Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947-27-7-2012) - Chuyện người đi tìm mộ liệt sĩ (kỳ 3)
Kỳ 3: Lửa lòng cháy mãi Bionet Việt Nam - Dù đã 66 tuổi và mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh khiến sức khỏe ngày càng giảm sút, song điều đó không làm bà Phan Thị Hạnh chùn bước khi cùng đồng đội cắt rừng, vượt dốc, lội suối, trèo đèo đến những nơi heo hút chiến trường xưa để tìm và đưa hài cốt của đồng đội về với thân nhân. Những câu chuyện mà bà Phan Thị Hạnh ở tổ 13, phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) kể cho chúng tôi nghe về thời ở rừng, ở gộp vừa là hiện thực, vừa có điều gì xa xăm, hư ảo, thần bí và linh thiêng.

Bà Phan Thị Hạnh (người đứng hàng đầu, ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong Hội nghị điển hình CCB xóa đói giảm nghèo. Ảnh chụp lại.

Đội trưởng biệt động Hạnh “lỳ”

Phải nhờ đến một thổ công của địa phương tôi mới tìm được nơi bà cư trú. Mặc dù cách trung tâm thành phố Nha Trang chỉ gần 10 kilômét, nhưng nơi bà ở chẳng có hương vị phố phường. Từ con đường Phạm Văn Đồng to, rộng và phẳng lỳ, xe honda chạy êm ru, chúng tôi rẽ vào một con hẻm đất đá lổn nhổn, lên xuống khúc khủyu phía sau sườn núi Cô Tiên. Phải mất đến ba bốn lần hỏi thăm tôi mới tìm được ngôi nhà của bà, một ngôi nhà như rất nhiều những ngôi nhà khác ở vùng này. Tại đây, bà Hạnh đã kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng bà cùng đồng đội gây dựng cơ sở, đột nhập nội thành, nắm tin tức, điều tra vị trí bố phòng, quy luật hoạt động và diệt những tên ác ôn.

Sinh năm 1946 tại Vĩnh Thạnh, 13 tuổi bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Thời kỳ đầu bà được điều động về công tác tại cơ quan Tỉnh ủy Khánh Hòa, đứng chân tại Hòn Dù, sau đó bà cương quyết đề nghị được sát cánh cùng bộ đội chủ lực và địa phương bám địch chiến đấu. Nguyện vọng của bà được chấp thuận, từ đó dấu chân của bà đã in đậm khắp vùng, các huyện, các xã ven TP. Nha Trang, từ Diêm An, Phú Cóc, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hòa và xa hơn nữa là Cam Ranh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn trong cả cuộc chiến tranh gian khổ. Bà cùng đồng đội hòa vào dân, được dân che chở, ban ngày nằm hầm bí mật, ban đêm nắm địch và hoạt động. Năm 1965, bà được giao làm đội trưởng, bí thư chi bộ đội biệt động nội thành và là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa.
 Nghe bà kể chuyện những lần đối mặt với kẻ thù, vượt vây trong gang tấc mà tôi cứ ngỡ đó chỉ là những chi tiết, những hình ảnh trên phim hành động thời hiện đại. Trong một lần cùng anh em về Vĩnh Thạnh dự huấn luyện kỹ thuật đặc công, không may bà và một đồng chí nữa bị chủ nhà phản. Địch kéo đến vây kín ngôi nhà trong lúc bà và đồng đội chỉ có một quả tạc đạn và 1 khẩu K59. Bà bắt vợ, ba, mẹ của tên phản bội kia nhốt dưới gầm giường và  kiên quyết không cho anh Đặng Nhiên nổ súng. Bà  và anh Đặng Nhiên lên lầu hai của ngôi nhà nắm chặt tay nhau quyết tâm vượt vây, thà chết chứ không để bị địch bắt. Hai người tung tạc đạn và nhanh chóng vừa nhảy từ lầu hai xuống đất vừa bắn, rồi tiếp tục nhảy qua xác địch, nhảy qua hàng rào, nhảy qua đường và chạy thục mạng về cơ sở, thoát chết.

