Phá đá tìm cửa hang
Năm 1968, đã 31 tuổi và có ba con gái (con lớn 6 tuổi, con út mới sinh được 27 ngày), theo tiếng gọi chống Mỹ, cứu nước, cha tôi là Đỗ Xuân Tứ, đảng viên, cán bộ tự vệ phường Hoàng Văn Thụ, thị xã Thái Nguyên (nay là TP Thái Nguyên) đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào miền Nam chiến đấu.
Năm 1972, tin sét đánh đến với gia đình: cha tôi đã hy sinh trên chiến trường miền Nam ngày 26/9/1970. Trong lễ truy điệu cha tôi do phường Hoàng Văn Thụ tổ chức, mẹ tôi hỏi các bác, các chú ở Ban chỉ huy quân sự thị xã Thái Nguyên về nơi cha tôi hy sinh, các bác, các chú đều không biết.
Thấy mẹ tôi quá đau khổ, bà ngoại nói với mẹ tôi rằng: “Nhiều đêm mẹ vẫn mơ thấy chồng con còn sống. Thống nhất đất nước, nó sẽ trở về”. Với suy nghĩ non nớt của đứa bé 6 tuổi, tôi tin vào lời bà ngoại và luôn mong tới ngày được đón cha về.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi mới tin rằng cha tôi đã hy sinh. Nhưng, cha tôi hy sinh ở đâu trong “mặt trận phía Nam?”. Mẹ tôi dò hỏi nhiều chú bộ đội, vẫn không có kết quả.
Chị em tôi lớn khôn, đã đi hỏi một số chú cựu chiến binh về cha. Có chú lắc đầu, nói: “Giấy báo tử ghi bố cháu hy sinh ở “mặt trận phía Nam” thì rất khó tìm được nơi an táng. Thôi đành để bố cháu nằm lại trong đó như bao liệt sĩ vô danh khác vậy. Nhớ thương bố, các cháu cố gắng học tập, làm việc cho tốt...”.
Những năm tháng sau đó, phần vì phải lo toan cuộc sống, phần thì gần như hết hy vọng tìm thấy nơi cha tôi hy sinh, nên mấy chị em tôi ít đi hỏi tin tức về cha... Nhưng cứ mỗi dịp đến ngày 27/7, chúng tôi lại ước ao tìm thấy hài cốt cha, đưa về nghĩa trang liệt sĩ thành phố để tiện việc hương khói.
Tháng 6/2006, tình cờ vợ một cựu chiến binh cùng nhập ngũ với cha tôi nhận ra mẹ tôi. Nghe mẹ tôi kể chuyện cha tôi hy sinh và nguyện vọng đi tìm hài cốt của gia đình, bà nói: “Thế thì chị đi gặp ngay ông Vân ở phường Phan Đình Phùng để hỏi, có thể biết được tin về anh ấy”.
Mẹ tôi chạy ngay về nhà, khóc gọi ba chị em tôi, bảo đi tìm chú Vân (Dương Thái Vân). Chú Vân nghe tôi giới thiệu là con liệt sĩ Đỗ Xuân Tứ, đứng lặng giây lát rồi kêu lên: “Trời ơi! Thế mà mấy chục năm qua, chú không biết nhà cháu để đến thăm...”.
Rồi chú Vân gọi điện cho chú Nguyễn Đình Chi cùng ở trong phường và hướng dẫn tôi đến gặp chú ấy để nghe kể cụ thể về sự hy sinh của cha tôi.
Gặp hai chị em tôi (tôi và em gái), chú Chi ôm mặt khóc. Chú nói: “Đời bộ đội của chú đã chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội, nhưng chưa có sự hy sinh nào khiến chú đau đớn như sự hy sinh của cha cháu và 6 đồng chí khác”.
Rồi chú kể: Năm 1970, cuộc chiến đấu giữa đơn vị cha tôi (Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 61C) với quân Mỹ và quân đội Sài Gòn diễn ra rất ác liệt. Tiểu đội của cha tôi gồm 7 người được giao chốt tại một cái hang ở gộp 17, núi Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, làm nhiệm vụ quan sát các hành động của địch. Cha tôi cùng đồng đội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần cùng đơn vị đánh lui nhiều đợt phản kích của địch ra vùng giải phóng...
