Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Một khoảng trời Xiêng Khoảng
timnguoithatlac.vn - 15/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

Gia đình thắp hương nơi được coi là nơi an nghỉ của liệt sĩ.

Mặc dù đã đi dọc đường 9 và đường 13 - hai trục đường dọc - ngang quan trọng nhất của nước Lào - nhưng chưa bao giờ tôi đến Xiêng Khoảng, nơi có di tích Cánh đồng Chum độc đáo.

Cũng chỉ biết những năm tháng chiến tranh ác liệt suốt từ 1964 đến 1973, lúc cao điểm có tới 7 sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Đông Bắc Lào. Người ta tính rằng có khoảng 580 ngàn phi vụ ném bom thì hầu hết đều rơi xuống vị trị chiến lược Xiêng Khoảng. Ngoài các cố vấn quân sự Mỹ, phi công hoạt động dưới vỏ bọc của CIA, còn có lính Thái Lan, phái hữu Lào và lực lượng lính H'Mông của Vàng Pao.

Hầu hết các thị trấn, bản làng bị huỷ diệt, người dân Lào phải sống dưới hầm, hang động hoặc di tản về gần thủ đô Viêng Chăn. Đã có biết bao người lính và chuyên gia Việt Nam nằm lại ở chiến trường Lào, trong đó chủ yếu là ở tỉnh Xiêng Khoảng. Lần đầu tiên tôi được đến Xiêng Khoảng là cả một nỗi niềm, bởi vì tôi được đi cùng những người tìm một liệt sĩ...

Chuyến đi chưa thành

Chuẩn bị khá lâu, gia đình anh Nguyễn Hồng Quân - người anh, người bạn vong niên thân thiết của tôi mới tổ chức được chuyến đi này. Anh có người em trai liền kề, sinh viên trẻ Nguyễn Minh Chính hy sinh tại Xiêng Khoảng khi mới 21 tuổi vào năm 1973. Cũng đã gần chục năm nay cả nhà đặt quyết tâm cao nhất, cũng còn để thực hiện lời hứa thiêng liêng vì cả hai cụ thân sinh liệt sĩ Nguyễn Minh Chính đều đã qua đời mà không biết con trai mình nằm lại ở chỗ nào.

Ngày ấy, chưa mấy ai có kinh nghiệm, không tìm được đồng đội cùng đơn vị, giấy báo tử như thường lệ thì mờ mịt là hy sinh tại chiến trường phía Nam cùng một dòng "chôn cất tại nghĩa trang của đơn vị". Thế rồi, có phong trào nhờ các nhà ngoại cảm. Một số người có tên tuổi được hỏi thì chân thành nói là bất lực với trường hợp này. Có nhà ngoại cảm vu vơ nói liệt sĩ nằm ở một nghĩa trang có tên tuổi, địa chỉ hẳn hoi ở tận Bình Định!

Gia đình đã đến xem từng mộ chí, "lật tung" hồ sơ từ huyện đến cả tỉnh. Sau này biết chính xác là anh Chính thuộc quân số của trung đoàn 148, sư đoàn 316. Anh Quân đã lên tận sư đoàn nhưng vẫn không có kết quả. Chiến tranh đã qua lâu, liệt sĩ đã hy sinh gần 40 năm rồi... May sao, như hồn thiêng liệt sĩ chỉ lối, người lính Đỗ Quang Thịnh, anh kết nghĩa của anh Chính có lần đi cùng ai đó vào nhà một người anh em ruột của liệt sĩ đã nhận ra bức ảnh trên bàn thờ.

Vì thế, dù đang xây nhà, anh Thịnh đã bỏ hết để quyết tìm "em trai mình" về. Thật ra với anh Thịnh, đây là lần thứ hai anh đi tìm. Lần trước, cách đây 5 năm cũng do gia đình tổ chức, gọn nhẹ thôi, chỉ có anh, một người bạn của gia đình liệt sĩ tự vu mình là nhà ngoại cảm cùng người em trai út của liệt sĩ. Do một số trục trặc và có thể cũng chưa được liệt sĩ linh thiêng mách bảo nên chuyến đi ấy thất bại.

