Chân dung liệt sĩ Nguyễn Thái Bình
Trên chuyến bay Boeing 747 của hãng Pan America do cơ trưởng Gene Vaughn điều khiển từ Mỹ về Sài Gòn ngày 2/7/1972, trước khi hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất, người sinh viên yêu nước đã bị hạ sát bởi 4 phát đạn của một tên CIA Mỹ.
Sau đó, chúng trắng trợn vu cáo sinh viên này tội làm “không tặc” và ném xác anh xuống đường băng phi trường cửa sổ máy bay. Người sinh viên anh hùng 24 tuổi ấy là Nguyễn Thái Bình và cái chết của anh trở thành một biểu tượng cho phong trào phản chiến của sinh viên miền Nam Việt Nam, sinh viên quốc tế vào thập niên 1970.
Vào tháng 5-1972, Nguyễn Thái Bình đã nhận bằng tốt nghiệp hạng danh dự tại Viện Đại học Washington. Trong buổi lễ trao học vị lần thứ 97 của trường này, thay lời phát biểu cảm ơn nước Mỹ và nhà trường, người sinh viên này đã công bố bản cáo trạng “nợ máu” của Đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân Việt Nam: “Hôm nay, để nhận được mảnh bằng tốt nghiệp, nhiều bạn đã phải nợ trường hàng ngàn đô la, còn đối với tôi, tôi lại phải chịu một món nợ máu xương của hàng triệu người Việt Nam.
Bởi vì thời gian yên ổn của tôi để học tập nơi đây trị giá bằng cái chết, sự đau khổ của dân tộc tôi, sự tàn phá trên quê hương Việt Nam của tôi. Tất cả các bạn cũng chịu món nợ máu này như nhân dân Mỹ phải chịu trách nhiệm về quy mô của những tội ác chiến tranh mà chính phủ Mỹ đã phạm phải khi chống lại nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Đông Dương”.
Mang tinh thần bất khuất, chống Mỹ ngay trên đất Mỹ
Sinh viên Nguyễn Thái Bình quê ở ấp Trị Yên, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, Long An, là con trai lớn trong số 12 người con của ông bà Lê Thị Anh và Nguyễn Văn Hai. Anh chào vào đời đêm 14/01/1948 tại nhà bảo sinh xã Trường Bình thị trấn Cần Giuộc khi tiếng súng bắn nhau vang rền giữa lực lượng Việt Minh với thực dân Pháp rất dữ dội. Hai mẹ con sản phụ phải nằm trên giường sinh vì không thể chạy tìm nơi tránh đạn như bao nhiêu người khác.
Sau khi học xong tiểu học tại Cần Giuộc, Bình theo cha lên Sài Gòn học tại trường Petrus Ký nay là trường THPT Lê Hồng Phong. Cha anh là 1 thư ký đánh máy tại Ty Công tác Thương Cảng Sài Gòn, đồng lương còm cõi không đủ nuôi gia đình đông con, cho nên ngoài giờ đi học, Bình đi nhặt banh quần vợt để kiếm tiền phụ cha.
Trong trường trung học, anh cần cù học tập và tham gia một số hoạt động xã hội, học lực rất giỏi, được thầy cô thương yêu, bàn bè quý mến. Năm 1966, sau khi đỗ Tú tài toàn phần, sau đó anh lần lượt thi đỗ vào các ngành Y, Dược, Nông Lâm Súc và cả Học viện Quốc gia hành chính của Sài Gòn. Nhưng anh chọn học trường Cao đẳng Nông Lâm Súc, nay là Đại học Nông Lâm.
Tháng 3-1968, Nguyễn Thái Bình được cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (United States Agency For International Development - viết tắt là AID) cấp học bổng “lãnh đạo” (Leadership) du học Mỹ.
Bắt đầu từ đó, chàng trai khôi ngô tuấn tú của đất Long An, mảnh đất năm xưa cụ Đồ Chiểu viết bài văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, mang theo truyền thống quê hương và cuộc chiến Mậu Thân sang nước Mỹ du học.
