MÓN NỢ KHÔN NGUÔI
Lắng nghe câu chuyện của bà, chúng tôi hiểu tâm trạng day dứt và nghĩa vụ của người còn sống đối với những chiến sĩ đã đổ máu xương cho Tổ quốc mà chưa được ghi nhận thỏa đáng.
Các đồng đội cùng bà Tám Vân thăm lại chiến trường xưa
Như nhiều thanh niên yêu nước, sống có lý tưởng, chưa hết phổ thông trung học Phạm Thị Long cũng xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Vào chiến trường, Tám Vân (bí danh của bà Long) công tác tại Đoàn an dưỡng Phân khu 4 trực thuộc Khu căn cứ Sài Gòn - Gia Định. Đơn vị đóng quân tại địa bàn Suối Cả (Đồng Nai) với nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ tàu không số về cất giấu để chuyển đi Củ Chi - Gò Môn.
Cuối năm 1969, Đoàn an dưỡng được điều động đến Rừng Sác trú đóng, với nhiệm vụ điều dưỡng sức khỏe cho thương binh trước khi đưa họ trở lại chiến trường. Tại đây (nay thuộc ấp ông Trịnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đơn vị của Tám Vân mang phiên hiệu Đoàn 12 - cánh Thủ Đức, anh em đóng quân trong những lán trại ẩn mình giữa rừng đước mênh mông cùng sông rạch chằng chịt. Tám Vân thuộc biên chế Đại đội 14.
Bà kể, cuộc chiến ngày càng gian nan khốc liệt, dù thiếu thốn trăm bề nhưng chiến sĩ ta vẫn kiên cường chiến đấu, giành nhiều thắng lợi trên khắp các mặt trận. Cuối năm 1970, bà sinh cháu Đặng Hoàng Hùng, nghỉ dưỡng sinh ngay tại đơn vị. Liên tục tiến công, phá hủy hàng loạt tàu chiến, kho xăng dầu, vũ khí chiến lược của địch tại quân cảng Cát Lái, Nhà Bè, thành Tuy Hạ..., Đoàn 10 đặc công Rừng Sác trở thành mối hiểm họa kinh hoàng đối với địch. Chúng điên cuồng mở các đợt phản công, càn quét Rừng Sác với hy vọng tiêu diệt sở chỉ huy Đặc khu của ta. Do am hiểu địa hình và tinh thần kiên cường, Đại đội 14 đẩy lùi nhiều trận càn của địch. Ngày 25-1-1971, kẻ thù đổi chiến thuật tấn công vào lúc sáng sớm với vũ khí tối tân và quân số áp đảo khiến Đại đội 14 bị động. Nghe cấp báo có địch càn tới, Tám Vân cùng các thương binh được đồng đội yểm trợ cho rút về tuyến sau. Cuộc chiến ác liệt diễn ra nhiều giờ, cả cánh rừng tươi tốt bỗng chốc tan hoang, quân số Đại đội 14 thiệt hại nghiêm trọng. Ít nhất 17 đồng đội của Tám Vân đã hy sinh, nhiều người mới được bổ sung về đơn vị nên đồng đội chưa kịp biết tên, quê quán của nhau. Trong số những người ngã xuống, Tám Vân chỉ biết chị Bùi Thị Hương quê Củ Chi và anh Bách người miền Bắc. Do đặc thù địa hình, sự khốc liệt của thời chiến, xác một số chiến sĩ được chôn vội tại Gò Ghe, Bản Trắng, Vàm Mặt Trời trong khu Rừng Sác. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, những đồng đội còn sống tiếp tục với trận chiến mới...
NHÂN CHỨNG VƠI DẦN
“Chồng tôi là liệt sĩ Đặng Hoàng Năng, hiện yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Mừng cho chồng mồ êm mả ấm, tôi lại chạnh lòng thương đồng đội vẫn bơ vơ đâu đó trong lòng đất lạnh. Phải chi họ có một nơi rõ ràng dù là nấm mộ tập thể cũng được, để những người còn sống khói nhang cho bớt hiu quạnh” - bà Tám Vân phân trần với chúng tôi và kể về cuộc hành trình đòi hỏi quyền lợi cho đồng đội.
