Năm nay đã 63 tuổi, bà Nguyễn Thị Tám, trú tại nhà số 148 Bồ Đề (TP. Hà Nội) mang trong mình những căn bệnh nan y nhưng bà vẫn quyết tâm đi tìm con với một ý chí ngày nào còn đi được thì vẫn tìm bằng được con. Tôi gặp bà tại Văn phòng thường trú Báo Gia Lai tại thị xã An Khê. Ngần ấy tuổi có nhiều người đã sống sum vầy bên con cháu nhưng với bà dường như điều ấy vẫn còn xa lắm…
Câu chuyện đau lòng được bà kể ra đan xen những giọt nước mắt: “Tôi sinh được ba người con, hai gái và một trai, tất cả đều được học hành đầy đủ và hai người con gái đã có việc làm ổn định, đứa con út có tên là Đỗ Đức Long sinh năm 1983. Tôi vẫn luôn tự hào với hàng xóm là có những đứa con ngoan hiền. Từ nhỏ Long đã mang trong mình tình yêu thương con người, không biết bao lần Long đã cứu bao người đi đường gặp nạn, trong đó có những người nhiễm HIV, nhiều người sợ bị lây nhiễm nhưng Long thì không.
Ảnh: Vĩnh Hoàng
Có lẽ vì đức tính ấy Long được bạn bè và thầy cô yêu mến. Học hết lớp 12, Long theo học Trung cấp điện, trong thời gian học ấy, vẫn đi làm thêm để mong đỡ đần được mẹ phần nào. Thế nhưng sau khi tốt nghiệp đang chờ phân công công việc thì Long đột ngột bỏ nhà đi không mang bất cứ một giấy tờ tùy thân cũng không một lời nhắn”. Ngày buồn nhất đó đối với gia đình bà Tám là giữa tháng 5-2007. Lúc đầu bà và mọi người cứ nghĩ chắc em đi đâu đó một thời gian rồi sẽ quay về. Thế nhưng điều mong ước ấy không bao giờ thành hiện thực. Và suốt 7 năm qua, bất chấp mưa, nắng bà vẫn lặn lội khắp các tỉnh miền Bắc để tìm con.
Bao lần những căn bệnh tưởng chừng đã quật ngã nhưng bà vẫn gượng dậy với một quyết tâm tìm ra người con. Đến giờ bà không nhớ hết mình đã in bao nhiêu tờ rơi, đã đến gặp chính quyền bao nhiêu huyện, xã, chỉ biết rằng đến đâu bà cũng cung cấp cho họ những thông tin và hình ảnh về con thế nhưng vẫn vô vọng.
Đi tìm mãi không được, bà lại tìm đến các nhà ngoại cảm, mong muốn họ sẽ giúp bà tìm ra đứa con. Và những nhà ngoại cảm đã chỉ cho bà biết con bà đang ở phía Bắc đèo An Khê. Thế là bà lại khăn gói lên đường mặc dù từ trước tới nay bà chưa bao giờ vào Tây Nguyên.
Khi gặp chúng tôi, cuộc hành trình tìm con trên đất Gia Lai của bà đã gần 1 tháng, số tiền trong túi mang theo cũng dần cạn kiệt, ở trọ và ăn mì tôm để qua ngày. Những ngày qua, lấy An Khê là tâm điểm bà đã đi không biết bao nhiêu huyện, xã để tìm con. Đến đâu, gặp ai bà cũng hỏi thăm về con mình bằng những thông tin cụ thể, thế nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu và những lời hứa sẽ cố gắng tìm giúp.
Thời gian cứ trôi đi nỗi nhớ con ngày càng dày thêm nhưng sức khỏe và tiền bạc thì có hạn, bà chỉ biết cầu mong ở một nơi nào đó đứa con có thể nghĩ về mẹ về gia đình mà quay về. Theo bà, nếu đúng thật con có ở Gia Lai và nếu may mắn một chút con đã có gia đình thì bà sẽ rời đất Hà Nội để vào sống với con vì bà cảm thấy ở đây quá thanh bình và trong lành. “Tôi chỉ ân hận một điều có phải chăng tôi đã nghiêm khắc với con mình quá”.
Nói đến đây, nước mắt bà lại rơi, tôi càng hiểu thêm tấm lòng của người mẹ. Cảm thông cho số phận người mẹ cơ cực và nỗi nhớ thương con, chúng tôi hứa sẽ cố gắng tìm giúp con cho bà, vì với công việc của mình chúng tôi sẽ đến được những làng rất xa mà bước chân của bà có thể không tới.
Trời An Khê đang oi bức, một bà mẹ già mỏng manh vẫn tất bật ngược xuôi tìm con. Ngước mắt nhìn trời con đường thiên lý vẫn dài ngàn dặm, tôi thầm cầu mong cho bà sớm tìm được con và cũng mong muốn rằng đứa con ấy sẽ hiểu được tấm lòng người mẹ mà quay về.
Vĩnh Hoàng
Theo baogialai.com.vn