Phút đoàn tụ của cha con Thanh Campbell sau 34 năm ly tán - Ảnh: Minh Đức
Câu chuyện thất lạc - tìm thấy ly kỳ của cha con Thanh Campbell đã có một cái kết đẹp, khi đứa trẻ bị nhận nhầm là mồ côi và đưa đến Canada lần đầu tiên trở lại VN để gặp mặt cha ruột sau 34 năm ly tán.
Sân bay Tân Sơn Nhất, 22g ngày 31-5. Ông Nguyễn Minh Thạnh tay run run cầm tờ giấy in chữ “Thanh Campbell”, mắt dõi tìm một khuôn mặt thân quen trong từng hành khách đang bước ra khỏi cổng đến. Chỉ trong giây phút nữa thôi, ông sẽ được gặp khuôn mặt đó bằng xương bằng thịt sau hơn 30 năm kiếm tìm mòn mỏi.
Ở bên kia bức tường kính, Thanh Campbell vẫn chưa thể tin được rằng cuối cùng mình đã được trở về đất nước nơi mình sinh ra, đặt chân trên đúng sân bay nơi mình đã được đưa đi vì một sự nhầm lẫn. Bước ra khỏi cổng, anh lúng túng trước đám đông: “Ai trong số đó là cha ruột của mình?”. Khuôn mặt hồi hộp của Thanh giãn ra thành nụ cười rạng rỡ khi thấy người đàn ông cầm tờ giấy có tên mình. Anh tiến đến nắm lấy bàn tay ông, khẽ nói: “Thật vui được gặp ba!” rồi quàng tay ôm chầm lấy ông.
Họ đã mường tượng khoảnh khắc hạnh phúc này trong suốt hai năm qua, kể từ khi kết quả ADN khẳng định ông Nguyễn Minh Thạnh chính là cha ruột của Thanh Campbell (“Tìm thấy nhau sau 32 năm thất lạc”). Thanh đã lập kế hoạch trở về ngay từ khi biết được sự thật nhưng vì điều kiện tài chính không cho phép, ngày gặp mặt tưởng gần hóa ra mất đến hai năm. Cùng về với Thanh có bố nuôi, vợ và bốn đứa con của anh.
“Ý trời”
Thanh giở những tấm ảnh từ quyển album gia đình, giải thích cho ông Thạnh nghe qua lời người phiên dịch. “Đây là con được 2 tuổi rưỡi, lúc mới sang Canada, chụp cùng các anh chị trong nhà”, “Hồi nhỏ con để tóc dài rồi cột thành hai đuôi như con gái”, “Tấm hình này con chụp năm 13 tuổi, lúc biểu diễn thời trang trong trường”, “Đây là hình chụp ở lễ tốt nghiệp của con”... Ông Thạnh lặng lẽ xem hình, không nói gì. Trước mặt người cha 70 tuổi hiện lên những thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời của đứa con mà ông đã bỏ lỡ.
Ông có lẽ đã có mặt trong những tấm ảnh ấy, vào những thời khắc ấy nếu không phải vì sự thất lạc éo le xảy ra cách nay hơn ba thập niên. Ngày đó vì hoàn cảnh gia đình, ông gửi ba đứa con trai, trong đó Thanh là đứa nhỏ nhất, vào một cô nhi viện do bà dì ruột của ông làm giám đốc để nhờ họ nuôi dưỡng. Trở lại nhận con sau chiến tranh, vợ chồng ông rụng rời tay chân khi hay tin Thanh đã “bị một ông lính Mỹ đen bồng lên xe đưa đi Sài Gòn để lên máy bay ra nước ngoài” như lời kể của hai xơ trực tiếp chăm sóc Thanh.
Ở Canada, Thanh được gia đình mục sư William Campbell nhận về nuôi. Anh lớn lên trong sự yêu thương hết mực của gia đình. Tuy biết mình là trẻ mồ côi nhưng Thanh chưa bao giờ nguôi nghĩ về cha mẹ ruột của mình. “Tôi luôn tự hỏi cha mình là người như thế nào. Sau này khi đến Toronto làm việc, gặp gỡ cộng đồng người Việt ở đó, tôi tự nhủ có khi nào mình đã đi ngang qua cha của mình hoặc anh em mình trong số những người đó không” - giọng Thanh chơi vơi mà ai có mặt trong phòng lúc đó cũng thấy xót xa thắt ruột.
