Ông Nguyễn Thanh Phụng, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn bùi ngùi nói, giá như có thể xác định được chính xác số lượng, tên tuổi, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ trong đợt khai quật này trước khi đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện thì sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều.
Ban đại diện Phật giáo huyện Long Thành cầu siêu cho các liệt sĩ tại UBND xã Bình Sơn. Ảnh: C.Nghĩa
* Phát hiện từ chiếc máy dò phế liệu
Anh Bùi Thanh Vĩnh (ngụ ở ấp 7, xã Bình Sơn) làm nghề dò tìm sắt phế liệu, kể lại: Chiều 20-9, anh cùng với anh Vũ Đình Phương (ngụ ấp Bàu Tre, xã An Bình) cầm máy vào lô cao su 46 thuộc Nông trường cao su Bình Sơn dò phế liệu. Khi đang dò thì máy báo tín hiệu phía dưới có kim loại, các anh đào xuống một đoạn không sâu, thì phát hiện 1 chiếc xẻng, 5 chiếc dép râu, một số tăng, đạn súng AK đã gỉ sét. Do biết trong chiến tranh, Bình Sơn là vùng chiến trường ác liệt nên hai anh nghĩ ngay những thứ mới đào được có thể là của bộ đội để lại lúc hy sinh. Vụ việc nhanh chóng được báo cho lãnh đạo xã Bình Sơn tiếp quản, xử lý.
Việc sớm tìm kiếm và quy tập được các phần mộ liệt sĩ vẫn còn nằm an nghỉ ở đâu đó là điều mong muốn của nhiều thế hệ đang sống hôm nay. Thượng tá Nguyễn Tấn Phát, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Long Thành cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của Đảng ủy, UBND xã Bình Sơn, Ban Chỉ huy quân sự huyện lập tức cử cán bộ xuống nắm tình hình, đồng thời báo cáo với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng phối hợp tìm kiếm. Thượng tá Nguyễn Tấn Phát cho biết, ngay trong buổi chiều ngày 20-9, các lực lượng tìm kiếm, gồm: dân quân, Công an xã Bình Sơn, Ban Chỉ huy quân sự huyện và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã khai quật thêm được nhiều di vật, như: 1 dây đạn đại liên còn nguyên trong bọc, hơn 100 viên đạn AK, 9 chiếc dép râu, một số tăng võng và một số xương người. Căn cứ vào các quân trang, quân dụng thu được có thể xác định đây chính là hài cốt của bộ đội đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Là người có mặt suốt thời gian khai quật mộ tập thể liệt sĩ tại Bình Sơn, Trung tá Đoàn Công Tâm, Trưởng ban Chính sách, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh kể: “4 ngày khai quật tìm kiếm, ngày nào trời cũng mưa lớn, có lúc anh em phải đứng đầu không, ướt nhẹp dưới mưa căng bạt để miệng hố đang khai quật không bị vào nước. Nhiều người không kịp về nhà, chỉ kịp tranh thủ về trụ sở UBND xã tắm qua loa rồi trở lại hiện trường để việc tìm kiếm được nhanh hơn. Mỗi mảnh xương cốt hay mỗi di vật đồng đội nằm lại dưới hố, dù là nhỏ nhất cũng là động lực để anh em trong đội quyết tâm dồn hết sức mình để tìm kiếm” - Trung tá Đoàn Công Tâm chia sẻ.
* Trọn vẹn nghĩa tình
Kết quả của 4 ngày khai quật mộ liệt sĩ tập thể, tổng cộng đã có 41 vị trí tìm được tìm kiếm, trong đó có 24 vị trí tìm thấy được xương răng và xương sọ; 17 vị trí có xương ống tay, ống chân và một số xương vụn. Để việc tìm kiếm vừa nhanh vừa hiệu quả, lãnh đạo huyện Long Thành còn hợp đồng với xe cuốc của công trình xây dựng đường cao tốc vào giúp mở rộng miệng hố, đồng thời nhiều người dân cũng tranh thủ ra hiện trường hỗ trợ đội tìm kiếm. Đội tìm kiếm còn khai quật được 23 võng, 1 bi-đông nhựa ghi năm sản xuất 1966, 5 bi-đông nhôm, trong đó có chiếc khắc ký hiệu “ON 5”, 1 chiếc khắc dòng chữ “Dũng Hải KB Con 43”. Đặc biệt, trong các di vật tìm thấy còn có 1 cây viết khắc dòng chữ “Hồng Nhung - Trà Vinh muôn thủa” cùng 34 chiếc dép râu (17 đôi), 11 thắt lưng, 12 xẻng cá nhân…
Bà Lê Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết, để làm cơ sở cho việc xác định tên tuổi, quê quán, đơn vị của các liệt sĩ, sở đã chỉ đạo việc lấy mẫu xương để gửi đi xét nghiệm ADN. Do đây là mộ hài cốt tập thể nên ngoài việc lễ truy điệu được tổ chức long trọng và chu đáo thì việc an táng các hài cốt này như thế nào cũng phải được cân nhắc và bàn bạc cụ thể. “Có nhiều bộ phận xương nằm lẫn với nhau nên không thể tách ra từng bộ để an táng riêng vì rất dễ xảy ra việc bộ phận của liệt sĩ này nằm lẫn với liệt sĩ kia” - bà Phượng nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Ý, Chủ tịch UBND huyện Long Thành trong cuộc họp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các ngành chức năng của huyện cho biết, đã thống nhất đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh phương án tổ chức lễ truy điệu và an táng tập thể đối với toàn bộ số hài cốt được tìm thấy. Tuy nhiên, do tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Long Thành từ trước đến nay chỉ có hình thức mộ cá nhân liệt sĩ hoặc mộ mẹ Việt Nam anh hùng chứ chưa có mộ tập thể an táng cùng lúc nên huyện đang chỉ đạo gấp rút việc thiết kế một ngôi mộ liệt sĩ theo đúng quy định của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo Đại tá Dương Hòa Hiệp, Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ có trách nhiệm tiếp tục xác minh tên tuổi, địa chỉ và đơn vị của các liệt si này. Trước mắt, trong ngày lễ truy điệu và an táng (29-9), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh sẽ thông báo và mời nhiều đồng chí trước đây từng chiến đấu tại khu vực chiến trường xã Bình Sơn để nắm thông tin về số hài cốt này. Việc tìm kiếm, cất bốc số hài cốt và di vật của các liệt sĩ cũng là dịp để nhắc nhở và giáo dục lớp thanh niên hôm nay không quên truyền thống đấu tranh anh dũng của các liệt sĩ và cha anh đi trước.
Công Nghĩa
Theo baodongnai.com.vn