của mọi người khiến Thức và Bun Thăm nảy ra ý định bỏ trốn.

Bun Thăm định sẽ đưa người yêu về Lào trình diện gia đình rồi sang xin chuyện cưới hỏi sau. Hai người trốn vào một chiếc xe chở xăng từ Bắc Ninh về đến Thanh Hóa. Từ đây, đôi tình nhân này đi bộ lên biên giới. Đến cửa khẩu Na Mèo, Bun Thăm có giấy tờ nên được đi qua, còn chị Thức thì bị buộc phải quay lại.

Trước khi chia tay, Bun Thăm dặn Thức cứ đợi, Bun Thăm sẽ tìm cách sang Việt Nam cưới Thức, anh thề rằng: “Nếu không lấy được nhau sẽ nhảy xuống giếng tự tử”. Về đứa con của hai người, Bun Thăm dặn sau khi sinh, ngoài tên tiếng Việt sẽ đặt cho nó thêm một tên tiếng Lào là Bút Đa.

Xí nghiệp May Đáp Cầu cử người lên cửa khẩu đón Thức về. Xa người yêu, rơi vào trạng thái hoảng loạn, cô muốn bỏ cái thai và nhiều lần tự tử nhưng không thành. Rất may, Thức được ông bố nuôi và bạn bè giúp đỡ vượt qua cơn sốc.

Trong khi Thức bụng mang dạ chửa, có một người bạn của Thức từ hồi học phổ thông đã đến xin được cưới Thức làm vợ. Nghĩ đến chuyện con của mình cũng cần một chỗ dựa và chiến tranh liên miên biết bao giờ người yêu trở lại, Thức đành đồng ý về chung sống với người bạn đó.

Hai tháng sau ngày cưới, Thức sinh hạ một cô con gái đặt tên là Lương Kim Thủy (lấy họ mẹ)  ngoài ra còn đặt thêm một tên tiếng Lào là Bút Đa. Lấy chồng được 2 năm, năm 1973, Bun Thăm quay lại Việt Nam tìm Thức và con, anh rất buồn vì biết Thức đã lập gia đình.

Bun Thăm xin được mang con sang Lào sống với mình, Thức đồng ý. Nhưng khi Bun Thăm bế con đi được một quãng, bản năng người mẹ trỗi dậy, Thức lại chạy theo và đòi lại con. Từ đó hai người bặt tin nhau. Sống với chồng, Thức sinh được hai người con gái đặt tên là Khương Thị Chung và Khương Thị Thành.

Chịu khá nhiều cú sốc tinh thần, sau khi sinh 3 người con, Lương Thị Thức bị lâm bệnh nặng và qua đời cuối năm 1979. Cũng từ đó, mọi bi kịch đổ lên đầu cô chị cả Lương Kim Thủy.

Trong đám tang của Thức, có một người đàn ông, nghe đâu là bạn của Bun Thăm đến và cho Thủy hai gói kẹo thì bị ông bố dượng giằng lấy vứt đi và tát Thủy một cái rất đau. 2 tháng sau ngày mẹ qua đời, bố dượng làm đám cưới với một người phụ nữ khác. Thủy lâm vào cảnh đời có lẽ ít ai gặp: sống với cha dượng và mẹ kế.

Không chịu nổi sự ghẻ lạnh, cuối năm đó, Thủy bỏ đi. Chị phiêu bạt từ đó đến bây giờ. Hiện Thủy sống tại một vùng núi heo hút ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Tuy vậy, 20 năm lưu lạc đó là cả một hành trình đẫm nước mắt và cháy bỏng một mong ước: tìm cha.

29 năm đi tìm... cha

Ba chị em cùng mẹ khác cha ấy gặp nhau, kể lại hoàn cảnh éo le của mình. Mọi chuyện trôi đi bình lặng cho đến khi họ đọc được loạt bài trên Chuyên đề ANTG về nghề thám tử, khát vọng tìm lại người cha lại trỗi dậy trong Lương Kim Thủy và hai em. Họ hy vọng, các thám tử tư sẽ giúp họ tìm ra được cha của Thủy.

Ngay sau khi nghe được câu chuyện cảm động đó, PV ANTG đã tìm đến xóm Dân Tiến, xã Đoàn Kết, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, nơi gia đình chị Lương Kim Thủy đang sinh sống. Phải lội qua con suối đang mùa nước lũ, chúng tôi mới đến được nhà chị nằm ngay sát chân núi.

