Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người đàn bà 17 ngày làm vợ, 21 năm chờ chồng: Hội ngộ trong đớn đau…
timnguoithatlac.vn - 26/02/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà Để và ông Vĩnh trong thời gian đoàn tụ ngắn ngủi.

Ông ra đi chỉ kịp gieo vào lòng bà niềm hy vọng rằng ''sẽ chỉ hai năm thôi, anh lại về với em''. Nhưng phải 21 năm bà mòn mỏi chờ đợi. Ngày ông về, bà đã trở thành sỏi đá. Bà cứ đứng như trời trồng để ông khóc òa như một đứa trẻ. Nỗi đau xuyên thấu tim, xé nát hy vọng khi biết rằng, người đàn ông là chồng của mình nay đã có một gia đình gồm vợ và hai đứa con ở miền Bắc.

21 năm làm dâu không chồng

Dòng sông Tiền những buổi chiều nước lững lờ trôi, bên rặng dừa xanh rì ngả đầu vào nhau gọi gió, cô gái Nguyễn Thị Để và chàng trai Phạm Hùng Vĩnh tình tứ bên nhau hẹn thề nguyện ước. Mối duyên đầu sớm đơm hoa kết hạt bằng một đám cưới giản dị đậm chất miền Tây. Chiến tranh loạn lạc, người đi kẻ ở, biết bao chuyện tình lâm li, cay đắng bởi cuộc chiến này.

Đêm tân hôn, chú rể bị chiến tranh lôi tuột ra mặt trận. Cô dâu một mình chăn đơn gối chiếc, thầm nghĩ rồi mai đây, tan bóng quân thù vợ chồng sẽ bù đắp lại cho nhau. Những trận đánh triền miên, những đêm hành quân mòn gót giày, người chồng chỉ kịp về với vợ đúng 17 ngày. Đó là khoảng thời gian quý báu, hạnh phúc nhất cuộc đời người phụ nữ Nguyễn Thị Để.

Phạm Hùng Vĩnh vốn là chiến sĩ quân báo tỉnh Tiền Giang. Hiệp định Giơnevơ ký kết, ông được lệnh tập kết ra Bắc. Người vợ trẻ quyến luyến chia tay chồng trên bến sông nặng gánh tay chèo. Nắm tay vợ thật chặt, ông an ủi rằng: "Hãy yên tâm ở lại. Chờ anh hai năm nước nhà thống nhất sẽ về với em. Lúc ấy, em ra ga Bến Thành đón anh nhé". Con tàu chia ly từ từ rời bến, Để đứng thật lâu nhìn theo đến khi chỉ còn một chấm nhỏ cũng mất hút theo tầm mắt. Nỗi cô đơn, trống trải chợt ùa về, Để ôm mặt khóc nức nở.


Dường như ông trời đã không lấy đi của bà tất cả, ở tuổi 84, bà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Ở lại, bà hăng say hoạt động trong nội thành Sài Gòn không quên làm tròn bổn phận người con dâu trong gia đình có tới 15 người con. Rồi Để bị bắt, chúng đưa bà đi hết nhà lao này tới nhà lao khác. Những đợt tra tấn thừa sống thiếu chết làm thân người thiếu phụ tàn úa. Chúng đưa bà ra Côn Đảo, tiếp tục cuộc sống thương tật đầy mình. Bà ngất xỉu không biết bao nhiêu lần, chúng lôi bà ra với ý định sẽ thủ tiêu.

Còn chút sức lực cuối cùng, bà cố gắng nói thật to như lời trăn trối: "Các chị em ơi, bọn chúng đưa chị em tôi đi bỏ sông bỏ biển rồi, nhớ trả thù cho chúng tôi". Trong số những người tù được trả tự do có vợ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Bà về nói lại với chồng về trường hợp của cô Nguyễn Thị Để. Về phần Phạm Hùng Vĩnh, sau khi tập kết ra Bắc, ông tham gia vào đoàn quân Nam tiến nhưng chẳng may tới miền Trung, đoàn phải chiến đấu với địch. Ông bị thương nặng, được chuyển ra Bắc điều trị.

Một ngày buồn trên đất Kinh kỳ, ông nhận được hung tin Nguyễn Thị Để đã hy sinh trong chuồng cọp. Đang nằm trên giường bệnh, ông nhào ra khỏi phòng chạy đi lang thang khắp nơi. Ông gào khóc nức nở, thương cảm cho người vợ trẻ chưa kịp thực hiện lời hứa đã ra đi. Những ngày sau đó, ông như người mất hồn, tâm thần bất định. Các y tá phải túc trực canh chừng liên tục.

