Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nắm xương tàn liệt sỹ, biết tìm đâu bây giờ ?
Bionet Việt Nam -"Tôi lớn lên vào bộ đội/ làm báo được đi nhiều vùng/ đi đâu nội tôi cũng dặn/ có tìm được chú mày không?"

Họ là những người tôi quen biết. Có người là nhà thơ, có người không phải là nhà thơ, thậm chí chưa từng xuất hiện trên thi đàn. Họ tuổi đời không giống nhau, quê hương gốc gác, và xuất thân cũng hoàn toàn khác nhau.

Thế nhưng, họ có một nỗi niềm chung, một nỗi đau đáu khôn nguôi vì có người thân yêu ruột thịt là liệt sĩ, qua bao nhiêu năm chưa tìm thấy phần mộ.

Hằng năm, cả nước có một ngày 27 tháng 7 để tưởng nhớ về các liệt sĩ. Nhưng đối với họ, một năm có 365 ngày, ngày nào cũng là ngày 27 tháng 7 cả. Nhiều khi đang và miếng cơm ăn, chợt nghĩ đến người thân yêu ruột thịt của mình đang nằm lại ở một cánh rừng nào đó, thế là nghẹn lại, không còn nuốt được nữa.

Nhà thơ quân đội Phùng Văn Khai có hai người chú ruột là Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Huy hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Anh là người viết văn, làm báo, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Mỗi lần đi đâu, bà nội anh, tức mẹ của hai liệt sĩ đều nhắc anh hỏi tìm phần mộ của hai chú. Biết tìm đâu, biết hỏi ai bây giờ?

Nguyễn Đông Lĩnh, một giảng viên đại học, đã nghỉ hưu, có người cháu ruột (con của anh trai) là Nguyễn Đình Khương, vừa học xong lớp 10 (tương đương lớp 12 ngày nay) thì cầm súng lên đường chống Mỹ, cứu nước. Khương cùng các bạn hăm hở ra đi và không bao giờ trở về nữa. Giấy báo tử ghi: Hi sinh ở mặt trận phía Nam.

Phan Kỳ, một giáo viên là Hiệu trưởng một trường cấp 3, đã nghỉ hưu, có người em ruột là Phan Thanh Minh, cầm súng lên đường vào năm 1968, đến năm 1972 thì hi sinh. Giấy báo tử ghi: Hi sinh ở mặt trận phía Nam.

Phía Nam là nơi nào? Đất nước rộng mênh mông, biết tìm ở nơi đâu. Ngay khi biết cụ thể phần mộ liệt sĩ ở một xã nào đó, nếu không tìm được người từng có mặt khi chôn cất liệt sĩ thì khó có thể tìm ra. Huống chi, chỉ ghi một câu chung chung như vậy, hỏi đâu cho được?

Đau xót quá! Nhưng đấy lại là thực tế khắc nghiệt của chiến tranh.

Các liệt sĩ của chúng ta, trong các câu chuyện trên, hi sinh khi tuổi đời còn trẻ lắm, mới  20- 22, chưa một ai có vợ. Có thể có người còn chưa biết đến nụ hôn của người con gái, chưa biết thế nào là tình yêu.

Hòa bình đã được gần 40 năm. Các liệt sĩ đã hi sinh xương máu cho độc lập dân tộc, thống nhất giang sơn, nhưng rồi họ không về nữa. Nắm xương tàn không biết nằm lại nơi đâu. Đó là nỗi đau đáu trong lòng của những người còn sống.

Như bà nội của nhà thơ Phùng Văn Khai:

"Tôi lớn lên vào bộ đội
làm báo được đi nhiều vùng
đi đâu nội tôi cũng dặn
có tìm được chú mày không?"


Như cha mẹ của Phan Kỳ, cho đến khi vĩnh biệt cõi đời này vẫn đau đớn vì chưa đưa được hài cốt của con về quê hương:

"Rồi mẹ cha lặng lẽ
Ra đi trong nhớ thương
Một ước mơ cháy bỏng
Đưa em về quê hương".

Hay như nỗi lòng tiếc nhớ của Nguyễn Đông Lĩnh đối với người cháu liệt sĩ:

"Dòng tin báo trách sao vô cảm
Một kiếp người thậm dám đơn sai
Nỗi lòng thổn thức hôm mai
Âm thầm tiếc nhớ, thương hoài người đi".

Tôi đọc bài thơ nào của các bạn mình cũng rưng rưng xúc động. Xúc động vì tình cảm chân thật, chân thật đến tận gan ruột, đáy lòng! Không biết nói gì hơn, tôi xin được chia sẻ với các anh và xin giới thiệu ba bài thơ “đau đáu nỗi lòng” của ba tác giả, coi như ba nén hương thơm, bái vọng hương hồn các liệt sĩ.

