Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người đi tìm những linh hồn phiêu dạt
timnguoithatlac.vn - 16/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản làm người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

Ông Lâm Văn Tuyến trầm tư trước những ngôi mộ mồ côi

Sáu năm qua, ông bỏ tiền thuê hẳn một đội quân vài chục người, ngày ngày mang đủ thứ từ vải điều, tiểu sành, xô, chậu… để làm một việc mà nhiều người cho là “dở người”; đó là quy tập những hài cốt mồ côi nằm rải rác khắp làng trên xóm dưới. Tính đến nay, ông đã quy tập được gần 1.500 hài cốt và xây thành hai khu “Nghĩa địa mồ côi” sạch đẹp.

Động lòng với… người dưng

Người mà tôi nói đến ở đây là ông Lâm Văn Tuyến, 57 tuổi, ở thôn Tân Lý, xã Trực Hùng (Trực Ninh - Nam Định). “Khi còn trai trẻ, có khi đi cày lật phải tấm ván, dưới có hài cốt. Nhưng ngày đó nhà tôi nghèo lắm, nhìn thương xót mà không biết làm gì. Vun cho họ một ít đất gọi là tạ lỗi để lòng mình thanh thản hơn”, ông Tuyến ngậm ngùi nhớ lại. Cái công việc mà nhiều người cho là “dở người” của ông cũng… bén duyên từ đó.

Bố mẹ mất sớm, ông Tuyến gánh vác trên vai bao nỗi lo toan cơm áo gạo tiền. Đôi vai gầy gò của ông như trĩu nặng khi phải “đảm nhiệm” nhiều thiên chức, vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là anh của mấy đứa em thơ dại. Những năm kinh tế mở cửa, làm ăn buôn bán tự do, ông bắt đầu nghĩ tới chuyện kinh doanh. Trực Hùng quê ông vốn có nghề chài lưới, người dân cần rất nhiều dây thừng, chão trong mỗi chuyến ra khơi. Tuy nhiên, mấy thứ đó dân trong xã đều phải đi mua ở tỉnh khác với giá “cắt cổ”. “Thứ đó, chỉ cần mày mò, bỏ ít công sức tìm hiểu là làm được ngay, cần gì phải đi mua cho tốn kém”, ông Tuyến chia sẻ. Nghĩ là làm, ông đi khắp các tỉnh thu mua bao dứa đã qua sử dụng về để tái chế. Từ những bao dứa thu mua được ông cho người nấu lại, kéo thành sợi làm thừng, chão… bán cho người dân trong vùng. Thấy ông làm ăn được, nhiều người trong xã cũng kéo nhau đi thu mua bao dứa về sản xuất. Nhưng chỉ được một thời gian là họ bỏ cuộc vì bị cụt vốn dẫn đến phá sản. Năm 1999, cơ sở sản xuất thừng, chão của gia đình ông Tuyến bắt đầu đi vào sản xuất.

Công việc làm ăn của gia đình ông đang… “vào cầu” thì đột nhiên, năm 2009, ông quyết định bán lại cả đất lẫn nhà xưởng để bắt đầu một cuộc hành trình “Đi tìm những linh hồn phiêu dạt”!

Nghĩa địa mồ côi

Nhắc lại một chút về chuyện thời trai trẻ khi ông cày và lật phải những ngôi mộ mồ côi. Ông đã nuốt nước mắt vào trong mà không thể làm gì, đắp cho họ một nắm đất ấm lòng. Từ sâu thẳm trái tim có một cái gì đó đã thôi thúc ông bỏ công việc, thuê người đi quy tập hài cốt cho những người xấu số. Bà Nguyễn Thị Dịu (vợ ông Tuyến) kể lại, năm 2009, ông nhà tôi đột nhiên bán nhà xưởng rồi đi làm cái việc “lạ đời”. Trong nhà ai cũng hoang mang, chòm xóm thì xì xào to nhỏ. Trước “dự án” này, năm 2008, người con trai cả của ông Tuyến là anh Lâm Văn Tuyển gợi ý cho ông xin xã một suất đất để xây nhà tình nghĩa. Anh Tuyển muốn bố mình cưu mang những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa để chăm sóc suốt đời. Nhưng ông Tuyến sợ sau này mình già, không có khả năng nuôi các cụ nên đành thôi. “Tôi khỏe thì không sao, sau này tôi già yếu rồi thì ai chăm các cụ. Chả lẽ lại bỏ các cụ đấy thì không đành”, ông Tuyến chia sẻ.

