Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ thu tiền tỉ - Kỳ 3: Vì sao Ngân hàng CSXH dễ dãi trả hàng tỉ đồng cho ‘cậu Thủy’?
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Ông Nguyễn Hoàng Phương (phải) - Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội, lý giải về việc hợp tác với "nhà ngoại cảm" Nguyễn Thanh Thúy để tìm hài cốt được cho là hài cốt liệt sĩ

 

Sau khi Thanh Niên Online đăng loạt bài Nghi vấn lừa đảo, làm giả hài cốt liệt sĩ để thu tiền tỉ, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXHVN - đơn vị chủ trì thực hiện chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ), đã chủ động đến tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội để thông tin.


Những thông tin phóng viên thu nhận được tại buổi làm việc cho thấy có một mối quan hệ rất khắng khít giữa Công đoàn NHCSXH với “nhà tâm linh” Nguyễn Thanh Thúy.

75 triệu đồng/bộ hài cốt liệt sĩ

Lãnh đạo Công đoàn NHCSXH cho biết, trước đây, thông qua một số người giới thiệu, bà Phan Thị Thuộc - lúc đó là quyền Chủ tịch Công đoàn NHCSXH - đến gặp ông Nguyễn Thanh Thúy đặt vấn đề phối hợp tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ.

Sau đó, hai bên đã ký thỏa thuận thống nhất, Công đoàn NHCSXH sẽ trả 75 triệu đồng/mỗi bộ hài cốt liệt sĩ (HCLS) mà ông Thúy tìm được.

Theo ông Phương, số tiền thuê ông Thúy được bàn bạc và thống nhất trong Ban chấp hành Công đoàn của NHCSXH, được cơ quan đồng ý. Ông Phương cho hay, trong chương trình của Công đoàn NHCSXH, ông Thúy đã tìm được hơn 100 bộ HCLS.

Quy trình tìm mộ liệt sĩ đã được Công đoàn NHCSXH và ông Thúy thực hiện như thế nào? Ông Phương cho biết: Khi tìm kiếm, Công đoàn NHCSXH không có danh sách tên các trường hợp bộ đội hy sinh mà chỉ khoanh vùng địa điểm. NHCSXH lên kế hoạch xác định địa điểm tìm kiếm trước (như Quảng Trị, Bình Phước, Đắk Lắk) với căn cứ là xem có những trận đánh, chống càn thời chiến rồi báo cho ông Thúy.

Sau đó, ông Thúy sẽ chỉ vị trí để tìm kiếm. Tại nơi tìm kiếm, hầu hết ông Thúy không phân biệt được đó là hài cốt của liệt sĩ nào, chỉ đưa ra kết luận là HCLS.

Cụ thể, ông Phương cho biết, trong số hơn 100 bộ HCLS được ông Thúy tìm ra, ông Thúy chỉ “đọc” được khoảng 10 trường hợp có liên quan đến nhân thân liệt sĩ đang sống, số còn lại là vô danh. Các cơ quan chức năng đã khẳng định, để biết được chính xác có phải là HCLS hay không, cần phải qua giám định ADN, nhưng ông Phương cho hay việc xác định mộ liệt sĩ, HCLS chỉ thông qua những di vật như cúc áo, bình tông, dép cao su… Đó là những manh mối rất dễ tạo dựng và không có nhiều ý nghĩa trong việc chứng minh là HCLS để quy tập.

 
Các nhân viên trong đồng phục Ngân hàng CSXH trực tiếp tham gia tìm kiếm quy tập HCLS tại Quảng Trị

“Chúng tôi chỉ phát tâm cùng với ông Thúy và cơ quan chức năng địa phương đi tìm kiếm, quy tập. Sau khi tìm thấy, sẽ bàn giao lại cho Sở LĐ-TB-XH địa phương là xong. Gia đình nào cần giám định ADN thì đề nghị với Sở LĐ-TB-XH để đem đi giám định. Đến nay, chưa có gia đình nào báo lại nên NHCSXH cũng không nắm được”, ông Phương lý giải.