Lần này thì hình như có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Anh Quân bảo, cho hai anh em cùng họ, lại từng cùng là lính ở với nhau. Suốt cả đêm, anh Thịnh như "lên đồng", gần như không ngủ, kể chuyện đời lính bên Lào với tôi. Anh bảo chắc chắn sẽ tìm ra, đã khoanh lại được rồi, diện tích tìm chỉ cỡ bằng phòng khách sạn mang tên Xiêng Khoảng của người Việt trong nước làm chủ. Cỡ độ 30 mét vuông. Còn gì phải nói nữa.... Tôi lại mừng hơn khi được biết sáng mai sẽ có một nhóm lính quy tập Việt Nam, cùng công an, dân quân Lào "dọn bãi" bảo vệ, ngoài ra còn có cả ông trưởng bản và một vài người dân bản Thang, huyện Pha Xay nữa...

Tây Nguyên, Nam Bộ đang là mùa mưa, ở Lào cũng vậy. Nhưng trời mưa không lớn, không chơi từng cơn mà cứ "lai rai", đủ ướt người. Trung tá Nguyễn Văn Dậu, Đoàn phó Quân sự Đoàn quy tập mộ liệt sĩ (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) đóng tại thị xã Phôn Sa Vẳn (Xiêng Khoảng) đương nhiên là "tư lệnh". Anh đã về huyện Pha Xay làm việc với huyện đội, công an huyện và bản Thang từ trưa hôm trước, để từ chiều "lực lượng" của bạn đã tuần tra, bám sát địa bàn núi Phu Sơ. Đoàn quy tập cũng có đội 2 với anh Hào làm đội trưởng đóng quân ở sát trung tâm huyện - giờ vẫn còn hoang vu lắm - nhiều năm nay rồi.

Phu Sơ và một loạt dãy núi quanh vùng bản Thang năm xưa dày đặc trận địa của bộ đội tình nguyện Việt Nam và lính Thái Lan, lính phái hữu Lào. Sau bao năm, mọi thứ đã thay đổi, người dân bản Thang về lập nơi định cư mới. Rừng Lào đất rộng, người thưa, không ai phá rừng, lại đang mùa mưa nên tất cả đều xanh thẫm lại, bời bời cây cỏ, rát rạt qua mặt. Những người thân của anh Quân mang đồ cúng lễ nhiều quá, phải nhờ mấy anh lính trẻ và ông trưởng bản gần 60 nhưng còn phong độ vác hộ.

Lính tráng do đi gần nên ngoài vũ khí, xẻng quân dụng, đều không cần mang lương thực nên khá thoải mái leo lên, tụt xuống mấy vòng quanh quả núi vạt đồi khiến cho chúng tôi vừa mệt vừa mơ hồ cảm thấy chuyện chưa thành. Giở hết bản đồ, vác cả máy Ipad với định vị toàn cầu cũng chỉ là cách tự an ủi chính mình.

Điểm tựa duy nhất lúc này chỉ là cựu binh Thịnh. Nhiều lúc một mình anh ấy mò mẫm rẽ ngang, rẽ dọc trong rừng, lúc thì ngước mặt xác định trận địa pháo địch bắn hướng nào, để rồi một quả pháo cắt rời tay anh Chính, rồi làm dập nát cả người anh. Ngày ấy, chính anh Thịnh và một đồng đội đã chôn anh Chính, rồi cuối chiều còn kịp cùng mấy người làm lễ truy điệu trong lặng lẽ trước khi hành quân về hướng khác.


Đại tá hồ Trọng Bình, Trưởng đoàn quy tập và ông Nguyễn Hồng Quân, đại diện gia đình liệt sĩ.

