Giấy báo chiến sỹ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh từ năm 1976. - Ảnh: Nguyễn Dũng
Một người lính trong kháng chiến chống Mỹ đã được báo hy sinh cách đây 42 năm, nay bất ngờ trở về.
Những ngày qua, người dân ở huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) vui mừng kể cho nhau nghe câu chuyện “cải tử hoàn sinh” về một người con của quê hương hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ từ hơn 40 năm, nay bất ngờ trở về.
42 năm từ ngày lên đường nhập ngũ, gia đình người lính này chỉ nhận được một lá thư và ngay sau đó là giấy báo tử của đơn vị. Nhưng mọi thứ đã bất ngờ đảo lộn khi ngày 20/5 vừa qua, “liệt sỹ” đó bất ngờ trở về nguyên vẹn. Ông đã sống và lập gia đình ở tỉnh An Giang cho đến khi gặp một người miền Bắc giúp đỡ, tìm đường về nhà.
Người lính trong câu chuyện trên là ông Nguyễn Viết Thuấn (SN 1952, ở thôn An Thọ, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội).
Với niềm hạnh phúc sung sướng, ông Nguyễn Văn Tuynh (em trai ruột ông Nguyễn Viết Thuấn) kể lại câu chuyện tìm thấy anh trai với phóng viên VTC News.
Gặp ân nhân sau 42 năm lưu lạc
Theo lời ông Tuynh, câu chuyện cổ tích của gia đình ông bắt đầu từ đầu tháng 5/2013, khi anh Trần Văn Toán (quê ở Nam Định) đi cùng bố vào em gái lấy chồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang chơi với nhà thông gia.
Trong bữa cơm thật mật của hai gia đình, ông thông gia người An Giang có kể về một người đàn ông cùng làng, quê ở miền Bắc nay đã tuổi 60, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam rồi vào đây lấy vợ, sinh con nhưng không nhớ chính xác ở đâu nên chưa thể về.
Tấm ảnh chụp ông Nguyễn Viết Thuấn được gia đình dùng làm ảnh thờ.
Nghĩ rồi ông thông gia cho mời người đàn ông này đến nhà hỏi chuyện. Người đàn ông cho biết mình tên là Nguyễn Viết Thuấn (SN 1951), quê ở huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây nhưng không nhớ chính xác tên xã.
Ông Thuấn nói mình từng vào chiến đấu ở miền Nam từ năm 1971 và bị thương, sau giải phóng ông ở lại An Giang lập nghiệp, nay muốn tìm về quê mà không có thông tin.
Cảm động trước câu chuyện của ông Thuấn, anh Toán ghi lại đầy đủ những thông tin ông Thuấn cung cấp, đồng thời ghi lại số điện thoại liên lạc, phô tô thẻ căn cước và các giấy tờ tùy thân… mang trở lại miền Bắc.
Hay tin ông Thuấn gặp được anh Toán, người dân trong khu vực tìm đến hỏi han, ai cũng hy vọng người đàn ông tốt bụng này sẽ tìm được chính xác quê hương, người thân của người lính lưu lạc này.
Cuộc hội ngộ vỡ òa trong nước mắt
Vốn là một người từ Nam Định lên Hà Nội làm thuê ở khu vực Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nên trong ngày đầu tiên về Hà Nội, anh Toán quyết định mang theo thông tin của do ông Thuấn cung cấp đến công an quận Hoài Đức để nhờ xác minh.
Công an huyện Hoài Đức ngay sau đó đã gửi những thông tin này về UBND xã An Khánh kiểm tra. UBND xã An Khánh tiến hành rà soát và phát hiện những thông tin này trùng khớp với hộ gia đình ông Nguyễn Viết Tuynh ở thôn An Thọ.
Việc này được cấp báo về thôn và gia đình ông Tuynh. Quá bất ngờ vì anh trai mình có giấy báo tử, đã tìm được phần mộ ở chiến trường và đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã an táng nhưng những thông tin được cung cấp khiến gia đình ông Tuynh không thể không tin.
Lúc này, gia đình ông Tuynh quyết định họp anh em họ hàng rồi xin liên lạc trực tiếp với anh Toán để tìm hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện.
Bằng "Tổ quốc ghi công" ghi rõ Liệt sĩ Nguyễn Viết Thuấn đã hy sinh ngày 8/4/1975. Ảnh: Nguyễn Dũng
Ngày 17/5, anh Toán gặp ông Tuynh và kể lại câu chuyện gặp gỡ với ông Thuấn, mang chứng minh nhân dân và các giấy tờ của ông Thuấn cho mọi người xem…
Từ số điện thoại anh Toán cung cấp, ông Tuynh điện thoại vào hỏi thăm, hai bên nói chuyện, ông Thuấn nói đúng tên Bố Mẹ, tả về ngôi nhà ở quê một cách rõ ràng…
Ngay hôm sau, ông Tuynh cùng hai người anh em và anh Toán bay vào miền Nam với hy vọng tìm thấy anh trai.
