Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người lính già Vịnh Mốc
Bionet Việt Nam - Thời chống Mỹ, lúc làm trưởng đồn công an vũ trang 140 - Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), ông đã tham gia xây dựng hệ thống công sự ẩn liên hoàn địa đạo ở Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh).

 

 

Ông Lê Xuân Vy và con trai út - Ảnh: Tấn Đức

Đây là công trình được xem như “Củ Chi của miền Trung”, đã chở che biết bao người dân vùng chiến tuyến trong những năm tháng mưa bom lửa đạn của chiến trường Quảng Trị. Nhưng thật trớ trêu, trong một lần đi công tác, ông bị trúng bom B52, ảnh hưởng tới thần kinh thị giác khiến đôi mắt cứ mờ dần. Không đầu hàng số phận, ông đã cùng các cựu chiến binh tâm huyết đứng ra vận động thành lập Hội Người mù tỉnh Quảng Trị, mở cơ sở nuôi dạy trẻ khiếm thị mồ côi, mang lại ánh sáng cuộc đời cho bao số phận nghiệt ngã... Ông là Lê Xuân Vy - biệt danh “người lính già Vịnh Mốc”.

Ký ức người lính già

"Qua 17 năm hoạt động, Hội Người mù tỉnh Quảng Trị đã đi từ không đến có, làm được nhiều việc thiết thực cho hội viên. Bác Lê Xuân Vy là một trong những người đã đặt nền móng cho những khởi đầu đó"

Ông Nguyễn Thanh Tùng (chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị)

Hỏi nhà ông Vy, một em nhỏ ở đầu kiệt (hẻm) 70 đường Tôn Thất Thuyết, TP Đông Hà nhiệt tình đưa tôi đến cuối hẻm rồi rẽ vào con dốc nhỏ. Thật may, ông cũng vừa về. “Hắn (đôi mắt - PV) không dùng được mấy chục năm rồi, nhưng gần đây lại gây đau nhức kinh quá nên tôi phải vào bệnh viện ở Huế múc bỏ” - ông Vy nói.

Sức khỏe có phần suy giảm sau chuyến điều trị mắt dài ngày, nhưng khi tôi gợi chuyện xưa, ông lão đã 83 tuổi, mắt mù, tai lãng (thính lực kém) khá nặng chợt sôi nổi hẳn lên. “Khi tôi 18 tuổi, vì thiếu tiền nộp thuế thân, lính lệ của Pháp ở quận Hải Lăng về uy hiếp và nói: tao mượn mi một ngón chân để trừ thuế. Nói rồi chúng liền buộc dây thép vào ngón giữa bàn chân phải, kéo tôi lên xà nhà. Ngón chân bị đứt khiến tôi đau đớn, ngất xỉu, ốm luôn mấy ngày. Sau đó không lâu, lại có một tiểu đoàn lính lê dương của Pháp về càn quét thôn Tân An, xã Hải An, huyện Hải Lăng quê tôi, đã bắt tôi cùng sáu người lên thuyền chở ra biển. Chúng giương súng bắn chết một người trong đội dân quân du kích xã trước mặt mấy anh em tôi. Tôi liều nhảy xuống biển. Chúng bắn với theo xối xả nhưng tôi may mắn lặn trốn được vô bờ. Từ đó, tôi đi làm cách mạng luôn” - ông Vy kể.

Cứ sau mỗi trận đánh, ông lại được thăng hàm, thăng cấp. Chỉ trong mấy năm, từ chiến sĩ ông đã lên tiểu đội phó rồi trung đội trưởng. Sau hiệp định Genève (1954), ông tập kết ra Bắc rồi được điều động về làm trưởng đồn công an vũ trang 140 - Cửa Tùng, phụ trách ba xã Vĩnh Thái, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch. Đây là địa bàn đầu cầu giới tuyến, liên tục gánh chịu mưa bom bão đạn.