Nhiều năm trước, bà Tám Vân đã làm đơn tường trình lại trận chiến oanh liệt trên gửi các cơ quan có thẩm quyền tại TPHCM nhờ xác minh, xem xét công nhận địa điểm hy sinh và quyền lợi cho các liệt sĩ nhưng không nơi nào giải quyết. Chán nản, bà tạm xếp đơn thư lại. Gần đây, thấy nhân chứng vơi dần, bản thân mình cũng sắp về với tổ tiên, bà thấy có lỗi với bạn bè, lại tiếp tục đi “gõ cửa”.
Từ đơn thư của bà gửi Báo CATP, chúng tôi đã có cuộc gặp mặt một số đồng đội của bà tại Phòng thương binh xã hội huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) vào ngày 11-9-2012. Tại đây, ông Võ Tấn Tiếu - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 12, Phân khu 4 - cho biết: “Đại đội 14 do anh Hai Phát làm đại đội trưởng, chị Mười Hương làm y tá, Tám Vân phụ trách hậu cần. Trong trận càn đầu năm 1971, Đại đội 14 hy sinh hơn 40 người do bị địch tập kích bất ngờ vì có gián điệp, sau đó Đoàn 10 đặc công đã theo dõi, bắt xử lý hai tên chỉ điểm. Lúc ấy chiến trường đang sôi động, quân số biến đổi liên tục nên sinh hoạt cùng đơn vị nhưng nhiều người chưa kịp biết tên tuổi, quê quán của nhau thì đã hy sinh. Bên cạnh đó, việc quản lý hồ sơ, sổ sách cũng không đầy đủ, chặt chẽ nên thi thể, mộ phần của các liệt sĩ cũng thất thoát...”.
Về sự kiện lịch sử trên, ông Nguyễn Văn Hoàng khẳng định: Tôi ở Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nên biết rõ trận càn cũng như vị trí hy sinh của các chiến sĩ Đại đội 14. Nếu cần tôi sẵn sàng dẫn đường chỉ rõ”.
Bà Tám Vân lo ngại: “Sau chiến tranh, số anh em còn sống sót tứ tán khắp nơi, nhiều người đã mất do bệnh tật, tuổi cao. Đến nay đơn vị cũ chỉ còn 6 người, ai cũng bước qua tuổi 70 với thương tật đầy mình nên tôi lo ngại nếu không nhanh chân sẽ muộn...”.
XIN ĐỪNG LÃNG QUÊN
Các ông Tiếu, Hoàng đề đạt: “Để ghi nhớ công ơn người đã khuất, chúng tôi mong chính quyền TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng xác minh, làm một văn bia tưởng niệm tại nơi hơn 40 chiến sĩ đã hy sinh...”.
Lắng nghe tâm tư của các cựu chiến binh, ông Phạm Văn Huyền - Trưởng phòng Thương binh xã hội huyện Tân Thành - phát biểu: “Phòng sẽ báo cáo toàn bộ sự việc với cấp trên. Mặc dù chiến trường xưa nay đã thành khu cảng sầm uất nhưng sau khi xác minh, nếu hội đủ các yếu tố thời gian, địa điểm, con người... địa phương sẽ tiến hành làm bia lịch sử cho các liệt sĩ theo nguyện vọng của đồng đội còn lại”. Trước khi chia tay, ông Huyền dùng ôtô của đơn vị chở các cựu chiến binh đi thăm chiến trường xưa và được chỉ địa điểm hy sinh của đồng đội.
Việc “gõ cửa” của bà Tám Vân hiện đã có tín hiệu khả quan. Ngày 14-8-2012, Bộ Lao động - thương binh và xã hội có văn bản với nội dung: Căn cứ đơn trình bày, theo quy định của pháp luật, Bộ Lao động - thương binh và xã hội chuyển đơn đến UBND TPHCM để xem xét giải quyết theo thẩm quyền và trả lời công dân. Ngày 21-8-2012, Văn phòng UBND thành phố cũng cho biết, Phó chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Sở Lao động - thương binh và xã hội phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố xác minh, làm rõ, tập trung quy tập hài cốt các đồng chí đã hy sinh, với trách nhiệm cao nhất, thông báo cho bà Phạm Thị Long biết và báo cáo kết quả cho UBND thành phố...
Nữ cựu chiến binh Tám Vân và đồng đội của bà đang rất phấn khởi, hy vọng ước nguyện chất chứa đạo lý “uống nước nhớ nguồn” không bị lãng quên.
HUỆ TRINH - MINH THƯ
Theo congan.com.vn