Ngôi nhà vừa bị núi lở vùi mất một phần mái bếp do mưa lũ, gia đình chị vẫn chưa kịp sửa sang. Nghề chính của gia đình chị Thủy là làm nông nghiệp. Khi nông nhàn, chồng chị là anh Lê Văn Chính phải kiếm nghề làm thêm, khi thì thợ mộc, khi thì thợ xây để cùng chị nuôi hai đứa con ăn học.Chị Thủy vừa đi làm đồng về. Chị lấy vội mấy chiếc bát rót nước chè mời khách và kể lại chuyến lưu lạc tìm cha của mình.

Sau khi mẹ mất năm 1979, cuối năm đó Thủy quyết định về quê của mình, trong suy nghĩ non nớt của cô bé 8 tuổi, có lẽ cứ về quê là tìm thấy bố. Khi còn sống, mẹ của Thủy đã vài lần kể cho Thủy nghe về quê hương của mình, nhưng Thủy không biết nó ở đâu, chỉ nghe mẹ bảo là đi bằng tàu hỏa, xuống tàu đi bộ gặp gốc đa là đến.

Thế rồi Thủy lên tàu đi thật. Bố dượng và mẹ kế đi vắng, giao cho Thủy ở nhà trông hai em. Thủy bỏ đi và chỉ kịp mang theo 2 cuốn vở hàng ngày tập viết cho em.

Thủy lên tàu đi gần nửa ngày, cho đến khi tàu dừng ở sân ga nào đó, cô xuống và đi tìm gốc đa trong tiềm thức nhưng mãi mà chả thấy đâu. Thủy bắt đầu đi ăn xin, ai cho gì ăn nấy. Thủy cứ đi mãi mà không thấy cây đa nào, gặp đứa trẻ nào Thủy cũng chìa 2 cuốn vở ra và hỏi: “Mày biết quê bố tao ở đâu không, chỉ cho tao, tao cho mày 2 cuốn vở này”.

Đám trẻ thấy một đứa rách rưới bẩn thỉu thì trêu ghẹo rồi cướp vở của Thủy, xé mất.Kể đến đây, gò má cao, đen quắt của chị đầy nước mắt. Có lẽ những ngày tháng cơ cực nhất trong cuộc đời đang hiện về.

Không tìm được quê mẹ, Thủy bắt đầu lang thang ra ga tàu ăn xin. Một hôm đói quá, không xin được gì, Thủy chui vào một góc toa tàu nằm ngủ thiếp đi. Một đám trẻ con phát hiện ra đã trêu ghẹo Thủy. Tỉnh dậy, Thủy thấy thân mình đau rát như có hàng nghìn mũi kim đâm vào da thịt, thì ra lũ rận bám vào cái cơ thể mềm oặt vì đói, cắn vãi cả máu.

Cô bé mồ côi Lương Kim Thủy lại tiếp tục đi ăn xin dọc đường tàu. Có một lần, đói khát và nhớ các em, Thủy mò về nhà nhưng chỉ dám đứng nhìn từ ngoài cửa, sau đó lại bám dọc đường tàu đi ăn xin.

Đến khoảng cuối năm 1980, một cụ già người dân tộc Mông bán thuốc rong cho Thủy đi theo hái lá thuốc giúp bà. Bà cụ cứ cắt thuốc nam rồi đi ngược lên mạn Tuyên Quang, Hà Giang bán, có lần cả Thủy và bà đi bộ lần theo đường mòn sang tận Trung Quốc.

Năm 11 tuổi, trong một lần vào rừng hái lá thuốc, Thủy lạc mất bà cụ người Mông, từ đó Thủy làm thuê làm mướn ở ga Khúc Rồng, Thái Nguyên. Một năm sau đó chị được gia đình anh Hùng thuê về làm người giúp việc. Chị sống ở đó cho đến khi 16 tuổi. Trong thời gian làm thuê này, chị làm quen và bén duyên với một chàng trai dân tộc Chại.

Hai người chuẩn bị tiến tới hôn nhân thì gặp sự ngăn cản của... nhà hàng xóm. Ông hàng xóm tên là Thìn thấy Thủy chịu thương chịu khó nên “nhắm” sẵn cho con trai mình. Khi Thủy có người yêu thì ông ta ra sức ngăn cản và tìm cách bôi xấu Thủy, vẽ lại câu chuyện của một con bé bụi đời mồ côi không nguồn không gốc. Tủi phận, Thủy lại một lần nữa bỏ nhà đi.