Tổ chức lo lắng cho sức khỏe của ông lại sợ ông buồn phiền mà làm việc không nên đã khuyên ông lấy vợ. Ông một mực từ chối, ông bảo, biết đâu vợ ông còn sống thì ăn nói sao với bà ấy. Tổ chức cam kết sẽ giải quyết ổn thỏa và nếu cô Để còn sống sẽ cho ông về đoàn tụ với vợ.

Vậy là một đám cưới nho nhỏ được tổ chức ngay trong bệnh viện giữa anh thương binh miền Tây Phạm Hùng Vĩnh và cô y tá chăm sóc bệnh binh miền Bắc. Cuộc sống êm đềm trôi qua trong khó khăn, cùng nhau chia sẻ những mất mát. Hai đứa con trai kháu khỉnh chào đời càng làm người thương binh xa quê hương vơi bớt đi nỗi nhớ.

Ngày gặp lại hạnh phúc hóa thương đau


Sau khi được trả tự do, Nguyễn Thị Để tiếp tục tham gia hoạt động tích cực trong hội phụ nữ. Người em trai của ông Vĩnh chẳng may qua đời sớm để lại hai đứa con thơ côi cút. Cám cảnh, bà Để đã nhận đứa con gái lúc này mới được 6 tháng tuổi về nuôi. Ngày đất nước toàn thắng, những người lính tập kết hối hả quay trở vào Nam đoàn tụ gia đình.

Đồng đội biết bà Để còn sống ai nấy không khỏi xót xa, thương cảm cho số phận người phụ nữ sớm phải chịu nhiều oan trái. Không thể giấu mãi được, họ quyết định nói ra sự thật cho bà biết. Cái tin như tiếng sét bên tai, bà không tin đứng chết lặng hồi lâu. Nước mắt nghẹn ngào ứa đọng từng giọt. Niềm hy vọng, mong mỏi 21 năm hóa thành nước mắt tủi hổ, đớn đau.

Bà được phân công làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 8. Nén thương đau, bất hạnh, bà lao vào công việc để khỏa lấp đi nỗi trống vắng thường trực bên mình. Ở ngoài Bắc biết tin vợ mình vẫn còn sống, ông Vĩnh tức tốc vào Nam tìm vợ. Vừa xuống bến tàu, ông chạy thẳng vào cơ quan của vợ để tìm. Nhìn thấy người vợ sau 21 năm cách biệt, ông Vĩnh ôm mặt khóc òa như một đứa trẻ.

Bà Để không khóc, bà đứng lặng im không nói một lời nào. Những người chứng kiến cảnh đoàn tụ hôm ấy không ai cầm nổi nước mắt. Họ thương bà Để bao nhiêu thì lại tội tình cho ông Vĩnh bấy nhiêu. Thật ra cả hai đều không có lỗi, tất cả vì chiến tranh đã phá hủy hạnh phúc, làm tan nát gia đình của họ. Dường như, nỗi đau lặn ngấm vào trong từng mạch máu từng thớ thịt khiến bà hóa thành sỏi đá. Những ngày sau đó, ông Vĩnh không đi đâu mà cứ quanh quẩn bên vợ.

Nỗi đau chưa nguôi, bà luôn tìm cách tránh mặt ông, bà đuổi ông về Bắc với vợ con ông. Ông Vĩnh đã khóc thật nhiều, xin lỗi bà Để thật nhiều. Một năm trời ông ở lại với bà nhưng bà vẫn không chấp nhận. Ngày ông lên tàu về Bắc, ông ngoái lại dặn bà: "Hãy chờ anh, anh về thu xếp cho mẹ con cô ấy rồi sẽ vào với em". Bà lẳng lặng quay đi, cố giấu nước mắt vào trong.


Bà sống một mình trong căn nhà của người em thứ tư.

