Bài 1: Nghĩa tình đồng đội
LTS: Loạt ký sự “Kỷ vật từ lòng đất” đăng 6 kỳ trên báo Bình Dương từ ngày 17 đến 22-9 vừa qua đã gây xúc động và nhiều quan tâm của độc giả; đặc biệt đối với các cựu binh đã từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ tâm tư được gởi đến với báo. Mọi người đều có chung suy nghĩ: cách nào để tìm ra được tác giả quyển nhật ký, gặp gỡ thân nhân liệt sĩ với mong muốn mang lại niềm tự hào cho gia đình. Tuy nhiên, do nhật ký không ghi tên, không địa chỉ, không hòm thư, đơn vị cụ thể nên hành trình tìm kiếm có lúc tưởng chừng như “mò kim đáy bể”. Song, với lòng quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của Ban Biên tập và phóng viên Báo Bình Dương, cuối cùng cuộc tìm kiếm đã mang lại kết quả bất ngờ đến độ ngỡ ngàng! Dưới đây là loạt bài viết về hành trình tìm liệt sĩ. Qua đó hy vọng quý độc giả sẽ hiểu thêm về nhân thân, gia đình, quê hương của người nữ chiến sĩ cách mạng chỉ mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ và đã nằm xuống trong lòng đất,hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 21.
Cuối tháng 9, đoàn chúng tôi bắt đầu lên đường tìm tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”. Hành trang mang theo làm cơ sở cho cuộc tìm kiếm là một quyển nhật ký 35 trang và 6 bức ảnh được lấy lên từ lòng đất sau gần nửa thế kỷ. 50 năm, thời gian làm cho con người quên đi nhiều thứ; song chúng tôi tin rằng có những kỷ niệm rất khó nhạt phai trong tâm thức của người lính. Đó là những ký ức về đồng đội một thời cùng chiến đấu và đã đổ máu, hy sinh cho Tổ quốc tươi đẹp hôm nay. Thật vậy, trong hành trình đi tìm liệt sĩ-tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ thông tin từ những người đồng đội, đồng chí của liệt sĩ này.
Những manh mối ban đầu
Trước đó, khi kết thúc loạt ký sự “Kỷ vật từ lòng đất”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương đã tổ chức buổi họp báo tại trụ sở Báo Bình Dương nhằm chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông báo chí trong khu vực, qua đó để nhờ các đơn vị bạn cùng chung tay tìm liệt sĩ. Tại cuộc họp này, nhiều khách mời là cựu chiến binh đều có nhận định: tác giả của tập nhật ký này là giáo viên hoặc từng công tác trên mặt trận tuyên huấn ở Chiến khu Đ. Những nhận định của các cựu binh đã là manh mối đầu tiên cho hành trình tìm kiếm của chúng tôi. Hơn nữa, các nhận định trên cũng trùng khớp với những dòng nhật ký được chị viết vào năm 1964: “Tháng 5-1964, được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30-5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn”.
Những dòng chữ trong trang đầu tiên của nhật ký
Riêng các ý kiến cho rằng, chị là người quê Nam bộ thì không cần bàn cãi vì chính xác là như vậy. Có một chi tiết làm mọi người rất băn khoăn là ở trang đầu của nhật ký, chị có ghi họ tên của mình nhưng rồi sau đó bôi xóa chỉ còn để sót lại 2 chữ T viết hoa. Tại sao như vậy? Có ý kiến cho rằng, đó là quy định bí mật thời chiến. Những ai từ Bắc vào Nam đánh giặc, khi viết nhật ký thường được ghi họ tên và địa chỉ gia đình. Cho nên sau này, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc được tìm thấy dễ dàng vì 2 người ghi đầy đủ những thông tin cá nhân. Nhưng các chiến sĩ từ vĩ tuyến 17 trở vào thì không được phép ghi thông tin cá nhân trong nhật ký; bởi trong một hoàn cảnh nào đó, chẳng hạn như hy sinh hoặc đánh rơi nhật ký mà giặc có được sẽ giúp chúng phát hiện địa chỉ thì gia đình sẽ bị liên lụy, hậu quả khôn lường. Do đó, chị xóa tên của mình cũng là điều dễ hiểu, đây cũng là cách chứng tỏ rằng quê chị ở miền Nam. 2 chữ T viết hoa chị bôi xóa chưa hết đã “đánh đố”đối với mọi người. Chúng tôi phỏng đoán, T-T có thể là Thu Thủy, Thanh Thanh, Thanh Tâm, Thủy Tiên... Riêng chữ M viết tắt, lặp đi lặp lại nhiểu lần trong nhật ký được xác định là từ viết tắt khi xưng hô: M tức là “mình”.
Có những tấm lòng...