Trận chiến đấu chống càn do cán bộ của ta chiêu hồi chỉ điểm tại Hòn Thơm hơn 9 ngày liên tục, mỗi ngày địch tổ chức 5 đến 6 trận đánh cũng là một kỷ niệm khó quên. Bà và đồng đội không có lương thực, nước uống, phải dùng nước tiểu cho vào khăn để đặt lên mũi, lên mồm chống khát. Nước tiểu rồi cũng hết, phải chặt cây cặc nước để vắt lấy từng giọt nước ít ỏi. Ông Ba Sơn, Bí thư huyện ủy đã chuẩn bị sẵn lời điếu truy điệu sống, chứ nhất định không chịu hàng. Dưới đất là những tiếng nổ ầm ầm, đinh tai nhức óc của các loại đạn, còn trên đầu là tiếng loa chiêu hồi réo rắt, khiến chí căm thù của bà và đồng đội thêm hăng hơn. Vào đêm ngày thứ 9 của cuộc càn, may nhờ màn đêm và một phút lơi lỏng của địch, trong tích tắc, bà và đồng đội đã thoát khỏi vòng vây của quân thù, nhưng còn đồng đội khác thì mãi mãi nằm lại với cây, cỏ, hoa lá vùng căn cứ, không bao giờ trở về.

Trong những năm tháng chiến đấu, một mình bà đã đã diệt 18 tên ác ôn. Kinh nghiệm của bà là bám sát địch để lựa chọn thời cơ và ra tay vào những thời điểm mà địch ít ngờ nhất. Anh em trong đội, nhân dân trong vùng gọi bà là Hạnh “lỳ”. Năm 1965, trong một lần đi ăn đám giỗ của gia đình cơ sở, mặc dù đã cải trang rất khéo, tinh vi, nhưng chỉ một chi tiết cầm đũa gắp thức ăn bằng cả hai đầu khiến bà biết bị lộ, bà nhanh chóng thoái thác và vượt ra ngoài, nhưng con mắt của kẻ ngồi đối diện bà -  trung úy ngụy Trần Văn Mỹ khiến bà bị ám ảnh. Thời gian sau, thông qua cơ sở tin cậy bà đã nói rõ với Trần Văn Mỹ rằng mình là cộng sản ở trên núi. Rồi bà cảm hóa được Trần Văn Mỹ, anh ta đã đồng ý giúp bà thu thập tin tức. Ba năm liên tục, bà được anh ta đưa đón hợp pháp ra vào thị xã Nha Trang để điều tra, nắm tình hình hoạt động của địch. Bà đóng giả là tình nhân của Trần Văn Mỹ khéo đến chính ba, mẹ của Trần Văn Mỹ cũng nghĩ bà là con dâu tương lai của gia đình. Ba năm sau, trung úy Mỹ bị điều đi nơi khác và chết trận.

Tâm của một chiến sĩ

Sau giải phóng miền Nam, bà về công tác tại địa phương và từng là chủ tịch, kiêm bí thư đảng ủy  xã Vĩnh Thái. Mấy năm sau đó, bà chuyển qua làm Trưởng ban quản lý các chợ của thành phố Nha Trang. Khi sức đã yếu bà chỉ nhận chức vụ quản lý chợ Đầm và về hưu. Với bà, những năm tháng ở chiến trường và hoạt động sát lưng địch là những kỷ niệm không thể nào quên. Ngồi nghe bà kề chuyện, ngoài trời, trong màn đêm dày đặc, thỉnh thoảng tiếng côn trùng lại rộ lên từng hồi làm cho câu chuyện về những lần đi tìm hài cốt liệt sĩ của bà thêm huyền bí, hư ảo.


Bà Phan Thị Hạnh kể chuyện về việc đi tìm hài cốt liệt sĩ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân

Bà tâm sự, hết chiến tranh còn sống sót là may hơn những đồng đội nằm lại ở chiến trường. Cứ mỗi lần nghĩ đến đồng đội bà lại ứa nước mắt. Nhiều đêm, trong giấc mơ bà thấy các anh hiện về, các anh chiến sĩ còn trẻ lắm, mũ tai bèo để trễ sau lưng, mình mang quân phục gọn gàng với cây súng trên vai, có anh trách bà sao lỡ để anh và đồng đội nằm lại ở những nơi hẻo lánh, lạnh lẽo. Điều ấy khiến bà trằn trọc và ngủ không đẫy giấc. Bà quyết định đi tìm đồng đội.

