Ty Cope trong cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với người cha ruột tại Nha Trang.
Nếu Ty Cope phải viết một bài luận về kỳ nghỉ hè năm nay của mình, chắc anh sẽ dùng hết tập giấy, vì đó là một kỳ nghỉ đặc biệt nhất đời anh - cả một hành trình tìm lại bố, mẹ, các anh em sau 35 năm lưu lạc xứ người.
Vị mục sư 42 tuổi này vừa trở về Việt Nam lần đầu tiên kể từ khi anh được người ta dẫn đến Dallas lúc còn là một cậu bé vào năm 1975. Cope – tên khai sinh là Nguyen Duc Thang, đã gặp người cha mà anh chưa từng biết mặt, có cuộc đoàn tụ riêng với mẹ - người đã gạt nước mặt đặt anh trước cổng trại trẻ mồ côi mong cho con mình có một cuộc sống khá hơn, và gặp được người anh trai mà mình chưa bao giờ nghe nói đến.
Trở về nhà ở College Station tuần trước, Cope còn được một người anh em - mà anh cũng chưa từng từng biết, ghé thăm. Người này đến Mỹ chỉ vài năm trước. “Trái tim tôi như vỡ ra. Đó thực sự là một phúc lớn”, Cope nói.
Mùa Xuân năm 1975, những người chủ trì Trại mồ côi của nhà thờ Thành phố Cam Ranh đã quyết định đưa lũ trẻ - gồm Cope và 68 trẻ mồ côi khác đi trên một chuyến phà đông đúc đến Sài Gòn và tìm cách đến Dallas, Mỹ.
Cậu bé Thang được John Cope, một người đàn ông độc thân và là cựu đầu bếp trong Không Lực Mỹ từ Oklahoma, người làm việc tình nguyện ở trại trẻ mồ côi Cam Ranh, nhận làm con nuôi. Thang Cope, sau đó lấy tên thánh là "Ty", đã theo học ở đại học Oklahoma và một trường dòng, rồi lấy vợ, có 2 con gái và theo đuổi nghề mục sư.
John Cope xúc động trong cuộc hội ngộ của cậu con nuôi Ty Cope với người cha ruột.
Nhưng anh và cha nuôi vẫn giữ liên lạc với nhóm trẻ mồ côi ra đi từ Cam Ranh và tham gia các cuộc gặp mặt được tổ chức 5 năm một lần. Gia đình Copes và gia đình cha nuôi (John sau này cũng lấy vợ và có thêm 2 con) đã hăm hở đăng ký khi nhóm những người là trẻ mồ côi khi xưa quyết định về thăm Việt Nam.
Thậm chí ngay trước khi đi, Ty Cope đã tìm hiểu qua Internet và biết rằng một người đàn ông đã tự nhận là cha đẻ của anh đang cố liên lạc. Ở thành phố biển Nha Trang, Ty Cope và những người trong nhóm đã tổ chức một cuộc đoàn tụ gia đình tập thể. Cope đã lần đầu tiên gặp ông Nguyen Duc Tâm, trước một đám đông lớn, giữa những tiếng vỗ tay. Nhưng ngay cả khi đó, Cope nói anh vẫn nghi ngờ không biết liệu đây có phải là cha đẻ của mình thật không.
Ông Tam ôm lấy anh, anh khẽ lùi lại. Nhưng ngày hôm sau, khi Cope tìm đến nhà người đàn ông này, anh đã hoàn toàn bị thuyết phục khi nhìn thấy những tấm ảnh và nhận được những thông tin khác. Quan trọng nhất là cha Cope đã chỉ cho anh nơi ở của người mẹ đẻ (họ đã ly dị nhiều năm trước). “Tôi đã rơi nước mắt”.
Ty Cope và cha nuôi John Cope.
Cope, vợ là Kayla và 2 người con gái đã bố trí lại kế hoạch phần sau của chuyến đi để đến một nhà thờ nhỏ ở Pleiku. Ở đó, Cope đã tìm thấy mẹ mình, bà Bui Kim Quy, 67 tuổi, và một lần nữa không kìm được cảm xúc khi người phụ nữ này cho anh xem chiếc áo và tấm khăn len mà bà đã dùng để bọc Cope khi đưa anh đến trại mồ côi.
Cope đã hiểu hơn về hoàn cảnh chiến tranh, nghèo đói và cả những bất hòa trong gia đình đã khiến mẹ anh quyết định rằng trại trẻ mồ côi là nơi tốt hơn cho con trai. Cope cũng đã gặp anh trai Nguyen Duc Tien cùng các cô dì, chú bác trong thời khắc cảm động ấy.
Giờ đây, mục đích của Cope là đưa mẹ sang Mỹ thăm và làm việc với nhóm trẻ mồ côi và Tổ chức quốc tế Buckner có trụ sở tại Dallas để giúp những trẻ em và gia đình nghèo ở Việt Nam. Nhưng trước tiên, Cope và gia đình sẽ bổ sung thêm một chương mới cho bài luận về kỳ nghỉ hè thú vị này. Họ chuẩn bị lên đường đến Haiti để cùng chung tay xây dựng nhiều ngôi nhà và nhà thờ bị tàn phá ở nơi đó.
Việt Hà (Lược dịch)
Theo dantri.com.vn