Dễ dàng bỏ ra gần 8 tỉ đồng

Khi bỏ tiền, rất nhiều tiền, thuê người khác làm việc thì đương nhiên phải nắm được hiệu quả. Nhưng không hiểu vì sao, Công đoàn NHCSXH đã dễ dàng bỏ một số tiền rất lớn nhưng không biết được kết quả như thế nào!

Công đoàn NHCSXH thuê ông Thúy tìm HCLS, thì phải biết được chính xác những bộ hài cốt tìm được thực sự là HCLS thì mới trả tiền. Đằng này, họ chưa biết đó có phải là HCLS hay không vẫn trả đủ tiền, lên tới khoảng 8 tỉ đồng.

Sự dễ dãi thái quá này khiến mọi người không thể không đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa “nhà tâm linh" Nguyễn Thanh Thúy và Công đoàn NHCSXH.

PV Thanh Niên Online tiếp tục đặt câu hỏi: Nếu cơ quan chức năng xác định kết quả các bộ hài cốt mà ông Thúy đã tìm được không phải là HCLS thì với tư cách là người sử dụng tiền do cán bộ, công nhân viên phát tâm, những người trực tiếp tham gia chương trình này - như ông Phương - có suy nghĩ như thế nào?

Ông Phương nói: “Làm vì có tâm, đi tìm, quy tập được càng nhiều liệt sĩ càng tốt. Đến nước này, chỉ chờ kết luận của cơ quan chức năng”.

Nói về chữ tâm, thông thường các nhà ngoại cảm không nhận thù lao tìm mộ liệt sĩ. Nhưng ông Thúy được thỏa thuận mức bồi dưỡng khá hậu hĩnh, lên đến 75 triệu đồng/bộ HCLS. Ông Phương miễn cưỡng cho hay, đây là phần chi cho việc đi lại, ăn ở của ông Thúy đến địa điểm tìm kiếm (?).

Trả lời câu hỏi vì sao với một chương trình tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ lớn như vậy, được thực hiện bởi một cơ quan nhà nước, với nguồn quỹ không nhỏ mà NHCSXH không phối hợp với các lực lượng quân đội, Bộ LĐ-TB-XH để được hướng dẫn và có thông tin về danh sách liệt sĩ chuẩn xác, chính thống hơn, ông Phương cho rằng làm việc với địa phương để tiện hơn, và thừa nhận như vậy là chưa chuẩn.

Sự “nhiệt tình” kỳ lạ

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực chất là 1 quỹ của Nhà nước lập ra để hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo, sinh viên học sinh. Ngân hàng này không kinh doanh, không vì lợi nhuận. Sau 10 năm thành lập, tổng vốn là 127.498 tỉ đồng, tổng dư nợ 118.385 tỉ đồng, cho vay trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.

NHCSXH đã có sự chuẩn bị một cách bài bản với các công văn liên tục để tổ chức quy tập HCLS số lượng lớn trong thời gian rất ngắn.

Ngày 10.1.2013, Công đoàn NHCSXH ra quyết định số 15 thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình: “Tìm kiếm, quy tập HCLS”.

Cũng trong ngày đó, Quyết định số 16 được ra để triển khai chương trình tìm kiếm, quy tập HCLS tại Bình Phước vào ngày 30.1. Kết quả khai quật là 31 HCLS với quá nhiều nghi vấn giả mạo và yêu cầu được làm rõ từ Sở LĐ-TB-XH Bình Phước cùng đội quy tập K.72.

Trong vòng hơn nửa năm, NHCSXH đã nhờ “cậu Thủy” thực hiện tổng cộng 4 cuộc tìm kiếm, quy tập HCLS với quy mô lớn. Ba cuộc như đã nêu trong 2 bài trước và 1 cuộc diễn ra vào tháng 3.2013 cũng tại xã Ea H’Leo, Đắk Lắk với con số 42 HCLS.

