Đồng đội trong ngày gặp mặt truyền thống
Hồi ấy, những năm 1968-1972, chúng tôi - những người lính của Trung đoàn 27 - Trung đoàn Xô Viết (Nghệ An đỏ) chiến đấu trong vùng "chảo lửa" Quảng Trị, hồi mà không một tấc đất nào ở bãi chiến trường này lại không bị cày đi xới lại bởi đạn bom của quân thù...Hồi mà chúng tôi đã từng nói với nhau: "Mình không chết mới là điều vô lý"! Sự vô lý ấy nó "thật" đến mức mãi đến hôm nay, sau gần 40 năm chiến tranh đã lùi xa mà khi gặp lại chúng tôi vẫn rất "vô lý" hỏi nhau: "Vì sao hồi đó mình không chết"?
Hỏi nhau vậy thì cứ hỏi, nhưng rồi chiêm nghiệm lại vẫn biết điều "Vô lý" ấy lại là điều có lý một trăm phần trăm! Quả vậy, nếu nói chúng tôi sống sót là vô lý thì làm sao hôm nay trên vùng trang trại sinh thái Lý Thành (Yên Thành) này lại có được cuộc hội ngộ của gần ba trăm cựu chiến binh của Trung đoàn đỏ Nghệ An, những người đã từng sống sót ở Quảng Trị... và đi hết cuộc chiến tranh giải phóng - Những người chiến thắng trở về sau ngày 30-4-75 lịch sử!
Ông võ khắc thiêm nhận tấm ảnh do Lê Bá Dương tặng
Người "sống sót vô lý" mà tôi kể đến đầu tiên là ông Võ Khắc Thiêm, chủ nhân của trang trại Lý Thành nơi chúng tôi đang họp mặt; Người mà hồi đang "uýnh nhau" ở Quảng Trị thường được các đồng đội ở tiểu đoàn 2- Trung đoàn 27 gọi là "Thiêm liều"! Không biết gọi ông Thiêm là người "Sống sót vô lý" có đúng không, nhưng có một sự thật là trong số những đồng đội của Thiêm nhận được tin báo về dự cuộc hội ngộ này thì có đến quá nữa đến nay họ mới biết "Thiêm liều" đang sống. Hồi ấy, năm 1970 Thiêm liều bị thương, ai cũng nghĩ Thiêm đã chết vì sau đó "mất tích"... và cho đến 30 năm sau, người ta mới biết Thiêm Liều mở trang trại đánh thức vùng Truông Gió-Treo Màn ở Lý Thành; Và nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Lê Thị Em ở Bảo Thành. Được biết, ông Thiêm đã ấp ủ và chuẩn bị cho cuộc hội ngộ này cách đây đã 4-5 năm trời bây giờ mới thành hiện thực.
Thật xúc động khi tại cuộc hội ngộ có một không hai này, chúng tôi được đón tiếp đoàn đại biểu - Các anh các chị nguyên là du kích, bộ đội địa phương Quảng Trị đã một thời sát cánh chia lửa diệt thù, một thời nắm gạo rang, hạt muối, hạt vừng, viên thuốc ký ninh...chia năm sẻ bảy; Đã một thời ôm nhau chui hầm bí mật, dìu nhau vượt sông, vượt phá ... Một thời đói cơm thiếu muối và những trận sốt rừng bụng bỏng da vàng...Một thời cùng nhau giữ chốt, chống càn... rồi để cùng nhau "sống sót" và chiến thắng trở về! Đó là anh Nguyễn Minh Kỳ nguyên phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Anh Hoàng Xuân Quy, cán bộ ban tuyên giáo tỉnh ủy, những người đã từng sát cánh với đồng đội Trung đoàn 27 của chúng tôi chiến đấu ở mặt trận Cam Lộ những năm 69-72; Đó là vợ chồng anh Nhiệm, chị Sáng; Vợ chồng Anh Giang , chị Minh với các O Vân, O Bang, anh Thìn, chị Bê nguyên là cán bộ du kích, cơ sở mật của xã Cam Mỹ; Là vợ chồng anh Lân, chị Sen; vợ chồng anh Thái chị Liên, nguyên du kích Cam Mỹ, Cam thanh...Những người Du kích, những người lính Giải phóng năm xưa đã vượt trên bốn trăm cây số, ngược lên miền núi Yên Thành xứ Nghệ- gặp nhau rưng rưng nghẹn ngào cùng nhớ về một thời đạn bom người còn, người mất...!
