Ông Hoàng Minh Cảnh
Đang làm việc, bỗng có tiếng gõ cửa. Một ông cụ trong bộ đại cán ngả màu bước vào. Tôi nhận ra ngay người bác sĩ - thương binh Hoàng Minh Cảnh, dù bẵng đi một khoản thời gian dễ phải đến chục năm không gặp...
Hóa ra, ông chuyển đi Hà Nội sống với con cái, chứ nếu không, Toà soạn chúng tôi hẳn sẽ là nơi ông năng lui tới nhất. Ông lui tới không phải để đọc báo, viết bài cộng tác, càng không phải chỉ để thăm thú cho vui, mà với những thông tin liên quan đến liệt sĩ. Ông “có duyên” với việc tìm mộ liệt sĩ (LS) đến nỗi đồng đội cũ đã phong cho ông danh hiệu “Chiến sĩ tâm linh”…
Gặp người, nhớ chuyện…
Gặp ông, tôi lại nhớ về trường hợp liệt sĩ Ngô Đào Du. Hồi ấy, tôi công tác ở bộ phận Bạn đọc của báo. Một hôm, ông mang đến một bộ hồ sơ khá dày. Tôi pha nước, và ngồi nghe ông kể …
LS Ngô Đào Du, sinh năm 1923, quê ở phường Phú Cát, TP Huế. Năm 1945 lên đường tham gia cách mạng và làm Đội trưởng Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ (TTXP VMTB). Sau đó, được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân Quảng Ngãi rồi trở về Huế làm Đại đội phó Đại đội 3, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn 101- Trần Cao Vân cùng đồng đội chiến đấu ở mặt trận Huế. Vỡ mặt trận, anh cùng đồng đội rút lên chiến khu Hòa Mỹ (Phong Điền) rồi được cử làm Đại đội trưởng Đại đội 114, Tiểu đoàn 319... Trong một trận đánh càn tại làng Kim Ngọc, xã Hương Thọ (Hương Trà) vào tháng 11-1948, Đại đội trưởng Ngô Đào Du đã anh dũng hy sinh, được đồng đội an táng gần lăng Gia Long. Sau ngày giải phóng được quy tập vào Nghĩa trang liệt sỹ xã Hương Thọ.
Điều trớ trêu là tuy được an táng trong NTLS, nhưng trường hợp của Đại đội trưởng Ngô Đào Du lại... không được công nhận LS. Lý do là do gia đình anh ở Huế đã lưu lạc vào Nam. Quê nhà không còn ai nên không làm được thủ tục.
Một lần, bất ngờ gặp anh Ngô Đào Tuấn - cháu gọi LS Ngô Đào Du bằng bác ruột- ra Huế có việc gia đình. Biết Tuấn là thân nhân của đồng chí mình, ông (Hoàng Minh Cảnh) mừng rỡ và sốt sắng cùng với anh Tuấn xúc tiến làm thủ tục công nhận LS Ngô Đào Du. Bản thân là đồng đội, là nhân chứng, đồng thời lặn lội đi nơi này, đến nơi khác tìm gặp, lấy xác nhận từ các nhân chứng khác, nhưng đến phường Phú Cát thì tắc. Do cán bộ phường đều là lớp hậu sinh, không rõ việc cũ người xưa nên không dám hạ bút xác nhận. Ông phải gặp báo chí chúng tôi để “kêu” là vì vậy.
Trách nhiệm chung với công tác đền ơn đáp nghĩa, Báo Thừa Thiên Huế đã nhập cuộc. Cuối cùng thì “cửa” địa phương được khai thông. Tưởng chuyện sẽ xuôi chèo mát mái, không ngờ, hồ sơ vào Tỉnh đội lại mắc tiếp. Ông lại lóc cóc đến gặp chúng tôi, vẻ mặt rầu rĩ và bức xúc. Nhìn hồ sơ, chúng tôi vừa ái ngại cho ông, lại vừa... nản. Các nhân chứng trong hồ sơ xin công nhận LS cho Ngô Đào Du, ngoài bản thân ông, còn có các ông: Lý Văn Mậu, nguyên Phó ban liên lạc trực TTXP VMTB (1945-1946); Dương Bá Nuôi - Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó Quân khu IV; Vũ Thắng - nguyên UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Vương Tuấn Kiệt - Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó Quân khu V; Trần Đình Từ, năm 1945-1949 từng là cán bộ tiểu đội, trung đội thuộc C115, D319, E101... Những người trên đều là đồng đội, là những người từng biết rõ về Ngô Đào Du.
Thế nhưng, Tỉnh đội lúc ấy lại có ý kiến gửi Phòng Chính sách Ban CHQS TP Huế đề nghị hướng dẫn bổ sung hồ sơ với những yêu cầu rất “chuẩn” nhưng cũng hết sức… đánh đố. Trong đó có yêu cầu - Các người làm chứng phải ở cùng cấp đại đội. Nghĩa là phải tìm và lấy cho được xác nhận từ những nhân chứng ở cùng đại đội với Đ/c Ngô Đào Du. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Ngô Đào Du hi sinh, đồng đội của anh tiếp tục đi qua 2 cuộc kháng chiến dằng dặc với vô vàn bất trắc nghiệt ngã của chiến tranh. Ai còn, ai mất và hiện ở đâu bây giờ? Sức khoẻ của một thương binh ¼, tuổi đã quá “cổ lai hy” với phơ phơ đầu bạc, làm sao ông Cảnh đáp ứng ?!!