Người cựu binh có tuổi ấy cứ lẩm bẩm gì tôi không rõ. Gương mặt khắc khổ của anh vốn đen sạm giờ đang nhợt ra dưới mưa. Đã quá trưa, anh Quân đưa ra quyết định sau khi trao đổi với Đội phó Nguyễn Văn Dậu và làm công tác "động viên tư tưởng" như một chính trị viên với cựu binh Đỗ Quang Thịnh.

Rải các tấm tăng trên một trảng cỏ gần ruộng lúa, nơi mà anh Thịnh cứ lẩm bẩm nói một mình: "Chỉ ở quanh đây, quanh đây thôi…". Sáng nay, trước khi đi, chúng tôi lại vào thắp hương trước bàn thờ Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở gian nhà trang trọng nhất của Đoàn quy tập làm nơi quan tạm hài cốt liệt sĩ. Còn bây giờ, gia đình anh Quân làm lễ cúng anh hồn liệt sĩ Nguyễn Minh Chính. Rồi tất cả ngồi ăn, nửa chừng mấy chiến sĩ công an huyện Pha Xay và dân quân bản Thang làm nhiệm vụ bảo vệ cũng đến ăn cùng.

Không khí trầm lắng nơi góc rừng hoang vắng. Nhiều khi tìm được mộ là sự mách bảo lạ kỳ, thậm chí có khi thật ngẫu nhiên. Chính nhà tôi tìm được mộ của anh trai tôi hy sinh tháng 1 năm 1975 ở Long An là chuyện bất ngờ. Anh tôi được an táng đến hai lần, lúc ở đất bạn Campuchia, khi lại đem về chôn tạm ở đâu đó, rồi cuối cùng có mặt trong nghĩa trang Vĩnh Hưng. Bao năm gia đình tôi không biết.

Rồi có hai người của hai nhà có liệt sĩ ở đây đến nhà tôi thông báo, ngoài tên anh tôi chỉ ghi 27 TBT. Họ dò ra, và rất may chỉ có phố TBT là Trần Bình Trọng. Nhà tôi khi ấy còn ở đó. Sau đó, chúng tôi đã chuyển được phần mộ anh về một nghĩa trang liệt sĩ của Hà Nội. Anh Dậu bảo, có điểm đi đến dăm bảy lần không phát hiện được, dù đó là cả một dãy mộ, nhưng năm sau trở lại, đào một lần là thấy, có khi chỉ cách nhau "nửa nhát xẻng".

Nửa nhát xẻng là điểm quyết định. Tìm thấy hoặc có thể mãi mãi không thấy là ở chỗ này. Ngay cả bản đồ chôn cất của quân lực thường cũng không có toạ độ cụ thể. Tất là vì chiến tranh. Huống hồ là chỉ có một mộ là bao giờ cũng vô cùng khó tìm. Anh lính trẻ ở đội 2 khi tôi hỏi có những chuyện gì gian khổ nhất, đáng nhớ nhất trong những đợt đi tìm mộ liệt sĩ, bảo, cũng chẳng có gì gian khổ lắm nếu so sánh với người lính thời xưa. Dù cả đợt ở rừng, chỉ có một bi đông nước.

"Không được uống nhiều vì dễ nhão cơ" rất mệt, nấu ăn bằng nước suối, ngủ võng, che tăng đã quen, nhưng đáng buồn nhất là đi không tìm được mộ. Anh nhớ mãi có lần đưa một cụ đã gần 80 tuổi đi tìm mộ ở chính huyện Pha Xay này. Đã là lần thứ 3, nhưng cụ còn khoẻ lắm. Sau mấy ngày, việc không thành, trong ráng chiều tuyệt vọng, cụ đứng khóc: "Con là đồ bất hiếu, ba lần rồi sao con không chịu về. Bố già rồi không đi được nữa… Con là đồ bất hiếu…". Anh đã quay  mặt đi, rơi nước mắt. Anh cảm thấy bất lực vì mình như có lỗi.

