Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nghị lực của một vợ liệt sĩ
Bionet Việt Nam - Trong hơn 40 năm qua, ở xóm Tự, xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh), ai cũng trân trọng, khâm phục tài, đức và nghị lực sống của cụ Ngô Thị Chất, vợ liệt sĩ Nguyễn An Tư. Câu chuyện về cụ được nhiều người nhắc lại trong lễ mừng thọ cụ 80 tuổi, tổ chức ngày mồng 5 Tết Kỷ Sửu mới đây, gây xúc động cho con, cháu nội ngoại, khách mời cũng như những người thân.

Cụ Chất cùng các con Thắng, Đường, Tuấn

Hè năm 1967, máy bay Mỹ ném hàng trăm quả bom bi xuống các thôn xóm. Xã đội phó Nguyễn An Tư hi sinh trong lúc đang huấn luyện dân quân ở sân kho hợp tác xã, khi mới 39 tuổi. Nghe tin dữ, bà ngất đi ngất lại nhiều giờ, sức vóc suy sụp, tưởng như không thể gượng dậy nổi. Mới 37 tuổi, bà đã phải chăm sóc bố chồng 71 tuổi, nuôi 7 đứa con, đứa lớn mới 16, đứa út chưa đầy 3 tháng.

Là xã viên nông nghiệp, thu nhập được tính bằng công điểm nên đời sống tinh thần, vật chất hết sức khó khăn. Ngày ngày ra đồng từ sáng sớm, chiều tối bà tranh thủ trồng thêm rau, khoai, nuôi lợn gà, làm chổi rơm, để có thêm tiền chi dùng. Đã có lúc bà định cho con gái đầu (chị Nguyễn Thị Hội, đã học xong lớp 9/10) thôi học để phụ giúp mẹ. Nhưng nhớ lời chồng dặn: “Nhà mình nghèo chẳng có gì đáng giá để lại cho con, phải cố cho các con cái chữ để chúng lập thân, lập nghiệp...” Bà lại nén lòng, gắng gượng để làm ăn, để các con không đứt bữa, dở dang việc học hành. Sau chị Hội còn có hai em đang học lớp 5 và lớp 2, 4 đứa tiếp theo còn nhỏ. Ở tuổi 16, chị Hội không chỉ là “cả” của đàn em mà còn là một lao động thực sự. Nửa ngày không đến trường và 3 tháng hè, hai mẹ con “thi nhau” kiếm công điểm để tăng thu nhập cho gia đình. Tốt nghiệp cấp III, chị Hội thi vào Đại học sư phạm. Bà dặn con: “Con chim đầu đàn có bay đi xa mới kéo được các em bay theo!”. Chị Thắng, chị Đường, vì quá thương mẹ vất vả, nên chỉ dừng lại ở lớp 7, lớp 5, tạo điều kiện cho các em học lên. Riêng anh Tuấn, con trai duy nhất tốt nghiệp THPT, không thi đại học, tự nguyện ở lại làm chỗ dựa cho mẹ. Chị Đoan, chị Cúc, sau này đều tốt nghiệp đại học, Chị Đáng hết lớp 12 đi lao động xuất khẩu ở Nga.

Tính ra, cho đến hết năm 2008, cụ Ngô Thị Chất có 3 con đẻ tốt nghiệp đại học, 2 con tốt nghiệp THPT, 21 cháu nội, ngoại có bằng cao đẳng-1, đại học-17, cao học-3. Có 7 con cháu từng mặc áo lính, 4 đang tại ngũ. Đáng nói là gia đình chị Hội-7 người, chị út Cúc- 4 người, 100% đều có bằng đại học, cao học. Cả 4 con chị Thắng đều tốt nghiệp đại học...