Sáng 19/5, ông Tuynh cùng những người đi cùng đến ngôi làng anh Toán chỉ dẫn. Khi xe chở đoàn người cách làng 100m thì dừng lại, ông Tuynh và mọi người đi bộ vào, ông Tuynh có linh cảm như sắp tìm thấy anh trai mình.
'Liệt sỹ' Nguyễn Viết Thuấn (phải) trở về bên người em ruột của mình.
Ông Tuynh cho biết, đến ngôi nhà anh Toán chỉ dẫn thì thấy một người phụ nữ bán hàng ăn sáng mời chào nhưng ông không vào mà đi vào phía bên trái, nơi một số người đang ngồi nói chuyện để tìm hiểu mọi chuyện qua lời những người dân nơi đây.
“Vừa đi vào, tôi chào hỏi và có một người đàn ông trong số đó nhận ra tiếng Bắc và hỏi: "Anh vô Nam có chuyện chi?", tôi trả lời rằng, tôi là người Bắc, có thông tin về một người anh từng tham gia bộ đội, thất lạc nhiều năm nay nên vào tìm…”.
Vừa dứt xong câu nói, người đàn ông vội chỉ tay vào mình và nói: “Đây, em nè!”.
“Nghe câu nói vậy, tôi và người kia nhìn vào mặt nhau, ánh mắt đó khiến tôi rùng mình, cảm giác như đây là anh mình nhưng vẫn còn điều gì đó chưa thật tin tưởng vì theo lời anh Toán thì nhà anh tôi phải ở bên kia chứ không phải ở bên này, tôi cố nén tâm để tìm hiểu tiếp” – ông Tuynh kể.
"Liệt sỹ" Thuấn bên tấm bia Liệt sỹ có khắc tên mình. Ảnh: Nguyễn Dũng
Đúng lúc đó, những người đi cùng ở ngoài nghe được câu chuyện và đi vào. Người đàn ông nhận mình là người Bắc kia mời cả đoàn sang nhà bên ngồi uống nước và nói chuyện.
Sang đấy, người đàn ông kể rằng, ông là Nguyễn Viết Thuấn, quê ở huyện Hoài Đức, Hà Tây; có bố là Nguyễn Viết Điểu, bác ruột là Nguyễn Viết Như; em trai là Nguyễn Viết Tuynh… và kể một số người trong gia đình nhưng không nhớ tên.
“Chúng tôi tập trung lắng nghe bởi anh nói giọng miền Nam và xúc động, hồi hộp đến từ câu chữ” – ông Tuynh nói.
Trong khi đó, người đàn ông kể tiếp về ngôi nhà trước kia của mình nằm gần ngôi đình, phía trong là nhà ông bác ruột và kể một số câu chuyện ngày xưa một cách bình tĩnh… khiến ông Tuynh không cầm được nước mắt.
“Khi kể đến vị trí ngôi mộ Tổ của dòng họ, ai trong chúng tôi cũng ngỡ ngàng bởi những chi tiết chính xác, chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi ôm lấy nhau rồi khóc nức nở, khóc trong niềm sung sướng hạnh phúc…” – ông Tuynh vui mừng.
Chứng kiến sự việc, hàng chục người hàng xóm cũng tìm đến, chia vui với ngày gặp gỡ mà họ gọi là “cải tử hoàn sinh” của anh em sau 42 năm xa cách…
Sau giây phút xúc động, gia đình ông Thuấn tụ họp con cái, tổ chức bữa cơm mời những người anh em từ Bắc và hàng xóm cùng chia vui. Họ bên nhau kể chuyện, ôn lại kỷ niệm suốt hai ngày đêm rồi cùng sắp xếp, đưa ông Thuấn và một vài người con ra Bắc, về với nơi ông ra đi và được coi là “liệt sỹ” suốt 42 năm qua...
Từ ngày nhận được tin ông Thuấn hy sinh, gia đình luôn ấp ủ tâm nguyện đi tìm phần mộ. Đến năm 2006, một nhà ngoại cảm đã khẳng định ngôi mộ “liệt sỹ” Nguyễn Viết Thuấn đã được chôn cất ở một nghĩa trang, gia đình đã vào tìm và đưa về chôn cất ở nghĩa trang xã. Nhưng nay, người “liệt sỹ” đó đã trở về...
Kỳ tiếp: ‘Liệt sỹ’ bất ngờ trở về bên phần mộ khắc tên mình”.
Nguyễn Dũng
Theo vtc.vn