Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Hành trình tìm liệt sĩ: Ai là tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”? - Bài 4
timnguoithatlac.vn - 21/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

Bài 4: Ký ức của một nhà giáo

Chúng tôi tạm biệt Tây Ninh khi nắng chiều đã tắt. Tiết trời bắt đầu êm dịu, xóa tan hơi nóng của cái nắng đầu mùa. Nông dân Tây Ninh đang vào mùa thu hoạch bắp; những chuyến xe chở đầy ắp nông sản thẳng hướng Sài Gòn, Bình Dương…và nhiều nơi khác nữa. Thì ra, những trái bắp nướng thơm lừng mà chúng ta thường gặp khi dạo phố có nguồn gốc ở vùng đất đầy nắng gió này… Quả đúng như dự đoán, sáng sớm hôm sau, một thầy giáo đã điện thoại cho chúng tôi với giọng nói rất xúc động. Đó là thầy Nguyễn Xuân Đàm, tên thời kháng chiến là Nguyễn Thanh Sơn…

 Người thầy cuối cùng

Thầy giáo Đàm năm nay 76 tuổi, người quê Tuy Hòa - Phú Yên, nguyên là Hiệu trưởng trường Trung cấp Sư phạm Hà Tĩnh. Năm 1963, thầy trở lại miền Nam nhận nhiệm vụ Trưởng phòng Sư phạm B3, tức là Tiểu ban Giáo dục Trung ương Cục (TWC) miền Nam. Qua điện thoại, thầy Đàm kể lại: Đầu năm 1964, Ban Tuyên huấn TWC quyết định tiếp tục mở trường Sư phạm Giáo dục Tháng Tám, khóa 2 (khóa 1 mở năm 1963), ông được phân công trực tiếp dạy môn giáo dục - tâm lý, văn học và làm công tác Đoàn. Lãnh đạo trường này là đồng chí Vũ Trọng - Hiệu trưởng; ông Năm Diêu dạy môn triết học - chính trị… Khóa 2 của trường diễn ra khoảng 9 tháng, từ tháng 5-1964 đến tháng 2-1965. Bản thân thầy Đàm là người thiết kế, xây dựng và điều hành công tác chuyên môn nên ông nắm rõ quá trình hoạt động của nhà trường. Do đó, ông khẳng định: Tác giả nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” này là một trong tổng số 125 học viên của trường Giáo dục Tháng Tám, khóa 2 ngày ấy.

Từ thông tin của thầy Đàm, đọc lại nhật ký của chị, chúng tôi thấy hoàn toàn trùng khớp. Theo thầy Đàm kể, ông Năm Diêu dạy môn triết học -chính trị có tên đầy đủ là Dương Văn Diêu, nguyên Trưởng Tiểu ban, Ủy viên Tiểu ban Giáo dục R. Trong nhật ký của chị, có đoạn kể về người thầy của mình: “… Đêm mùng 1-1-1965, đêm nay được nghe chú Năm nói chuyện tình hình thời sự mình rất phấn khởi. Quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác ngày một nhiều hơn, vẻ vang hơn. Mình phải nỗ lực trau dồi để tiến kịp bè bạn, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và dám hy sinh tính mạng khi Tổ quốc cần đến. Phải tỏ thái độ dứt khoát bạn - thù, trước mặt kẻ thù không do dự. Qua lời kể của chú Năm, mình soi rọi bản thân, phải cần học tập thêm, tư tưởng luôn hướng đến lý tưởng cộng sản, chân lý của cách mạng…”. Chú Năm mà chị viết ở trên, theo thầy Đàm chính xác là thầy Năm Diêu, tức Dương Văn Diêu, quê ở Long An. Cuộc điện thoại trò chuyện của chúng tôi kéo dài và mỗi lúc dường như thêm gần gũi, thân tình. Thầy Đàm tâm sự: “Đọc lại nhật ký của người học trò cũ tôi xúc động vô cùng. Chiến tranh đã làm cho chúng ta hy sinh, mất mát nhiều. Các thầy cô của trường ngày ấy, giờ chỉ mình tôi còn sống. Thầy Năm Diêu, Vũ Trọng đã về nơi yên nghỉ! Tôi là người thầy cuối cùng còn sót lại của lứa học trò cùng thời của cô ấy! Giọng thầy Đàm trầm xuống, nghẹn ngào!

