Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
"Ngày về" của liệt sĩ sau 40 năm xa cách
Bionet Việt Nam - Một liệt sĩ hy sinh cách đây đã 40 năm, nay đã được trở về đất mẹ trong sự mừng vui, xúc động khôn xiết của cả gia đình. Người chiến sĩ hải quân tàu không số ấy đã được một phụ nữ - cựu dân quân và cũng là cựu nhân viên công an tốt bụng chôn cất, chăm sóc phần mộ. Và cũng từng ấy năm, bà đeo đuổi hành trình "gõ cửa" các cơ quan chức năng để trả lại tên cho người chiến sĩ anh hùng.

Tiến hành an táng hài cốt liệt sĩ Dương Thành Hiến tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, Quảng Ninh.

Quên mình vì đất nước

Thấm thoát đã 40 năm kể từ khi em trai là liệt sĩ Dương Thành Hiến hy sinh, nhưng những ký ức năm tháng tuổi thơ và người em trai đoản mệnh vẫn chưa phai mờ trong tâm tưởng ông Dương Mạnh Thắng ở tổ 6, khu 6, phường Yết Kiêu, Tp Hạ Long (Quảng Ninh). Bố mẹ ông Thắng quê gốc ở xã Yên Giang (Quảng Yên), sau đó chuyển ra xã Thành Công, thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh) sống.

Năm 1950, cậu bé Hiến chào đời ở vùng đất mỏ, từ nhỏ đã thấm vị mặn mòi của biển. Cũng như bao người dân nghèo lam lũ khác, cuộc sống gia đình đều trông chờ vào những lần ra khơi đánh cá. Những chuyến đi biển, những năm tháng cha mẹ tất tả làm lụng, nuôi lớn anh em Hiến trưởng thành. Trong 9 anh chị em, Hiến bảnh trai nhất nhà, người cao dong dỏng, bản tính nhiệt tình, cương trực.

Bố mẹ Hiến tham gia kháng chiến sớm, mẹ Hiến công tác trong hội phụ nữ của xã. Chính vì vậy, chàng trai Dương Thành Hiến luôn khát khao được đi bộ đội, cầm súng bảo vệ đất nước. Những năm tháng ấy, trai tráng trong làng hăm hở lên đường tòng quân theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đánh đuổi giặc Mỹ giành độc lập. Hiến cũng từng tình nguyện viết đơn bằng máu, mong muốn sớm được nhập ngũ. Rồi ước nguyện đã thành khi Hiến được chọn đi bộ đội Hải quân khi vừa tròn 20 tuổi.

Là dân biển, nên khi trở thành lính hải quân, Hiến phát huy hết sở trường, tố chất sáng dạ trong chiến đấu. Hồi đó, đồng đội rất cảm phục chàng trai trẻ nước da đen sạm luôn cần mẫn luyện tập các phương án tác chiến và cũng rất dũng cảm, ngoan cường bám tàu dưới làn mưa bom lửa đạn của kẻ thù. Và không chỉ riêng Hiến, các thủy thủ đoàn của các tàu không số thuộc Lữ đoàn vận tải 125 Hải quân đều là lính "cừ" bởi được tuyển lựa rất kỹ lưỡng về kinh nghiệm hàng hải, thể chất và chính trị để đảm đương được nhiệm vụ vận chuyển cán bộ bí mật, vũ khí, đạn dược và hàng quân sự khác... vượt đường biển nhằm chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trước khi làm nhiệm vụ, các chiến sĩ được truy điệu sống và với họ, hy sinh cho Tổ quốc là một vinh dự. Cũng chính bởi ý chí của những người lính bình dị mà cao cả ấy, con đường Hồ Chí Minh trên biển với những chuyến tàu không số đã trở thành con đường huyền thoại lịch sử của niềm tin tất thắng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong thời gian rảnh rỗi hiếm hoi, Hiến chỉ tranh thủ về thăm nhà một lần duy nhất. Lần ấy, cả gia đình rất mừng khi thấy Hiến rắn rỏi, chững chạc hẳn. Và đó cũng là lần gặp mặt cuối cùng. Trong trận đánh ngày 16/4/1972, binh nhất cơ điện Dương Thành Hiến đã anh dũng hy sinh.