Trong khi đoàn Báo Bình Dương vào cuộc hành trình tìm liệt sĩ thì ở “bên ngoài” cũng có nhiều người lặng lẽ tìm đồng đội, đồng nghiệp, đó là ông Nguyễn Xuân Vinh nguyên Tổng Biên tập Báo Bình Dương. Thời đánh Mỹ, ông có thời gian hoạt động giáo dục ở chiến khu nên đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin có giá trị. Sau này, cũng nhờ một cuộc điện thoại của ông Vinh đã giúp chúng tôi có thêm những cơ sở vững chắc để tiếp tục tìm liệt sĩ trong hy vọng. Ngoài ông Vinh, còn có một “nhóm” đã rất nhiệt tình hỗ trợ thông tin cho báo Bình Dương. Đó là “nhóm” của thầy Lê Hưng cùng bạn bè, đồng nghiệp của ông. Thầy Lê Hưng- một nhà giáo đồng thời là thầy thuốc ưu tú được nhiều người kính mến. Gia tộc Lê Hưng cũng nổi tiếng vì đã có nhiều đầu sách nghiên cứu về văn hóa phương Đông được đánh giá cao. Với tấm lòng của một nhà giáo, sau khi đọc báo Bình Dương, thầy Hưng chia sẻ thông tin: “Giai đoạn năm 1959-1963, tôi là thầy giáo dạy học ở xã An Mỹ (nay là phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) đã chứng kiến rất nhiều học sinh xếp đèn sách lên đường chiến đấu. Vùng này có 3 ngôi trường và từ đây nhiều thanh niên đã ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Tôi nhớ rõ có 2 cô gái, tác phong rất nhanh nhẹn có tên là Một và Mười đang học thì bỏ vào rừng tham gia kháng chiến...”.
Đoàn cán bộ, P.V Báo Bình Dương trên đường tìm nhân thân liệt sĩ
Từ thông tin của thầy Hưng, chúng tôi lên đường xác minh; song rất tiếc những người trong cuộc vì tuổi cao nên họ không còn nhớ rõ các chi tiết. Tuy vậy, từ những thông tin trên cũng đã giúp chúng tôi loại dần và khoanh vùng được nơi cần tìm. Đến đây có thể khẳng định: Liệt sĩ - tác giả nhật ký không phải là người quê Bình Dương. Cuộc tìm kiếm gián đoạn!
Xác minh thêm thông tin, đến đầu tháng 10 sau khi nhận được điện thoại của một đồng nghiệp ở Báo Đồng Nai cho rằng: “Có manh mối”. Chúng tôi lên đường sang Đồng Nai. Người chúng tôi tìm gặp đầu tiên ở TP.Biên Hòa là ông Nguyễn Trùng Phương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. Trong kháng chiến, ông Phương là cán bộ tuyên huấn ở Chiến khu Đ. Nhìn bức ảnh, ông Phương thốt lên: Sao thấy quen lắm! Nhưng hỏi về địa chỉ, tên tuổi của người trong ảnh thì ông không thể nào nhớ nổi. Ông Phương nói: “Ban Tuyên huấn R gồm nhiều tiểu ban như Ban Huấn học, Văn hóa... nên các bạn cần khoanh vùng cụ thể. Có thể chị này ở Tiểu ban giáo dục...”.
Rời nhà ông Phương, chúng tôi tiếp tục đến gặp ông Nguyễn Nam Ngữ, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Biên Hòa; cũng là cán bộ thời đánh Mỹ hoạt động ở Chiến khu Đ. Tuy vậy, ông Ngữ cũng không thể nhớ ra được người trong ảnh. Nhưng rất may là ông cung cấp thêm cho chúng tôi một loạt thông tin cần thiết.
Sau tuần đầu tiên nỗ lực tìm kiếm liệt sĩ, kết quả mà chúng tôi thu được chỉ là những manh mối ban đầu tuy có giá trị nhưng vẫn chưa cụ thể. Do đó, việc tìm kiếm vẫn chưa thể hình dung. Điều khiến cho chúng tôi có ấn tượng sâu sắc nhất là: “đi tìm đồng đội” không chỉ là chủ trương, chính sách của Nhà nước, mà còn là nghĩa cử cao đẹp đã lan tỏa và là đạo lý, nghĩa tình của người dân. Nhưng thực tế khi vào việc cụ thể như thế này, bước đầu mờ mịt thông tin đã khiến chúng tôi nao lòng, suy nghĩ liệu có nên nhờ đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của Đài Truyền hình Việt Nam vào cuộc(?) Thế nhưng một tin vui lại bất ngờ xuất hiện...
Bài 2: Chị ấy từng dạy tôi học!
KIẾN GIANG - NHÂN QUANG
Theo baobinhduong.org.vn