Từ phải qua: bà Nguyễn Thị Mảnh, cô Lê Hồng Quân và bà Võ Thị Chi (mẹ chị Quân). Cả ba đều bị bắt sau chiến dịch Mậu Thân - Ảnh: Mai Hương
Mới hơn 8 giờ sáng 23-1, nhà cô Lê Hồng Quân, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê Thị Riêng, đã có khách. Khách là một bà cụ dáng người cao to, mặc bộ bà ba bằng vải bông màu sậm. Mấy năm rồi cô mới gặp lại “mợ Mười”, bà chủ nhà trọ cô từng trú ngụ vào đầu năm 1966 để xây dựng lực lượng, cơ sở chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, từ ngày mợ dọn về Gò Công, Tiền Giang.
Đại ca Mười Bi
“Mợ Mười” Nguyễn Thị Mảnh kể chuyện bằng cái miệng móm sọm: “Hồi trước giải phóng, một cuốc xích lô từ trung tâm Sài Gòn qua quận 4 chừng vài đồng bạc. Nhưng hễ nói về khu Tôn Đản, Khánh Hội thì 7-8 ông xích lô mới có một ông dám đi. Người ta bảo khu đó toàn dân anh chị, lạng quạng không mất người thì cũng mất của”. Vậy mà ở ngay chỗ bị xem là phức tạp bậc nhất nhì Sài Gòn đó, nhiều tay giang hồ mã thượng đã thành “người của Việt cộng”, góp phần không nhỏ vào chiến dịch Mậu Thân.
Đưa tay lên ngực nén những cơn ho dồn đến đỏ mặt, ở tuổi 78 bà Mảnh khi nhớ khi quên. Nhưng vừa có người nhắc chuyện cao thủ Lê Văn Bi, đôi mắt đã đục mờ của bà vụt trở nên linh hoạt. Ông Lê Văn Bi, tên thường gọi là ông Mười Bi - chồng bà - ngày xưa oai lắm. Ông là một tài công giỏi của Hãng RMK của Mỹ. “Bà Năm Trầu, bà Tư bán bún ở chợ Xóm Chiếu là dân nhà giàu, sành điệu mà cũng nể ổng một nước. Lần mấy bả bị tụi cướp hăm dọa, tống tiền, bả sai người đi kiếm ông Mười Bi. Hễ nghe có hơi ổng về là tụi côn đồ tản đi hết, không dám hó hé”- bà Mảnh bắt đầu khơi được dòng nhớ.
Ngồi bên cạnh, cô Lê Hồng Quân tiếp lời bà Mảnh: “Mợ Mười nhớ hông, tháng đầu tiên con góp 200 đồng phụ sửa chái nhà, tới tháng thứ hai cậu mợ cho con ở không lấy tiền. Cậu hay kêu con bằng “nhỏ”. Một bữa đang giờ làm việc mà cậu về nhà, giăng võng đưa toòng teng. Con hỏi sao cậu hổng đi làm, cậu nói: Tao nghỉ việc rồi. Tao mới đánh thằng cai thầu văng xuống sông Sài Gòn. Ai biểu nó dựa hơi Mỹ mà ăn hiếp người Việt mình chớ”.
Nghe tới đó, bà Mảnh bổ sung: “Cái vụ này thì mợ nhớ. Hồi đó ổng đã nhắc nhở thằng cai đó ba lần. Ổng nói với nó: “Anh em có làm sai thì ông hướng dẫn. Cớ sao vì nịnh mấy thằng Mỹ mà nay ông đuổi người này, mai tống cổ người kia”. Ổng đã nói vậy mà nó vẫn chứng nào tật đó nên ổng mới ra tay. Ổng đánh một cái răng nó gãy cắm vô tay ổng, cái thẹo còn để lại trên mu bàn tay cho tới sau này. Ổng đá thêm cái nữa, nó văng luôn xuống sông. Đánh xong, không để tụi nó chạy đi kể tội, ổng chạy lên micro tuyên bố nghỉ việc, trả thẻ, trả quần áo rồi về thẳng một nước”.
Cũng phải nói thêm rằng thời đó giang hồ vùng Khánh Hội nể ông Mười Bi bởi ông rất giỏi võ, thích giúp đỡ người sức yếu, thế cô, không chịu luồn cúi, không cát cứ lãnh địa, không tham đồng tiền. Hai bữa sau, ông Mười Bi nhận được lời mời ra quán hủ tiếu nói chuyện. Khi ông ra tới nơi thì thấy ở quán đã có mặt tên cai thầu hôm trước bị đánh và 5-6 tay anh chị bên kho 5 (thời gian đó giang hồ Sài Gòn cát cứ theo từng vùng, địa giới được tính theo mốc là những kho chứa hàng của Mỹ-PV). Vừa thấy ông Mười Bi tới, nhóm giang hồ này hết sức bất ngờ. Sau khi hỏi rõ sự tình, nhóm này quay qua nói với tên cai thầu: “Tụi tui tưởng ông kêu đi thanh toán ai chứ anh Mười là đàn anh của tụi tui. Cái gì đúng ảnh mới làm. Vụ này tui không dám can thiệp”. Nghe vậy, biết không làm được gì, tên cai thầu quay ra dàn hòa. Mấy ngày sau đó, bên hãng tàu mời ông Mười Bi đi làm trở lại.