Sau một năm học ở trường Cao đẳng Fresno, anh thi đỗ vào Viện Đại học Washington và trở thành sinh viên Việt Nam duy nhất trong các sinh viên nước ngoài theo học ở trường này. Tại đây, anh theo học kỹ nghệ thực phẩm và ngư nghiệp. Thiên bẩm là 1 người sáng dạ, thông minh nên Nguyễn Thái Bình học rất giỏi giống như khi ở Việt Nam.
Mùa hè năm 1969, Nguyễn Thái Bình là một trong 10 sinh viên của trường được lựa chọn đi tham quan hầu hết các tiểu bang của nước Mỹ.
Chính trong dịp này, hệ tư tưởng của anh đã hình thành rất nhiều hiểu biết về bộ mặt thật của cường quốc tư bản, những mâu thuẫn và bất bình đẳng phía sau hào quang tư bản là những người nghèo khổ, phân biệt chủng tộc, mất dân chủ, nhân quyền được cho là đại diện của xã hội Mỹ “thế giới tự do”.
Mùa hè năm 1970, theo AID dành cho học bổng Leadership, sinh viên Nguyễn Thái Bình được về thăm gia đình ở Việt Nam 2 tháng.
Trong thời gian này, anh đã đi khắp miền Nam từ Huế, Đà Lạt đến Phú Quốc… để tiếp cận thực tế, tự khám phá hiểu biết và yêu mến thêm quê hương đất nước mình. Và còn là dịp để anh chứng kiến và nhận thức thêm hậu quả, tính chất tàn bạo của cuộc chiến tranh mà Đế quốc Mỹ đang gieo rắc ở Việt Nam.
Trở lại Mỹ sau kỳ nghỉ, sinh viên Nguyễn Thái Bình tích cực liên hệ với các tổ chức chống chiến tranh và tham gia biểu tình, mít tinh, diễn thuyết, hội thảo…
Anh bày tỏ thái độ chống chiến tranh không những ở Viện Đại học Washington mà còn ở nhiều nơi khác trên nước Mỹ. Nguyễn Thái Bình còn là sáng lập viên của tờ Thời báo Gà, cơ quan ngôn luận của Trung tâm tài liệu Việt Nam, một tổ chức phản chiến của người Việt ở Mỹ.
Những tháng cuối năm 1971, phong trào chống Mỹ và kêu gọi hòa bình rầm rộ diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, sinh viên Nguyễn Thái Bình hoạt động tích cực hơn, tiếp xúc với các tổ chức và cá nhân ở Mỹ phản đối chiến tranh, trong đó có nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda.
Chính anh đã dạy cho nữ minh tinh màn bạc bài hát “Dậy mà đi” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập, một sinh viên Sài Gòn sáng tác cho sinh viên, học sinh hát trong những đêm không ngủ, hát cho đồng bào tôi nghe trong phong trào đòi hòa bình của sinh viên, học sinh.
Lúc này, trên các nhật báo nước Mỹ, hình ảnh sinh viên Nguyễn Thái Bình liên tiếp xuất hiện bên cạnh những bài báo tường thuật các cuộc diễn thuyết, hội thảo, biểu tình phản chiến lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Anh trở thành 2 nhân vật tích cực trong phong trào chống đế quốc Mỹ ngay trên đất Mỹ, một biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam.
Cuộc chạm trán xảy ra vào ngày 10/2/1972, Nguyễn Thái Bình cùng với 9 sinh viên Việt Nam (6 nam và 3 nữ) chiếm văn phòng Tòa lãnh sự chính quyền Sài Gòn ở số 886 Quảng trường Liên Hiệp Quốc, New York, phát đi bản tuyên bố lên án Đế quốc Mỹ xâm lược và Ngụy quyền Sài Gòn. Bản tuyên bố này đã được truyền đi tới các nước như Pháp, Canada và các nước Mỹ La tinh. Tòa lãnh sự đã nhờ cảnh sát Mỹ can thiệp và bắt tất cả các sinh viên.
Ngô Vĩnh Long, sinh viên trường Đại học Havard, đại diện của Hội sinh viên Nam Việt Nam ở Mỹ nói thẳng vào mặt nhân viên Tòa lãnh sự: “Chúng bây là một lũ hèn nhát. Chúng bây thể hiện sự can đảm bằng một đám cảnh sát Mỹ ở sau lưng phải không?”.