Cụ Chất nặng cả hai tai đã nhiều năm nay, nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh, giọng nói vẫn rành rẽ, bước đi vẫn mau lẹ. Cụ ở với vợ chồng anh Tuấn, dẫu không phải làm những việc nặng, nhưng vườn tược và các cháu vẫn được cụ chăm sóc chu đáo. Việc cúng giỗ, lễ Tết vẫn một tay cụ tính toán lo liệu. Chỉ có điều như cụ tâm sự: “Ông ấy nhà tôi mất ở xã, 10 năm sau mới được công nhận liệt sĩ. Giá như không có sự chậm trễ ấy, các cháu còn có điều kiện học hành đến nơi đến chốn hơn!. Nhờ họ hàng, bà con trong xóm quan tâm, các cháu biết nhường nhịn, bảo ban nhau làm ăn, nên không đứa nào mù chữ. Chắc bố, mẹ chồng và ông Tư bằng lòng lắm rồi”.

Lại nữa, sau khi hết tuổi lao động, cụ mới được nhận chế độ liệt sĩ, lúc đầu chỉ là mấy chục nghìn đồng, sau mới tăng lên dần, bây giờ là 650.000 đồng/tháng. Tất cả số tiền này, cụ để dành, lo việc cúng giỗ. Cái ăn, cái mặc đã có các con biếu. Cụ bảo, bây giờ thì không sợ đói, rách nữa rồi.

Cũng qua những lời kể tại lễ mừng thọ, tôi còn biết thêm những năm tháng sau khi cụ “thôi cày cấy”, xin ra làm “cô bảo mẫu” để chân tay đỡ buồn bã, vừa truyền lại kinh nghiệm cho các cô giáo trẻ. Khi Hợp tác xã đưa giống mới về đồng ruộng, cụ được Ban chủ nhiệm mời ra, phong cho chức Tổ trưởng tổ xử lí giống. Nhờ thế, năng suất lúa của Hợp tác xã ngày càng cao. Không ít bà con gọi cụ là “chuyên gia nông nghiệp, người thợ cấy có bàn tay vàng”.

Lựa lúc khách vui vẻ ngồi vào bàn ăn, tôi quan sát ba gian nhà ngoài, nơi đặt bàn thờ chính giữa, hai bên tường treo Bằng “Tổ quốc ghi công” Bằng “Gia đình có công với Cách mạng”, Huân, Huy chương của ông Tư, giấy mừng thọ, ảnh chân dung của bố chồng, mẹ chồng và liệt sĩ Tư. Được biết, đây là gia đình có nhiều người tham gia cách mạng như cụ Ngô Thị Tảo (mẹ chồng) là chị ruột đồng chí Ngô Gia Tự. Anh trai liệt sĩ Tư là Nguyễn An Ý từng làm việc với anh hùng lao động Ngô Gia Khảm ở chiến khu Việt Bắc. Các em cụ Tư: Nguyễn An Tưởng đã nhiều năm làm việc ở Châu Phi (chuyên gia thuỷ lợi), Nguyễn Thị Bưởi, du kích chống Pháp.

Có thể hiểu, truyền thống gia đình nhà chồng đã cổ vũ cụ Chất hăng hái lao động, công tác, nuôi dạy các con nên người, thay chồng quán xuyến mọi việc lớn nhỏ, để có ngày nay như một sự đền đáp xứng đáng.

Chị cả Hội, chị út Cúc, đều kể về mẹ: “Đã ở tuổi 80 nhưng mọi việc, mọi chuyện nội ngoại, thậm chí là cả những vướng mắc trong gia đình các con, đều được mẹ giảng giải có tình, có lí, không ai dám làm khác. Mẹ là thần tượng của con gái, con trai, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại”.

Mấy ghi chép ngắn gọn trong một không gian, thời gian hạn chế tại lễ mừng thọ cụ Chất, ắt là chưa đầy đủ về một phụ nữ đảm đang, một người mẹ mẫu mực, người vợ thuỷ chung trong mấy chục năm kiên trì chịu đựng, tần tảo để gia đình hoà thuận, con cháu trưởng thành. Nói đúng hơn, cụ là một tấm gương sáng về lòng dũng cảm vượt lên mất mát riêng tư, phấn đấu quên mình cho sự nghiệp trồng người, xứng là con cháu Bác Hồ, một công dân của Tam Sơn anh hùng cả trong quá khứ và hiện tại.

Nguyễn Hồng Kỳ

Theo nguoicaotuoi.org.vn

Các tin khác