Ông Brian Cleaver tại nơi tìm mộ liệt sĩ (rừng cao su thuộc xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, Bình Dương) - Ảnh: M.Hương
Hơn mười năm rồi, người dân ở xã Bình Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương rất quen thuộc với hình ảnh một ông Tây dong dỏng cao, ít nói, hay cười, hay vào tìm mộ liệt sĩ Việt Nam tại khu rừng cao su cách chợ Bình Mỹ chừng vài cây số.
“Có khoảng 42 người lính Việt Nam được chôn trong một hố bom mà không ai biết cho đến khi tôi quay lại, để hàn gắn những tổn thương về tinh thần. Hơn mười năm nay, tôi vẫn đi tìm hố chôn tập thể đó”. Trèo lên từ một hố đào sâu gần 2m, ông Brian Cleaver - người Úc, 65 tuổi - vừa xoa hai tay vào nhau để phủi hết đất cát vừa nói. Gương mặt và lưng áo ông ướt đẫm mồ hôi.
Nỗi buồn chiến tranh
“Giống như trò chơi quay số. Mỗi quả bóng có một con số. Nếu con số đó trùng với ngày sinh của mình, bạn phải đăng ký nhập ngũ...”. Hồi ức của ông Brian dần quay trở lại thời điểm mà ông và nhiều người cùng trang lứa được đất nước yêu cầu thực hiện một công việc đặc biệt.
“Đa số thanh niên được gọi nhập ngũ đều nghĩ giống nhau. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một công việc chỉ có thời hạn hai năm nên hãy đi thôi. Tôi mới có 20 tuổi và tôi đi lính cùng với hàng trăm thanh niên khác” - ông kể. Công việc đặc biệt được yêu cầu ấy chính là việc tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12-1968.
Mọi việc trở nên tồi tệ kể từ sau khi những người lính trở về. Ông Brian kể tiếp: “Trong những năm 1968-1969, người dân Úc dường như đã mâu thuẫn với chính mình. Chúng tôi được ủng hộ để ra đi và sau đó mọi người lại nói chúng tôi là những kẻ đi giết trẻ con! Chúng tôi bị phỉ nhổ trên phố nếu chúng tôi nói rằng mình vừa trở về từ Việt Nam. Thậm chí chúng tôi không dám nói đến từ “Việt Nam”, cố hòa nhập vào cộng đồng và cố tạo những bức tường vô hình ngăn cách với mọi người xung quanh.
Nhưng rồi sau đó bức tường ấy cũng sụp đổ. Sau khi xuất ngũ tôi đã biết mình có vấn đề. Tôi thường bật khóc mà không rõ nguyên nhân, thậm chí khóc ngay giữa một buổi tiệc khi mọi người đều đang vui vẻ. Những lúc như thế, tôi phải lẳng lặng đi ra ngoài. Thời gian tôi còn đi làm, mỗi sáng tôi đến công ty, đóng chặt tất cả cửa phòng, cửa sổ, không muốn gặp bất cứ ai. Mọi người chỉ có thể giao tiếp với tôi qua điện thoại. Tôi thật sự ý thức mình đang gặp vấn đề nghiêm trọng và quyết định đi gặp bác sĩ. Bác sĩ yêu cầu tôi hãy kể cho ông ta nghe tất cả mọi chuyện. Ông sẽ nghe tôi nói trong vòng 18 tháng. Thế là tôi đến và nói mọi chuyện cho ông ấy nghe. Và rồi cuối cùng, tôi nhận ra mình bị chấn thương tâm lý. Nhiều năm qua tôi đã phải dùng một vài loại thuốc liều nặng. Tôi đã che giấu điều này suốt gần 30 năm, khi tôi còn đi làm. Tôi đã được gửi đến Việt Nam khi mới 20 tuổi và suốt những năm tháng sau đó tôi phải sống nhờ thuốc”.
Quay trở lại
Đến năm 2002, ông Brian Cleaver nói với vợ là ông muốn trở lại Việt Nam. Và ông đã trở lại, về đúng khu vực huyện Tân Uyên, Bình Dương để hỏi đường tìm đến địa điểm mà năm xưa ông từng tham chiến. Giờ đây, nơi này đã là một rừng cao su bạt ngàn. Ông nhớ lại: “Suy nghĩ ban đầu của tôi là: Được rồi, mình sẽ gặp mấy người cùng tiểu đội xem họ có nhớ chỗ chôn những người lính Việt Nam không. Thế nhưng, khi tôi tìm đến hoặc liên lạc và hỏi về điều đó, đa số họ đều quay lưng lại với tôi. Một số còn rất khó chịu với tôi và nói “tao không muốn nói về hồi ấy”. Tôi đã hiểu điều gì xảy ra với họ. Họ bị chấn thương tinh thần”.