Theo công ước quốc tế, Tòa lãnh sự Nam Việt Nam ở New York là lãnh thổ Việt Nam và đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận tiến bộ Mỹ nên Chính quyền Mỹ không thể ghép Nguyễn Thái Bình và các bạn anh vào tội “xâm nhập trái phép” được. Sở Ngoại kiều và Nhập tịch thành phố New York đã buộc phải đề nghị miễn tố đối với những sinh viên Việt Nam này.
Tháng 5-1972, Nguyễn Thái Bình nhận bằng tốt nghiệp hạng danh dự tại Viện Đại học Washington. Trong buổi lễ trao học vị lần thứ 97 của trường này anh đã công bố “nợ máu” của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam với lời lẽ đanh thép, hùng hồn rằng: “Hôm nay, để nhận được mảnh bằng tốt nghiệp, nhiều bạn đã phải nợ trường hàng ngàn đô la, còn đối với tôi, tôi lại phải chịu một món nợ máu xương của hàng triệu người Việt Nam.
Bởi vì thời gian yên ổn của tôi để học tập nơi đây trị giá bằng cái chết, sự đau khổ của dân tộc tôi, sự tàn phá trên quê hương Việt Nam của tôi.
Tất cả các bạn cũng chịu món nợ máu này như nhân dân Mỹ phải chịu trách nhiệm về quy mô của những tội ác chiến tranh mà chính phủ Mỹ đã phạm phải khi chống lại nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Đông Dương”.
Và anh dõng dạc công bố “Hôm nay hàng trăm vụ ném bom bằng B52, hàng ngàn tấn bom na-pan, bom lân tinh, chất khai quang… tất cả đều đổ lên đầu trẻ thơ vô tội và những người già, tàn phá nhà thờ, trường học, chùa chiền, bệnh viện tại Việt Nam.
Tôi tin rằng lương tâm nhân loại vẫn còn ở mỗi con người. Tôi kêu gọi tất cả các bạn hãy lên tiếng vì hòa bình, đứng về phía công lý và giúp đỡ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nhằm kết thúc cuộc chiến phi nghĩa, phi nhân và tàn bạo này”.
Chuyến bay định mệnh và cái chết bất tử Nguyễn Thái Bình
Những ảnh hưởng và sự lan tỏa phong trào chống Mỹ tại đất Mỹ đã khiến cho cơ quan Trung ương tình báo Mỹ CIA ngấm ngầm trục xuất Nguyễn Thái Bình về Việt Nam để sát hại anh theo 1 kịch bản đã dàn dựng sẵn: quy cho anh là “không tặc” cướp máy bay và bị hành khách cùng chuyến bay giết chết trước khi hạ cánh.
Ngày hôm trước khi bước lên chuyến bay định mệnh (1/7/1972), Nguyễn Thái Bình đã viết để lại 2 bức thư ngỏ gửi nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới và bức thứ hai gửi Tổng thống Mỹ Richard Nixon.
Bức thư có đoạn viết: “Thưa ngài Tổng thống. Tôi là người Việt Nam, tôi tên Nguyễn Thái Bình, nghĩa là hòa bình. Là 1 sinh viên Việt Nam, tôi đã nghiên cứu những tổn hại to lớn về xã hội, kinh tế và văn hóa mà cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam gây ra.
Nguyễn Thái Bình tại một diễn đàn ở Mỹ
Việt Nam ở cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam không hề làm một điều gì có hại cho người Mỹ. Nhưng suốt 18 năm qua, chính phủ Mỹ đã vi phạm và phá hoại một cách có hệ thống hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, ngăn cản việc vãn hồi hòa bình, cản trở việc thống nhất đất nước yêu dấu của tôi.
Với tư cách là người lãnh đạo nước Mỹ hẳn ngài phải hiểu rõ hơn ai hết quy mô to lớn của những tội ác chiến tranh chống nhân loại, những tội ác chống hòa bình mà chính phủ Mỹ đã phạm phải ở Việt Nam cũng như ở Lào và Campuchia.