Các anh, các chị là du kích Cam lộ một thời sát cánh vơi TĐ
Đến với cuộc hội ngộ này còn có cả "một nửa toán trinh sát sống sót vô lý" - đó là ông Phan Đình Phùng toán trưởng, ông Nguyễn Hoàng và ông Trần Anh Đài là nhân viên điện đài của toán trinh sát địch hậu của Trung đoàn 27 hồi năm 1972. Hồi đó tôi và hai chiến sỹ trinh sát của toán là Thân và Danh sau khi trở ra hậu cứ nhận thêm trang bị bổ sung cho tóan đến khi quay vào thì bị địch phục kích; Thân và Danh hy sinh tại chỗ, còn tôi và Út Duyên du kích dẫn đường đã may mắn thoát chết. Hồi đó, suốt 3 tháng ròng hoạt động trong vùng địch, chúng tôi ngày thì rúc hầm bí mật, có khi thì ngâm mình trong đám bèo lục bình dưới đầm, dưới phá để che mắt bọ ác ôn thám báo địch đi lùng; đêm lại mò lên bắt liên lạc với cơ sở, điều tra thu thập thông tin tình báo cho mặt trận. Thật không may cho chúng tôi là sau đó điện đài bị hỏng vì nhiều lần chôn dấu dưới đất, không thể báo cáo thông tin về cho Trung đoàn được nửa. Qua cơ sở, chúng tôi nhận được lệnh phải trở về để báo cáo tình hình cho ban chỉ huy lập phương án chống chiến dịch phản kích "Tái chiếm lãnh thổ" của địch. Phải vượt gần 30 cây số qua vùng địch tạm chiếm, không ai nghĩ có thể nguyên vẹn trở về; Tôi còn nhớ hồi đó toán trưởng đã nói với chúng tôi: "Là lính trinh sát, bất luận trong trường hợp nào chúng ta cũng tìm được một lối thoát cho mình - còn một người cũng phải mang được báo cáo về cho ban chỉ huy trung đoàn". Bằng bản lĩnh và mưu mẹo của lính trinh sát, chúng tôi ngày thì tìm nơi ẩn náu, đêm cắt đường tránh chốt, tránh ổ phục kích của địch mà đi; và sau 3 ngày 3 đêm, cả toán về đến hậu cứ của trung đoàn nguyên vẹn.
Chuyện về toán trinh sát của ông Phùng, ông Đài có vẻ ly kỳ không kém gì truyện trinh thám; Nhưng chuyện về tổ chốt của Lê Bá Dương trên "đồi thám báo" năm 1969 mới làm người thời nay khó tưởng tượng(!). Khi đó Lê Bá Dương mới mười bảy tuổi, anh viết đơn xin vào bộ đội và nhập ngũ "chui" khi vừa chẵn 15 tuổi. Bây giờ ông Dương tóc đã điểm bạc- ông đã khóc, mọi người cũng không nén được xúc động khi được nhìn lại tấm ảnh Bác Hồ và những dòng chữ ghi lời thề quyết tử giữ chốt đến cùng viết bằng máu của những chiến sỹ trên "đồi thám báo". Hồi đó, để có thể tổ chức tập kết quân cho trận đánh tiêu diệt cao điểm 544 (Pulo)- được coi là con mắt thần quan trọng bậc nhất trong tuyến hàng rào điện tử Măc Na Ma Ra... đồng chí Bùi Xuân Các, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 đã trao cho Lê Bá Dương 3 quả pháo hiệu với vỏn vẹn một câu: Cậu chọn mấy chiến sỹ lên chiếm lĩnh mỏm đồi thám báo , cố giữ lấy một ngày để tối đơn vị lên tập kết làm bàn đạp đánh chiếm 544. Trường hợp không giữ được, bắn pháo hiệu gọi pháo của ta huỷ trận địa! Cầm 3 quả pháo hiệu với mệnh lệnh "phải chết" để giữ chốt, Lê Bá Dương cùng 3 chiến sỹ đã đối mặt với hàng chục cuộc tấn công của 2 đại đội nguỵ với sự iểm trợ "tiền phi hậu pháo" từ điểm cao 544 nống ra, cho đến chiều tối, khi các đồng đội hi sinh, còn lại 2 người đều bị thương nặng, cơ số đạn cũng đã vơi gần hết.. Trong khoảnh khắc đối mặt với hàng trăm tên nguỵ chia nhiều cánh ùa lên chốt, Lê Bá Dương đã lấy máu từ vết thương của mình viết lên tấm ảnh Bác Hồ lời thề quyết tử . Và sau khi chuyền cho đồng đội cùng hôn ảnh Bác , Lê Bá Dương đã bắn pháo hiệu gọi pháo, đồng thời cho nổ hết số mìn gài ngược về phía trận địa vừa lúc bọn lính nguỵ tràn lên... Cứ vậy, trận địa bị trùm trong làn pháo bắn dồn dập cho đến đêm, khi bộ đội tiểu đoàn 2 đưa quân lên... Lê Bá Dương và Phùng Hoè, hai người lính còn lại chỉ còn là hai cái "xác" ...Các đồng đội của Lê Bá Dương đã không cầm được nước mắt khi chính trị viên Ngô Ất chuyền cho mọi người tấm ảnh Bác với lời thề viết bằng máu của Dương...Và đêm đó, tấm ảnh Bác Hồ này đã cùng đội hình đơn vị tiêu diệt toàn bộ cao điểm 544... Vậy mà lần đó ông Dương vẫn sống, và sau này trong hành trình tiếp tục chiến đấu, thêm hàng chục lần bị thương nhưng ông vẫn sống để trở về...để rồi từ ngày ấy cho đến bây giờ, năm nào ông cũng lặn lội hàng trăm cây số trở về nơi chiến trường xưa hương khói cho đồng đội. Hẳn nhiều người đã biết ở Quảng trị có một lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn vào ngày 27-7 hàng năm để viếng hương hồn những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông này; và chắc nhiều người đã từng biết đến nhiều phóng sự truyền hình nói về ông Dương và lễ hội thả hoa trên sông Thạch Hãn mà ông Dương là người đầu tiên đề xướng với khắc khoải nỗi niềm thương nhớ đồng đội:
Đò lên Thạch Hãn ơi...chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm
Tấm ảnh Bác ghi lời thề quyết tử giư chốt viết bằng máu của Lê Bá Dương
Và hôm nay, cùng trong đội hình những người đồng đội một thời sinh tử trong cuộc hội quân tại Lý Thành, chính Lê Bá Dương đã nói trong nước mắt: Chúng ta- Tất cả những đồng đội chúng ta hôm nay ngồi đây đều là những người đang sống - Sống một cách vô lý , vì lẽ ra trong sự khắc nghiệt của chiến tranh, chúng ta phải chết ... Nhưng cũng chính vì cái sự vô lý đó, hôm nay chúng ta đã làm cái điều có lý là cuộc hội ngộ của tình đồng đội, nghĩa tử sinh tại Lý Thành...
Vâng, cuộc hội ngộ của những người "Sống sót vô lý"- cuộc gặp lại của những người chiến thắng trở về mới kỳ diệu biết bao! Những người lính trung đoàn đỏ Nghệ An , những người du kích Cam Lộ - Quảng Trị tay trong tay cùng say sưa hát vang bài ca truyền thống của trung đoàn "Dương cao cờ Xô Viết"; Nối tiếp là ca khúc "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", rồi "Đường chúng ta đi...Một thời hoa đỏ"! Chúng tôi hát như chưa bao giờ được hát! Có lẽ trong tất thảy chúng tôi, ai cũng như đang được sống lại không khí của một thời trai trẻ- Một thời "xẻ dọc trường sơn đi cứu nước..."!
Trần Cảnh Yên
Theo canhyen.vnweblogs.com