Trên đường về, Dậu vỗ vai anh cựu chiến binh già an ủi: "Chiến trường xưa là của các bác, giờ là chiến trường của bọn em… Nói vậy thôi chứ không thể không có bác và các đồng đội trong trường hợp này. Để lần sau bác ạ, đến mùa khô, mùa quy tập dân bản đốt cây cỏ làm rẫy, bác sẽ dễ tìm hơn…". Ấy thế nhưng khi chúng tôi về bản Thanh, anh Thịnh lại quay lại vùng núi đó hàng tiếng đồng hồ như để khắc ghi lại gì đó cho chuyến đi sau…

Người lính tìm đồng đội

Linh cảm, tôi tin rằng sau chuyến đi tìm mộ liệt sĩ chưa thành ấy, tôi sẽ còn trở lại Xiêng Khoảng, không chỉ là người du lịch, mà còn vì bè bạn với những người lính trẻ, có người nhập ngũ sau tôi cả hai chục năm. Nhưng họ như đã là đồng đội, đã là người nhà.

Trong gian phòng họp chính của Đoàn quy tập, tôi không hề thấy bảng Danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới từ năm 2001, nghĩa là chỉ sau có 7 năm thành lập, cũng như không có các bằng khen, cờ thi đua, phải chăng đoàn để lại Vinh, nơi Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An chăng? Chỉ có tấm bản đồ quân sự của tỉnh Xiêng Khoảng và Viêng Chăn do đoàn phụ trách. Đây là Đoàn quy tập lớn nhất hiện nay của quân đội.

Từ năm 1994 đến năm 2001, tại địa hình phức tạp, nhiều vùng sâu, vùng xa an ninh chưa ổn định, nhưng đoàn đã quy tập được 6355 bộ hài cốt về quy tập tại nghĩa trang Anh Sơn, Đô Lương (Nghệ An) cùng 932 bộ hài cốt được xác định giao cho các tỉnh, thành phố khác. Chỉ trong mùa khô - mùa quy tập từ cuối tháng 10 đến hết tháng 4 - năm 2011 đến 2012, đã tìm kiếm được 224 liệt sĩ.

Cũng trong 18 năm qua, đã có 8 chiến sĩ hy sinh, 10 chiến sĩ bị thương cùng một số bệnh binh. Lính của đoàn quy tập toàn dân Nghệ, chịu khó, chịu khổ, kiên nhẫn vốn đã quen. Đại tá Hồ Trọng Bình,  đoàn trưởng vẻ lạnh, trông nghiêm nhưng thẳng thắn bảo, anh đã có gần 30 năm làm công việc quy tập mộ liệt sĩ ở nhiều vùng. Xa nhà suốt, bạn bè và cả đồng đội nhiều lần hỏi "mày cứ ôm lấy cái nghề này mãi à?". Anh cứ phải nói như câu cửa miệng và cũng là tâm niệm của mình: "Sao lại nói là nghề, đây là trách nhiệm, là tình cảm của người lính, là việc tâm, việc nghĩa, bỏ làm sao được".


Trung tá Nguyễn Văn Dậu, Đoàn phó đoàn quy tập (giữa ảnh) cùng đi tìm mộ liệt sĩ.

Đúng là không phải là nghề, không phải là việc như những gì người ta thường xác định. Anh không kể với tôi nhiều về công việc của người lính ở Đoàn quy tập. Họ không chỉ làm nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt đồng đội, mà còn có nhiệm vụ xây dựng cơ sở để giúp bạn Lào. Những người lính thường xuyên phải cắm bản để nắm tình hình, ba cùng với người dân Lào, phải học tiếng Lào. Đó cũng là việc "giúp bạn là giúp chính mình". Được dân tin, dân mến thì dân mới chỉ, mới bỏ công giúp người lính Việt tìm đồng đội.

