Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Mong có một tượng đài tưởng niệm liệt sĩ TNXP ở Khe Thui
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Rất mong thời gian tới sẽ có đài tưởng niệm để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 15A cầu Khe Thui. Ảnh: Văn Luân

 

Bên cạnh cầu Khe Thui (xã Hóa Thanh, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) hiện có một gò đất, thi thoảng phảng phất khói hương. Chính nơi đây, hơn 40 năm trước, 7 thanh niên xung phong đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ. Giờ đây, đồng đội, thân nhân các liệt sĩ và chính quyền địa phương rất mong có được một đài tưởng niệm để tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ…

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm về thôn Tân Thượng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa để gặp nhân chứng sống là ông Trương Thanh Hân, 74 tuổi, nguyên là Đại đội trưởng thanh niên xung phong, Tổng đội 75-C758-P31 (nhập ngũ 5-6-1965). Ông Hân kể cho chúng tôi nghe: “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đường Trường Sơn là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Kẻ thù trút bom đạn xuống nơi đây suốt ngày đêm, nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông quan trọng của ta chi viện cho chiến trường miền Nam”.

Ông Hân nhớ lại: Vào đêm 19-7-1968, tại con đường 15A, cầu Khe Thui, cách ngã 3 Khe Ve khoảng 700m có hàng chục chiếc xe vận tải đang chạy. Đoàn xe này bị máy bay Mỹ phát hiện, nên sáng hôm sau, chúng huy động lực lượng không quân tập trung bắn phá, ném bom đủ các loại (có cả bom nổ chậm) để phá hủy con đường làm hàng nghìn mét khối đất đá sạt xuống, vùi lấp mặt đường, gây ách tắc giao thông. Vì vậy, hàng trăm chiếc xe tải chạy ngày hôm sau chở bộ đội, lương thực thực phẩm, vũ khí đạn dược… chi viện cho chiến trường miền Nam phải tắt máy, xếp hàng dài hàng chục cây số để chờ đợi. Dù khó khăn, đạn bom ác liệt, hiểm nguy, nhưng sáng ngày 20-7-1968, Đại đội trưởng Trương Thanh Hân huy động toàn bộ lực lượng dồn sức đào bới, san lấp hố bom, mở đường với tinh thần hết sức khẩn trương. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, khi đoạn đường đã gần thông, thì bỗng nhiên từ dưới đống đất đá, một chớp lửa phụt lên, kèm theo một tiếng nổ đinh tai nhức óc của bom nổ chậm phát ra khiến 11 chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh và bị thương (4 người bị thương nặng, 7 người (2 nam, 5 nữ) hy sinh không tìm thấy xác gồm: Trương Thị Huệ, Đinh Thị Khuyên, Đinh Thị Liệu, Cao Thị Đến, Phạm Văn Ngũ, Đinh Xuân Đào, Trương Thị Trách (đều ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình).

Kể đến đây, ông Hân không cầm được nước mắt. Sau vài phút trấn tĩnh, ông Hân nói tiếp: “Lúc họ hy sinh chỉ khoảng mười tám, đôi mươi. Chúng tôi phải đi tìm nhặt từng chút xương thịt rồi chia thành 7 nấm mộ tượng trưng giữa núi rừng này. Tuy nhiên theo thời gian, do mưa lũ liên miên nên nay những nấm mộ cũng không còn. Dù vậy, cứ vào các ngày tết, lễ, anh em đồng đội năm xưa cùng gia đình thân nhân lại đến đây thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập dân tộc".

Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi qua, nay dẫu tuổi đã ngoài 70, sức đã yếu, nhưng ông Hân luôn nhớ đến thời điểm lịch sử ấy và luôn mong nơi đây được xây một đài tưởng niệm để tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ. Cùng chung ý kiến này, những đồng đội của ông Hân (đều là thương binh) gồm: bà Đinh Thị Nghĩa, Đinh Thị Nhị, Đinh Thị Ký (xã Hồng Hóa), Đinh Thị Vọng (xã Yên Hóa) cùng các thân nhân của liệt sĩ và nhân dân huyện Minh Hóa mong muốn: “Các cấp thẩm quyền cho phép được xây đài tưởng niệm để tri ân các liệt sĩ thanh niên xung phong và biết bao chiến sĩ khác đã hy sinh trên tuyến đường này. Được như vậy, dẫu chúng tôi có nhắm mắt cũng không còn ân hận”.

Đề cập vấn đề trên, ông Đinh Ngọc Tọa, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao và Du lịch huyện Minh Hóa; ông Đinh Xuân Đình, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Minh Hóa (hiện là Chủ tịch Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa) cho biết: Vừa qua, Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa đã có văn bản số 04/TB-DSVH ngày 25-6-2012 đề nghị và xin ý kiến gửi UBND huyện Minh Hóa về chủ trương xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh tại đường 15A, cầu Khe Thui trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây không chỉ là hành động mang tính nhân văn, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp tri ân các anh hùng, liệt sĩ hy sinh quả cảm trên tuyến đường 15A và đã lập nên những kỳ tích lịch sử sống mãi với thời gian. Sau khi nhận được đề nghị của Hội Di sản văn hóa huyện Minh Hóa, UBND huyện Minh Hóa đã có văn bản số 33/UBND ngày 18-6-2013 “Về việc đề nghị xếp hạng di tích cấp Quốc gia” trọng điểm 468 QL 15A tại địa bàn xã Hóa Thanh, gửi UBND tỉnh, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình đề nghị các cấp thẩm quyền quan tâm, phê duyệt.

Mong muốn có được một đài tưởng niệm để tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ hy sinh tại tuyến đường 15A, cầu Khe Thui năm 1968 là hoàn toàn chính đáng. Hy vọng trong thời gian tới, mong ước này sẽ trở thành hiện thực.

Rất mong thời gian tới sẽ có đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trên tuyến đường 15A cầu Khe Thui.

Bài và ảnh: MINH MẪN

Theo qdnd.vn

Các tin khác