Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Khâm Thiên tiếng gọi nhớ đời…
timnguoithatlac.vn - 12/12/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

Khoảng năm 1994, một cựu binh Mỹ đến xin gặp tôi, với mảnh giấy giới thiệu của ngành ngoại giao ta: “Ông James G. Zumwalt (Giêm), nguyên Trung tá thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, đã từng tham chiến ở Việt Nam - nay là luật sư, và là nhà văn, muốn tìm hiểu tư liệu để viết một cuốn sách về thời kỳ Mỹ gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”.

Cấp cứu người bị thương ở phố Khâm Thiên. Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

Tôi nói với Giêm: “Nếu ông làm được chuyện đó để giúp nhân dân Mỹ hiểu Việt Nam, thì tôi sẵn sàng giúp ông với tất cả hiểu biết và khả năng của mình”.

Giêm tỏ vẻ vui mừng. Suốt ba giờ liền ông ta ngồi hỏi, tôi trả lời. Với cuốn sổ tay và cây bút, Giêm ghi chép liên tục. Hỏi đủ thứ chuyện thời tôi là bộ đội đánh Pháp, đến thời đánh Mỹ, tôi trở thành nhà báo, nhà văn sống ở vùng đất lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh… Giêm chăm chú lắng nghe với vẻ mặt xúc động, ngạc nhiên. Ông ta hỏi tôi có biết địa điểm Khâm Thiên ở Hà Nội không?

Tôi kể cho Giêm nghe Khâm Thiên là một khu phố đông đúc của thủ đô Hà Nội. Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam cũng ở gần đấy. Nơi đó có ngõ Văn Chương, có một nhà thơ nữ tên là Anh Thơ mà chúng tôi quý mến như người chị. Đến ngày Chủ nhật chị thường hay làm bún chả, gọi chúng tôi đến ăn. Khâm Thiên đầy ắp trong tôi những câu chuyện tình lãng mạn và những giọng hát “ả đào” mà nhà văn Nguyễn Tuân thường kể lại cho chúng tôi nghe.

Giêm lại hỏi: “12 ngày đêm Hoa Kỳ sử dụng pháo đài bay B-52 ném bom Hà Nội, ông có mặt ở Hà Nội không?”. Tôi cho Giêm biết suốt từ ngày 18 đến 29-12-1972, tôi không chỉ có mặt ở Hà Nội, chứng kiến từ đầu đến cuối cuộc ném bom vào Thủ đô mà còn có mặt ở phố Khâm Thiên lúc Mỹ trút bom xuống đó.

Giọng Giêm trở nên dè dặt đầy vẻ rụt rè hỏi:

- Có thật Hoa Kỳ đã ném bom vào khu dân cư ở Khâm Thiên hay không?

Tôi nói cho Giêm biết cái đêm 26-12 ấy, Mỹ không chỉ dùng B-52 rải bom hủy diệt phố Khâm Thiên phá hủy 2000 ngôi nhà, giết hại và làm bị thương 473 ông bà già, phụ nữ và trẻ em, mà còn rải bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Nghĩa Đô, An Dương và nhiều nơi khác ở Hà Nội, giết hại rất nhiều dân thường.

Thấy vẻ mặt hoài nghi của Giêm vì ông cho rằng, không lực Mỹ hiện đại nhất thế giới không thể đánh trật các mục tiêu là căn cứ quân sự của đối phương, khu dân cư ở Khâm Thiên bị bom chẳng qua là sự sai lạc chút ít trong kỹ thuật của phi công… Tôi nói: “Khi ra Hà Nội, ông nên đến Khâm Thiên để tìm hiểu cụ thể sự thật”...

Cuối buổi gặp, Giêm vẫn năn nỉ xin tôi cho ông ta biết những ý nghĩ và ấn tượng của tôi về Khâm Thiên hồi Hà Nội bị đánh bom. Tôi ngồi nhìn dáng người Giêm cao lớn nhưng có gương mặt hiền lành, chân thật. Mắt ông ta nhìn đầy vẻ cam chịu và ẩn chứa một nỗi đau nào đó làm tôi động lòng thương hại. Tôi kể cho ông ta nghe về cái đêm Khâm Thiên năm ấy…


Toàn bộ 6 khối phố Khâm Thiên hầu như bị xóa sạch trong đêm 26-12-1972. Bom Mỹ đã giết 287 người, trong đó có 40 cụ già và 55 em nhỏ. Nhiều gia đình không còn ai sống sót.  Ảnh chụp lại tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace.