Nhắn tìm đồng đội

(Kính viếng hương hồn hai chú Phùng Văn Hữu, Phùng Văn Huy)

Mấy năm “nhắn tìm đồng đội”
mà trước những hình chú tôi
mây sương mờ bàn biên tập
bần thần tôi gọi chú ơi !

Mây sương dần tan trên tóc
phảng phất mắt chú tôi nhìn
(đôi mắt ngày nào trong vắt
hằng tin vào điều mình tin)

Bây giờ hai chú ở đâu ?
lòng biển lòng sông lòng đất
hàng cau trước cửa hương đưa
nội giờ lưng còng mờ mắt.

Nội kể ngày xưa hai chú
toàn những bị người ta trêu
chắc gì đến khi nằm xuống
môi hồng được một lần yêu.

Nội kể ngày xưa hai chú
lũ cồn bơi vượt sông Lăng
đêm đêm sân đình đập lúa
thì thùm tan cả vầng trăng.

Thế rồi vào cơn binh lửa
một đi biền biệt không về
hòa bình vàng hai tấm giấy
sông Lăng lầm lụi ngoài kia.

Tôi lớn lên vào bộ đội
làm báo được đi nhiều vùng
đi đâu nội tôi cũng dặn
có tìm được chú mày không ?

Liệt sĩ có danh nhiều lắm
những mộ khuyết danh càng nhiều
danh sách đến đài cần nhắn
nối dài chưa biết bao nhiêu.

“Ai biết phần mộ liệt sĩ
Phùng Huy, Phùng Hữu nhắn về
Như Quỳnh . .. Sông Lăng. . .huyện thị. . .”
nơi từng cất bước chân đi.

Sông Lăng  chợt nhòe mặt giấy
tôi viết đã ba bốn lần
ba bốn lần người trong ảnh
mỉm cười mây trắng sông Lăng.

Phùng Văn Khai


Tìm em ở nơi đâu

(Tưởng nhớ em trai: Liệt sĩ Phan Thanh Minh)  

Em nằm lại nơi đâu
Giữa rừng già hoang vắng
Ở giữa đồi cát trắng
Hay khe suối ầm ào?

Trên đường 9, Nam Lào
Hay đất cằn Quảng Trị
Đâu, nơi em yên nghỉ
Mặt trận phía Nam đâu?

Mặt trận phía Nam đâu?
Rộng dài là đất nước
Biết bao giờ tìm được
Nơi yên nghỉ em tôi

Tuổi hai mươi quyết chí
Góp sức cùng non sông
Dù phải dâng xương máu
Em đã thề trong lòng.

Cha mẹ nhớ thương em
Khóc em khô nước mắt
Biết tìm ai, hỏi ai?
Bạn bè cùng đơn vị
Không một người trở về!

Rồi mẹ cha lặng lẽ
Ra đi trong nhớ thương
Một ước mơ cháy bỏng
Đưa em về quê hương.

Hôm nay xã dựng đài
Chiêu hồn các Liệt sĩ
Em và các đồng chí
Hãy về với quê hương
Hãy về trong tình thương.

Phan Kỳ


Người không trở về


(Thương nhớ tặng hương hồn Liệt sĩ Nguyễn Đình Khương và các Liệt sĩ chưa tìm thấy phần mộ)(

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Giang sơn này lắm nỗi truân chuyên.
Gặp khi đất nước chưa yên,
Làm trai đâu dám yếu hèn lụy bi.

Khi sóng gió là khi cần đến
Chí tung hoành trời biển hiên ngang
Sẵn sàng vũ khí lên đường
Cùng đoàn quân hướng chiến trường thẳng dong.

Vì Tổ quốc một lòng son sắt,
Quyết tiên phong giáp mặt quân thù,
Chung tay giữ lấy cơ đồ,
Nước non một dải, ngọn cờ giương cao.

Dù phải đổ máu đào xương trắng
Chốn trận tiền cũng gắng nén đau.
Em ơi, cố đợi ít lâu,
Quân thù sạch bóng, ngày sau anh về.

Nào ngờ đâu lời thề mới ngỏ,
Tấm thân anh đã bỏ chiến trường.
Được tin thông báo ngỡ ngàng
Hi sinh mặt trận phía Nam…xa vời.

Đâu phía Nam - vùng trời thăm thẳm,
Đất nước này vạn dặm núi sông.
Mỏi mòn liễu yếu ngóng trông,
Nắm xương vô định mịt mùng phương nao .

Dòng tin báo trách sao vô cảm,
Môt kiếp người thậm dám đơn sai,
Nỗi lòng thổn thức hôm mai
Âm thầm tiếc nhớ thương hoài…người đi.

Nguyễn Đông Lĩnh

Phan Duy Kha

Theo bee.net.vn
 

Các tin khác