Điều đáng quan tâm là với 105 hài cốt tìm thấy được cho là của liệt sĩ, NHCSXH đã chi 75 triệu đồng/trường hợp cho chi phí “mời thầy” Nguyễn Thanh Thúy, tương đương gần 8 tỉ đồng.

Chính các cơ quan chức năng, các sở, đặc biệt là BCHQS, đội quy tập các tỉnh đã phán ánh trực tiếp đến người đại diện của NHCSXH về những những dấu hiệu sự dàn dựng, làm giả HCLS. Thế nhưng cuối cùng mọi việc vẫn diễn ra êm đẹp!

Việc tìm kiếm, quy tập HCLS được quy định rất rõ ràng. Năm 2011, Bộ Quốc phòng cũng như Bộ LĐ-TB-XH đều có các công văn, chỉ thị tới các cơ quan đơn vị toàn ngành và toàn quân, không cho phép sử dụng ngoại cảm như một biện pháp tìm kiếm và xác định danh tính liệt sĩ.

Nghị định 31/2013 của Chính phủ cũng phân định rõ vai trò tìm kiếm quy tập HCLS thuộc về Quân đội. Các đoàn thể, cơ quan, cá nhân có thể tham gia cung cấp thông tin, nhưng không có vai trò quy tập.

Quyết định số 1237 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ việc xác định danh tính liệt sĩ khuyết thông tin do Bộ LĐ-TB-XH quản lý và việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ do Quân đội thực hiện. Việc NHCSXH tự tổ chức khai quật rầm rộ bằng lực lượng của mình là việc làm trái phép.

Nhóm PV

Nghiêm trị những “nhà ngoại cảm” lừa đảo

Xung quanh hiện tượng nghi vấn lừa đảo, làm giả HCLS để trục lợi, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định:


 Ông Đỗ Mạnh Hùng - Ảnh: Ngọc Thắng

Hiện tượng lợi dụng khả năng tìm kiếm liệt sĩ bằng ngoại cảm đã xảy ra, thậm chí có hiện tượng có tính chất lừa đảo. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB-XH có chủ trương là không công nhận các hài cốt tìm được bằng con đường ngoại cảm. Hoặc để đảm bảo tính pháp lý thì mở ra một khả năng khác là gia đình và các cơ quan chức năng phối hợp để làm giám định ADN. Nếu cho kết quả chính xác thì mới tiến hành làm các nghi lễ tiếp theo đối với hài cốt của liệt sĩ.

Có cả các cơ quan nhà nước cũng tìm đến các nhà ngoại cảm. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Bây giờ mà đánh giá một cách đầy đủ thì cũng khó. Tôi nghĩ là các cơ quan chức năng cần phải có một sự vào cuộc quyết liệt hơn để trên cơ sở thực tế, khoa học… có những thông tin chính xác về vấn đề này.

Nhưng tôi nhắc lại hiện tượng lợi dụng để kiếm lời phi pháp, phi đạo đức của những người tự xưng là “nhà ngoại cảm” là có thật. Chúng ta đã xác định được kết quả đó là không thật, thậm chí có tính chất dàn dựng, lừa đảo thì phải nghiêm trị.

Từ trước đến nay, có thống kê nào về tỷ lệ chính xác/không chính xác về việc tìm mộ liệt sĩ bằng con đường ngoại cảm không, thưa ông?

Vì chúng ta không thừa nhận việc tìm mộ bằng con đường này nên không có bất cứ một thống kê nào như vậy cả.

Tuệ Nguyễn (ghi)

Xuân Toàn - Lê Quân

Nguồn: thanhnien.com.vn

Bài liên quan:

Bài 2: 'Nhà tâm linh' Nguyễn Thanh Thúy là ai?

Bài 1: Những cuộc quy tập bất thường

Các tin khác