Nói với chúng tôi, anh Bình muốn nói những lời tâm tình, chỉ bảo cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Đã đành tôi vẫn biết chuyện tìm mộ còn phải có yếu tố tâm linh. Và tất cả những người lính đều tin vào yếu tố này mà không hề có gì đó gọi là dị đoan, mê tín.  

Lẽ thường, các anh hồn liệt sĩ là thiêng liêng thì sự tìm kiếm không thể là việc bình thường. Anh Bình khuyên chúng tôi phải tập hợp nhiều thông tin, vì ngay cả người giúp chôn cất liệt sĩ có biết bao giờ trở lại, thậm chí có còn sống sót không mà đóng khung, định vị được trí nhớ? Anh bảo nên sang vào mùa khô, trước Tết là tốt nhất, vì "có gì đó linh thiêng với mỗi người vào dịp Tết".

Chọn ngày đi cũng rất quan trọng, với kinh nghiệm nhiều năm, các anh ở Đoàn quy tập cũng không giải thích được. Đặc biệt là chuyện tâm linh, ngoại cảm. Nên kết hợp cả phần âm trong kế hoạch tìm kiếm, bởi điều gì có thể giúp chúng ta đạt được mục đích, nếu không có hại gì, đều nên làm. Ngay cả chuyện mến đất, mến người nên liệt sĩ chưa muốn về, hoặc chưa tìm được cả đồng đội cùng hy sinh, liệt sĩ ấy có thể chưa muốn về chăng?

Cứ mơ hồ, cứ day dứt như thế, tôi đã có nhiều kỷ niệm với những người lính quy tập. Ngoài các anh Hồ Trọng Bình, Nguyễn Văn Dậu, còn là Quang - một sĩ quan đẹp trai như diễn viên điện ảnh - phụ trách đội 4 ở huyện Phu Kút, Hào - đội trưởng đội 2 huyện Phà Xay cùng bao người lính trẻ… đã cùng chúng tôi có những giờ phút khó quên.

Về "cơ bản", nay những người lính được thay nhau về nước trong mùa mưa, dẫu rằng ở ngay rừng Xiêng Khoảng, các anh vẫn có thể điện thoại hỏi thăm vợ con, nhưng trách nhiệm, tâm tư của người lính làm nhiệm vụ đặc biệt luôn ám ảnh, day dứt mỗi người ngay cả khi được về thăm gia đình. Với các anh, đất Lào, Xiêng Khoảng đã như quê hương thứ hai… Có thể, cũng chẳng còn lâu nữa, nhiệm vụ của họ cơ bản đã xong, theo như danh sách quy tập của các đơn vị chiến đấu đưa ra, nhưng còn đó, còn đó những nấm mộ của bao liệt sĩ hy sinh được chôn cất đơn lẻ.

…Sau mưa, trời Xiêng Khoảng rất xanh. Dẫu rằng, ở dưới đất kia còn bao bom, mìn, nhưng Xiêng Khoảng đang hồi sinh. Có thể chậm, nhưng biết làm sao, bởi Xiêng Khoảng là thế, một vùng đất tang thương vì bom đạn, chiến tranh. Trên mảnh đất ấy vẫn còn nhiều người lính Việt nằm lại. Có thể, do điều kiện, đất nước ta một thời chưa thể dồn sức lực đưa những người con ấy trở về.

Không hiểu sao, tôi cứ nhớ lại cuốn tiểu thuyết của nhà văn Albania từng được đề cử nhiều lần trao giải Nobel Văn học Ismail Kadare -  "Viên tướng của đạo quân chết"… Nhưng đó là chuyện khác, những người lính của chúng ta vẫn sống, sống mãi trong lòng người thân và đất nước bởi họ đã sống trọn vẹn vì một mục đích lớn lao, cao đẹp.

Một khoảng trời xanh Xiêng Khoảng ấy vẫn đang là món nợ của những người lính ở Đoàn quy tập và cũng là món nợ tinh thần rất lớn của chúng ta…

Đỗ Quang Hạnh

Theo Báo Lao Động

Các tin khác