Tôi nghĩ rằng ngài và các người kế tục ngài đã hiểu rất rõ: Bao nhiêu bom đã ném xuống Đông Dương sau khi ngài nhận chức? Vũ khí của ngài đã có tác dụng giết người đến mức nào? Bom đạn Mỹ đã hủy diệt đất đai, cảnh trí và sinh mạng con người đến mức nào? Hàng triệu người ở Đông Dương đang phải đau khổ ra sao dưới bàn tay ngài, dưới chính sách diệt chủng, diệt sinh của Mỹ?”.
Và anh nói những lời tiên tri vì linh cảm bọn CIA sẽ sát hại anh trên đường về Tổ quốc: “Nếu tôi bị giết, hàng triệu người Việt Nam sẽ thay tôi chiến đấu cho đến khi chúng tôi chấm dứt được cuộc chiến tranh bất nhân và vô luân này”.
Sau khi gửi 2 bức thư ngỏ cho Hội sinh viên Việt Nam ở Mỹ công bố trước báo chí, Nguyễn Thái Bình ung dung bước lên máy bay để trở về cố quốc theo lệnh trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ.
Lúc máy bay dừng ở Hawai, Anh tranh thủ gửi bức thư ngỏ cho Tổng thống Mỹ Nixon qua bưu điện. Trên đường bay từ quần đảo Hawai về phi trường Tân Sơn Nhất, anh vội vã viết thư gởi cho ba má ở quê nhà vì anh có linh cảm rằng CIA đi cùng chuyến bay sẽ hãm hại mình trước khi đến Sài Gòn.
Bức thư viết: “Ba má! Con biết ba má và các em con sẽ khổ nhiều trong cảnh sinh ly hay tử biệt này. Con quả quyết ra đi hôm nay vì con thấy một sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc, Tổ quốc đã đặt vào tay con. Nỗi khổ đau này của ba má và các em, con hiểu lắm.
Suốt mấy năm qua khi nghĩ đến quyết định này đã làm cho con giằng co tâm não, để cuối cùng chọn con đường chông gai, khổ nhọc này vì con đã thấy rõ đâu là con đường sống của dân tộc, đâu là con người tàn bạo dã man nhất.
Sự đau khổ của đồng bào quê hương suốt mấy chục năm qua dưới bom đạn, đốt phá không gì sánh nổi. Đau khổ này của ba má ví bằng đau đớn của bao triệu cha mẹ Việt Nam mất đi đứa con yêu (ngày nào đó con cũng sẽ vùi thân trong tủi nhục mà không chút lý tưởng, nghĩa lý cho sự hy sinh).
Hôm nay vì chính nghĩa, vì sự sinh tồn của cả một dân tộc, vì chân lý, lẽ công bằng nhân đạo mà con có hy sinh thì cái chết này không phải là một sự chấm dứt mà là một sự khởi đầu cho một sự hồi sinh của thế hệ tương lai.
Đường con đi nhất định theo chân anh hùng Việt Nam đi vào thanh sử chứ không bám gót ngoại xâm làm thân tôi đòi nô lệ. Con hy vọng ba má đặt mình vào vị trí của cha mẹ Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi thì sự mất mát này không là sự đau khổ, thương tiếc quá lớn mà sẽ giảm thiểu để con vun bồi xây dựng cho lớp đàn em kế tiếp (vì phi cơ xóc viết không rõ, xin ba má hiểu cho).
Con yêu của ba má
Anh của các em thương
Nguyễn Thái Bình”
Gần 10 giờ ngày 02/07/1972, Nguyễn Thái Bình bị sát hại trên chiếc máy bay Boeing 747 mang số 841 của Hãng hàng không Liên Mỹ khi đang hạ cánh xuống đường băng phi trường Tân Sơn Nhất.
Những nhân viên CIA Cục tình báo Trung ương Mỹ đã đê hèn bắn 4 phát đạn vào ngực của anh và quy anh là “không tặc” định cướp máy bay, đã bị 1 hành khách trên máy bay bắn chết. Người thanh niên vừa tròn 24 tuổi ấy ngã xuống như 1 anh hùng và đi vào cõi bất tử.
Gia đình của anh bị Ngụy quyền ở Sài Gòn bắt ngay sau khi anh bị sát hại và cha anh không được dự lễ tang của con mình được tổ chức lặng lẽ vào ngày 6/7/1972.
