Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Hoa cúc dành cho người anh hùng
Đêm 28/12/1972, một trong những đêm B52 Mỹ rải thảm xuống Hà nội, từ một sân bay bí mật , chiếc máy bay Mig 21 do Vũ Xuân Thiều lái đã xuất kích. Một mình anh tả xung hữu đột vượt lớp sương mù F4 hung hãn để đột nhập vào mây đen B52. "Sao Mai xin phép công kích". Anh bắn trái tên lửa thứ nhất, đụng phải tên lửa nhử mồi do chiếc B52 phóng ra. "Sao Mai công kích lần hai". Phát đạn lại chỉ sượt sát bên sườn.

Chiếc Mig21 hết đạn. "Sao Mai xin phép tiêu diệt!" - sĩ quan dẫn đường, thượng úy Lê Thiết Hùng, nghe tiếng anh báo về, thảng thốt kêu lên. Vũ Xuân Thiều đã biến chiếc Mig21 thành phát tên lửa cuối cùng. Một khối lửa bùng cháy. Mây đen bị tiêu diệt, nhưng trên màn hình ra đa cũng không còn tín hiệu chiếc Mig của Thiều.

Cũng đêm 28/12/1972, mẹ anh, bà Vũ Thị Vượng, đang ở nơi sơ tán Ba Vì. « Tôi không tài nào ngủ được, lòng như lửa đốt » - Bà kể - Dù rất sợ bóng đêm, tôi vẫn ra đứng nhìn trời. Đêm đó, máy bay cứ ầm ì cả đêm. Mẹ anh kể tiếp : - Đang học Đại học Bách khoa Hà nội năm thứ 3, Thiều trốn nhà đi khám tuyển phi công. Thiều trở thành một phi công giỏi, được bố trí bay đêm. Trong thư gửi về nhà hôm 22/5/1972 anh viết : « Bây giờ chỉ ngồi nhìn tụi bay ngày làm ăn. Sốt ruột vô cùng nhưng không làm gì được. Người ta bảo chúng con : đừng nghĩ về F4, mà phải nghĩ tới những chiếc B52. Có lẽ còn lâu lắm con mới được ghé về Hà nội để thăm mẹ, thăm nhà ». Cách đó không lâu- mẹ Vượng kể, - khi ghé qua Hà nội, Thiều có đến cơ quan tìm mẹ, nhưng vội lắm. Khi tôi ra cổng thì nó đã đi rồi. Tôi xách xe cuống cuồng đạp đuổi theo. Nhưng nó lại cũng vừa nhảy xe về lại sân bay. Lúc đó, thương con, mẹ chỉ biết đứng khóc. Trong số những di vật của Thiều, có một bức thư được viết ngay trong 12 ngày đêm B52 đánh phá Hà nội. Thư đề ngày 21/12/1972, đó là một bức thư dở dang và nó mãi mãi dừng lại ở dòng thứ mười : « Bố mẹ thân yêu ! Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà nội. Con nghĩ không phải bây giờ là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình... ». Một tuần sau, Vũ Xuân Thiều lao thẳng vào một pháo đài bay B52. Có lẽ anh làm như vậy vì đã phải trải qua nhiều đêm nhìn « bom đạn hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà nội », nơi có mẹ và các em mình.

26 năm qua, mỗi kỳ giỗ anh, gia đình các đồng đội cũ như Nguyễn Đình Soát, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Tuân... không vợ thì chồng cùng kéo đến bên mẹ Vượng. Thỉnh thoảng nhìn Hoa, người bạn gái của Vũ Xuân Thiều, mẹ lại khóc. Hoa dỗ mẹ : « Mẹ đừng buồn nữa, mẹ mất một mà giờ mẹ có thêm hai mà ». Mãi đến tháng 3-1973 chị Hoa mới biết tin Thiều hy sinh. Đơn vị giấu, gia đình giấu. Nhưng chị thì không thể giấu được nỗi lo xé lòng. Ba năm trời học ở Nga, cứ không lâu hơn một tuần, Hoa lại nhận được thư của Thiều. Bức thư nào cũng viết trên những trang giấy nhỏ màu xanh da trời. Nhưng đã ba tháng ! Cuối tháng 3-1973, Hoa nhận được thư của Soát. Soát phải nhận lãnh một trách nhiệm khó khăn mà bạn bè giao cho : viết thư báo tin Thiều hy sinh cho Hoa...

Năm 1969, thi đỗ đại học điểm ưu, Hoa cô nữ sinh 16 tuổi được bố mẹ thưởng một tuần đi nghỉ ở Tam đảo. Nhóm phi công của Thiều cũng đang an dưỡng nơi đó. « Anh đã nhìn thấy em từ hôm qua, cô bé nghịch nhất bọn » - Thiều nói khi chủ động làm quen Hoa và họ thân nhau khá nhanh vì : « Té ra tôi học với em gái anh ấy, và mẹ anh ấy hồi xưa là học sinh bà đốc Cẩn, bà ngoại tôi ». Khi cùng mẹ Vượng lục lại những kỷ vật của Thiều, tôi thấy trong trong một cuốn sổ nhỏ có ghi dòng chữ : « Tam đảo 31-7-1969 », ngày này được mẹ xác nhận là ngày mà họ gặp nhau. Cũng từ cuốn sổ rơi ra một tấm ảnh nhỏ chụp Hoa cùng với hai nữ sinh, phía sau tấm hình chữ Hoa nắn nót : « Giữ cho em tấm hình này anh nhé. Em không thể nào quên được Tam đảo. 15-8-1969 ». Chị Hoa : « Tôi sắp sang Nga học, còn anh là một phi công chiến đấu nên chúng tôi rất ít gặp nhau ». Có một lần trong mưa anh đến nhà chị ở đường Nguyễn Biểu, tay giấu trong áo mưa mấy bông hồng. Trong cuốn sổ của anh có ghi : « Hà nội, NB 12-8-1969 ». Họ có thêm một đôi lần đi chơi, sổ của Thiều có ghi : « Ba đình 14-8-1969 ; 15-8-1969 » và lần cuối cùng anh đạp xe về tiễn chị ra ga đi Nga, sổ ghi « Bách khoa 25-8-1969 ». Sau đó là thư, mỗi tuần một lá màu xanh da trời.

Cũng trong buổi chiều đông ấy, mẹ Vượng tìm thêm được một kỷ vật mới, bài thơ của Simonov "Em ơi đợi anh về". Bài thơ Hoa chép tặng Thiều ngày 19-9-1970, nguyên bài bằng tiếng Nga và một khổ thơ cuối Hoa tự dịch sang lời Việt:
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì anh ơi cứ đợi
Đợi em về nghe anh

Phía dưới ký tên H2. H2 là Hoàng Hoa, Lê Hoàng Hoa, tên chị. Hoa kể: "Bà ngoại tôi rất thích hoa cúc vàng nên đặt tên tôi là Hoàng Hoa. Bà nói: cúc vàng dẫu có khô đi thì cũng không bị rụng cánh. Đó là biểu tượng của lòng chung thủy". 26 năm qua, ngày giỗ nào của Thiều cũng có hoa cúc vàng. Kể từ khi mộ Thiều được đưa từ Sơn la về, thỉnh thoảng người con gái năm xưa lại đặt lên đấy những bông cúc. Những cánh hoa cúc giờ đây dường như đang vàng rực lên hơn trước gió.

Huy Đức (Báo Tuổi trẻ)

Theo studentkgu.vn
 

Các tin khác