Và cũng chính tại đây, năm 1966-1967, người đồn trưởng dù mới học hết lớp 4 trường làng đã chỉ dẫn cho bộ đội và dân địa phương cách đào địa đạo và hệ thống đường hầm để kết nối, tạo thành một “ngôi làng trong lòng đất” với nhiều công trình phụ như giếng nước, khu vệ sinh công cộng, khu bếp tiêu khói, phòng cấp cứu thương binh, hội trường, kho lương thực và hàng chục cửa lên xuống, thông hơi... bảo đảm cho cả ngàn người có thể sống - chiến đấu trong thời gian dài. Thời kỳ ấy chưa có trang thiết bị để định vị, khảo sát địa hình, địa mạo nhưng chỉ với chiếc la bàn thô sơ và trí thông minh, ông đã có những tính toán hết sức chính xác, giúp anh em đào đúng hướng, không phải phí công, mất sức vô ích.

Hơn 40 năm trôi qua, giờ nhắc lại chuyện cũ, ông vẫn nhớ đến từng chi tiết, từng con số về độ dài, rộng công trình và khối lượng công việc đã thực hiện, giúp người dân Vịnh Mốc tạo nên kỳ tích trong lòng đất.

Vì người khiếm thị

Đất nước thống nhất một thời gian, ông lại được điều động về làm huyện đội phó huyện biên giới Hướng Hóa, tiếp nối những chuỗi ngày đằng đẵng xa gia đình. Chừng đôi mắt tối hẳn do ảnh hưởng của vết thương hồi chiến tranh, ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Đầu năm 1995, khi nghe tin một số tỉnh đã có hội người mù, ông cùng với hai thương binh đồng cảnh là Lê Thanh Tùng và Phan Văn Diệu đứng ra vận động thành lập Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Hội ra đời, ông được tín nhiệm bầu làm chủ tịch. Bước đầu hội còn nhiều khó khăn, không có trụ sở riêng để làm việc, tổ chức các hoạt động thiết thực cho người khiếm thị như mở các khóa huấn luyện nghề, lập cơ sở giải quyết việc làm... Vậy là đích thân ông chủ tịch hội lại chống gậy lần dò đến các cơ quan, doanh nghiệp xin đất, xin tiền xây trụ sở. Ông cũng không quản khó khăn đến các địa bàn vùng sâu, vùng núi để khảo sát, tìm nhân sự, vận động lập ra hội người mù cấp huyện và các chi hội địa phương. Qua những chuyến đi này, ông phát hiện nhiều trẻ em khiếm thị có hoàn cảnh quá khó khăn, cần được giúp đỡ. Năm 1999, ông bàn với các cán bộ hội, các mạnh thường quân mở cơ sở nuôi dạy trẻ em khiếm thị, mồ côi trực thuộc Hội Người mù tỉnh.

Qua hơn 12 năm hoạt động, cơ sở này đã tiếp nhận, chăm sóc, dạy chữ, dạy nghề cho hơn 100 lượt trẻ. Ban đầu các em được chăm sóc, được dạy học chữ nổi tại cơ sở, sau đó ra học hòa nhập tại các trường tiểu học, trung học ở địa bàn TP Đông Hà. Trong số này, các cán bộ ở Hội Người mù tỉnh Quảng Trị thường nhắc tới trường hợp của Trần Tuấn Anh, quê xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Tuấn Anh bị khiếm thị bẩm sinh, cuộc sống mịt mù tương lai khi em sống cùng mẹ và bà ngoại cũng bị mù. Biết được hoàn cảnh này, ông Vy đã đến tận nhà đón Tuấn Anh về chăm sóc. Giờ Tuấn Anh đã là sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm Huế. Sau Tuấn Anh, có thêm ba học sinh khiếm thị, mồ côi được Hội Người mù tỉnh cưu mang trúng tuyển vào CĐ, ĐH.

Bây giờ cả năm người con của ông Vy đều đã trưởng thành. Nhưng ít ai biết ông vẫn mang trong lòng một nỗi buồn sâu thẳm, khi người vợ đầu và đứa con trai chưa biết mặt bố đã mất trong những ngày ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Chiến tranh đã tước đoạt của ông thật nhiều, nhưng không thể quật ngã ý chí của “người lính già Vịnh Mốc”.

TẤN ĐỨC

Theo tuoitre.vn

Các tin khác