Trên hai bờ bắc - nam của sông Thạch Hãn nay đã có hai bến thả hoa trang trọng. Trong ảnh: từ bến thả hoa bờ bắc nhìn sang bến thả hoa bờ nam - Ảnh: Lê Đức Dục
Câu chuyện người lính thả hoa ấy, mà nhiều người đã nhắc đã viết, nay thành một nghi thức thiêng liêng ở Quảng Trị vào những ngày lễ trọng: thả những bè hoa và đèn nến viếng những liệt sĩ trên dòng sông quê hương. Người lính ấy là Lê Bá Dương, cựu binh trung đoàn 27 (E27 - trung đoàn Triệu Hải).
Và từ mấy năm nay thêm một nghi lễ khác dành cho những đồng đội nằm lại, cũng từ người cựu binh này: đồng đội, người thân của các liệt sĩ, mỗi lần về đất Quảng Trị, nhất là trong dịp tháng 7 này, trong những hương hoa lễ vật còn có một nắm đất, một bình nước, một nhúm muối làng biển hay chén gạo thơm miền trung du. Đất ấy được gửi vào lư hương, nước ấy được hòa vào dòng sông nơi khi xưa người lính ngã xuống, một phần quê hương của các liệt sĩ đã vượt đường xa hòa vào đất, vào nước Quảng Trị để linh hồn những người lính nằm lại nơi đây hiển linh cùng hình bóng quê nhà...
Này đây, nắm đất quê hương...
“Sau những trận đánh, khi chôn cất những đồng đội hi sinh, không một người lính nào không khấn nguyện rằng nếu còn sống đến ngày hòa bình sẽ trở lại mang hài cốt bạn mình về quê hương... Nhưng chiến tranh đi qua ngần ấy năm rồi mà vẫn không thể nào tìm mang được chút xương cốt của nhiều, rất nhiều đồng đội về với quê nhà. Thân xác các anh, các chị đã hòa vào đất đai, đã nằm lại đáy sông, đã tan trong ngọn cỏ lá cây... nên chúng tôi khôn nguôi day dứt” - Lê Bá Dương nói về ý tưởng khởi đầu của hành trình “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.
Đầu năm 2009, cùng với những cựu binh của E27, anh bắt đầu lên kế hoạch cho hành trình kịp về Quảng Trị dịp 30-4 năm ấy.
Những cựu binh từ Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh hay đã định cư ở miền Nam, ở Tây nguyên hú gọi nhau. Không phải là một cuộc “du lịch hoài niệm” với việc trở về thăm lại chiến trường xưa, dâng hương trên những nấm mồ bè bạn, những người lính của E27 đã âm thầm thực hiện một “chiến dịch” đầy tình nghĩa mang tên “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.
Những cựu binh ở Hà Nội và phía Bắc mang theo bình nước lấy từ sông Hồng, hồ Gươm, những hộp đất mang từ Hoàng thành Thăng Long và phù sa trên bãi sông Hồng. Những người lính ở Nghệ Tĩnh lấy đất trên núi Chung ở Nam Đàn và nước từ dòng sông Lam. Những cựu binh đang sống ở Nam bộ mang theo đất từ mười tám thôn vườn trầu ở Bà Điểm (Hóc Môn) và nước sông Sài Gòn lấy từ bến Nhà Rồng...
Giữa nắng rát mùa hè Quảng Trị, những cựu binh về lại nơi đồng đội hi sinh năm xưa, từ vùng núi Hồ Khê phía tây bắc huyện Cam Lộ, đến vùng đồi trung du Gio An phía tây huyện Gio Linh, từ vùng đồng bằng Triệu Phong đến con sông Thạch Hãn chảy ngang qua thành cổ Quảng Trị. Sau chuyến hành hương đầu tiên, câu chuyện “mang quê hương vào cho đồng đội” đã khởi đầu nhiều hành trình cảm động. Không chỉ có những người lính, giờ đây tham gia đoàn hành hương còn có những người cháu, người con của các liệt sĩ, và hành trình vẫn đang nối dài ký ức...
Ông Lê Bá Dương cùng đồng đội dâng đất và nước lấy từ nhiều miền quê để hòa vào sông Thạch Hãn nhân dịp khánh thành bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn vào tháng 7-2010 - Ảnh: Lê Đức Dục
Yêu thương quê nhà
Chuyến hành hương tháng 7-2010, các cựu binh của E27, từ huyện lúa Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã “xuất quân” tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, mang “muối mặn gạo thơm” quê nhà để vào Quảng Trị. Cùng lúc ấy ở Nghệ An, những cựu binh khác của họ cũng làm lễ xuất phát... Những chuyến đi như chim gọi bầy, từ vài trăm người trong chuyến đi đầu tiên, chuyến hành hương mới nhất vào tháng 4-2012, số người tham gia lên đến gần 700 người.
Có những cựu binh đã vào tuổi 82 như thiếu tá Nguyễn Văn Thung, quê ở Hà Tĩnh, cựu binh đại tá Trần Xuân Gứng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chưa bỏ chuyến hành hương nào suốt những năm qua nay cũng vào tuổi 78, có người cháu như Bùi Hữu Trinh đi tìm ông nội là liệt sĩ Bùi Hưng Quốc hi sinh tại Quảng Trị năm 1969.