Dường như đoán biết trên núi có đài quan sát của bộ đội ta nên quân Mỹ đã huy động máy bay phản lực đến ném bom rất dữ dội, hòng san phẳng ngọn núi.
Ngày 22/91970, sau nhiều đợt bom, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 5 Nguyễn Lương Nhờ chỉ huy một số chiến sĩ chạy lên núi Ma Thiên Lãnh, thì thấy tảng đá rất lớn (tới gần mấy trăm mét khối) đã lở xuống lấp kín cửa hang của cha tôi. Chú Chi gọi cha tôi và các chú trong hang. Cha tôi đáp lại và xin nước uống...
Tham mưu trưởng Nguyễn Lương Nhờ cùng anh em tìm cách phá khối đá, cứu đồng đội. Nhưng vì khối đá quá lớn và chỉ phá được về đêm để giữ bí mật và lại thiếu phương tiện nên công việc tiến triển chậm. Hằng ngày, chú Chi phải dùng dây đưa nước xuống hang. Ba ngày trôi qua, sang ngày thứ tư, chú Chi gọi cha tôi và các chú trong hang thì không có tiếng trả lời.
Đơn vị kết luận các chú trong hang đã hy sinh vì bị thương, vì đói, khát và thiếu dưỡng khí, nên tiến hành làm lễ truy điệu...
Từ đó hang ở gộp 17, núi Ma Thiên Lãnh trở thành ngôi mộ tập thể của 7 liệt sĩ. Để bày tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ, năm 1987, địa phương đã dựng bia tưởng niệm ghi công các liệt sĩ và sau đó làm đường gồm 170 bậc lên đây để nhân dân hương khói....
Tôi nói với chú Chi nguyện vọng vào An Giang, cất bốc hài cốt cha, đưa về nghĩa trang liệt sĩ TP Thái Nguyên. Chú ủng hộ ngay.
Ngày 17/9/2006, tôi, em Hoa cùng chú Chi vào TP HCM, báo cho cô tôi là Đỗ Thị Hồng Thanh, người em ruột duy nhất của cha tôi. Thương anh, thương chị dâu và các cháu, khi chuyển vào TP HCM sinh sống, cô tôi đã cất công lên Tây Ninh, ra nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, tìm mộ cha tôi.
Nghe tôi nói đã xác định được nơi cha tôi hy sinh, cô tôi mừng lắm. Cô vừa khóc, vừa gọi xe taxi đưa chúng tôi xuống An Giang và đi ngay tới núi Ma Thiên Lãnh. Chị em tôi, cô tôi và cả chú Chi đều òa khóc khi nhìn thấy tấm bia ghi công các liệt sĩ, còn cha tôi nằm đâu thì chưa thể biết vì xung quanh bia toàn đá và cây cối rậm rạp.
Chú Chi cùng chị em tôi tìm vào UBND xã Lương Phi, trình bày nguyện vọng và đề nghị giúp đỡ. Các bác, các chú trong Ủy ban cùng chúng tôi trở lại gộp 17, núi Ma Thiên Lãnh, khảo sát, tìm vị trí cửa hang đã bị lấp một lần nữa nhưng vẫn không có kết quả.
Bất lực, ba cô cháu tôi lại khóc. Các bác, các chú cán bộ xã Lương Phi an ủi: Gia đình cứ quay về Thái Nguyên, Ủy ban sẽ báo cáo xin ý kiến cấp trên và tiến hành khảo sát tìm vị trí cửa hang...
Đầu tháng 3, tôi đã liên hệ được bằng điện thoại với chú Thượng tá Kiều Văn Thành, Trưởng ban Chính sách Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang. Chú Thành phấn khởi cho biết: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã có quyết định tiến hành phá núi Ma Thiên Lãnh để tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.
Sau đó, tôi được chú Phạm Văn Thảo, Đại tá, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang động viên: “Cháu cứ yên tâm, khi nào bắt đầu công việc, các chú sẽ báo!”.
