Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
“Liệt sỹ trở về” lưu lạc trên đất Tây Ninh qua lời kể của người cưu mang
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Ông Ngô Văn Đào - người đã từng cưu mang ông Phan Hữu Được.

Lang bạt trên đất Tây Ninh, ông Được may mắn được một công nhân nông trường cao su Samat tốt bụng cưu mang, đưa về nhà cho ăn và nhận làm anh em kết nghĩa. Trong tiềm thức của mình, ông Được nói: “Tôi là một người lính…”.

Hai người xa lạ nhận nhau anh em kết nghĩa

Trưa ngày 29/6, sau chặng đường dài, PV Dân trí đã gặp được ông Ngô Văn Đào - người đã từng cưu mang ông Phan Hữu Được trong những tháng ngày ông Được lang bạt trên đất Tây Ninh. Ngoài cái tên khai sinh này, ở địa phương ông Đào còn có một cái tên khác là Ngô Bình Trọng, cái tên xuất phát từ tính cách thương người, trọng tình của ông.

Do cuộc sống ở Tây Ninh không thuận lợi nên cách đây 6 năm, vào năm 2007, ông Đào đã lên Tây Nguyên mua đất trồng cao su, hiện ông đang sinh sống cùng vợ ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 80km theo đường tỉnh lộ 1 đi về hướng Tây Bắc.

Gặp PV Dân trí, ông Đào nói, vợ chồng ông bất ngờ và vui mừng về thông tin ông Được đã tìm được họ hàng, quê quán ở Hải Phòng sau bao năm lưu lạc. Câu chuyện về những tháng ngày đói rách của ông Được trên đất Tây Ninh được ông Đào kể lại như sau: vào một ngày của năm 2000, trong một lần trên đường đi làm về thì ông bắt gặp ông Được đang lang thang ở gần nông trường cao su Samat, thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Lúc đó ngoài bộ áo quần cũ nát mà ông Được mặc trên người, trên tay cầm theo một cái túi đựng một bộ áo quần cũng cũ nhàu khác, ông Được không có gì thêm. Thấy hoàn cảnh ông Được đáng thương, người không ra người, nên ông Đào đã dẫn ông Được về nhà nấu cơm cho ăn, sau đó họ đã nhận nhau làm anh em kết nghĩa.

Giây phút xúc động của vợ chồng ông Đào khi nhận ra ông Được qua những hình ảnh trên báo
Giây phút xúc động của vợ chồng ông Đào khi nhận ra ông Được qua những hình ảnh trên báo
Giây phút xúc động của vợ chồng ông Đào khi nhận ra ông Được qua những hình ảnh trên báo Dân trí.

“Ông ấy (ông Được - PV) mặc bộ áo quần mà chẳng ra hồn, lúc đó ông ấy chỉ có một hai bộ quần áo gì đó thôi. Sau khi tôi đưa về nhà làm cơm ăn uống xong, ông ấy nói chẳng biết nhà cửa, hoàn cảnh ra sao, nên nói: “anh hai cho em ở nhờ”, rồi nói trước thế nào thì sau thế vậy, ông ấy nhận tôi làm anh kết nghĩa và nhận làm em, dù ông ấy nhiều hơn tôi mấy tuổi”, ông Đào hồi tưởng.

Thế là sau lần tình cờ gặp nhau trên đường, hai con người hoàn toàn xa lạ từ hai phương trời, chưa một lần biết về nhau đã trở thành anh em kết nghĩa như tình ruột thịt thâm sâu, họ sống chung một mái nhà, ngủ cùng chiếu, ăn cùng mâm, cùng nhau chia sớt đắng cay ngọt bùi.

“Tôi là một người lính…”

Những tháng ngày sau đó, cũng có lúc ông Được không ngủ ở trong nhà mà mắc võng ở cây khế trước sân rồi ngủ qua đêm. Có những hôm trời bất chợt đổ mưa, không hiểu vì lý do gì, ông Được vẫn cứ “kiên nhẫn” treo võng nằm ngủ trong mưa giông gió bấc, có đêm toàn thân ông Được ướt đẫm khiến vợ chồng ông Đào không khỏi cồn cào ruột gan. Không ít lần hai vợ ông Đào ra sân năn nỉ cả đêm thì ông Được mới chịu vào ngủ trong nhà.

“Mùa hè thì tôi đưa quạt điện ra quạt cho ông ấy, nhưng mùa mưa ông ấy vẫn không chịu vào nhà. Ông nhà tôi năn nỉ ông ấy mãi thì ông ấy mới vào nhà ngủ. Tôi cũng có nói ông ấy là mưa gió chú nằm ở ngoài này muỗi đốt sốt rét vợ chồng tôi không có tiền mua thuốc, vợ chồng tôi ốm đau cũng không có tiền. Nghe vậy, ông ấy bảo: “Em còn lâu em mới chết, em cũng không thiết tha đâu, chết được em thì còn lâu”, bà Trần Thị Dung, vợ ông Đào kể.

Vợ chồng ông Đào vui mừng về thông tin ông Được đã tìm được họ hàng, quê quán.
Vợ chồng ông Đào vui mừng về thông tin ông Được đã tìm được họ hàng, quê quán.

