Đó là câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Xuân Liệu và bà Trần Thị Thanh trú tại xóm 9, xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Căn "nhà" của gia đình thân nhân 3 liệt sỹ trên sông Cửa Tiền (TP Vinh)
Chuyện buồn bên dòng sông Cửa Tiền
Dòng sông Cửa Tiền nằm nép mình bên thành Vinh náo nhiệt bấy lâu nay vốn là nơi cư trú của hơn chục hộ dân “ngụ cư”. Họ sống lênh đênh trên sông nước, lấy nghề chài lưới làm cần câu cơm qua ngày. Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Xuân Liệu và bà Trần Thị Thanh dưới chân cầu Cửa Tiền trong một buổi chiều cuối thu. Nói là “nhà” nhưng thực ra đó chỉ là cái “nốc xi măng” đang được chằng chéo bởi nhiều cọc tre xiêu vẹo và phủ bên ngoài những tấm bạt tạm bợ, rách nát.
Tiếp chuyện chúng tôi trong “căn nhà” rộng chưa đến 15m2, bà Thanh kể, bà sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo khó ở xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên. Năm 20 tuổi, bà tham gia thanh niên xung phong ở tỉnh Sầm Nưa nước bạn Lào và gặp ông Nguyễn Văn Tường lúc đó đang chiến đấu ở tỉnh Xiêng Khoảng rồi hai ông bà kết duyên vợ chồng. Cưới nhau chưa được bao lâu thì năm 1971, ông Tường được cử vào Quảng Trị chiến đấu. Năm 1972, khi người con trai duy nhất của ông bà mới chào đời thì ông Tường hy sinh tại chiến trường Quảng Trị. Giấu những giọt nước mắt thương chồng, bà Thanh một mình lặng lẽ nuôi con.
Sau này bà Thanh gặp ông Nguyễn Xuân Liệu khi đó đang trong cảnh “gà trống nuôi con”. Vợ ông là liệt sĩ Đoàn Thị Dung, đã hy sinh trong một lần vận chuyển lương thực ra tiền tuyến. Ngoài ra ông Liệu còn có bố là liệt sĩ Nguyễn Văn Mười, hy sinh năm 1967. Cùng cảnh ngộ, bà Thanh và ông Liệu đã đến với nhau cùng chia sẻ gánh nặng. Hai người có với nhau 4 người con chung.
Mọi sinh hoạt của gia đình bà Thanh đều ở trên chiếc thuyền ọp ép rách nát
“Lấy nhau nhưng chúng tôi không có đất ở nên phải đóng tạm chiếc thuyền, xuống sông Lam để sống. Ngày còn khỏe thì vợ chồng tôi dùng thuyền chở cát để bán, nhưng dần dần tuổi cao sức yếu, tôi chuyển sang nghề buôn chè xanh”, bà Thanh cho biết.
Từ năm 1977 đến nay, gia đình ông bà cứ lênh đênh mưu sinh trên con thuyền dọc theo các bến sông Lam. Cái nghèo cứ bám riết. Cũng vì cái khó, cái nghèo đeo đẳng mà các con của ông bà đều không được đi học. Bà Thanh ngậm ngùi: “Chỉ có tôi là biết chữ thôi còn mấy đứa con không được học hành chi hết. Giờ đi làm thuê, đạp xích lô, chở hàng… cho người ta kiếm sống qua ngày. Tôi cũng chỉ mong có một mảnh đất trên bờ để sinh sống ổn định, đỡ cực nhọc hơn”.
5 năm “xin” đất trong vô vọng
Mùa mưa bão, gia đình ông bà lại sống trong cảnh thấp thỏm lo âu bởi con thuyền của cả “đại gia đình” đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2010, ông Liệu bị tai biến, tay phải bị liệt còn đôi chân ông không thể tự đi lại được nữa khiến cho bà Thanh càng lo lắng hơn. “Để tránh trú mùa mưa bão, gia đình tôi đành phải dựng tạm một chiếc lều nhỏ bên lề đường. Phòng khi mưa to, gió lớn để đưa ông ấy lên đó trú ẩn chứ sống trên thuyền này chẳng may nó chìm thì không biết thế nào”, bà Thanh cho biết.
Bà Thanh, ông Liệu mòn mỏi gửi đơn chờ duyệt cấp đất đã 5 năm
Trên cái “nốc xi măng” bé nhỏ, chật chội là nơi cư ngụ của 7 con người ở ba thế hệ, ông Liệu và bà Thanh vẫn dành một góc để làm nơi thờ phụng hương khói cho 3 liệt sĩ. Oái oăm thay, dù là gia đình thân nhân của 3 liệt sĩ nhưng hành trình đi xin cấp đất ở của gia đình bà thật lắm gian nan.
Ngày 23 tháng 7 năm 2007, bà Thanh làm đơn lần đầu tiên gửi lên UBND xã Hưng Lam. Chờ đợi mãi không thấy chính quyền địa phương trả lời. Năm 2010, bà Thanh làm đơn gửi lên UBND xã Hưng Lam, UBND huyện Hưng Nguyên, Sở LĐ&TBXH Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An. Ngày 30/9/2010, UBND tỉnh Nghệ An có công văn trả lời và chuyển đề nghị cho UBND huyện Hưng Nguyên xem xét giải quyết.
