Ảnh thờ anh Bính được gia đình lưu giữ cho đến tận hôm nay
Người đàn ông đó là anh Ngô Văn Bính, người lính được coi là liệt sĩ suốt 30 năm nay, nay mới tìm thấy đường về quê hương.
Kể lại câu chuyện về anh Bính, người dân xã Nghĩa Bình vẫn coi đó là một câu chuyện hiếm có và kỳ diệu. Khi chúng tôi tìm đến, anh Bính đã cùng vợ con trở vào Nam sau những ngày thăm quê ngắn ngủi. Chúng tôi chỉ còn được trò chuyện với anh qua điện thoại.
“Mất tích”
Anh Ngô Văn Bính (SN 1958) là con cả trong gia đình có 5 anh chị em. Tháng 10/1977, khi vừa tròn 19 tuổi, chàng thanh niên xứ Nghệ lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tết năm 1981, tức bốn năm sau ngày nhập ngũ, anh Bính về phép thăm nhà được 4 ngày rồi trở vào đơn vị. Hơn 1 tháng sau, gia đình đau xót nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về báo tin anh Bính đã mất tích trong một trận chiến đấu với tàn quân Pôn-Pốt ngày 21/2/1981. Anh Bính được công nhận là liệt sĩ.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, bằng chất giọng là lạ pha trộn giữa miền Trung và miền Nam, anh Bính xúc động kể lại: Đầu năm 1981, sau một trận đánh, khi tỉnh dậy thấy mình bị thương, đồng đội khi ấy đã rút đi, không còn cách nào khác, anh phải tự tìm đường về Việt Nam. “Ở chiến trường Campuchia lúc đó kinh nghiệm sống sót khi bị lạc đơn vị là chỉ còn cách tìm đường về bên đất mình thì may ra còn có cơ hội sống. Nếu lọt vào tay quân Pôn-Pốt coi như chết chắc” - anh nhớ lại.
Chứng nhận Tổ quốc ghi công anh Bính là liệt sĩ
Gần một tuần lễ lê lết trong rừng, anh đã dần kiệt sức. Khi về đến biên giới Việt Nam, may mắn anh được một người đàn ông dân tộc thiểu số ở miền núi An Giang phát hiện cõng về nhà chạy chữa vết thương. Phải mất vài tháng sau đó những vết thương trên người anh mới bắt đầu lành lại. Từ đó anh nhận người đã cứu mình làm cha nuôi, rồi cưới một cô gái trong vùng làm vợ.
Nói về quãng thời gian dài đằng đẵng suốt 30 năm không tin tức, không liên lạc với gia đình, anh Bính nghẹn ngào: “Tôi cũng muốn về với đồng đội và gia đình lắm chứ, nhưng ở vùng dân tộc này thông tin liên lạc cũng như điện thoại không có, khó khăn lắm, mà giấy tờ thì mất hết. Hơn nữa lúc đó trở về thì sợ mọi người hiểu nhầm, cho là đào ngũ thì khổ cho bố mẹ, mang tiếng. Cũng đã mấy lần tôi gửi thư về nhà nhưng có lẽ do thất lạc mà ở quê không nhận được”.
Từ ngày nhận được giấy báo tử, hàng năm cứ đến ngày 20/2 gia đình lại làm giỗ cho anh, nhưng hai chữ “mất tích” được ghi trên giấy báo tử vẫn nhen nhóm trong lòng mọi người niềm hy vọng một ngày nào đó anh sẽ trở về. Nhưng rồi 5 năm, 10 năm, 20 năm… trôi qua, niềm hy vọng ấy đã hoàn toàn vỡ vụn. Gia đình cũng đã lần dò tìm thông tin về nơi anh mất tích, nhiều lần tìm đến những nghĩa trang liệt sĩ với mong muốn tìm thấy hài cốt anh để đưa về quê hương nhưng đều vô vọng.