Thời gian sống với vợ ông Đào ở nông trường cao su Samat, tỉnh Tây Ninh, mọi người không ít lần thấy ông Được rất buồn và cô đơn, cái tên “Được” là sau một thời gian rất lâu sau đó gia đình ông Đào mới biết, còn thời gian đầu thấy tính tình bất thường (do đau ốm, bệnh tật) của ông Được nên mọi người ở đó gọi ông là: “Ông Năm khùng, ông Năm cô đơn”, chứ ông Được khi mới về nhà không có lấy một cái tên và ông cũng chẳng biết mình tên là gì. Cái tên: “Ông Năm khùng, ông Năm cô đơn” đã được mọi người trong gia đình ông Đào và người dân ở đó gọi ông Được trong thời gian hơn 10 năm sống ở nông trường cao su Samat, tỉnh Tây Ninh.

Ông Đào tâm sự, đôi lúc ngồi uống rượu với ông Được thì chỉ nghe ông Được nói thoáng qua: “Tôi là một người lính”. Và cũng rất lâu sau đó bất chợt ông Đào mới nghe thấy mới nghe thấy ông Được nói: “Tao là Được, là một người lính”.

Chỉ thế thôi. Nghe vậy, ông Đào cũng chỉ biết vậy, chứ không hỏi gì thêm vì nhiều lúc ông Được không bình thường. “Có lúc uống tý rượu vào thì ông ấy cũng ngang ngang, đang uống rượu thích đi là đi, không uống nữa là không uống”, ông Đào kể.

Dù vậy, mọi sinh hoạt cá nhân, ông Được đều tự làm lấy, áo quần dù năm ba hôm mới thấy thay ra một lần, mùi mồ hôi lâu ngày nhuốm đen xịt nhưng ông Được đều tự giặt lấy. Đã vậy, quần đùi thì không có, bà Dung tất tả chạy ra chợ Samat ở gần nhà mua lấy cái quần đùi đem về để đưa cho ông mặc mà thuận bề tắm giặt, sinh hoạt. Những lúc vợ chồng ông Đào đi làm chưa về, ở nhà, ông Được vẫn thường lọ mọ vo gạo nấu cơm, nhưng cơm chín thì ít mà cơm sống thì nhiều. “Những lúc tôi không có nhà thì chú ấy cũng nấu cơm, nhưng chú ấy nấu có lúc chín, lúc sống rất thất thường”, bà Dung cho biết.

Qua thời gian sống với gia đình, vợ chồng ông Đào cho biết, những lúc lên cơn đau thì không nói, nhưng bình thường, ông Được rất hiền lành và chân thật. Hễ trong nhà có việc gì thì ông Được xin đi theo phụ giúp, thỉnh thoảng ông đi làm mướn trong vùng.

Những tháng ngày bị bệnh tật hành hạ

Trong thời gian được vợ chồng ông Đào cưu mang ở Tây Ninh, hễ trái gió trở trời, cơ thể ông Được bỗng nhiên phát bệnh rất nặng, lên cơn đau dữ dội và nói năng lảm nhảm. “Có những lúc ông ấy sùi bọt mép ra mồm, rồi hú lên, nói năng lảm nhảm rất lâu. Đôi ba tháng một lần, cũng có khi một tháng một lần thì ông ấy đau như vậy. Gia đình tôi khi đó cũng nghèo, không có tiền đưa ông ấy đi viện, vợ tôi đi ra chợ mua thuốc giảm đau về cho ông ấy uống”, ông Đào nói về những tháng ngày ông Được bị bệnh tật hành hạ.

Do ông Được hay đau ốm, nên thời điểm đó, đã có không ít ý kiến phàn nàn về việc ông Đào đã “rước” một người bệnh về nhà, nhưng tấm lòng ông Đào vốn trọng cái tình người, trước sau như một, mọi chuyện xì xào ông bỏ ngoài tai, dù lúc đó gia đình rất nghèo nhưng vợ chồng ông vẫn chăm sóc, thuốc thang cho ông Được mỗi khi trái gió trở trời đổ bệnh.

Nhà ông Đào nằm ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Nhà ông Đào nằm ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc xã Ea Bung, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.


Vợ chồng ông Đào khẳng định, từ khi vợ chồng ông đưa ông Được về nhà ở cho đến thời điểm trước khi dọn lên Tây Nguyên sinh sống, bản thân ông Được ngoài 2 bộ quần áo nhàu nát, đôi dép lào cũ rích thì ông Được - một miếng đất cắm dùi cũng không.

“Ông ấy chỉ có 2 bộ quần áo, một bộ mặc trên người, một bộ cất trong túi, thời điểm tôi đi, trong túi ông Được cao nhất cũng chỉ được vài trăm nghìn đồng làm thuê mà có, chưa bao giờ nghe ông ấy nói về vợ con”, ông Đào khẳng định.

Đến năm 2007, vì cuộc sống khó khăn nên vợ chồng ông Đào đã dọn lên Tây Nguyên làm ăn, ông Được ở lại Tây Ninh sống với con trai thứ 2 của ông Đào tên là Ngô Đức Tài.

Viết Hảo

Theo dantri.com.vn

Bài liên quan:

Liệt sĩ trở về và hành trình lưu lạc ly kỳ suốt 40 năm

Các tin khác