Bà Nguyễn Thị Kiến cùng con dâu chụp ảnh bên mộ liệt sỹ Sặng tại nghĩa trang xã Vạn Trạch ngày 8/7/2011.
Kỳ 1: Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình, phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch bàn giao hài cốt liệt sĩ trên giấy
Gần 37 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, gần 40 năm sau ngày hi sinh (20/6/1972), được nhân dân lập bia thờ cúng, liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng, quê quán: Tiểu khu Phú Sơn – thị xã Thanh Hóa (nay là phường Phú Sơn – TP.Thanh Hóa) vẫn chưa được yên nghỉ. Một phần hài cốt của chị đang nằm tại nghĩa trang Hàm Rồng (TP.Thanh Hóa) hay toàn phần? Ngôi mộ của chị Sặng tại nghĩa trang B67 (xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) mấy mươi năm nay có xương hay không? nếu có thì xương của ai?… Hàng ngàn câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi lên đường, những mong tìm ra sự thật để hương hồn chị Sặng được siêu thoát, để thân nhân liệt sỹ được thanh thản, được an ủi phần nào…
Hài cốt bốc từ trong rừng được xác nhận khống: bốc trong nghĩa trang
Nhận được tin em gái út mình đã di dời hài cốt chị cả Nguyễn Thị Sặng từ nghĩa trang liệt sỹ xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) về nghĩa trang quê nhà (TP.Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Kiến vô cùng xúc động. “Linh tính mách bảo tôi đó không phải sự thật. Và sau ngày 23/6/2011, bà Nguyễn Thị Kiện (em gái bà Kiến và liệt sỹ Sặng) cất bốc hài cốt của chị Sặng mang về thì tôi nhận được điện thoại của người bạn trong Quảng Bình thông báo: Mộ chị Sặng vẫn còn nằm trong nghĩa trang. Để chắc chắn, ngày 8/7/2011, gia đình tôi đã tổ chức vào tận Quảng Bình thì tại nghĩa trang B67 xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, mộ chị Sặng còn nguyên vẹn ở vị trí: Khu B, hàng 1, số mộ 8. Chị Sặng vẫn nằm đó bên đồng đội, đồng hương. Gia đình đã chụp ảnh và lấy giấy xác nhận viết tay của ông quản trang Lê Văn Cư” – bà Kiến nói.
Qua điều tra, chúng tôi được biết: Hài cốt được cho là của liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng được em gái út là bà Kiện cùng một nhà ngoại cảm bốc tại km18, đường 20 Quyết Thắng (thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) đưa về. Tuy nhiên, lại có biên bản bàn giao hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang ngày 23/6/2011. Nội dung có đoạn viết: “Thực trạng mộ chí gồm có: Bia võ (vỏ) mộ có khắc tên liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng. Khai quật phía dưới mộ có tiểu sành, trong tiểu sành có hài cốt liệt sỹ đã được cải táng khi xây dựng cải tạo nghĩa trang liệt sỹ, gia đình đã đồng ý tiếp nhận hài cốt đưa về an tang tại quê nhà theo nguyện vọng”. Trên biên bản bàn giao hài cốt liệt sỹ có đại diện UBND xã Vạn Trạch là ông Nguyễn Hải Lương – phó Chủ tịch UBND xã ký xác nhận, đóng dấu; Đại diện bên giao: ông Phan Văn Phượng – Phó trưởng phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch ký, đóng dấu. Đại diện bên nhận: Bà Nguyễn Thị Kiến và bà Nguyễn Thị Kiện (trong khi đó chỉ bà Kiện có mặt và ký nhận). Cùng ngày 23/6/2011, ông Trần Văn Tuân – PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình đã ký, đóng dấu giấy xác nhận số 13/GXN-SLĐTBXH, xác nhận việc: đã di chuyển hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng từ nghĩa trang liệt sỹ xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình về nghĩa trang liệt sỹ quê nhà.
Như vậy, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình và Phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch đã bàn giao hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng trên giấy.
“Sai từ Phòng”?
Sau thời gian trì hoãn làm việc với Báo Nhân đạo & Đời sống vì lý do “việc kiểm tra, xác minh tốn nhiều thời gian”, ngày 20/2/2012, tại buổi làm việc với phóng viên cơ quan Báo về trường hợp di dời hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng, ông Trần Văn Tuân – PGĐ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Chúng tôi có thiếu sót” (chỉ là thiếu sót, không phải sai) nhưng chỉ vì “chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình liệt sỹ”. Và Sở xác nhận là do Phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch và đại diện UBND xã Vạn Trạch đã có biên bản bàn giao cụ thể. Cái sai này là “sai từ Phòng”.