Trước đó 2 hôm, vào ngày 4/7, ngay khi nghe tin anh bị sát hại, Hội sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã họp báo tại San Francisco và ra tuyên bố về sự hy sinh anh dũng của sinh viên Nguyễn Thái Bình, công bố 2 lá thư ngỏ của Nguyễn Thái Bình gửi cho Tổng thống Nixon và gửi cho nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới.
Bản tuyên bố có đoạn: “Hội sinh viên Việt Nam ở Mỹ gọi cái chết của Nguyễn Thái Bình là “Cái chết của 1 người yêu nước. Là 1 vụ ám sát chính trị” và yêu cầu: “Phải đưa kẻ giết Nguyễn Thái Bình ra trước nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới.
Bà Lê Thị Anh bên bàn thờ liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thái Bình.
Chế độ bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu phải thả ngay tức khắc gia đình Nguyễn Thái Bình đang bị bắt giam tại Sài Gòn. Hội sinh viên Việt Nam ở Mỹ kêu gọi nhân dân ở khắp nơi hãy có mọi hành động ủng hộ sự hy sinh của Nguyễn Thái Bình vì hòa bình, tự do và độc lập của đất nước chúng tôi và phản đối cuộc xâm lăng tàn bạo của chính phủ Mỹ ở Việt Nam.
Ngay sau ngày người sinh viên Nguyễn Thái Bình ngã xuống, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Jane Fonda, người bạn tranh đấu cùng chí hướng đã đến Hà Nội, đứng trên đê sông Hồng để nhìn nước Mỹ rõ ràng hơn. Chị đã mặc chiếc áo dài và đội chiếc nón lá của Việt Nam để bay về Mỹ. Chị đã khóc: “Tôi khóc không phải vì nỗi đau khổ của Việt Nam.
Ở Việt Nam không còn “đau khổ” theo nghĩa bình thường của nó. Ở đó chỉ có lòng căm thù và sức mạnh vô địch của con người. Tôi khóc cho tấn thảm kịch đang diễn ra ngay trên nước Mỹ”.
Sau cái chết của Nguyễn Thái Bình, các bạn học của anh đã tưởng niệm anh tại Đại học Washington và một số tổ chức sinh viên Việt kiều cũng tổ chức tưởng niệm anh tại Mỹ.
Những câu nói nổi tiếng của anh còn lưu lại trong muôn vàn trái tim bạn bè trong và ngoài nước: “Thà làm hạt cát phù sa bồi đắp cho quê hương còn hơn làm viên kim cương để trang điểm cho bàn tay người mệnh phụ kênh kiệu”.
Nguyễn Thái Bình có câu nói nổi tiếng khi chỉ trích chính sách của Tổng thống Mỹ Nixon là “The old wine in the new plastic bottle”. Câu nói này hàm ý chính sách của Nixon bản chất vẫn là xâm lược Việt Nam. (không thể đặt rượu mới vào chai cũ).
Góc lặng của trái tim tình yêu Nguyễn Thái Bình
Vào ngày 30/4/2010, liệt sĩ sinh viên Nguyễn Thái Bình được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng. Trong ngày lễ trao tặng ấy, bà mẹ Lê Thị Anh đã bước sang tuổi 89 tuổi, mắt mờ, chân run run nhưng hình ảnh đứa con vẫn vẹn nguyên trong ký ức người mẹ.
Trong ngôi nhà sâu trong hẻm Đa Thiện, Quận 7, má anh vẫn giữ nguyên vẹn những vật dụng, hình ảnh của người con trai yêu dấu Nguyễn Thái Bình, từ những lá thư bạn bè gởi cho anh, đến tấm biểu ngữ anh đi đấu tranh và cô du kích nào đó do tự tay anh vẽ trên tấm vải. Mẹ vẫn tiếc: “Phải chi thằng Bình còn để lại cho má đứa cháu”.
