Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Liệt sĩ: Gian nan đường về quê hương (Kỳ 1)
Bionet Việt Nam - Đã có một thời gian dài, việc tìm mộ bằng ngoại cảm và các nhà ngoại cảm được cổ xúy như là một hiện tượng lạ, góp công vô cùng lớn trong việc trả lại tên cho hàng ngàn liệt sĩ. Để rồi, đến bây giờ, khi ngoại cảm đã trở thành chiếc xe không phanh, ồ ạt, chụp giật thì người ta mới giật mình bừng tỉnh để thấy rằng: thật thì quá ít mà giả thì vô kể. Đã có không biết bao gia đình dở khóc dở cười khi phát hiện ra rằng, hài cốt liệt sĩ mà họ cất công mang về không phải là con cháu mình.

Bài 1: Khi các Trung tâm ngoại cảm mọc lên như nấm sau mưa

Từ liệt sĩ nhầm tên đến nắm đất vô tri

Một gia đình nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ rồi tranh cãi nhau về việc liệu hài cốt đó có đúng không. Tranh cãi găng tới mức trên đường về, anh em đánh nhau ngay trên xe ôtô, rồi một người quẳng luôn hài cốt xuống sông.

Có gia đình khác, buổi sáng tổ chức lễ truy điệu cho người con liệt sĩ vừa được nhà ngoại cảm chỉ đường tìm về thì buổi chiều có 2 quân nhân là bạn chiến đấu của liệt sĩ về thăm. Khi biết gia đình vừa mang hài cốt của liệt sĩ từ Quảng Bình về, hai cán bộ này đã không thể cầm được nước mắt vì chính tay các anh đã chôn cất đồng đội của mình tại tỉnh Phú Yên.

Có người đã tá hỏa khi phát hiện mộ bố mình mới chôn ngoài đồng bị ai đó đào mất. Điều tra ra thì mới biết, có nhà ngoại cảm đã chỉ đường cho một gia đình đến bốc nấm mộ này đi vì nhầm rằng đó là mộ liệt sĩ.

Tôi cũng tìm đến hơn chục gia đình đã đưa liệt sĩ về qua các trung tâm tìm mộ áp vong, song các câu chuyện họ kể đều mang màu sắc mê tín dị đoan, ly kỳ rùng rợn, chứ rất ít tính khoa học. Các ngôi mộ bốc về một là ở các nghĩa trang vô danh, hai là những nắm đất tượng trưng đào trong rừng.

Có nhà ngoại cảm Hoàng Thị Th (Lương Sơn, Hòa Bình). Nhà ngoại cảm này dẫn mấy gia đình lên tận rừng sâu đào bới. Sau khi đào bới hàng chục hố đất trong rừng, thấy một tổ mối màu trắng dưới lòng đất, nhà ngoại cảm Th liền khẳng định xương cốt đã tan rã hết, chỉ còn lại màu trắng nhợt như thế! Nhà ngoại cảm bảo xương đã tan thành đất thì còn tìm gì nữa. Gia đình người thân liệt sĩ liền khóc tu tu và cứ thế vái lạy… tổ mối! Họ gói ghém chút đất cùng cái tổ mối đó đem về quê và chính quyền tổ chức lễ đón liệt sĩ linh đình.

Vừa mới đây, mọi người được dịp dở khóc dở cười khi chứng kiến cảnh tranh giành mộ giữa gia đình anh Lê Văn Phúc (Lam Sơn, Đô Lương) và nhân dân xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên, Nghệ An). Số là gia đình anh Phúc tổ chức đi tìm kiếm hài cốt cho bố là liệt sĩ ở trung tâm áp vong của “nhà ngoại cảm” Phạm Thị Thương. Cũng bài vở như “người giời” Hạnh – Hòa (kỳ trước), Thương tự nhận được liệt sĩ Phạm Khắc Việt nhập vào để đi tìm các liệt sĩ khác.

Trong giấy báo tử rõ ràng ghi bố anh Phúc chiến đấu và hy sinh ở chiến trường miền Nam, nhưng “vong” lại chỉ ngôi mộ ở xã Hưng Đạo, cách trung tâm áp vong không xa lắm. “Vong” nhà mình dẫn đường chỉ mộ thì còn nghi ngờ gì nữa, nên gia đình đã mang cuốc xẻng đi đào. Thế nhưng, người dân quanh vùng nhất định không đồng ý, vì bố anh Phúc hy sinh năm 1972, còn ngôi mộ gia đình anh Phúc định đào là ngôi mộ cổ, đã có ở đó cả trăm năm nay rồi!

Câu chuyện này chỉ là một trong rất nhiều những chuyện trớ trêu mà các gia đình liệt sĩ gặp phải. Đau đớn thay, đang có hàng trăm người bị tâm thần, phát rồ, phát dại vì áp vong tìm mộ. Và có quá nhiều gia đình bỏ tiền, bỏ công sức hàng năm trời chỉ để mang về những nắm đất đen vô tri. Tất cả chỉ vì họ tin theo những nhà ngoại cảm rởm.

