Bà Thụ bên con cháu.
Người con trai khi đã ngoài 40 mới tìm được người mẹ bệnh tâm thần đi lạc 31 năm trước. Cuộc trùng phùng ấy không chỉ là phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của ông Nguyễn Sơn Lâm, ấp Thịnh Tường B (xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) mà còn mang lại niềm vui cho bao người dân tốt bụng ở khu phố 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh.
Bà cụ ngủ bên gốc phượng
Ông Lâm kể: “Ba tui là người Nam tập kết ra tỉnh Lào Cai khoảng năm 1960. Cũng khoảng thời gian ấy bà cụ đang sống ở Yên Bái ngược lên kinh doanh ăn uống ở Lào Cai. Hai ông bà gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Hơn chục năm sống bên nhau, ba mẹ tui sinh được năm con, bốn trai một gái, tui là con đầu. Năm tui 14 tuổi, gia đình có chuyện, ba tui dẫn mấy anh em tui vào Nam sinh sống, rồi tui lạc mất mẹ từ đó. Trước gia đình ở Bến Tre, sau này cha mất, tui chuyển xuống Cà Mau lập nghiệp. Gia đình khó khăn nên cũng không biết cách nào tìm ra mẹ, nhưng tui luôn tin mẹ còn sống. Mấy chục năm rồi không tin tức, có đứa em đòi cúng để kiếm xác cho bằng được nhưng tui không chịu, cũng mích lòng anh em. Vì tui tin mẹ vẫn còn sống!”
Trong khi đó, người dân sống ở khu phố 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh vẫn thường thấy một bà cụ vô gia cư được gọi là bà Thụ, ngày ngày đi làm thuê làm mướn, ở đợ khắp nơi, tối về nằm ngủ bên một gốc cây phượng sát mặt đường quốc lộ 1A, đoạn qua bến xe khách Hà Tĩnh. Đồ đạc của bà là một bọc nilông nhỏ, trong có vài bộ quần áo, mùng mền vốn được ai đó thương tình tặng cho, cùng với một cây chổi nan để quét chỗ nằm. Những người chạy xe ôm, người bán hàng thấy cụ đã mưu sinh ở đây hàng chục năm nay nhưng không biết quê ở đâu và người thân là ai. Người ta chỉ phỏng đoán là cụ khoảng trên dưới 70, bị lẫn vì mỗi lần hỏi về thân nhân thì cụ trả lời khác nhau… Người dân xung quanh thương quý bà cũng vì bà cụ dù bệnh tật nhưng không ngửa tay xin ăn ai bao giờ. Đài truyền hình Hà Tĩnh và đài truyền hình Việt Nam đã đưa tin và hỗ trợ tìm người thân cho cụ Thụ. Và điều kỳ diệu cuối cùng đã đến khi có sự vào cuộc của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly.
Một ngày cuối năm 2009, ông Lâm nhận được điện thoại từ công an tỉnh Bến Tre, báo rằng có người tìm thấy mẹ của mình. Khi nghe kể trên trán bà cụ có một vết sẹo hệt như của mẹ mình, ông gom góp vay mượn khắp nơi được 3 triệu đồng, lên một chuyến xe khách ra Bắc để đón mẹ. “Lúc tui gặp bà cụ, nhìn thấy vết sẹo trên trán bà, tui chảy nước mắt. Bà cụ cầm chổi đập rồi xua túi bụi vì không nhận ra tui, nhưng tui biết chắc mình đã được gặp lại mẹ sau bao năm lưu lạc”, ông Lâm nhớ lại.
Chị Hương, người bán hàng gần nơi cụ Thụ nằm, kể: “Sáng hôm đó người dân xung quanh rất khấp khởi, cứ bán hàng một chút lại ngưng để chứng kiến ngày vui của gia đình cụ Thụ. Người con tới nơi thấy bà cụ thì khóc ghê lắm, nhưng mà bà ấy đâu có nhận ra, cứ đánh mắng hoài”. Thấy hoàn cảnh của gia đình khó khăn, mọi người bàn với nhau quyên góp giúp ông Lâm tiền vé xe đưa bà cụ về nhà. Chị Hương kể tiếp: “Chúng tôi toàn là dân lao động, người bán hàng, người xe ôm, mỗi người góp một chút để đưa cụ về với gia đình”. Ngày 3.2.2010, ông Lâm đưa cụ Thụ lên xe về nhà.
Hạnh phúc đoàn tụ
Ngay sau khi gặp mẹ, việc đầu tiên là ông Lâm nhờ những chị em xung quanh phụ tắm cho bà: “Tui cứ nhớ hoài hình ảnh quần áo mẹ mặc là bao nhiêu lớp dính vào nhau sau hàng chục năm không tắm gội, cứ rách bộ này là tròng vào bộ khác. Mấy chị em phải dùng kéo cắt chứ không thể cởi ra…” Ông Lâm quyết tâm đưa mẹ vào Nam sinh sống những ngày còn lại để bù đắp những thiếu thốn tình mẫu tử suốt hàng chục năm qua.
Vết sẹo trên trán cụ Thụ, theo lời kể của ông Lâm, là vết cuốc trúng đầu trong một cuộc xô xát, khiến cho bà trở nên tâm thần bất định, rồi đi lạc mất. Suốt thời gian lang bạt ở Hà Tĩnh, bà đi làm mướn, ở đợ khắp nơi để kiếm sống.
Bản thân ông Lâm, sau bao năm lang bạt khắp các tỉnh miền Tây, khi ổn định tại Cà Mau thì cũng lâm cảnh khó khi tiền của nối gót nhau theo tiền thuốc và những lần chạy thận cho vợ. Gánh nặng sinh kế là vậy nhưng ngôi nhà ấy không thiếu niềm vui khi có thêm người bà đã 82 tuổi và đề huề cháu chắt. “Hồi mới về, bà hay la hét, rồi thỉnh thoảng lại chạy ra gốc phượng trước nhà nằm ngủ. Giờ đã quen với cuộc sống gia đình, thấy bà vui lắm, thỉnh thoảng lại kiếm đâu ra kẹo bánh mang cho mấy đứa cháu nhỏ”, ông Lâm nhìn mẹ, cười vui.
Bài và ảnh: Song Hường
Theo sgtt.vn