Một ngày cuối tháng 7-2006, Thanh nhận được email từ một người lạ có những chữ trong tên trùng với tên mình. “Mọi người nói anh rất giống anh của tôi. Cha của tôi vẫn còn giữ giấy khai sinh của anh. Nếu anh có thông tin như vậy, hãy liên lạc với chúng tôi”. Đó là email của một thanh niên ở Sài Gòn gửi cho Thanh sau khi đọc được bài báo “Việt Nam ơi, hẹn ngày về” (Tuổi Trẻ, 15-7-2006).
Bài viết kể lại cuộc họp mặt của những đứa trẻ mồ côi trong chuyến bay năm xưa, có đăng tấm hình của Thanh Campbell. “Lúc đó tôi có ba đứa con trai. Khi nghe chuyện tìm con của người đàn ông này, tôi nghĩ nếu vì lý do gì đó mình bị thất lạc một đứa, mình cũng sẽ làm hết sức để tìm lại con” - Thanh Campbell cho biết. Đó là lý do Thanh đồng ý làm xét nghiệm ADN, và kết quả khiến anh không thể tin được. Đứa trẻ mồ côi năm nào nay vẫn còn cha ruột, còn anh em ruột ở VN. “Cha con tôi có thể gặp nhau thật sự là duyên số, ý trời. Tôi cảm thấy mình rất có phước” - Thanh mỉm cười hạnh phúc.
Đoạn kết
Ngày đầu tiên gặp nhau, bao câu hỏi chất chứa trong lòng bấy lâu của hai cha con Thanh như được tháo nút. Thanh hỏi rất nhiều. Anh muốn biết vì sao cha mẹ lại đưa anh vào cô nhi viện, mẹ của anh lúc còn sống là người thế nào... Rồi anh kể về cuộc sống của mình khi được đưa sang Canada. Câu chuyện của Thanh bị gián đoạn bởi những lần anh dừng lại khóc tức tưởi. Nỗi ấm ức khi nhớ lại những ngày đầu tiên mới đến xứ lạ với thân phận trẻ mồ côi cứ tự nhiên bộc phát, nước mắt ứa ra không kìm được. Người cha đưa bàn tay nhăn nheo ra nắm chặt lấy đôi tay anh. Ông cũng đau đớn lắm. “Ba mẹ đã làm cho con buồn. Mong con hiểu cho đó là việc ngoài ý muốn” - ông nói nửa an ủi, nửa van lơn.
Cảm giác tội lỗi chưa bao giờ nguôi giày vò trong lòng ông. Ngày đầu tiên gặp con, ông hỏi đi hỏi lại người phiên dịch: “Cô hỏi giùm tui Thanh có hận cha mẹ vì đã làm vậy không?”. Thanh lắc đầu: “Con chưa bao giờ buồn giận, vì thật sự con không biết chuyện gì đã xảy ra. Con biết ba cũng đã vất vả tìm con theo lời trăng trối của mẹ. Nay con đã tìm thấy mảnh ghép bị mất trong cuộc đời mình, con đã có nhiều hơn bất kỳ ai. Con có hai gia đình, hai ông bố và nhiều anh em”.
Trong hành lý đem về VN lần này của Thanh, ngoài những quyển album hình còn có tập hồ sơ cá nhân mà anh giữ gìn cẩn thận mấy chục năm qua. Chúng là những manh mối duy nhất cho Thanh biết về gốc gác mơ hồ của mình. Đó là tờ giấy khai sinh ố vàng với những chữ tiếng Việt mà anh không hiểu, nhưng vẫn giữ lại dù đã mang quốc tịch Canada. Đó là chiếc hộp nhỏ xíu đựng vòng đeo tay với cái tên VN Nguyễn Ngọc Minh Thanh được đeo lên tay anh lúc rời VN. Không biết Thanh đã bao nhiêu lần mân mê chiếc vòng đeo tay ấy khi thắc mắc về nguồn cội của mình. Giờ đây anh đã có thể mỉm cười mỗi khi ngắm kỷ vật ấy, bởi những câu hỏi xung quanh nó đã được giải đáp.
