Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người cựu binh 16 năm đạp xe tìm mộ liệt sĩ
Bionet Việt Nam - Chiến tranh bom đạn đã lùi xa, tuổi xuân bận sự nghiệp đất nước, chỉ đến khi nghỉ hưu, ông Tiêu Văn Tấn mới có thời gian tìm lại các đồng đội năm xưa đang nằm lại ở chiến trường về quy tụ với gia đình họ.

Ông Tấn tìm phần mộ liệt sĩ và báo cho người thân đến cất bốc tại nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào.

Tuy tuổi già sức yếu, nhưng với ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ và sự biết ơn vô hạn với đồng chí mình đã hy sinh, ông Tấn cùng chiếc xe đạp đã gần 16 năm qua, rong ruổi khắp mọi miền tổ quốc, thậm chí sang tận nước bạn Lào, Campuchia tìm hài cốt liệt sĩ, ghi chép thông tin liệt sĩ tại các nghĩa trang. Đến nay, ông đã giúp 1.400 gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt, ông coi đó là trách nhiệm của mình phải làm.

Tấn “ma khô” khởi nghiệp

Theo thông tin có được, chúng tôi tìm đến khu tập thể Binh đoàn 11, thuộc phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội và hỏi nhà cựu binh Tiêu Văn Tấn thì ở đây ai cũng biết và họ gọi ông với tên Tấn “ma khô”. Nghe vậy, chúng tôi liền hỏi thì được giải thích Tấn “ma khô” (ma khô tức đem những hài cốt liệt sĩ về) bởi gần 16 năm nay ông dành thời gian đạp xe từ Bắc chí Nam tìm hài cốt liệt sĩ nhiều hơn ở nhà.

Trong căn nhà tập thể nằm ở tầng 2 rộng chừng 30m2, một người đàn ông to cao vạm vỡ ra chào đón mời khách vào nhà. Trong câu chuyện với ông, chúng tôi chắp vá được thông tin trích ngang về người cựu binh 16 năm thầm lặng đi bằng xe đạp khắp mọi miền tổ quốc tìm hài cốt liệt sĩ.

Ông Tấn sinh ra và lớn lên ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương. Vào năm 1964, mới 17 tuổi đang theo học lớp 7, nhưng Tấn đã gác bút lên đường nhập ngũ vào Sư đoàn 320 (sư đoàn chủ lực Bộ Quốc phòng). Khoá huấn luyện kết thúc, Tấn liền vào chiến trường Đường 9, Khe Sanh, Quảng Trị và giữ chức vụ Trung đội phó đội trinh sát. Những năm tháng chiến đấu ông đã lập thành tích bắn rơi 1 chiếc máy bay HU1A và được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú.

Vào năm 1970 trong một trận đánh, Tấn bị thương nặng và được điều về tuyến sau công tác tại Cục Kiến thiết cơ bản thuộc Tổng cục Hậu cần. Ở đây, ông tiếp tục học hết cấp ba rồi được cử đi học Trường Công đoàn Trung ương. Sau đó chuyển qua nhiều cơ quan công tác, đến năm 1992 ông về nghỉ hưu tại khu tập thể Binh đoàn 11.

Gác lại công việc, ông không quên những ngày tháng cùng đồng đội sát cánh bên nhau, có nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trận làm cho trái tim ông đau nhói. Nhất là liệt sĩ Nguyễn Văn Tân - ở thôn Kỳ Tây, xã Cẩm Chế, Thanh Hà, Hải Dương, người anh họ của ông Tấn đã tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh tại Quảng Bình. Chiến tranh đã đi qua, cuộc sống gia đình liệt sĩ Tân khó khăn không thể đi tìm kiếm. Xuất phát từ đó, bằng đồng lương ít ỏi, ông tích góp lại và vào ngày 27.7.1996 để lại công việc nhà cho người vợ chăm sóc hai đứa con, ông lên đường tìm kiếm hài cốt người anh họ.

Khi hay tin ông đi xe đạp tìm kiếm, bạn bè bảo ông là “khùng”, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”..., ai cũng khuyên ông dừng sự “ngông cuồng” này lại, nhưng không ngăn nổi quyết tâm tìm hài cốt người anh. Biết được nơi hy sinh, ông đạp xe lên đường vào huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

Với quãng đường gần 500km, từ Hà Nội ông đi hết 11 ngày và sau một tuần dò la thông tin thì biết được anh họ mình hy sinh được mai táng tại xã Mai Thuỷ, Lệ Thuỷ. Ông tìm gặp những người dân và xác định vị trí chôn cất. Trong niềm vui, ông lại đạp xe ra Hải Dương và thông báo với người thân cùng lên đường.
Bao nhiêu năm chờ đợi, hài cốt liệt sĩ Tân được đưa về quê nhà trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Qua đây, ông Tấn thấu hiểu được nỗi lòng của hàng ngàn thân nhân liệt sĩ đang mong được đưa các liệt sĩ về, nhưng không biết nơi đâu mà tìm. Từ đó thôi thúc ông lên đường và 16 năm nay đi khắp mọi miền tổ quốc miệt mài tìm kiếm, ghi chép thông tin và đã thông báo đưa hơn 1.400 hài cốt liệt sĩ về quê hương. Với việc làm cao cả thầm lặng này ông được bạn bè gọi với cái tên Tấn “ma khô”.

 
Chiếc xe đạp Thống Nhất mang biển số C380 cùng ông Tấn “ma khô” rong ruổi 16 năm nay tìm kiếm hài cốt đồng đội.