Trên đài tưởng niệm liệt sỹ xã Nghĩa Bình, tên anh Bính được khắc ghi dòng cuối cùng
Năm 1995, gia đình nhận được bằng Tổ Quốc ghi công. Hồ sơ mà gia đình đang có ghi thông tin về liệt sĩ Ngô Văn Bính: Mất tích ngày 20/2/1981. Đơn vị C19, E157, L334, chiến trường Campuchia. Trên bảng Tổ quốc ghi công của đài tưởng niệm liệt sĩ xã Nghĩa Bình, tên tuổi của anh Ngô Văn Bính còn được ghi lại.
Năm 1998, nghe tin ở Thanh Hóa có ông thầy có tài gọi hồn, chị Ngô Thị Thắm (em gái anh Bính) đã lặn lội vào nhờ thầy giúp. Thầy nói anh Bính mất ngày 12/7 dương lịch và nói gia đình xây mộ cho anh ở sau vườn nhà. Từ đó gia đình chuyển ngày giỗ anh sang ngày 12/7; đồng thời xây cho anh một ngôi mộ gió, ghi tên liệt sĩ Ngô Văn Bính.
Lần lượt sau đó, bố mẹ anh Bính qua đời mang theo nỗi day dứt vì chưa tìm thấy hài cốt của con trai.
Trở về sau 30 năm báo tử
Một ngày đầu tháng 7/2010, khi gia đình đang chuẩn bị làm giỗ cho anh thì có một người đàn ông hỏi đường về nhà ông Huân. Người đàn ông nói giọng miền Trung pha miền Nam, đi cùng vợ và 4 người con gái. Khi nghe dân làng nói ông Huân đã chết cách đây vài năm, người đàn ông bỗng bưng mặt òa khóc: “Tôi đã về muộn mất rồi”. Không ai tin được người đàn ông đó chính là “liệt sĩ” Ngô Văn Bính, con trai ông Huân.
Sau 30 năm "mất tích" anh Bính trở về quê hương cùng với vợ và con (Anh Bính ngồi hàng sau, thứ 2 từ phải qua)
Trong niềm vui, nước mắt ngày đoàn viên, anh Bính cho gia đình biết anh đang sống ở xã Long Phú, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Gia đình sống chủ yếu bằng nghề mót lúa, cuộc sống hàng ngày rất chật vật, các con không ai học hết cấp 2.
"Phần do nghèo, phần do tôi suy nghĩ nông cạn nên đã không quyết tâm về quê sớm. Tôi cứ nghĩ sẽ làm việc gom góp khi nào có mươi, mười lăm triệu đồng thì mới đưa cả gia đình về quê. Nhưng mấy chục năm trời, số tiền đó chẳng thể có được, mãi đến năm nay gom được 3 triệu đồng và vay thêm hàng xóm được mấy triệu nữa mới dám về quê, thì cha mẹ tôi đã mất cả rồi" - anh Bính tâm sự.
Trước khi quay trở lại vào Nam, anh Bính đã cùng đại diện gia đình mang toàn bộ giấy tờ công nhận liệt sĩ trả lại cho UBND xã Nghĩa Bình. Trong cuộc kỳ ngộ đầy niềm vui và nước mắt này, gia đình cũng động viên anh Bính đưa vợ con về quê sinh sống, bù đắp lại quãng thời gian xa cách quá dài.
Ngày chia tay, họ hàng thân thích mỗi người một ít, gom góp chút tiền giúp anh mua vé tàu xe và tặng anh chiếc điện thoại di động để tiện liên lạc. Người lính 30 năm "mất tích" ấy nay lại trở về với cuộc sống khốn khó hàng ngày để kiếm tiền trả món nợ trong chuyến về thăm quê hương. Không biết bao nhiêu năm nữa, anh lại có chuyến thăm quê lần thứ hai!
Nguyễn Duy - Lê Giang - Xuân Hoà
Theo dantri.com.vn