Ngày 14/6/2007, được tin Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang tổ chức lực lượng phá đá, tiến hành tìm kiếm, cất bốc hài cốt 7 liệt sĩ, tôi, em Hoa và chú Chi lại lên đường vào TP HCM cùng cô tôi xuống An Giang. Chú Thành ra tận cổng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đón, rồi đưa chúng tôi về ngay núi Ma Thiên Lãnh.
Tại đây, tôi gặp chú Lê Văn Thắng, Thượng tá, Phó chỉ huy Đội K93 (Đội tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh) và chú Nguyễn Tiến Sỹ, Thiếu tá, cán bộ đội đang hướng dẫn 8 thanh niên ở xã Lương Phi (trong đó có 6 anh em là cháu liệt sĩ, dùng xà beng, choòng, búa phá đá tìm cửa hang.
Tôi hỏi chú Thắng, tại sao không dùng máy khoan, thuốc nổ để phá đá cho đỡ vất vả. Chú nói: “Phải phá bằng phương pháp thủ công, đá mới không rơi vào hài cốt các liệt sĩ”. Nước mắt tôi lại ứa ra.
Từ hôm đó, cô tôi, chú Chi và hai chị em tôi bám hiện trường để động viên đội thợ đá làm việc. Hằng ngày, họ làm từ sáng sớm, chiều về muộn, mưa cũng không nghỉ. Dù làm rất tích cực nhưng vì đá rắn nên kết quả vẫn hạn chế.
Thấy vậy, chú Thắng mời chúng tôi về ăn nghỉ tại Đội K93 để bảo đảm sức khỏe. Chúng tôi từ chối. Thuyết phục không được, chú Thắng “gửi” chúng tôi tại nhà anh Phạm Văn Khéo ở chân núi. Anh chị nghèo lắm, nhà lợp lá dừa, nhưng đã giúp đỡ chúng tôi hết sức nhiệt tình.
Cùng chúng tôi động viên đội thợ đá làm việc có bác Hoàng Xuân Chiến, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh xã Lương Phi. Bác Chiến đã bỏ tiền mua thịt gà, thịt heo để anh em bồi dưỡng.
Sau 18 ngày làm việc cật lực, đội phá đá đã phá được hàng mấy chục mét khối, xếp thành đống lớn mà vẫn chưa tìm thấy dấu hiệu cửa hang. Chú Chi về Thái Nguyên, trao đổi với các cựu chiến binh để xác định vị trí cửa hang. Rồi chú trở lại và nói: Phải phá về phía bên phải khối đá đang phá.
Cùng thời gian này, một số người dân cao tuổi, chứng kiến bom Mỹ làm lở đá lấp cửa hang cũng đến gặp chú Lê Văn Thắng và nói như chú Chi. Tổ thợ đá chuyển hướng phá và đã phát hiện thấy một khe đá tối om. Từ khe đá đó, khí lạnh bốc lên. Anh Long, tổ trưởng thợ đá reo to: “Anh Thắng ơi, các chú ở đây rồi!”.
Nghe thấy thế, tôi lập tức báo cho cô tôi, em tôi, chú Chi ở dưới chân núi. Mọi người chạy vội lên. Chú Thắng soi đèn pin qua khe đá. Chúng tôi nhận ra từng mảnh hài cốt nằm trên mặt hang và òa khóc.
Chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân tỉnh Thái Nguyên viếng 7 liệt sĩ
Như có thêm sức mạnh, tổ thợ đá làm việc hăng say hơn. Nhưng phải 3 ngày sau mới mở được cửa hang (tính ra tổ thợ phá đá đã làm việc liên tục gần 1 tháng trời, phá gần 300m3 đá).
Chú Thắng và mấy anh thợ phá đá mang theo vải liệm chui vào hang, cẩn thận nhặt từng mảnh xương nhỏ, đặt vào.... Chú Thắng nói với cô tôi và chú Chi: “Có lẽ trước khi hy sinh, các anh ấy đều cố lết ra cửa hang nên nằm sát bên nhau. Mặt khác, do thời gian lâu nên hài cốt từng anh không còn nguyên vẹn và thật khó phân biệt. Tôi xin phép chia đều số hài cốt còn lại thành 7 phần. Các bác thấy thế nào?”. Cô tôi, chú Chi và hai chị em tôi đều nhất trí...