Ngày 7/10/2010, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên chuyển kiến nghị cho Chủ tịch UBND xã Hưng Lam giải quyết theo quy định của pháp luật và ra hạn chót trước ngày 7/11/2011. Nhưng sau nhiều lần kiến nghị trực tiếp với Chủ tịch UBND xã Hưng Lam, gia đình bà Thanh chỉ nhận được những lời hứa xét cấp đất. Mới đây, ngày 28/8/2012, UBND xã Hưng Lam mới trả lời kiến nghị của gia đình bà Thanh bằng văn bản và tiếp tục hứa “Khi nào đủ thủ tục theo quy định UBND xã sẽ thành lập hội đồng tư vấn xét đề nghị giao đất cho gia đình và có thông báo sau”.
Mong có một mảnh đất để gia đình đỡ lênh đênh và có nơi hương khói thờ phụng 3 liệt sĩ.
Gạt nước mắt, bà Thanh nói: “Khổ lắm chú à, hòa bình đã lâu rồi mà gia đình tôi có 3 thân nhân đều là liệt sĩ cũng không có được một mảnh đất để làm nơi thờ cúng, hương khói. Cũng có nhiều đoàn từ thiện hứa sẽ xây nhà cho gia đình nhưng khổ nỗi chưa có đất để xây”.
Chủ tịch UBND xã Hưng Lam: “Chúng tôi có nhiều thiếu sót”!
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, theo Quyết định số 100/2009/QĐ-UBND của tỉnh Nghệ An, tại mục 4, Điều 7, Chương II quy định đối tượng được xét giao đất như sau: Thân nhân của liệt sĩ được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ. Căn cứ vào quyết định trên của UBND tỉnh Nghệ An thì gia đình bà Thanh, ông Liệu đủ điều kiện để được xét cấp đất ở theo định giá.
Sáng ngày 15/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hào - Chủ tịch UBND xã Hưng Lam - cho biết: “Gia đình bà Thanh, ông Liệu là gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, chính quyền xã rất quan tâm. Năm 2007, bà Thanh đã có đơn xin cấp đất nhưng vì quỹ đất địa phương có hạn nên chưa thể giải quyết được”.
Ông Nguyễn Văn Hào trao đổi với PV
Thế nhưng, điều kỳ lạ là năm 2009, UBND xã Hưng Lam lập quy hoạch đấu giá đất trên địa bàn xã gồm 29 lô ở 6 khu vực thì “xã lại không tính đến việc xét cấp đất ở theo định giá cho các đối tượng chính sách”. Cũng theo ông Hào, mỗi lần bà Thanh có đơn xin cấp đất thì xã cũng chỉ thông báo bằng “miệng” cho bà Thanh là chưa có đất.
Khi được hỏi nguyên nhân của sự chậm trễ xét cấp đất cho gia đình bà Thanh, ông Hào lý giải: “Vì gia đình bà Thanh còn thuộc diện di dời lên sông (Tại Công văn số 284/TTg - NN ngày 28/2/2007, Thủ tướng đồng ý UBND tỉnh Nghệ An xây dựng các khu định cư làng chài trên sông Lam - PV) nên xã đang chờ vào dự án đó. Ngoài ra, lỗi còn do đơn vị tư vấn, khảo sát quy hoạch đất và cán bộ xã còn nhiều thiếu sót để xảy ra sự chồng chéo trong quy hoạch đất đấu giá, xét giá nên có sự chậm trễ cấp đất cho bà Thanh”.
Giấy hẹn "khi nào" của UBND xã Hưng Lam đối với việc cấp đất cho gia đình bà Thanh
Chỉ tay vào tờ bản đồ lô đất mà UBND xã đã “nhắm” cho bà Thanh, ông Nguyễn Văn Hào cho hay: “Các mảnh đất thuận lợi thì xã đã quy hoạch để đấu giá đất, bây giờ chỉ còn 2 lô đất ở khu vực thấp trũng. Nếu gia đình bà Thanh xét cấp đất cũng chỉ còn mảnh đất ở lô 03 có diện tích 328m2. Hiện nay đã có thông báo áp giá đất của UBND huyện Hưng Nguyên, chúng tôi sẽ tiến hành thành lập hội đồng họp sớm, để xét giao đất cho gia đình bà Thanh”.
Như vậy, từ sự tắc trách của cán bộ địa phương, một gia đình đã có đóng góp nhiều công lao to lớn cho đất nước nhưng nhiều năm nay vẫn phải sống tạm bợ, lênh đênh trên sông nước. Mong rằng lãnh đạo, chính quyền, các ban ngành tỉnh Nghệ An và huyện Hưng Nguyên quan tâm hơn nữa, giải quyết sớm nguyện vọng cấp đất ở cho gia đình thân nhân liệt sĩ này.
Nguyễn Duy - Doãn Hòa
Theo dantri.com.vn