Mẹ Anh kể: “Năm 1970, nó về nước thăm nhà, má hối thúc: “Con thương cô nào, cứ nói cho ba má biết. Nếu tụi con thương nhau, má bằng lòng tác hợp”. Nhưng anh Bình cười hiền lành rồi nói: “Con chưa muốn cưới vợ. Con còn nhiều việc phải làm má ơi…”
Nguyễn Thái Bình đã nắn nót ghi trong nhật ký của mình những dòng chữ thiết tha, tình cảm sâu lắng nhất dành cho mẹ, những dòng chữ này giúp cho mọi người hiểu hơn vì sao anh luôn khẳng định “tôi là người Việt Nam”: “Các đứa con mỗi ngày một lớn và xa dần cha mẹ. Đó là chuyện xảy ra tự nhiên như theo lề luật của trời đất trong cuộc đời này.
Tuy nhiên, dù lớn bao ngần, dù có đi đâu, có lúc người ta cũng muốn trở lại cái thuở trẻ thơ để được cha mẹ nuông chiều, săn sóc, và có những đứa con vẫn hằng tưởng đến cha mẹ mình với các đức tính, tình yêu thương và sự răn dạy…
Các con dù có ngày một lớn, một khôn nhưng lần này chính con (cũng như các em con) muốn nói lên lời ru của má tới ba má trong dịp tết năm Hợi này như lời chúc tha thiết nhất: Cầu cho cha mẹ sống đời với con”. Anh đã viết những dòng nhật ký ấy vào lúc 10 giờ đêm 14/1/1971, khi tròn 23 tuổi, ngoài trời Seattle nước Mỹ đêm ấy, tuyết đang rơi nhiều.
Lúc học ở Mỹ, Nguyễn Thái Bình là 1 sinh viên học giỏi, tài hoa, được nhiều người mến mộ. Anh mê thể thao - đặc biệt là bóng đá. Anh viết báo, nhảy đẹp, diễn thuyết giỏi. Anh từng có cô bạn gái là công chúa Thái Lan mà những người bạn học của anh thường trêu chọc: “Nếu muốn, Bình chỉ bước thêm “vài bước” là có thể trở thành “phò mã” của vương quốc Thái Lan…”.
Anh viết những dòng chữ về cô bạn học ở bên nhà: “Xuân Lan có dặn: “Anh Bình qua bển đừng có xí xọn” nhưng quả thật hổm rày mình khá lăng xăng: Thanh Hà, Ott (+ bà mẹ Thais), rồi lông bông, gặp ai cũng muốn xông xáo: Dianna, Ann…! Cũng vì như lục bình trôi dạt, tấp vào nhiều chỗ, nhưng chẳng dừng lại nơi nào, cũng chẳng được gì, cuối cùng cũng vẫn hoàn cái kiếp bình bồng”. Nguyễn Thái Bình dành một trang đặc biệt cho Hellen và Ott.
Trong đó, cô bạn Hellen Crutchfield chợt nhìn: “Gương mặt, đôi mắt, sống mũi, lông mày, mái tóc gợi lại hình ảnh con gái, công nương giới quý phái, hoàng tộc Âu Châu xa xưa mà mình có dịp xem hình, xem phim lúc 5, 10 tuổi.
Nhìn ngắm cho vui mắt chớ không có đối thoại, trong khi có nói chuyện với Hana, Mary. Gần giai đoạn chót, ngẫu nhiên ra tay nhảy nhót một bản, rồi lại đúng bản Slow... Tặng nàng cái nón lá có lẽ được việc, chứ giữ nữa cũng chẳng làm gì và quanh quất cũng không có ai đáng để tặng”.
Về xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, nơi chôn nhau cắt rốn của anh, có biết bao kỷ niệm ùa về trong ký ức những người thân yêu và xóm giềng. Ngôi trường gắn bó với Nguyễn Thái Bình từ những ngày thơ bé nay được mang tên anh - Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình tại thị trấn Cần Giuộc.
Cô Biện Thị Kim Cương là người em bà con bạn dì với anh nhắc lại: “Lúc đi học ở Mỹ, lần về thăm gia đình anh tranh thủ ghé về quê, tụi tui hỏi anh đủ chuyện và nói anh ráng học sau này về đây mở xưởng cho tụi tui vô làm công nhân. Ảnh cười kêu: Ừ, để anh ráng học sau này về giúp quê”.
Nam Yên
Theo phunutoday.vn