Ông Phạm Hồng Hải, cựu chiến binh đoàn tàu không số bị thương nặng, may mắn sống sót trong cuộc chiến đấu với không quân Mỹ hôm đó nhớ lại, tại bến K20 (huyện Thủy Nguyên), tàu 603 và tàu 609 thuộc Đoàn tàu không số đang bốc hàng để vận chuyển vào chiến trường miền Nam bị trúng bom B52 của máy bay Mỹ nổ tung làm 19 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh. Sau trận oanh tạc ác liệt, đồng đội và nhân dân chỉ an táng được 11 liệt sĩ.

Nhận được giấy báo tử con trai hy sinh, mất tích thi thể và di vật, ba mẹ Hiến như chết lặng. Vẫn biết chiến trường ác liệt, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhưng gia đình vẫn không ngờ, Hiến lại vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Nhớ con quay quắt, ông bà xây ngôi mộ giả ngoài nghĩa trang, làm thủ tục "chiêu hồn, nhập mộ" để ra thắp hương, tưởng niệm, cho anh linh con trai thân yêu luôn ở gần gia đình, quê hương.

"Hành trình" trở về

Trở lại trận đánh ác liệt hôm đó, cô dân quân Đào Thị Minh ở đường Hùng Vương, Hồng Bàng (Hải Phòng) khi đi bắt cáy ven bờ sông Cấm đã phát hiện xác một thanh niên nằm úp dạt vào bờ. Thấy vậy, Minh vội quay lại gọi 3 dân quân đang ở chòi ra phụ giúp, khiêng xác lên bờ sông tắm rửa cho sạch bùn đất. Người thanh niên bị thương nặng vì trúng bom, trên người có mặc áo hải quân, bên ngoài mặc chiếc áo đại cán màu tím, trong đó vẻn vẹn có dòng chữ "Bộ đội Củ Chi, Đoàn tàu không số, vận tải hàng Bắc- Nam". Nhận định đây chính là thi thể của chiến sĩ hải quân, cô tất tả trở về xã lấy ván, nhanh chóng khâm liệm và chôn tại mảnh vườn cách nhà chỉ vài chục mét.

Kể từ ấy, những câu hỏi luôn lởn vởn, thường trực trong tâm tưởng người nữ dân quân tốt bụng: anh chiến sĩ hải quân đó là ai, có phải quê ở Củ Chi không? Tại sao chẳng có ai nhận mộ? Nhưng qua bao nhiêu năm, những băn khoăn đó vẫn chưa có lời giải. Bà Minh cũng có người em hy sinh ở chiến trường miền Nam chưa tìm được hài cốt, nên càng đồng cảm hơn với hoàn cảnh éo le của người chiến sĩ xấu số. Cứ mỗi dịp thanh minh, hay tuần rằm, mồng một bà lại ra thăm mộ, thắp hương cầu mong hương hồn chiến sĩ được siêu thoát và luôn tâm niệm, một ngày nào đó, người liệt sĩ khuyết danh kia sẽ được thân nhân đón nhận. Mỗi khi nhìn dòng chữ trên bia mộ: "Anh bộ đội hải quân quê Củ Chi", tim bà lại đau nhói. Chỉ khi nào danh tính người chiến sĩ được xác định, bà mới thực sự thanh thản.


Liệt sĩ Dương Thành Hiến an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu (Quảng Ninh).

Thời gian trôi đi, nữ dân quân trẻ ngày nào đã là bà lão phúc hậu 70 tuổi. Tuổi già như ngọn đèn trước gió, canh cánh nỗi niềm ưu tư trong lòng, bà Minh chỉ sợ rằng, chẳng may bà sớm về với tiên tổ, thì sự thật bị chôn vùi và tâm nguyện cuối đời sẽ dang dở. Vả lại, ngôi mộ đã trải qua nhiều lần di chuyển, cất bốc và cải táng do giải phóng mặt bằng. Mấy chục năm qua, bà Minh đã nhiều lần báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương tìm tung tích anh chiến sĩ hải quân. Do chiến tranh loạn lạc, thông tin lại ít ỏi nên không tìm được. Mặc dù biết niềm hy vọng mong manh, nhưng bà Minh vẫn kiên trì theo đuổi hành trình tìm kiếm.