Ở ngoài miền Bắc, ông viết thư cho bà bày tỏ nỗi lòng đắng cay, chua xót: "Trước kia anh mong mỏi về miền Nam bao nhiêu sau những năm dài xa cách quê hương và em. Anh đinh ninh rằng sẽ vui tươi, phấn khởi hạnh phúc khi được gặp lại em và gia đình. Nhưng mọi việc đều đảo ngược lại, mong ước bao nhiêu thì nay đau khổ bấy nhiêu. Vấn đề của chúng ta quả thật khó khăn. Ba chúng ta hiện tại đều là nạn nhân của chính sách xâm lược của Mỹ. Không phải anh bội bạc em, cũng không phải anh ham muốn cảnh chồng một vợ đôi mà vì lúc đó tình hình sức khỏe của anh không tốt lại thêm đau buồn vì thương nhớ em nên Đảng ủy mới cưới vợ cho anh. Sự thật trái tim anh đã yêu ai thì yêu tha thiết không bao giờ quên cho dù em có bị địch tra tấn tù đày thế nào đi chăng nữa anh cũng vẫn về với em".

Thật ra, ngay từ đầu, bà Để đã không trách ông Vĩnh bởi bà hiểu được hoàn cảnh của ông, bản thân ông không muốn vậy hơn nữa lại nghe tin vợ mình hy sinh rồi nên mới chấp nhận lấy vợ. Trong một lá thư gửi cho ông, bà viết: "Em còn nhớ ngày anh đi, anh dặn em sau hai năm tổng tuyển cử thống nhất sẽ ra ga Bến Thành đón anh. Nhưng chiến tranh kéo dài hơn hai mươi năm, em sẽ đón anh đó là em đã làm tròn nhiệm vụ. Nếu chúng ta không còn tình nghĩa vợ chồng thì coi như tình đồng chí chiến đấu với nhau. Em vẫn biết khi anh nhận được thư này anh sẽ đau khổ lắm. Anh đừng cho vợ anh biết, em không muốn thêm một người nữa đau khổ, chỉ mình em đủ rồi".

Ba tháng sau, ông quay trở lại tìm bà. Ông nói với bà: "Lần này anh sẽ không đi đâu nữa, anh sợ mất em lần nữa". Do vết thương của ông liên tục tái phát nên bà đành chấp nhận để ông ở lại chăm sóc. Những ngày được sống bên người vợ đầu, ông Vĩnh như trẻ lại mấy tuổi, ông sống vui vẻ, cởi mở và dành hết tình thương như để bù lấp một phần sự hy sinh của bà.

Bà Để nhiều lần mạo danh tên ông Vĩnh để viết thư ra Bắc cho cô Oanh, vợ ông. Cứ một tháng định kỳ, bà lại mua quần áo, quà cáp lấy tên ông gửi ra cho vợ con ông. Trong một lá thư bà viết: "Chị đã hy sinh tình cảm của chị cho em được hạnh phúc trọn vẹn. Sau khi anh Vĩnh về đó, em thay chị khuyên lơn anh ấy đừng buồn. Chị vẫn biết đứng trước hoàn cảnh này, anh ấy không biết xử lý ra sao. Có điều chị đau lòng nhất là khi anh ấy quay trở về Nam thì cha mẹ đã mất hết rồi".

Nghĩ đến hai đứa con không được gần gũi cha, bà viết thư bảo bà Oanh đưa các con vào cho vợ chồng cha con gặp nhau. Ngày bà Oanh dẫn con vào Nam, ông Vĩnh không hề biết. Mẹ con bà Oanh ở nhà bà Để đến ngày ông Vĩnh mất do vết thương cũ tái phát. Cảm động trước tấm chân tình của chị Hai Để, bà Oanh không về Bắc nữa mà ở lại cùng bà Để chăm sóc các con.

Năm 2006, bà Oanh qua đời, những đứa con của ông bà chưa kịp lớn để ra đời bươn chải. Bà Để lại một tay lo cho chúng công ăn việc làm rồi dựng vợ gả chồng cho hai đứa. Chúng ân tình gọi bà là mẹ. Để các con của chồng có nơi ăn chốn ở, tập trung xây dựng gia đình, bà Để đã làm giấy tờ sang tên lại ngôi nhà duy nhất của mình cho con chồng. Ở tuổi 84, bà một mình quay về khu vườn nhỏ sống cùng người em thứ tư.

Chia tay bà Để, tôi cứ đau đáu một nỗi lòng vừa thương vừa cảm phục đức hạnh của bà. Một tấm lòng bao dung vô tận, một trái tim nhân hậu tuyệt vời, bà sống mà ngỡ như một bà tiên bước ra từ khu vườn cổ tích

Ngọc Thiện

Theo cand.com.vn

Các tin khác