Hoạt động của nhà ngoại cảm vụ lợi và chụp giật tới mức, chính Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải thốt lên rằng: “Tôi rất ân hận vì khi còn làm Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), tôi đã ký vào bằng khen cho những nhà ngoại cảm. Sau khi có tấm giấy đó, họ thành lập trung tâm ngoại cảm chuyên tìm mộ liệt sĩ. Chưa dừng ở đó, một số nhà ngoại cảm còn nói bừa là đã gặp gỡ, thân mật với tôi để trao đổi những vấn đề liên quan đến việc tìm mộ liệt sĩ nhưng kỳ thực tôi chưa bao giờ biết mặt mũi, gặp gỡ họ lần nào cả…”.

Vậy, vì đâu mà người ta lại tin và đổ xô đi nhờ nhà ngoại cảm tìm mộ như vậy? Vì sao người ta lại dễ dàng tin các nhà ngoại cảm đến mức chỉ thấy nắm đất đen cũng tin là hài cốt?

Theo chị Ngô Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm thông tin liệt sĩ Marin thì, nhu cầu tìm mộ liệt sĩ đương nhiên cũng tuân theo quy luật: Có cầu ắt phải có cung. Thế nên, có thể dễ dàng hiểu rằng, việc xuất hiện ồ ạt nhiều trung tâm tìm liệt sĩ thời gian qua là hậu quả của việc các gia đình liệt sĩ thiếu thông tin và thiếu một cơ quan chuyên trách về việc này theo đúng nghĩa.

Có một thực tế là, gia đình liệt sĩ hiện nay chỉ có vẻn vẹn tờ giấy báo tử ghi hy sinh tại mặt trận phía nam, mặt trận phía tây… Chiến tranh đã kết thúc nhiều năm nhưng họ vẫn không biết thông tin về phần mộ của liệt sĩ nhà mình. Thi thoảng, may mắn có gia đình được đồng đội của liệt sĩ đến báo tin, còn phần đông là họ không hề có thông tin gì về nơi hy sinh, trường hợp hy sinh của con cháu, anh em mình.

Theo chị Ngô Thị Thúy Hằng thì hai cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thông tin về liệt sĩ là Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng cho đến thời điểm này vẫn chưa cung cấp thông tin rộng rãi đến thân nhân liệt sĩ. Trước đây, tại số 14A Lý Nam Đế, Hà Nội, Bộ Quốc phòng có một bộ phận tiếp thân nhân liệt sĩ và cung cấp thông tin về đơn vị chiến đấu, nơi hy sinh và trường hợp hy sinh của liệt sĩ. Nhưng số lượng thân nhân liệt sĩ biết đến địa chỉ này cũng không nhiều vì địa điểm này chỉ làm việc 1 tuần 1 buổi vào sáng thứ Ba, trong khi nhu cầu của gia đình liệt sĩ là quá nhiều.

Còn Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan chính quản lý thông tin về liệt sĩ đã được quy tập thì có Cục Chính sách và Người có công tại 139 đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Chính chị Hằng đã nhiều lần đến đó nhưng địa điểm này thực chất là một cơ quan hành chính sự nghiệp, có hỏi thì thường họ bảo về địa phương mà tìm hiểu.

Ngược trở lại thời gian, chúng tôi được biết rằng, tại Công văn số  699/LĐ-TBXH-VP do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ký ngày 9/3/2009 về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Ninh tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng đã trả lời rằng: “LĐ-TB&XH đã có website: http://www.ditimdongdoi.gov.vn. Trên trang điện tử này đã đưa thông tin về mộ liệt sĩ đã được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ của 10 tỉnh”.

Một điểm đáng ghi nhận là website này đã từng đăng danh sách liệt sĩ của một vài tỉnh miền núi phía bắc như Thái Nguyên, Lạng Sơn… nhưng danh sách liệt sĩ của các tỉnh này cũng không đầy đủ và chưa chính xác như mong muốn của thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, vào thời điểm này thì không hiểu lý do gì website này đã không còn tồn tại nữa.

Cũng về công tác tìm mộ liệt sĩ, năm 2006, Bộ LĐ-TB&XH, triển khai dự án “Hàng nghìn liệt sĩ sẽ được báo tin về mộ liệt sĩ”. Ông Hoàng Công Thái – Cục trưởng Cục Thương binh liệt sĩ từng khẳng định: “Chúng tôi đã phát phiếu điều tra tới tất cả gia đình liệt sĩ trên toàn quốc. Từ thông tin của gia đình liệt sĩ, đối chiếu với kho dữ liệu về mộ, bổ sung thông tin từ phía Bộ Quốc phòng, chúng tôi đã xác định họ tên, năm sinh, quê quán, ngày hy sinh và địa chỉ cụ thể phần mộ của hàng nghìn liệt sĩ”.


Hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là bao mồ hôi, nước mắt của những người còn sống

Tuy nhiên, theo phản ánh của rất nhiều gia đình liệt sĩ, họ chưa hề nhận được tờ phiếu này. Kết quả của dự án cũng chưa khi nào được công khai nên hiệu quả của dự án đối với thân nhân liệt sĩ đến đâu là rất khó khẳng định. Tuy nhiên, xét một cách công bằng, đây là một dự án mang tính nhân văn cao, đáp ứng được nguyện vọng của hàng triệu gia đình mất người thân trong chiến tranh.

Theo chị Hằng, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng chưa thể cung cấp thông tin thỏa mãn yêu cầu của thân nhân liệt sĩ.

Theo lẽ thường ở đời, vì thương nhớ, xót xa máu mủ nhà mình họ tìm đủ mọi cách đi tìm là điều bình thường. Chúng tôi còn nhớ rất rõ rằng, cách đây khoảng 10 năm, chủ yếu các gia đình đi tìm liệt sĩ bằng cách dựa trên thông tin trên giấy báo tử và nhờ đồng đội của liệt sĩ cung cấp thông tin thì đi tìm. Khoảng 4 năm trở lại đây, chuyện tìm mộ bằng ngoại cảm mới bắt đầu xuất hiện. Nói cho đúng, việc tìm mộ liệt sĩ dựa trên cơ sở dữ liệu hồ sơ gốc hay phương pháp ngoại cảm đều không có gì trái pháp luật. Nhưng sẽ là sai với lương tâm và đạo lý nếu thông tin về liệt sĩ đó không chính xác.

Và nếu Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng cùng bắt tay nhau trong việc hỗ trợ thông tin về liệt sĩ cho các gia đình trong việc tìm kiếm thông tin về liệt sĩ thì có lẽ không có nhiều những chuyện đau lòng xảy ra với các gia đình liệt sĩ như hiện nay.

Có nên sử dụng ngoại cảm để tìm mộ liệt sĩ?

Câu trả lời cho vấn đề này đã rõ ràng hơn bao giờ hết: Không sử dụng phương pháp tâm linh để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ!

Đó chính là quan điểm chung của tất cả các thành viên trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Đề án “Xác định danh tính hài cốt lịêt sĩ còn thiếu thông tin” vừa được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức đầu năm 2012.

Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu, trong giai đoan 2012-2015, sẽ xác định danh tính cho 25.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó thông qua phương pháp giám định gen sẽ xác định danh tính cho khoảng 15.000 hài cốt liệt sĩ. Giai đoạn 2015-2020, tập trung xác định danh tính cho khoảng 63.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó khoảng 50.000 người được xác định bằng phương pháp gen.

Để thực hiện được mục tiêu này, đề án đưa ra 4  nhóm giải pháp chính là thông tin, tuyên truyền, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và ứng dụng phương pháp giám định gen.

Các đại biểu tham dự hội nghị này đều nhất trí cho rằng, không nên coi ngoại cảm là một phương pháp xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vì độ phức tạp rất lớn, chưa có cơ sở pháp lý kiểm tra, hơn nữa sẽ gây tâm lý lợi dụng thực hiện tràn lan. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, cần khảo sát khoanh vùng xác định liệt sĩ.

Còn ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, cần phải có quy định về tiêu chuẩn, định chế xác định nhà ngoại cảm, nên xem xét rà soát lại tất cả các trung tâm để có biện pháp chấn chỉnh hoạt động tìm kiếm bằng ngoại cảm. Mặt khác, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, gồm cơ sở dữ liệu về liệt sĩ và thân nhân của họ. Không phải đối tượng nào cũng dùng phương pháp giám định gen để xác định vì khối lượng xác định lớn, gây tốn kém, không cần thiết mà nên chọn nhóm ưu tiên như chọn theo nghĩa trang. Ông Lạng cũng đồng ý về việc thành lập thêm một trung tâm như đề án đưa ra với quy mô lớn để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời phải đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế chính sách cụ thể.

Ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cũng đồng tình với các quan điểm trên và cho rằng, ngoại cảm chưa đủ điều kiện để được coi là phương pháp xác định hài cốt liệt sĩ. Đồng thời đưa ra hai phương án xác định hài cốt liệt sĩ là: Xây dựng cơ sở dữ liệu, cụ thể là lấy mẫu sinh phẩm liệt sĩ trong ngân hàng mẫu để xác định đối chứng, so sánh với mẫu sinh phẩm của thân nhân. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay,  phương pháp này khó thực hiện vì hiện nay số hài cốt cần xác định danh tính rất lớn. Phương án 2 là chọn theo nhóm đối tượng để giám định gen. Cụ thể là tập trung phân tích mẫu sinh phẩm ở những mộ có tranh chấp và mộ có một phần thông tin.

Như vậy, chuyện có nên dùng ngoại cảm hay không trong việc tìm mộ liệt sĩ là đã quá rõ ràng. Vấn đề bây giờ thuộc về các cơ quan chức năng được giao trách nhiệm. Nếu họ không không thỏa mãn được nhu cầu này thì chúng tôi tin rằng, sẽ đến một ngày, ngoại cảm rởm sẽ lại có đất sống.

(Xem tiếp kỳ sau)

Phóng sự của Vũ Minh Tiến

Các tin khác