Đầu năm 2011, khi anh Vũ Xuân Hiếu về làm Chủ tịch UBND phường Hùng Vương, bà Minh lại đến gặp và đề đạt nguyện vọng. Biết chuyện, anh Hiếu đề nghị bà Minh dẫn ra thăm phần mộ tại nghĩa trang Vườn Đình, thôn Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, Tp Hải Phòng.

Kết hợp với nhiều nguồn thông tin khác thu thập được, khẳng định nhiều khả năng hài cốt ngôi mộ vô danh này chính là chiến sĩ hải quân, Chủ tịch phường Vũ Xuân Hiếu có công văn gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị phối hợp xác minh. Qua trao đổi, xác minh thông tin và thu thập từ nhân chứng, UBND phường và cán bộ đoàn công tác Phòng Chính sách thuộc Cục Chính trị Hải quân thống nhất phán đoán, đặt niềm tin rằng, người nằm dưới mộ là chiến sĩ hải quân của Đoàn tàu không số.

Căn cứ mốc thời gian và địa điểm phát hiện thi thể ở ven sông cách bến K20 khoảng 5 km, xâu chuỗi với các sự kiện lịch sử liên quan đến các chiến sĩ hải quân hi sinh ở khu vực này, cho thấy, nhiều khả năng đây là 1 trong 8 liệt sĩ đã hy sinh chưa tìm được thi thể trong lần giặc Mỹ ném bom vào khu vực Sở Dầu ngày 16/4/1972. Đó là Thượng sĩ Trần Bá Mãi, thủy thủ trưởng; Thiếu úy Vũ Văn Lanh, thuyền phó; Hạ sĩ Nguyễn Hữu Ước, báo vụ; Hạ sĩ Nguyễn Trọng Trấp, báo vụ; Thượng sĩ Trần Văn Hoan, máy trưởng; Hạ sĩ Hà Văn Động, báo vụ; binh nhất Dương Thành Hiến, cơ điện và Hạ sĩ Nguyễn Xuân Công. Từ đây, danh tính phần mộ liệt sĩ dần được hé mở.

Sáng 11/4/2012, cán bộ pháp y phối hợp với Cục Chính trị Hải quân đã lấy 3 răng hàm lớn của hài cốt phần mộ này. Cũng trong thời gian này, Cục Chính trị và Quân y Hải quân lấy mẫu tóc thân nhân của 8 liệt sĩ hy sinh mất thi thể. Ngay sau khi nhận được mẫu tóc, Khoa Xét nghiệm, Viện Pháp y quân đội nhanh chóng vào cuộc. Với đội ngũ cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm và có kiến thức chuyên môn sâu, cùng với trang bị và máy móc được đầu tư khá hiện đại, kinh nghiệm 9 năm thực hiện thành công hàng trăm trường hợp nhận dạng hài cốt liệt sĩ trong đó có sử dụng kỹ thuật phân tích ADN (đặc biệt có các trường hợp nhận dạng với số lượng mẫu lớn như trường hợp nhận dạng hài cốt liệt sĩ trên tàu HQ604 (56 liệt sĩ), tàu HQ 317... hay các trường hợp nhận dạng với mẫu hài cốt có thời gian chôn cất lâu như trường hợp đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân…), việc giám định ADN suôn sẻ, mặc dù hài cốt đã được chôn cất 40 năm, thông tin không nhiều, phải đối chứng với 11 mẫu tóc của thân nhân 8 liệt sĩ. Thạc sĩ Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm - Viện Pháp y quân đội kể, anh và các đồng nghiệp đã không khỏi hồi hộp khi tiến hành giám định ADN mẫu hài cốt nói trên.