Một bà mẹ ở Nam Đàn (Nghệ An) biết tin những đồng đội của con mình đang “mang quê hương vào cho đồng đội” đã lấy một chai nước từ giếng khơi trong vườn nhà mang đến buổi lễ nhập thủy và nói với anh em trong đoàn: “Mẹ già rồi, không còn sức để vào thăm con, mẹ gửi chút nước trong giếng vườn nhà này nhờ các con mang vào cho nó”. Khi đoàn qua Hà Tĩnh, những yêu thương gửi gắm của bà con vào cho con em quê nhà còn là kẹo cuđơ, những bó lá chè xanh tươi cho thứ nước chè “đứng đụa” rất riêng của quê nhà thương khó...
Chị Phạm Thị Hương, cháu liệt sĩ Phạm Bá Long (lính của đại đội 3, tiểu đoàn 2, E27), ôm di ảnh người chú ruột cho chúng tôi biết: “Từ nhiều năm nay, gia đình đã đi khắp nơi tìm kiếm hài cốt của chú tôi nhưng cứ mỗi lần đi về lại thêm một lần thất vọng và buồn thương. Khi biết đến chương trình này, chúng tôi mang đất vườn nhà, nước giếng nhà vào đây hi vọng chú tôi sẽ nhận được...”.
Bây giờ cứ mỗi cuộc hội quân, trong những đêm giữa rừng cùng đồng đội, những thông tin về liệt sĩ chưa tìm thấy được đọc lên để các thành viên tham gia đoàn ai biết điều gì thì chia sẻ, giúp thêm cho cuộc kiếm tìm của thân nhân các liệt sĩ. Từ chuyến hành hương ban đầu, mỗi chuyến đi trĩu nặng ân tình với đồng đội nay thành niềm an ủi tâm linh với những gia đình chưa tìm được hài cốt người thân. Những chuyến đi ấy cũng đã gửi lại nhiều miền quê dọc đường hành quân - nơi đang coi sóc khói hương cho mộ phần các liệt sĩ - một phần “Quỹ hương hỏa”, hay “Quỹ lấy quá khứ, dưỡng tương lai” trao cho các học sinh ở những địa bàn xưa là chiến trường...
Một bà mẹ Nghệ An gửi chai nước lấy từ giếng vườn nhà nhờ đồng đội mang vào cho con trai là liệt sĩ trên chiến trường Quảng Trị của trung đoàn 27 - Ảnh: Lê Bá Liễu
Buổi trưa cuối cùng của chuyến hành hương mới đây, tôi ngồi cùng Lê Bá Dương bên bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn, lần theo bản danh sách liệt sĩ của trung đoàn 27. Và giật mình: số liệt sĩ của trung đoàn qua ngần ấy năm chiến tranh lớn hơn cả quân số của một trung đoàn: E27 có 3.090 liệt sĩ trong khi phiên chế quân số một trung đoàn chỉ khoảng 3.000 chiến sĩ!
Và đấy mới chỉ là một trung đoàn trong số hàng chục sư đoàn đã đi qua chiến tranh, và đấy cũng chỉ mới ở địa bàn Quảng Trị! Có lẽ vì thế, những chuyến đi của những cựu binh tới đây không chỉ là cuộc “hành hương” ký ức và kiếm tìm đồng đội, mà còn là những lần trở về với tuổi 20 yêu dấu của họ, về một thời hoa lửa của họ - đồng đội của những người lính tài hoa đã nằm lại đất Quảng Trị này như Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Thượng Lân...
------------------------------
12 giờ đêm, điện thoại réo vang, thì ra Học "Cần Thơ" gọi. "Tao quên một việc quan trọng. Ngay giờ, mầy ra sông Tiền lấy một can nước để đem theo. Ði ngay kẻo ngủ quên. Không có can nước sông Tiền, chuyến đi của mầy vô nghĩa!". Nhà tôi chỉ cách sông Tiền hơn trăm mét, nên can nước đã được đem về sau ít phút, giữa khuya.
Một vùng đồi núi trập trùng, những ngôi mộ nghiêm trang thẳng tắp. Những bó hoa còn tươi mới. Những nụ cười trẻ trung tuổi đôi mươi trên di ảnh cứ nhập nhòa sau làn khói nhang nghi ngút... Chúng tôi - 18 cựu chiến binh đoàn 6 pháo binh đang sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long - kính cẩn dâng hương, đặt những bó hoa tươi và những món quà quê hương lên bệ thờ.
Trường Sơn một thời rầm rập những đoàn quân vào Nam ra Bắc. Mọi tỉnh thành của Tổ quốc đều đã qua Trường Sơn vào thời điểm chiến tranh ác liệt. Hàng chục ngàn người con ưu tú vẫn đang nằm lại đó. "Các anh ơi! Chúng tôi xin đem quê hương đến với các anh", can nước sông Tiền đỏ phù sa, bình nước mắm Cà Mau, nắm đất xứ Cần Thơ gạo trắng nước trong, viên đá ở Hòn Ðất (Kiên Giang) và tất cả những gì đại diện cho quê hương đất Chín Rồng.
Quanh chúng tôi cũng những bình nước có hàng chữ: mẹ gửi con nước ao làng Ðoài ngày xưa con hay tắm, nắm đất của đất tổ Phú Thọ, bình nước sông Hồng, gói muối mặn của làng quê Hà Tĩnh...
Các anh ơi, sống gửi hay thác về, quê hương vẫn trong lòng chúng ta, ôm ấp nuôi dưỡng và theo ta, xin được đem quê hương đến với các anh".
(Anh BÙI KIM THÀNH, trong một bài viết gửi tới Tuổi Trẻ Cuối Tuần với mong mỏi: "Tôi muốn gửi những dòng này như một bức thư tới các đồng đội còn nằm lại")
LÊ ĐỨC DỤC
Theo tuoitre.vn