Cô gái mới 16 tuổi dường như đã nếm đủ mọi cay đắng của phận người lại lên đường đi tìm cha. Cô lưu lạc vào vùng heo hút của huyện Võ Nhai này và lại tiếp tục kiếp sống ở nhờ, làm thuê làm mướn. Cũng may cô gặp được anh Lê Văn Chính, người ở cùng xóm Dân Tiến. Họ kết hôn và sinh được hai người con.

Nỗi bất hạnh đã tạm thời buông tha chị nhưng nỗi nhớ cha cùng với mặc cảm không nguồn gốc, không cha khiến chị không một ngày thanh thản. Nhất là khi xóm làng, thậm chí có người trong gia đình cười nhạo khi chị kể rằng mình có bố ở bên Lào.

“Tôi chỉ day dứt mãi không biết bố còn sống hay không? Chỉ mong ôm được mộ ông mà khóc, cho mọi người biết tôi cũng có bố” - nói rồi chị lại khóc.

Lòng nhân ái thôi thúc

PV đã liên hệ và giới thiệu 3 chị em Lương Kim Thủy, Khương Thị Thành, Khương Thị Chung đến địa chỉ Văn Phòng của Công ty Điều tra và bảo vệ - V (viết tắt là VPI). Đây là công ty thám tử tư duy nhất có giấy phép hoạt động ở Việt Nam.

Cảm động trước câu chuyện cũng như nỗi khát khao tìm cha của chị em Thủy, các thám tử của VPI tình nguyện thụ lý vụ việc mà không hề thu một khoản lệ phí nào.

Vụ việc của Thủy, công ty thám tử dự định sẽ phải điều tra trong khoảng 2 năm. Từng manh mối vụ việc cách đây 37 năm được lần về. Nhiều thám tử được cử về Bắc Ninh, lên Thái Nguyên, trường học ngày xưa của Bun Thăm giờ đã chuyển đi nơi khác, họ buộc phải lần mò tìm những công nhân của Xí nghiệp May Đáp Cầu khi xưa.

Các cộng tác viên của VPI cũng tìm gặp Hội người Việt tại Lào nhờ tìm manh mối và được những người Việt Nam sống ở Lào giúp đỡ rất nhiệt tình. Ông Nguyễn Quốc Việt, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam ở Lào cũng cất công lặn lội về nước tìm hiểu và giúp đỡ. Những người đi theo câu chuyện như bị “thôi miên” bởi tính nhân văn của nó.

Qua những manh mối, hồ sơ, giấy tờ, họ tìm được ông Bun Năm là bạn thân của ông Bun Thăm, cùng học một lớp ở Việt Nam ngày trước. Ông Bun Năm cho biết: ông Bun Thăm chính là bố đẻ của Thủy nhưng ông đã mất từ lâu.

Nghe câu chuyện của Thủy, ông khóc và xin nhận Thủy làm con nuôi. Bà Laphon, vợ ông Bun Năm đã gửi cho Thủy một bức thư có đoạn: “Thủy ơi, nếu con muốn sang đây ở thì cha mẹ sẽ nuôi con, lo cho con và coi con như con đẻ”.

Ông Hoàng Dương Bình, trước đây là Phó giám đốc VPI trực tiếp thụ lý vụ việc này, sau khi chuyển công tác sang làm Giám đốc Công ty Tư vấn Hoàng Nhân vẫn bị ám ảnh bởi câu chuyện đầy tình người. Ông hiện đang làm thủ tục xuất cảnh và sẽ bỏ tiền của mình đưa chị Thủy sang Lào thăm người bố nuôi Bun Năm vào đầu tháng 11/2007.


Vợ chồng ông bà Bun Năm ở Lào.

Tròn 29 năm từ cái ngày Thủy lên tàu đi tìm, giờ chị cũng đã biết được rằng mình cũng có cha. Kết cục có hậu về một câu chuyện thấm đẫm tình người khiến những người tham gia đều cảm thấy lòng thanh thản. Hàng chục năm từ khi chiến tranh đi qua, câu chuyện của Bút Đa lại thêm một bài ca đẹp về mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Lào vốn đã gắn bó với nhau bằng tình anh em đặc biệt

Hoàng Thắng

Theo cand.com.vn

Các tin khác