Đầu tiên, bà báo với tỉnh đội Khánh Hòa đến quy tập hài cốt liệt sĩ tại Suối Ngổ, bên cạnh một ngôi chùa nằm tận trên đỉnh núi. Tại nơi này, hồi kháng chiến chín năm giặc Pháp đưa 15 chiến sĩ của ta treo lên cột và xử bắn. Bà bỏ tiền ra mua hương hoa, lễ vật thắp cho các anh. Đêm đó, bà và những người đi tìm hài cốt đồng đội mắc võng ngủ cùng các anh như hồi ở rừng. Sáng sớm hôm sau bà cùng mọi người bốc hài cốt các anh lên và đưa các anh về với quê hương. Bà bảo rằng, nếu không có tâm, không có sự nhiệt tình thì không làm được việc này. Nhìn những bộ hài cốt không còn nguyên vẹn, bà ứa nước mắt, khóc không thành tiếng. Tại đây, sau khi đã đặt các anh vào quách, kiểm đi đếm lại vẫn thiếu một bộ. Tìm anh ở đâu trong khu đất núi hoang vắng này? Nhiều người đã nản chí bàn lui. Cậu con trai út của bà, anh Huỳnh Văn Hiền chắp tay khấn trời đất, anh nói, nếu tôi ngã xuống chỗ nào thì cứ đào chỗ đó. Như có một sức mạnh siêu nhiên thần bí, anh đi và ngã xuống nền đất vừa đào. Mọi người lấy xẻng đào lớp đất đó lên, nhưng cũng chẳng hy vọng sẽ tìm thấy hài cốt. Thế nhưng, chỉ với chưa đầy một lớp xẻng, bộ hài cốt hiện ra, mọi người ồ lên vui sướng vì đã tìm thấy liệt sĩ.

Từ khi nghỉ hưu năm 2005 đến nay, bà và các đồng đội đã tìm và chỉ cho cơ quan chức năng của tỉnh đội Khánh Hòa khai quật được 28 bộ hài cốt liệt sĩ. Trong suốt quá trình tìm kiếm bà chỉ thất bại một lần vào dịp tháng 5-2012 vừa qua. Mặc dù đã xác minh chính xác chỗ chôn  liệt sĩ Đào Văn Dậu, quê Thủy Nguyên, Hải Phòng, nhưng khi đào lên thì không thấy, bà rất buồn và cho hay:

- Sau chiến tranh, các địa phương có chủ trương quy tập liệt sĩ về nghĩa trang, có nhiều đồng đội hy sinh được nhân dân chôn cất trong vườn của gia đình đã được quy tập. Chỉ những đồng đội hy sinh và nằm lại ở những nơi hẻo lánh mới không thể quy tập được. Có thể liệt sĩ  Đào Văn Dậu là một trong số đã được quy tập như thế.

Đến nay, nhiều thân nhân của các liệt sĩ từ khắp nơi đến và cho bà biết những thông tin cần thiết trong giấy báo tử, mong bà tìm giúp. Có lần, mặc dù đang sốt cao do vết thương cũ ở đầu tái phát, bà vẫn dẫn thân nhân xuống tận địa phương để dò hỏi và tìm nhân chứng. Về già, tuy trí nhớ đã giảm, song nhắc đến tên đồng đội một thời cùng bà sát cánh đánh giặc là mắt bà lại sáng lên, các kỷ niệm thời ở rừng, ở gộp đá trong chiến khu Đồng Bò, gộp Leo Dây, gộp Kinh Tài, gộp Trạm xá ...  lại ùa về, như nguyên vẹn, tươi mới. Bà bảo rằng, bà không thích nơi phố phường chật hẹp, bà về trú ngụ sau núi Cô Tiên, một nơi rất heo hút, nơi mà một thời bà đã cùng đồng đội trú ngụ làm bàn đạp để sống, chết với quân thù.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

Theo qdnd.vn

Các tin khác