Biết được tính hảo hớn, cương trực của ông, một bữa cô nhỏ ở trọ trong nhà nhỏ to tâm sự gì đó với ông. Ông Mười nghe cô nhỏ nói mà trầm ngâm. Ông trả lời: “Nhỏ nói phải. Vụ này để cậu tính lại...”.
Trở thành Việt cộng
Sau đó, ông Mười Bi cùng những cao thủ bến cảng Khánh Hội đã giới thiệu với các cai bến một số cán bộ nữ nòng cốt của nhóm xây dựng lực lượng của tiểu đoàn Lê Thị Riêng vào làm công nhật ở bến cảng. Khi công nhân quân cảng Sài Gòn bước vào cuộc đình công chiếm bến, chống sa thải tập thể thì ông Mười Bi vận động công nhân cùng làm tại Hãng RMK lên tiếng phản đối.
Căn nhà của vợ chồng ông ở số B58/6 Tôn Thất Thuyết còn là nơi giấu vũ khí. Trên miếng đất sau nhà sình lầy, rác rến dập dềnh, áp sát chuồng nuôi heo là hầm giấu vũ khí. Lần cô Hai Riêng (đồng chí Lê Thị Riêng) về nhà ông họp, bà Mảnh - vợ ông - làm một đám giỗ giả mời bà con chòm xóm đến ăn để hợp thức hóa chuyện trong nhà có đông người. Ai hỏi tới cô Hai Riêng thì bà nói là chị họ của chồng. Đợt một chiến dịch Mậu Thân xảy ra xong, ông Mười Bi tham gia đánh nhiều trận. Xong đợt hai Mậu Thân, hai vợ chồng ông bị bắt. “Tui với ổng bị nhốt chung một xe. Lên xe không ai dám hó hé câu gì. Tui với ổng chỉ đạp đạp chân nhau, ý chừng dặn nhau nhất định dù thế nào cũng không khai báo”- bà Mảnh kể.
Nhắc tới đòn roi tra tấn của giặc, bà ôm đầu, nhăn mặt: “Thôi thì khỏi nói. Vô tới nha cảnh sát là 12 giờ đêm, nó đánh ổng dữ lắm. Vừa thấy mặt tui, tay cảnh sát đã nói: Bà này không vừa đâu. Bả là đầu nậu chợ Xóm Chiếu, vợ thằng Mười Bi. Ở trong này không có thì đánh cho có, có thì đánh cho chừa. Bà liệu mà khai!”. Suốt gần một năm trời, cách ít lâu tụi nó lại lôi tui ra tra khảo, hỏi đi hỏi lại một câu hỏi: Bà Võ Thị Chi là Việt cộng. Còn Lê Hồng Quân có phải là con của bà Chi không? Lần nào cũng vậy, tui cứ một kiểu trả lời: Chồng tui làm cho hãng Mỹ, tui buôn bán nuôi con, nuôi mẹ chồng. Hai bên nhà tui là nhà mấy ông cảnh sát, gần nhà là bót Trần Văn Cát. Nếu tui biết bà Chi là Việt cộng, mắc gì tui không đi báo để lãnh thưởng chớ. Hỏi riết không được, tụi nó giải tui lên trại giam trên Thủ Đức nhốt thêm một năm nữa mới thả cho về”. Tổng cộng, bà ở tù hai năm với một lý do hết sức mơ hồ nhưng phổ biến lúc bấy giờ: đối tượng hồ nghi.
Chuyến này ngồi xe đò một mình từ Gò Công lên Sài Gòn thăm cô Hồng Quân, bà Mảnh khoe bà đã được tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Chỉ có ông Mười Bi là ra đi khi chưa có được sự công nhận nào. Đòn thù tra tấn năm đó khiến ông Mười Bi từ một hảo hán vạm vỡ khỏe mạnh, giọng nói oang oang, trở thành một người nhiều bệnh tật. Ông nằm liệt 6-7 năm trời rồi mất, khi tiểu đoàn Lê Thị Riêng còn chưa được công nhận chính thức về sự hoạt động của mình.
Sau ngày Sài Gòn giải phóng, một hôm có xe quân sự đến tận nhà rước vợ chồng ông Mười Bi đi. Hàng xóm không ngớt xôn xao, đoán già đoán non: chắc ông Mười hồi trước làm cho hãng Mỹ, giờ bị cách mạng bắt đi rồi. Thì ra đó là xe do cô Lê Hồng Quân nhờ người anh họ làm trong quân đội đến chở cậu mợ Mười lên gặp mặt. Bà Mảnh móm mém: “Tới chừng đó hàng xóm mới biết tụi tui làm cách mạng. Trước đó có lần thằng con rể của tui kêu tui dẫn nó đi xem Việt cộng. Tui nói với nó: kiếm đâu cho cực vậy con. Tao với ba mày là Việt cộng nè”.
MAI HƯƠNG
Theo tuoitre.vn