… Sau một đợt đi công tác ở mặt trận B5 ở miền Nam, tôi được Hội Nhà văn gọi ra Hà Nội ngồi viết sách. Viết chưa xong cuốn sách thì Ních-xơn trì hoãn và lật lọng ở Hội nghị Pa-ri, trở lại ném bom miền Bắc. Ở Vĩnh Linh - Quảng Bình bắt đầu bị Mỹ dùng máy bay B-52 ném bom hủy diệt. Ở Hà Nội cũng đang sơ tán. Trại sáng tác ngưng hoạt động, các nhà văn miền Nam trở lại chiến trường. Tôi đang chuẩn bị tìm xe trở về Quảng Bình thì vợ tôi đem hai con nhỏ ra Hà Nội giao cho tôi rồi quay trở lại bám trụ vùng đất lửa để dạy học. Được đồng nghiệp giúp đỡ, tôi mang hai con về sống tạm tại căn hộ của nhà văn Hoàng Lại Giang ở 52 Trần Nhân Tông. Bước vào tháng 12-1972, cả Hà Nội sơ tán chuẩn bị chiến đấu. Giang vác tất cả các thùng sách chất lên cái bàn viết và xếp quanh bàn làm cho bố con tôi cái hầm trú ẩn phòng máy bay oanh tạc. Cả khu phố Trần Nhân Tông đi sơ tán hết. Bạn bè ở Hội Nhà văn và các nhà xuất bản giúp bố con tôi tiền bạc và thực phẩm để tạm sống ở Hà Nội chờ xin xe quân sự để trở về Quảng Bình. Những ngày đó, tôi ngồi xem lại và sửa chữa những trang viết. Ngọc Lan, con gái tôi tám tuổi chơi quanh quẩn bên căn hầm sách với em gái Thúy Vinh hai tuổi. Hễ nghe còi báo động rú lên là Lan bế em chui vào cái hầm sách gầm bàn. Còn tôi ra hào giao thông trước nhà để xem các cô cậu tự vệ bắn máy bay Mỹ bay tầm thấp bằng súng trường.

Những ngày đó, Hà Nội thực sự là một mặt trận. Tiếng còi báo động rú lên cùng với tiếng loa phóng thanh hướng dẫn ẩn nấp và chỉ huy chiến đấu khi máy bay Mỹ bay đến. Bắt đầu từ đêm 18-12, hàng đợt máy bay B-52 Mỹ đến ném bom Hà Nội. Tiếng bom rung chuyển mặt đất. Bầu trời rực sáng những đường bay của tên lửa và đạn cao xạ của bộ đội phòng không. Chốc chốc thấy B-52 bị trúng đạn bùng lên những khối lửa nổ tung và rơi lả tả giữa trời đêm. Vài đêm sau, Mỹ đánh sập nhà ga Hàng Cỏ và chúng đang nhằm vào các đê đập và các cây cầu. Người Hà Nội vẫn bình tĩnh làm việc và chiến đấu. Tôi nhớ mãi ngày thứ chín, B-52 Mỹ đánh dữ dội vào Hà Nội nhằm vào đúng sau đêm Giáng sinh. Ngoài trời mưa phùn gió bấc, rét căm căm. Tôi lấy thêm chăn đắp cho con, ngồi lo lắng nghe tiếng máy bay gầm rú và bom đạn vang rền rất gần chỗ tôi. Nửa đêm nghe tiếng chân người chạy và tiếng loa gọi hướng vào nhà: “Khâm Thiên bị bom bà con ơi! Nhanh lên đi cứu Khâm Thiên đồng bào ơi!”. Tôi dặn Lan: “Ở trong hầm trông em để ba đi cứu người”. Từ chỗ tôi qua phố Khâm Thiên chỉ mấy trăm mét đường. Phố Khâm Thiên như một bãi đất đá ngổn ngang đầy người đào bới các dãy nhà và hầm hố bị sập để cứu người bị thương và kéo người chết ra xếp đầy bên đường phố. Tôi cùng một số nhà văn, nhà báo có mặt cùng mọi người lao vào đào bới. Nữ diễn viên điện ảnh Mỹ Giên Phôn-đa vừa lau nước mắt, vừa đưa máy lên ghi hình ảnh đau thương...

Nghe tôi kể đến đó, Giêm vội hỏi: “Bây giờ hai cô gái con ông đang ở đâu?”.

- Một đứa đang dạy ở Trường Đại học Văn hóa, một đứa đang dạy đàn dương cầm ở Nhạc viện TP Hồ Chí Minh gần đây…

Tháng 5-2010, bạn tôi ở Washington D.C. gửi cho tôi cuốn sách “Chân trần chí thép” của Giêm vừa xuất bản ở Mỹ. Cuốn sách đã làm xôn xao dư luận Mỹ và gây không ít phản ứng của các thế lực cầm quyền. Cuốn sách đã phần nào giúp dân chúng Mỹ bước đầu hiểu rõ ý chí gang thép của người Việt Nam. Ý chí đó với đôi chân trần đã vượt qua tất cả để làm nên một Điện Biên Phủ dưới mặt đất, tống cổ thực dân Pháp ra khỏi Việt Nam. Và cũng với ý chí gang thép đó, Việt Nam lập nên một chiến công huyền thoại Điện Biên Phủ trên bầu trời đánh bại thần tượng pháo đài bay B-52, góp phần quan trọng giành lại hòa bình cho nhân dân và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước Việt Nam.

Có một điều tôi chưa bằng lòng với cuốn sách là ông ta trích nhiều đoạn nhật ký của tôi nhưng thật sự chưa hiểu hết sự diễn đạt của tôi, cũng như ông ta né tránh kể lại chuyện con gái tôi phải bò trong đám xác người đẫm máu để đi tìm bố. Tuy vậy, ông ta đã phải thừa nhận không lực Hoa Kỳ ném bom vào dân thường ở Khâm Thiên, mặc dầu vẫn dùng cụm từ: “tổn thương bên lề và hệ quả không may trong chiến tranh”(!?)

Cho đến bây giờ, hai tiếng Khâm Thiên là tiếng gọi đau thương để lại ấn tượng nặng nề trong lòng tôi.

Trong cuộc tập kích đường không chiến lược tháng 12-1972, Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100.000 tấn bom đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, phá hủy nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết hại 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác. ST.

Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN

Theo qdnd.vn
 

Các tin khác