Nhìn các chữ ký của các nhân chứng, rồi nhìn những yêu cầu của người làm chính sách, dạo ấy (năm 2001), chúng tôi đã nêu câu hỏi : “Chẳng lẽ cơ quan quân sự của tỉnh và TP Huế không thể có một đặt cách để hoàn tất thủ tục công nhận liệt sỹ cho một đồng- đội- tiền- bối đã yên nghỉ trong NTLS quê hương” trong bài viết có đầu đề Lại cần một “đặc cách”? đăng trên Báo Thừa Thiên Huế. Và rồi, với sự kiên trì của ông, sự giúp sức của đồng đội, Đại đội trưởng Ngô Đào Du đã được công nhận Liệt sỹ vào năm 2003. Tại cuộc gặp mặt kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Trung đoàn Trần Cao Vân -101(1945 - 2003) ở Huế, nhiều người xúc động đến trào nước mắt khi thấy ông Hoàng Minh Cảnh đội tấm bia mộ vừa tạc xong của LS Ngô Đào Du đứng chụp ảnh chung với những đồng đội năm xưa …
Đau đáu tấc lòng…
Chợt tha thẩn chuyện cũ, còn lần này, có lẽ cũng... liệt sĩ? Tôi vừa tự hỏi, thì... đúng y như thế. Ông đến để đưa cho chúng tôi bản thảo viết tay về trường hợp Giáo sư Bửu Tiếp - một trí thức hoàng tộc xứ Huế mà công lao và sự hy sinh thầm lặng có thể nhiều người còn chưa biết. Bài viết của ông được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải. Sau khi báo phát hành, Công an tỉnh đã cho người sang, cảm ơn vì báo đã có bài viết về GS Bửu Tiếp - một liệt sĩ với những chiến công rất ý nghĩa, rất đáng trân trọng của ngành. Công an tỉnh cũng xin địa chỉ của ông để liên hệ, tìm con cháu của GS Bửu Tiếp... Sau lần đó, gặp chúng tôi ông cười rạng rỡ. Vui, vì thấy mình đã lại làm được chút gì đó để thoả lòng anh linh đồng chí, đồng đội…
Sinh năm 1928, năm nay ông đã bước vào tuổi 82. Năm 1940, lúc mới 12 tuổi ông đã đến với cách mạng, làm liên lạc viên của Xứ ủy Trung kỳ. Năm 1945 vào bộ đội. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ông chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên, là quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Trong chiến dịch đường 9 - Khe Sanh, ông bị thương nặng và được đưa ra Bắc điều trị… Năm 1979, ông về hưu và một thời gian dài sống tại Huế.
Từ sau khi về hưu, với nỗi lòng đau đáu cùng những đồng chí, đồng đội không may ngã xuống trên các chiến trường, đến ngày vui chiến thắng xương cốt vẫn còn nằm lại nơi núi thẳm rừng sâu. Bằng trí nhớ và bằng những thông tin nghe ngóng được, ông tự dặn lòng, cố gắng đưa các anh về đoàn tụ với gia đình, quê hương… Mấy chục năm lặng lẽ, kiên trì, không quản tuổi già, sức yếu, theo trí nhớ của ông, đã có đến 450 hài cốt LS được ông tìm thấy. Cũng có người thấy ông nhiệt tình quá, sinh ra…nghi ngờ. Nhưng ông không buồn. Câu chuyện về trường hợp anh Hồ Tân (Hương Trà) sau 50 năm mới lại tìm thấy cha-LS Hồ Chiến có thể lý giải đôi phần động lực nào đã tiếp sức cho ông trong hành trình đền ơn đáp nghĩa.
LS Hồ Chiến gia nhập Vệ quốc đoàn năm 1949 khi đứa con trai-anh Hồ Tân- mới 3 tuổi. Sang chiến đấu ở Lào rồi hy sinh. Chính ông Cảnh là người đã cứu chữa và biết rõ nơi an táng LS Hồ Chiến: chân núi Phu Luông, cạnh một ngôi chùa ở bản Thạt. Anh Tân sau này làm chủ nhiệm một HTX sản xuất gạch ngói. Nhân về cảm ơn HTX đã giảm giá tạo điều kiện cho mình sửa nhà, ông đã gặp Hồ Tân. Ngờ ngợ hình dáng của Hồ Tân với người đồng đội xưa, rồi biết đích xác đó là giọt máu của LS Hồ Chiến, ông đã cung cấp thông tin và hứa sẽ bằng mọi cách sẽ đưa hài cốt của LS Hồ Chiến về.
Năm 2000, nhân được tỉnh Xavannakhet mời sang dự kỷ niệm 25 năm giải phóng, ông đã liên hệ và đề nghị đoàn quy tập mộ liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào cho quy tập cụm mộ liệt sỹ của Trung đoàn 101 về nước. Và rồi, LS Hồ Chiến cùng 10 đồng đội khác hồi cố hương trong niềm vui và xúc động của người thân, bà con, đồng đội… “Cha về trước ngõ rạng hương hoa/ Giọt buồn vui sướng trên mi mạ/ Làng xóm bà con đứng lặng tờ…/Kính ơn bác Cảnh một người cha/ Mối tình đồng đội nặng phương xa/ Mấy mươi năm ấy tim con lạnh/ Nay ấm đoàn viên rộn cửa nhà”. Ngày đón cha về, không kìm được lòng mình, anh Hồ Tân đã cảm tác mấy khổ thơ và xin được gọi ông Cảnh bằng cha. Chừng ấy thôi cũng đủ làm ông ấm lòng…
Diên Thống
Theo baothuathienhue.vn