Hài cốt của 7 liệt sĩ được đưa vào quách gỗ sao, một loại gỗ quý ở địa phương chuyển xuống chân núi. Đoán được sự băn khoăn của cô tôi về phong tục tập quán không đưa hài cốt vào nhà, anh Phạm Văn Khéo nói: “Các liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, đưa hài cốt các anh vào nhà là một vinh dự, xin bác và các anh đừng ngại”.
Suốt mấy ngày, hài cốt 7 liệt sĩ đặt trong nhà anh Khéo, ngày nào vợ chồng anh cũng cùng cô tôi lo cơm nước, hương khói đầy đủ...
Ban đầu cô tôi, chị em tôi và chú Chi chỉ có nguyện vọng đón hài cốt cha tôi về Thái Nguyên. Nhưng chờ đợi không thấy thân nhân 6 liệt sĩ vào đón.
Mặt khác, gần 38 năm qua, cha tôi cùng đồng đội đã ở với nhau trong hang, bây giờ tách họ ra không đành. Nghĩ vậy, tôi xin ý kiến cô tôi, chú Chi, rồi đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang cho phép đưa tất cả 7 hài cốt liệt sĩ về Thái Nguyên.
Các liệt sĩ đều quê ở miền Bắc, sau này thân nhân có điều kiện thăm viếng đỡ phải đi vào An Giang xa xôi. Các chú ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang hội ý và ủng hộ đề nghị của chúng tôi.
Sáng 21/7, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang làm lễ truy điệu, tiễn hài cốt 7 liệt sĩ ra ôtô, đưa về Thái Nguyên. Dự lễ truy điệu có chú Phó chủ tịch tỉnh An Giang, chú Phó chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, chú Phó chủ tịch huyện Tri Tôn, các chú, các anh trong Đảng ủy, UBND, Hội Cựu chiến binh xã Lương Phi, cán bộ, chiến sĩ Đội K93 và hàng trăm người dân địa phương.
Nhiều người nói: “Đây là một trong những lễ truy điệu liệt sĩ được tổ chức trang trọng, xúc động nhất của tỉnh An Giang từ sau ngày giải phóng miền Nam tới nay”.
Ngày 24/7, thay mặt Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, chú Đại tá Phạm Văn Thảo bàn giao 7 hài cốt liệt sĩ cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên.
Sáng ngày 25/7, tỉnh Thái Nguyên đã làm lễ an táng các liệt sĩ trong ngôi mộ tập thể tại nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim, TP Thái Nguyên. Chú Nguyễn Bắc Sơn, Chủ tịch, cô Trịnh Thị Cúc, Phó chủ tịch tỉnh cùng các chú lãnh đạo chỉ huy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện chính quyền, thành phố và đông đảo cựu chiến binh, nhân dân thành phố Thái Nguyên đã tới dự.
Trong không khí trang nghiêm, mẹ con tôi đều không cầm nổi nước mắt. Tôi nói với cha: “Cha ơi, thế là sau gần 38 năm xa cách, cha đã được các chú, các bác đưa về bên mẹ con, bên chúng con. Ơn này con không bao giờ quên”.
Rồi tôi xin phép mẹ, bàn với chị em gái, nhận 6 liệt sĩ hy sinh cùng cha tôi làm cha để hương khói, thờ phụng.
Qua bài báo này, tôi xin cung cấp họ, tên 6 liệt sĩ hy sinh cùng cha tôi ngày 26/9/1970 (đã được xác nhận là chính xác họ tên, nhưng chưa rõ quê thuộc xã, huyện nào) để các gia đình liệt sĩ biết, tiện việc thăm viếng. Đó là bác Đào Ngọc Kính, bác Nguyễn Văn Hào, quê Hưng Yên; bác Nguyễn Văn Thuấn, bác Nguyễn Văn Thể, quê Nam Hà; bác Nguyễn Văn Thạo và bác Tuấn, quê Hải Phòng
Đỗ Thị Việt Hà (con liệt sĩ Đỗ Xuân Tứ) kể-Duy Thuỷ ghi
Theo cand.com.vn