Ngày về trong nước mắt
Cuộc tìm kiếm của ông Tâm tiếp tục đi vào bế tắc. Qua nhiều nguồn tin, ông xác minh được bà Ngô Thị Điệp có cha mẹ tên Ngô Văn Sáu và Nguyễn Thị Ân. Nhưng thông tin vẫn quá mỏng.
Trong những ngày cuối tháng 3-2015, hai đội tìm kiếm của ông không thu được kết quả nào tại Đắk Lắk và Bình Định.
Tại đó, ông đã nhờ chính quyền địa phương phát trên loa phóng thanh của xã suốt nhiều ngày ròng, nhưng không có ai trùng tên với mẹ ruột của Thúy.
Ở vùng Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, địa điểm mà theo ông là “khả nghi” nhất, sau ba ngày tìm kiếm, đoàn của ông Tâm cũng đành bỏ cuộc.
Nhưng run rủi, trên đường họ trở về TP.HCM thì nhận được điện thoại từ một cán bộ xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nói họ có thông tin về một người đàn ông tên “Sáu Ân” làm nghề thợ rèn, đã qua đời từ lâu, hiện còn năm đứa con đang sống tại địa phương.
Ông Lê Cao Tâm là một người dày dạn trong lĩnh vực tìm kiếm, và ông mang một tinh thần cảnh giác cao khi “phỏng vấn nhân chứng”: đã từng có những trẻ mồ côi khi quay về đoàn tụ từ nước ngoài, tìm được... hơn một người tự nhận là mẹ ruột.
Ông Tâm liên hệ với ông Ngô Thành Văn, con trai ông Sáu Ân, với lý do “đi tìm bà con trong dòng họ Ngô cho cha mình”. Và thông tin vô cùng quý giá đã xuất hiện: ông Ngô Thành Văn có một người em gái tên Ngô Thị Điệp.
Đi sâu tìm hiểu, ông Văn kể rằng em gái ông, bà Điệp có một đứa con lai với lính Mỹ. Chính ông đã tự tay nuôi nấng nó một thời gian, nhưng đứa bé rất khó nuôi, có những biểu hiện tâm lý không bình thường nên đành gửi lại cho bà Điệp để đưa vào trại trẻ mồ côi...
Như thế là Stacy Thúy đã nhầm: mẹ cô không hề giấu gia đình để đưa cô vào trại trẻ, mà gia đình biết đến sự tồn tại của cô.
Bà Ngô Thị Điệp đã quyết định cho con đi làm con nuôi ở nước ngoài vì hoàn cảnh gia đình khi ấy quá khó khăn. Nhưng sau khi con đi rồi, bà vì nhớ con đã phát điên, phải chữa chạy một thời gian dài.
“Từ ngày mất liên lạc với con cho đến ngày trước khi chết vì bệnh ung thư tử cung cách đây mấy năm, em tôi đã bằng mọi cách không ngừng tìm kiếm con và thèm khát được gặp con một lần trước khi chết để xin lỗi con, vì tạo ra con nhưng không nuôi con” - ông Ngô Thành Văn nói đến đây rồi bật khóc.
Thấy câu chuyện đã đầy đủ cơ sở, đội tìm kiếm quyết định nói rõ mục đích của họ với ông Hai Văn. Ông Văn nói trong nước mắt: “Thật bất hạnh cho em gái của tôi, nếu tìm sớm vài năm có lẽ em tôi sẽ hạnh phúc nơi suối vàng”.
Cuối cùng, ông Tâm đưa ra năm tấm hình của năm đứa trẻ khác nhau, rồi yêu cầu vợ chồng ông Hai Văn nhận diện. Không ai bảo ai, vợ chồng ông cùng chỉ tay vào hình của Stacy: “Đây là cháu tôi”.
Một tuần sau, Stacy cũng đã gục xuống khóc khi đọc đến những dòng này trong báo cáo tìm kiếm của ông Lê Cao Tâm. Con người lý tính trong cô biến mất: Stacy quyết định rằng chính mình sẽ đến gặp gia đình ông Hai Văn.
Cuộc tìm kiếm gian nan cuối cùng đưa đến một nấm mộ. Bà Điệp đã không chờ được ngày gặp lại con gái ruột của mình. Khoảnh khắc đoàn tụ, Stacy quỳ bên mộ mẹ trong nước mắt. Lần đầu tiên trong đời, cô thắp nhang. Lần đầu tiên trong đời, cô hóa vàng.
“Khói nhang đưa lời của con đến mẹ, còn vàng mã là quà con gửi mẹ” - ông Tâm giải thích bằng thứ tiếng Anh dễ hiểu cho Stacy. Cô càng khóc nấc hơn, ôm chặt đôi dép, kỷ vật cuối cùng mà gia đình còn giữ lại của bà Điệp vào lòng.
Có rất nhiều người hỏi chúng tôi (những phóng viên đi theo cuộc tìm kiếm) rằng tại sao Stacy phải trở lại, và mang theo nhiều tình cảm như thế: cô không mang một chút ký ức nào, không có sự gắn bó hữu hình nào với Việt Nam, chỉ đơn giản là đã sinh ra trên mảnh đất này.
Buổi gặp cuối cùng trước khi Stacy ra sân bay, chúng tôi cũng đã định hỏi cô điều đó. Nhưng rồi cô tự tâm sự rằng cô hạnh phúc với chuyến trở về này, và ngay cả nếu kết quả xét nghiệm ADN không như mong đợi, cô cũng coi đó là gia đình của mình.
Chúng tôi quyết định rằng mình sẽ không hỏi thêm gì nữa. Có những điều không thể giải thích được bằng lý trí thuần túy. Có thể Stacy đã tìm thấy ở đây một mảnh nào đó trong tâm hồn, mà cô biết rằng mình đã thiếu nhưng không biết đó là gì trong suốt 40 năm sống bên kia bờ đại dương.
Stacy Thúy lúc được cho qua Mỹ làm con nuôi
Stacy Thúy đã trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng trên đất Mỹ. Cha nuôi cô là một cựu phi công đã tham chiến tại Việt Nam, và chính Stacy cũng phải đặt câu hỏi rằng liệu việc nhận nuôi cô có phải chỉ là một sự ăn năn hay không.
Suốt thời bé, cha và anh nuôi liên tục đánh đập cô và tuyên bố rằng “mày là quỷ dữ, không ai cần mày ở đây”.
“Tôi không bao giờ hiểu tại sao. Nhưng những vết sẹo đó sẽ không bao giờ lành” - cô viết. Stacy từng tự sát nhiều lần, và lần đầu tiên là khi cô mới 8 tuổi.
Đức Hoàng
Nguồn: tuoitre.vn