Ông John Bryant, một cựu binh Úc, cho biết: “Tôi nhớ khi đó Brian đã gọi cho tôi và hỏi có nhớ là có bao nhiêu người lính Việt Nam mà chúng tôi đã chôn không? Ban đầu tôi không muốn nói chuyện với anh ấy, tôi ghét nhắc về những chuyện ở Việt Nam. Nhưng Brian vẫn kiên trì. Cuối cùng tôi cũng cởi mở hơn. Tôi nhớ có 42 người được chôn trong cùng một hố bom. Khi đó, chúng tôi đã lấy hết tư trang, vũ khí của họ, chỉ chừa lại quần áo, sau đó chúng tôi đem chôn”.
Kiên trì kết nối thêm với nhiều đồng đội cũ nữa, ông Brian đã tìm thấy những cuốn sách có viết về trận chiến cũng như đăng tải hình ảnh ngay sau trận đánh để chắc chắn về việc có 42 người lính Việt Nam được chôn ở đây. Đặc biệt, một cựu binh Úc còn có tấm ảnh chụp hố chôn tập thể. Từ đó, ông Brian bỏ tiền túi của mình, bắt đầu những cuộc tìm mộ riêng lẻ với tư cách cá nhân trong nhiều năm nhưng rất tiếc không thu được kết quả. Đến năm 2009, sau rất nhiều nỗ lực với sự hỗ trợ của quân đội hai nước Việt - Úc, một bộ hài cốt bộ đội Việt Nam đã được tìm thấy trong một vạt rừng cao su. Sau đó, thông qua Văn phòng tùy viên quốc phòng, Đại sứ quán Úc, được sự chấp thuận và hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng, nhóm tìm kiếm của ông Brian bắt đầu những đợt tìm kiếm quy mô hơn. Một số cựu binh Úc cũng cố gắng vượt qua nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam để cùng trở lại Việt Nam giúp Brian trong việc tìm kiếm.
Tâm sự về lý do khiến mình làm công việc này, ông Brian thổ lộ: “Ban đầu, đơn giản tôi chỉ muốn trở lại Việt Nam, nhìn lại cảnh vật ở đây - giống như một cách đối mặt với quá khứ - để chữa trị những chấn thương tâm lý của mình. Nhưng rồi khi đặt chân đến mảnh đất này, nghĩ đến những người lính đã nằm xuống, tôi nghĩ họ cũng có ba mẹ, anh chị em. Họ có con cái, họ có gia đình của mình. Những người đó có quyền được biết nơi người thân của họ hi sinh. Nói cách khác, tôi muốn tìm những người lính này để mang về cho gia đình của họ”.
Gần 12g trưa. Sắp hết giờ làm việc buổi sáng. Nhóm đào bới chuẩn bị nghỉ tay. Ông Brian Cleaver đi dọc các hố đào để kiểm tra lại công việc một lần nữa. Có người báo tin vừa tìm thấy một mẩu xương. Ánh mắt của ông Brian vụt sáng, lộ vẻ vui mừng. Ông trực tiếp nhảy xuống những hố đào để kiểm tra. Khi nghe người phiên dịch giải thích rất có thể đó chỉ là xương động vật, ông vẫn đón lấy mẩu xương, nâng niu trong lòng bàn tay rồi chọn một chai đựng nước suối, cắt một đường nhỏ trên thân chai để cất mẩu xương vào. Làm việc với ông Brian nhiều ngày, mọi người trong nhóm đều đã quen với tác phong nghiêm túc, kiên trì của ông. Ngày hai buổi: sáng bắt đầu từ 7g30, chiều bắt đầu từ 13g30, sau khi lót dạ bằng ít bánh mì mang theo, ông Brian và nhóm cựu binh lại khoác balô ra hiện trường làm việc.
Không ai bắt buộc
“Không ai bắt buộc tôi làm điều này, nhưng tôi thấy đó là việc mình nên làm. Tôi thật sự muốn làm điều đó. Chúng tôi đã đào nhiều chỗ, ở khoảng mười hố bom nghi ngờ là hố chôn tập thể. Cho dù đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa tìm thấy thêm hài cốt nào, nhưng chúng tôi vẫn rất hạnh phúc vì công việc mình đang làm. Tôi mong ước: nơi đây sẽ được xây dựng một ngôi đền thờ để những bạn trẻ Việt Nam có thể hiểu được chiến công và sự hi sinh của những người lính. Dù gì đi nữa, chúng tôi vẫn không thích chiến tranh và mong đừng bao giờ xảy ra chiến tranh” - ông Brian Cleaver chia sẻ.
MAI HƯƠNG
Theo tuoitre.vn