Thanh nói việc anh tìm lại được gia đình ruột của mình là “ý trời”. Nhưng nếu không vì sự ràng buộc thiêng liêng và thôi thúc muốn tìm lại những đứa trẻ mồ côi cùng chuyến bay từng chia nhau miếng ăn giấc ngủ năm xưa của Thanh, thì đã không có bài báo dẫn đến việc cha con họ nhận lại được nhau. “Ý trời” đã được tạo ra từ ý chí tìm lại nguồn cội trong con người Thanh và quyết tâm tìm con không mỏi mệt của chính cha anh.
THANH TRÚC
Đứa trẻ mồ côi mang số hiệu 32
Thanh Campbell giới thiệu những hình ảnh về gia đình lúc anh sống ở Canada tại buổi gặp gỡ ở nhà cha ruột chiều 1-6 - Ảnh: Minh Đức
Tháng 4-1975, theo lệnh của Chính phủ Canada, một nhóm y tá đến Sài Gòn để di tản những đứa trẻ ở các trại mồ côi ra khỏi VN. Sau một vài chuyến di tản rải rác, họ quyết định thực hiện chuyến sơ tán lớn cuối cùng. 57 đứa trẻ từ sơ sinh đến 8 tuổi tập hợp từ các trại mồ côi được đưa lên một chiếc máy bay chở hàng. Các y tá xếp mỗi hai trẻ sơ sinh vào một thùng đựng cam, rồi dùng băng keo dán cố định những chiếc thùng xuống sàn máy bay. Trên tay mỗi trẻ sơ sinh đeo một chiếc vòng có tên được đánh máy và một tờ giấy khai sinh bấm kèm vào đó. Ngày 11-4-1975, chiếc máy bay rời khỏi Sài Gòn.
Ngày 13-4-1975, chuyến bay đáp xuống Toronto. Những đứa trẻ được đưa vào chăm sóc tại một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật ở Canada. Mỗi đứa được gắn một số hiệu. Số của Thanh là 32. Hôm đó, Thanh chính thức trở thành trẻ mồ côi mang số hiệu 32.
Ở nơi của những người xa lạ, nói thứ ngôn ngữ xa lạ, những đứa trẻ VN bị gắn số đã tự tìm cách đùm bọc lẫn nhau theo bản năng. Chúng kê những chiếc nôi trẻ sơ sinh ở giữa phòng, kế đến là giường của những đứa lớn hơn, ngoài cùng là giường của những đứa lớn nhất. Cứ như vậy không cần ai chỉ bảo, đứa lớn nhất đút cho đứa bé hơn ăn, đứa bé hơn lại lo cho những đứa bé nhất. “Mọi người thương yêu nhau như gia đình máu mủ, nên khi chúng tôi được nhận nuôi, những anh chị lớn hơn rất buồn”.
Ngày 17-4-1975, Thanh rời khỏi mối ràng buộc VN cuối cùng đó để về nhà của gia đình mục sư William Campbell, bắt đầu cuộc sống mới với cái tên mới, Thanh Campbell. Ông bà Campbell đã có ba con ruột và nhận nuôi hai người con trai nước ngoài khác trước khi đưa Thanh về nuôi dưỡng. “Các chị tôi kể lại rằng khi mới về tôi đã giành ăn với anh tôi. Chị tôi nghĩ lúc đó tôi đã rất buồn, vì tôi không có gì để ăn ở viện mồ côi. Chỉ đến sau này, lúc chúng tôi đi ăn ở nhà hàng McDonald tôi bỏ nửa cái bánh hamburger, lúc đó họ biết tôi đã ổn. Tôi bỏ mứa thức ăn. Tôi đã trở thành một người Canada” - Thanh nghẹn ngào kể lại.
Trong bảy ngày sắp tới ở VN, Thanh, nay là giám đốc phát triển của Tổ chức phi chính phủ Kids Alive, nóng lòng được viếng mộ mẹ và thăm lại cô nhi viện Gò Vấp, nơi anh ở cuối cùng trước khi bị đưa khỏi VN.
Theo tuoitreonline