Vì thương tiếc cô học trò cũ, khâm phục trước lý tưởng rực lửa đấu tranh của chị; những ngày sau, thầy Đàm gửi thư đến chúng tôi. Dưới đây xin lược trích bức thư của ông về những cảm nhận của mình sau khi đọc những bài viết trên báo Bình Dương và nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”: “… Đây là bản tuyên ngôn về lý tưởng sống và chiến đấu của thế hệ thanh niên thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà tất cả chúng ta, những ai đã được đọc từng trang nhật ký này đều không thể cầm được nước mắt thương yêu, kính trọng, khâm phục về một tinh thần, một ý chí, một khát khao, quyết tâm rèn luyện để trở thành một chiến sĩ cộng sản hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc, cho nhân dân! Trong những ngày qua, từ khi nhận được thông tin do báo Bình Dương cung cấp tại buổi lễ kỷ niệm “50 năm Giáo dục Giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước” ở Tây Ninh, tôi đã đọc đi, đọc lại không biết bao lần. Xúc động trào dâng, nhớ thương và tự hào vô hạn khi gặp lại những ký ức buồn vui trong 10 năm công tác và chiến đấu ở Nam bộ -Tiểu ban Giáo dục TWC miền Nam. Tôi càng nóng lòng muốn tìm ra được tác giả, để linh hồn, quyển nhật ký được trở về với ba má, anh em và quê hương thân yêu!...”. Thầy Đàm băn khoăn: Do thời gian đã lâu nên ông không nhớ được họ tên và quê hương của cô học trò này.

Lá thư thầy Đàm gửi cho Báo Bình Dương

Lộ dần manh mối

Từ những thông tin quý giá của thầy Đàm, qua trích lục hồ sơ; chúng tôi được biết, lớp học của khóa 2, trường Giáo dục Tháng Tám được chia thành 6 tổ: Tổ 1 gồm học viên các tỉnh miền Đông như: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa; do ông Tám Quyền làm tổ trưởng. Tổ 2 gồm học viên miền Trung Nam bộ: Bến Tre, Mỹ Tho, Kiến Phong, Kiến Tường, Long An do ông Sáu Triệu làm tổ trưởng. Tổ 3, 4, 5, 6 gồm học viên miền Tây: Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng do ông Bảy Giảng, Hai Phước và Tư Bí làm tổ trưởng. Sau này tìm hiểu ra, chúng tôi mới biết: chị là học viên ở tổ 2. Hòa bình lập lại, những học viên của lớp học khóa 2 này đều trở thành những cán bộ cốt cán ở địa phương: bà Lê Thị Ái Tú, Chánh án TAND Cần Thơ; ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Cà Mau; bà Thiên Hương, Vụ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Thu Vân, nguyên Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương; ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Long An; ông Tám Quyền, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Sông Bé (cũ)… Thật là xót xa cho chị! Đành rằng trong chiến tranh vệ quốc thì người còn sống hay người đã hy sinh đều là vinh quang nhưng càng đọc nhật ký của chị, chúng tôi nghĩ rằng: với lý tưởng cao đẹp như thế, trí tuệ như thế… nếu còn sống, ắt hẳn chị cũng sẽ là số cán bộ trung kiên, tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho nhân dân.

Bà Thu Vân và ông Tám Quyền nay đã nghỉ hưu, sống tại TP.TDM. Chúng tôi đã gặp và trao đổi với cả hai người nhưng cô Thu Vân chỉ biết rõ đây là đồng đội của mình chứ không thể nhớ ra họ tên người trong ảnh; riêng ông Tám Quyền, hiện đang đau yếu tuổi già không thể nào trò chuyện được.

Với những thông tin khá rõ như trên, trong khi chúng tôi đang chuẩn bị tìm về các tỉnh miền Tây Nam bộ thì nhận được điện thoại của bà Trần Thị Hữu, nguyên Chánh án TAND Sông Bé cũ: “Ảnh cô gái đội mũ tai bèo hình như tôi đã gặp tại một bảo tàng phía Nam, trông quen lắm!”. Vậy là, lại thêm manh mối giúp chúng tôi tiến gần sự thật.

Bài 5: Các nhà giáo kháng chiến cùng vào cuộc!

KIẾN GIANG - NHÂN QUANG

LTS: Khi loạt ký sự “Kỷ vật từ lòng đất” đăng tải trên mặt báo, Ban Biên tập Báo Bình Dương rất hân hạnh đón nhận sự quan tâm của đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Dưới đây, báo Bình Dương xin được đăng bài viết của đồng chí Nguyễn Minh Triết cảm nhận về nội dung quyển nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” này.

Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả (*)

Tôi thật sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Tôi học tập nhiều ở những con người bình dị mà cao cả; tâm hồn của họ luôn trẻ trung trong sáng; lý tưởng cách mạng như ngọn đuốc rực cháy trong tim gan; họ hết lòng yêu thương đồng chí, đồng bào; tính tự giác, tự phê bình, tự chịu trách nhiệm nghiêm túc, sâu sắc…

Tôi mong muốn và tin tưởng thế hệ trẻ hôm nay sẽ học tập và tiếp nối lý tưởng của thế hệ đi trước một cách xuất sắc. Đó chính là lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và của cả dân tộc ta, bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, sánh vai cùng bè bạn năm châu.

 

Thủ bút của đồng chí Nguyễn Minh Triết

(* ) tít bài do tòa soạn đặt

Theo baobinhduong.org.vn

Các tin khác