Đi xe đạp xuyên Đông Dương tìm hài cốt đồng đội

Căn nhà nằm ở tầng 2 khu tập thể Binh đoàn 11 nhỏ hẹp, nhưng chiếc xe đạp Thống Nhất mang biển số C380 được ông Tấn trau chuốt, để gọn gàng tại hành lang. Chiếc xe được ông mua từ những năm 70 của thế kỷ trước, cùng ông 16 năm nay hành trình từ miền Bắc đến Nam, tìm và thông báo 1.400 hài cốt liệt sĩ được người thân đưa về.

Cầm cuốn sổ mà 16 năm ông ghi chép cẩn thận, có đến hàng chục ngàn cái tên mộ liệt sĩ đang nằm ở các nghĩa trang trên cả nước. Ông chỉ người này đã được thân nhân đưa về, người này đang còn nằm và ông đang đi tìm thân nhân ở đâu để thông báo. “Mình đi xe đạp vừa tập thể dục, bảo vệ môi trường và rất kinh tế. Ngoài ra, mệt đâu dựng xe ngủ đó cho tiện” - ông Tấn tâm sự.

Trong 16 năm qua, mỗi năm ông có từ 3 đến 4 chuyến đi, mỗi chuyến mất cả tháng trời. Đến nay, dấu chân ông đã in hằn khắp mọi nẻo đường các tỉnh, thành. Sau mỗi ngày đạp xe mệt mỏi, có nhiều lần đau ốm giữa đường, nhưng ông tạo niềm vui cho mình khi nghĩ đến những thân nhân liệt sĩ biết và đưa các anh về nên đã thôi thúc ông vượt qua tất cả. “Tiền bạc không dư dả, tôi xin ngủ tại các quản trang nghĩa trang, sở LĐTBXH, nhà dân, còn không thì tấp xe vào khu rừng, thế là qua đêm” - ông Tấn chia sẻ.

Mỗi chuyến đi hành trang chỉ một chiếc xe đạp, cùng mấy bộ áo quần, nhưng quan trọng nhất đối với ông là những cuốn sổ và tấm bản đồ 63 tỉnh, thành. Trong 16 năm hành trình tìm hài cốt, dấu chân ông còn in hằn cả trên đất Lào và Campuchia. Ông đã có 3 chuyến đi qua nước Lào và tìm được 250 hài cốt liệt sĩ, Campuchia có một chuyến tìm được 130 hài cốt. “Khi đến các cửa khẩu thì liên hệ với đồn biên phòng và nói tâm nguyện của mình rồi xin qua biên giới. Mặc dù không biết tiếng, lang thang một mình ở Lào, Campuchia, tôi tìm đến những người Việt và nhờ họ giúp đỡ.

Họ phiên dịch rồi sẵn sàng đưa vào tận rừng sâu, bản làng để gặp gỡ người dân và tìm hiểu, xác định nơi chôn cất. Sau đó ghi chép để thông báo cơ quan chức năng, người thân đưa các liệt sĩ về” - ông Tấn cho biết.

Để linh hồn những liệt sĩ xích gần người sống

Trong chiến tranh, ông đã nhiều lần tự mai táng đồng đội ngã xuống nằm lại chiến trường. Lục lại trí nhớ, ông đã tìm về địa điểm năm xưa xác định vị trí và thông báo người thân đưa đồng đội về như liệt sĩ Dương Văn Điện - quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Cũng chính mảnh đất Quảng Trị là nơi ông đặt chân đến nhiều nhất, ông đã tìm và thông báo đưa 350 mộ liệt sĩ về.

Tiếng lành đồn xa, khi biết ông tìm và sưu tầm địa chỉ liệt sĩ ở các tỉnh miền Bắc nên rất nhiều thân nhân tìm đến ông nhờ giúp đỡ. Mỗi khi nhận được thông tin, ông sưu tập lại và lên đường tìm kiếm. Sau mỗi chuyến đi, biết các liệt sĩ hiện đang ở đâu, khi về đến Hà Nội, ông lại đạp xe đi thông báo cho thân nhân liệt sĩ. Không dừng lại đó, khi gia đình thân nhân nhờ thì ông cùng họ lên đường chỉ dẫn.

Công sức bỏ ra, tìm kiếm hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, nhưng ông chưa bao giờ đòi hỏi một thân nhân nào về tiền bạc. Với ông tìm và đưa các anh về là nghĩa tình đồng đội, mong linh hồn liệt sĩ xích lại người sống, đem niềm vui đến cho các gia đình là hạnh phúc của ông. Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hiện nay có nhiều người dựa vào nhà ngoại cảm để tìm kiếm, mộ có tìm được hay không thì chưa rõ, nhưng các gia đình thân nhân phải bỏ rất nhiều tiền của làm ông rất day dứt.

Nay đã bước vào tuổi già sức yếu, nhưng theo dự định, ngày 27.7 năm nay ông sẽ tiếp tục đạp xe lên đường tìm kiếm tiếp, bởi trong ông sau mỗi chuyến đi càng thôi thúc lên đường. “Những lần nằm nghỉ lại ở nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, tôi nghe từng cơn gió ùa về giống như nhịp bước của đồng đội dồn dập vào chiến trường. Trong đêm lặng lẽ, nhiều lần tôi nghe tiếng của đồng đội nói muốn được về quê, về với người thân. Họ nói với tôi đã nằm lại nơi đây mấy chục năm trời không biết quê hương bây giờ như thế nào. Nghe vậy mà lòng tôi đau như cắt, tôi mong mình mạnh khoẻ để tiếp tục những cuộc hành trình...” - ông nói.

 Thành Đắc - Hàm Rồng
Theo Lao động online

Các tin khác