Vậy chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Phòng LĐTBXH huyện Bố Trạch.
Khi chúng tôi đưa ra vấn đề trên, ông Tuân cho rằng ông Phượng đã “chuẩn bị nghỉ hưu rồi nên thôi”, Báo không cần làm việc với ông Phượng. Phải chăng, theo quan điểm của ông Tuân, do ông Phượng sắp nghỉ hưu nên những việc làm sai cũng không cần truy cứu ???
Và mặc dù nhận thiếu sót nhưng ông Tuân một mực khẳng định chỉ vì tạo điều kiện thuận lợi nhất cho gia đình liệt sỹ đưa hài cốt về quê nhà nên hài cốt bốc ở trong rừng vẫn được xác nhận là bốc từ nghĩa trang. Ông Tuân cho rằng mình và những người có liên quan rất may mắn vì hài cốt đưa về Thanh Hóa, sau khi được giám định ADN lại đúng là hài cốt liệt sỹ Sặng. Ông nói: nếu kết quả giám định không đúng hài cốt liệt sỹ Sặng “thì chúng tôi mới sai”.
Thật đáng buồn vì với cương vị một PGĐ Sở LĐTBXH, ông Tuân lại có suy nghĩ và việc làm dựa trên cơ sở “may mắn”. Tại thời điểm ông Tuân ký giấy xác nhận bàn giao hài cốt liệt sỹ Sặng (ngày 23/6/2011+-), ông Tuân chỉ căn cứ vào biên bản bàn giao hài cốt liệt sỹ Sặng. Sau khi biết hài cốt được bốc từ trong rừng, ông Tuân vẫn cho là mình không sai vì “kết quả giám định gen đúng” (kết quả giám định ADN do Viện Công nghệ sinh học kết luận ngày 2/11/2011). Trong khi đó, ngôi mộ liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng vẫn nguyên vẹn trong nghĩa trang B67 xã Vạn Trạch. Cá nhân ông Tuân và cán bộ Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình không hề biết trong ngôi mộ ấy có gì?
Ông Tuân cũng thật tài tình khi đặt ra hai giả thiết: Một là: do chiến tranh, liệt sỹ Sặng bị bom nên thân thể phân tán thành nhiều mảnh, hài cốt tìm được trong rừng có thể chỉ là một phần trong số đó. Hai là: Vì chôn cất không đủ độ sâu nên do núi, đất đá vận chuyển, do nước lũ… nên hài cốt liệt sỹ Sặng bị cuốn vào rừng.
Hai giả thiết trên hoàn toàn không có căn cứ vì: Thứ nhất: Liệt sỹ Sặng hi sinh do vết thương sọ não, sau khi được điều trị tại Quân y viện 59, được chôn cất và ghi lại sơ đồ mộ chí rõ ràng chứ không chết vì bom. Thứ hai: Từ 20/6/1972 – ngày liệt sỹ Sặng hy sinh cho đến thời điểm mộ được quy tập vào nghĩa trang Vạn Trạch và cho tới tháng 3/2012 này, ở nước ta không xảy ra trận động đất hay sóng thần nào lớn. Xin được nói thêm rằng: trận động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật Bản tháng 3/2011 lớn mạnh như vậy nhưng cũng chỉ cuốn ông Hiromitsu Shinkawa trôi ra xa bờ biển 15km, nhưng từ vị trí mộ liệt sỹ Sặng hy sinh và được chôn cất theo sơ đồ mộ chí của Quân y viện 59 tới km 18, đường 20 Quyết Thắng (nơi bà Kiện và nhà ngoại cảm bốc hài cốt liệt sỹ Sặng) cách nhau 18km, địa hình lại cao hơn so với nơi chôn cất nên không thể có khả năng bị nước cuốn ngược lên.
Để làm sáng tỏ những nghi vấn về trường hợp liệt sỹ Nguyễn Thị Sặng, không còn cách nào khác: Phải khai quật ngôi mộ trong nghĩa trang xã Vạn Trạch, lấy mẫu giám định gen (nếu trong mộ có hài cốt). Một lần nữa, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình lại đề nghị có thêm thời gian vì lý do “không đụng vào mồ mả trước rằm tháng 2 âm lịch” (ngày Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Bình làm việc với Báo Nhân đạo & Đời sống là 20/2/2012 dương lịch, cũng là 29 tháng Giêng). Và một lần nữa, thân nhân liệt sỹ cùng chúng tôi lại kiên nhẫn chờ đợi.
Tâm Ánh
Theo nhandaovadoisong.com.vn