Sau nhiều ngày đêm miệt mài bên labo nhận dạng ADN, áp dụng công nghệ tiên tiến đã xác định, mẫu hài cốt phần mộ vô danh tại nghĩa trang Vườn Đình và ông Dương Mạnh Thắng có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ. Từ đó, khẳng định, đó chính là hài cốt của liệt sĩ Dương Thành Hiến, nguyên quán phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Niềm vui mới lại đến với những cán bộ giám định và thêm một liệt sĩ khuyết danh được trả lại tên.

Khi được lấy mẫu tóc để đối chứng, ba người anh em của liệt sĩ Dương Thành Hiến là Dương Mạnh Thắng, Dương Thanh Hiên và Dương Quí Lợi đã hy vọng hài cốt liệt sĩ đó là của người thân mình nhưng cũng chỉ le lói, không dám kỳ vọng quá nhiều. Khi nhận được tin báo kết quả, cả gia đình quá mừng rỡ, nghẹn ngào không nói nên lời. Niềm vui sướng như vỡ òa. Họ không thể ngờ rằng, niềm hy vọng tưởng chỉ trong mơ nay bỗng trở thành hiện thực.

Ngày 16/7 vừa qua, tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng), hàng trăm người dân cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, chính quyền phường Hùng Vương (Hải Phòng) và Cao Xanh (Quảng Ninh) dự lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ. Sau 40 năm yên nghỉ ở đất Cảng, hài cốt liệt sĩ Dương Thành Hiến lại được trở về quê hương, thỏa nỗi nhớ mong của người thân. Ông Dương Mạnh Thắng, anh trai liệt sĩ Hiến ôm chầm bà Minh nghẹn ngào cảm ơn vị ân nhân tốt bụng. Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn rơi trên gò má nhăn nheo của bà lão nhân hậu đã ở tuổi xưa nay hiếm.

Bà rưng rưng: "Giờ tôi rất thanh thản, không niềm vui nào bằng". Và cũng trong niềm xúc động vô bờ, gia đình liệt sĩ Hiến gửi lời cảm ơn chân thành tới cán bộ phường Hùng Vương, Quân chủng Hải Quân đã có nghĩa cử cao đẹp, tấm lòng tri ân với những người đã hy sinh, để gia đình ông có được ngày "đoàn tụ".

Nặng lòng với chiến sĩ hải quân đã có "duyên" với bà suốt 40 năm qua, bà Minh lặn lội từ Hải Phòng sang Quảng Ninh tiễn đưa, thắp nén hương cho liệt sĩ lần cuối trước khi an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Tu, Tp Hạ Long. Gia đình, đồng đội, chính quyền địa phương, bà con làng xóm và họ hàng nội ngoại đã tổ chức lễ đón trang nghiêm, long trọng với tất cả sự trân trọng, ghi nhớ công ơn của người con quê hương đã anh dũng hy sinh thân mình vì nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, của Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa 37 năm nhưng vết thương vẫn dai dẳng. Vẫn còn những bà mẹ cả đời héo hon gặm nhấm nỗi đau và luôn đau đáu tâm nguyện duy nhất là tìm thấy hài cốt đứa con hy sinh. Còn đó những người vợ, người con vẫn miệt mài lần tìm, chắp nhặt thông tin quý giá, tiếp nối hành trình tìm kiếm không mệt mỏi để đưa hài cốt chồng, cha về yên nghỉ nơi đất mẹ.

Hy vọng sau lần "trở về" của liệt sĩ Dương Thành Hiến, sẽ có thêm nhiều phép nhiệm màu để có "ngày về" của 7 liệt sĩ còn lại trên tàu 603. Có thể, thân thể các anh đã hòa tan cùng sóng biển, nhưng những chiến tích oai hùng đó luôn nhắc nhở những người đang sống hôm nay biết trân trọng quá khứ hào hùng, giữ vững chủ quyền biển đảo, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã một thời làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển

Ngọc Khánh

Theo cand.com.vn

Các tin khác