Phút giây trùng phùng
Mấy ngày qua, nhà bà Lê Thị Nhường ở thôn 10 xã Hoằng Yến, Hoằng Hoá (Thanh Hoá) liên tục có những anh em bạn bè đến hỏi thăm sau khi người em trai được báo tử 37 năm bỗng nhiên trở về. Bà đã khóc không biết bao nhiêu lần vì hạnh phúc. Người đàn bà nhỏ thó ở tuổi 70 này không ngờ có ngày được gặp lại em trai mình.
Vợ chồng "liệt sỹ" Lê Văn Thư (phía xa ảnh) cùng chị gái và người anh họ.
Trước đó, tìm về đến mảnh đất cố hương nhưng ông Lê Văn Thư do bị mắc chứng suy giảm trí nhớ nên không còn nhận ra làng quê mình. Khi vợ ông - bà Phạm Thị Tằm đang hỏi thăm thì đã có người nhận ra ông nên dẫn vợ chồng ông đến nhà chị gái.
Đứng trước mặt ông Thư, bà Nhường nhíu mày nhìn nhưng vẫn chưa nhận ra ai. Sau khi được giới thiệu, bà mới nhìn kỹ rồi ôm trầm lấy người em mà khóc nức nở.
Câu chuyện lan nhanh khiến những người bạn cũ, họ hàng, anh em "liệt sỹ" Thư đã đến chia vui trong phút giây trùng phùng bất ngờ này.
Mới ở tuổi lục tuần nhưng người đàn ông này đã khó khăn trong việc đi lại. Ông mắc nhiều căn bệnh, nhất là bệnh tiểu đường mãn tính khiến sức khỏe ông suy giảm nhiều.
Con người đã mấy lần chết đi sống lại với thương tật đầy người cũng đã không còn được minh mẫn do sức ép bom đạn. Hơn nửa thế kỷ xa xứ và kém trí nhớ, ông không biết rằng ở quê, ngôi nhà mình đã không còn.
Bạn bè và người thân của ông Thư nghe tin nên về chia vui.
Những người em trai ông đã li hương, lên lập nghiệp tại huyện Bá Thước - một huyện miền núi Thanh Hoá từ mấy chục năm qua. Sau khi được báo tin, những người em ruột của ông Thư ở Bá Thước cũng bắt xe ngay về quê cũ.
Về thăm quê, ông Thư được đưa đến thăm các gia đình anh em, thắp hương trên bàn thờ bên nội, bên ngoại. Đứng trước vong hồn cha mẹ, tổ tiên ông không khỏi rơm rớm nước mắt…
Chiến cuộc và sự biệt ly
Trở lại câu chuyện của nửa thế kỷ trước, vào năm 1968, ông Lê Văn Thư tham gia nhập ngũ. Ở tuổi 17, chàng trai Lê Văn Thư ngày ấy sợ không được đi lính nên đã khai tăng thêm 2 tuổi.
Ông tham gia chiến đấu tại sư đoàn 388 ở chiến trường Đông Nam bộ. Năm 1970, trong trận càn biên giới Tây Nam, ông bị trọng thương và lạc đơn vị, sau đó ông nhập vào một đơn vị khác.
"Liệt sĩ" Lê Văn Thư cùng vợ Phạm Thị Tằm thắp hương lên bàn thờ tổ tiên.
Năm 1974, giặc đánh bom trúng căn cứ tại suối Nhỏ, lô 12, Phước Hoà, Tân Uyên (nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương). Ông bị sức ép bom nhưng may mắn sống sót và sau đó tiếp tục tham gia chiến đấu.
Những trận đánh ác liệt trước thời điểm giải phóng Sài Gòn khiến nhiều đơn vị tan tác, thất lạc nhau.
Ông bị thương, được gia đình vợ bây giờ cưu mang. Gia đình bà Tằm theo cách mạng, bị lộ, bố bà bị giặc bắn chết, lo sợ bị giết, cả gia đình đã chuyển vào lòng chiến khu D để sống và cùng tham gia cách mạng, tại đây ông đã thành thân với bà Tằm.
Ông dần mất trí nhớ trong nhiều năm sau đó nên không còn nhớ chính xác quê hương và quá khứ. Gia đình bà Tằm cũng chỉ biết ông là người tỉnh Thanh Hoá, cộng với khó khăn kinh tế nên chưa tìm về quê chồng.
Sau những trận đánh ác liệt vào thời điểm giải phóng Sài Gòn, do không tìm thấy ông nên đơn vị đã có giấy báo tử về quê ông tại xã Hoằng Yến. Theo nội dung giấy báo tử, ông hi sinh ngày 28 /4 /1975 trong một trận càn (trước ngày giải phóng Sài Gòn 2 ngày - PV).
Vợ chồng ông Thư sinh được 5 người con, mất hai. Hiện gia đình ông ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo tỉnh Bình Dương, các con ông đều đi làm công nhân.
Do mất hết giấy tờ cùng với cái nghèo vây bủa nên việc làm chế độ cho ông đến nay chưa được thực hiện. Hiện tại, nguồn sống của vợ chồng già này chủ yếu phụ thuộc vào việc nuôi lợn của bà Tằm.
Ngày 28/4 hàng năm; dòng chữ khắc tên ông trên tấm bia đá tại khu tượng đài Tổ quốc ghi công của xã Hoằng Yến rồi đây chắc chắn sẽ trở thành kỷ niệm đẹp với gia đình và địa phương ...
Trần Đông
Theo vtc.vn