Trong cái nắng quái của buổi xế chiều, ông Tuyến dẫn tôi ra cánh đồng, nơi đặt hai nghĩa địa mồ côi. Nhìn hai khu nghĩa địa khang trang, sạch sẽ, không ai có thể ngờ được đó lại là “dự án” có một không hai của người nông dân chân đất như ông Tuyến. Ông làm đơn xin xã một khu đất ngoài cánh đồng để bắt đầu kế hoạch của mình. Nghe ông Tuyến trình bày, chính quyền xã đi từ ngạc nhiên đến cảm phục. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trực Hùng cho biết: “Ban đầu, chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng sau khi nghe ông Tuyến trình bày, chúng tôi thấy đây là một nghĩa cử rất cao quý. Chúng tôi đã đồng ý cấp đất theo đúng ý nguyện của ông Tuyến với diện tích gần 1.500m2. Sau này, nếu gia đình ông Tuyến có ý định xin thêm đất để làm việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ”.

Có đất trong tay, một mặt, ông cho xây dựng hai khu nghĩa địa riêng dành cho thôn Tân Lý và Tân Phường, một mặt, thuê người bắt đầu công cuộc tìm kiếm hài cốt mồ côi. “Ông ấy chạy đi chạy lại như con thoi, gầy rộc đi, da đen nhẻm, buổi trưa chạy vội về nhà làm bát cơm rồi lại ra cánh đồng ngay”, bà Dịu tâm sự.

Việc đi tìm hài cốt của ông thật không dễ dàng chút nào. Qua mỗi vụ cày, ngôi mộ bị mất đi, nếu ai có lòng đắp lại cũng sẽ bị xê dịch. Có khi mất cả ngày mà vẫn không tìm ra được vị trí của hài cốt. Những hôm trời mưa tầm tã, ông cùng mấy người bì bõm trong cái hố vừa đào. Nước ngập qua đầu gối, người tát lên không lại với trời. Ông đành bỏ cuộc. Nhưng ngay khi trời tạnh, ông lại huy động một đoàn người đem máy móc ra tát nước để tiếp tục công việc. “Để người ta nằm dầm mình trong mưa thì làm sao tôi yên giấc được. Đã làm phúc thì phải làm cho trọn vẹn, có như thế tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm”, ông Tuyến bùi ngùi bảo vậy. Tấm biển: “Ai phát hiện ra hài cốt mồ côi ở ruộng, gò, xin báo cho ông Tuyến. Xin cảm ơn” mà ông treo giữa cánh đồng rất hiệu quả. Từ khi có tấm biển, tin báo về những ngôi mộ mồ côi, vô thừa nhận cứ bay về tới tấp. “Có hôm, ông đang ăn dở bữa cơm, không kịp thay quần áo, chỉ chộp vội cái điện thoại rồi phi thẳng ra cánh đồng như ma đuổi vì có người đến báo phát hiện ra nhiều ngôi mộ trong một khoảnh ruộng trong thôn”, bà Dịu kể cho tôi hay. Cái lần “chạy như ma đuổi ấy”, ông đã đào được mười một ngôi mộ nằm thẳng hàng với nhau nhưng cũng phải mất đến 3 ngày. Ông bảo, sống ở đời cốt là ở cái tâm, cái đức. Cũng vải điều, nước thơm, tiểu sành… những việc làm của ông như phần nào mang lại niềm an ủi cho những linh hồn phiêu dạt.

Bài và ảnh: Phạm Kế Toại

Theo qdnd.vn
 

Các tin khác