Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người phụ nữ 60 năm lưu lạc xứ người
Bionet Việt Nam - Suốt 60 năm lưu lạc ở Lào và Pháp, mọi liên lạc bị cắt đứt, đến năm 2004, bà lão gần 80 tuổi mới đặt chân về đến Việt Nam gặp lại người thân, gia đình trong nước mắt buồn vui lẫn lộn. Đó là câu chuyện về cuộc đời cụ bà Phạm Thị Lê, quê ở thị trấn Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.

Tuổi thơ và những cuộc phiêu lưu

Gia đình đông anh em, tuổi thơ cơ cực và những trận đòn roi của người mẹ khó tính nên một buổi chiều, cô bé Lê bỏ nhà đi lang thang. Chẳng biết đi đâu nên Lê nhảy đại lên chiếc xe bò cọc cạch đi vào Nha Trang cách xa nhà 30 cây số.

Người đánh xe bò thấy thương cô bé nên chia cho phần cơm vắt ít ỏi với ít muối ớt và đó là khẩu phần giúp cô sống cả tuần lễ đầu tiên xa nhà. Lang thang ở sân ga Nha Trang, chiếc áo duy nhất trên người rách te tua, thấy cô bé tội nghiệp nên một phụ nữ tốt bụng nhận đem về nhà nuôi.

Lần đầu tiên Lê được mặc chiếc áo mới cắt lại từ chiếc áo đầm của bà chủ nhà, được cho ăn bữa cơm trắng, cô bật khóc vì hối hận, vì nhớ cha mẹ và các em nhưng không dám thổ lộ thân phận của mình.

Nhưng người tốt vẫn không thể cưu mang nên Lê được gởi đến giúp việc nhà cho một người khác. Số phận lại đẩy đưa, Lê không thể nhớ vì sao mình phải ra tận Phan Thiết làm "culi" khuân vác gạch đá lên núi cho Nhật làm đồn bót.

Những ngày lao động cực khổ, đói lạnh, cô thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh em nhưng không biết mình đang ở đâu nên không thể liên lạc về nhà.

Khi người Pháp thay thế người Nhật, cô cũng như những người làm thuê cho Nhật hoảng sợ vì những lời đồn đại nên chạy vào rừng trốn. Bị người Pháp bắt giam 6 tháng, rồi được một người lính Pháp bảo lãnh và cưới làm vợ.

Người chồng mới cưới vắn số để lại cho cô gái chưa đầy 20 tuổi cùng đứa con trai đỏ hỏn. Lê theo chân người quen ra Hà Nội kiếm sống và được một người đàn ông Pháp khác cưu mang cưới làm vợ…

Thời cuộc đổi thay, người chồng Pháp khuyên Lê cùng ông trở về Pháp sinh sống nhưng cô nhất định không đi vì “Tôi còn quê hương, tổ tiên, cha mẹ ở Việt Nam”.

“Chiến tranh” đã xảy ra giữa hai vợ chồng trong việc giành nhau nuôi con nhưng vì đứa bé mang dòng máu Pháp nên luật pháp đã phân xử cho người cha có quyền đem con về nước.

Giao con cho chồng mang về Pháp, Lê buộc chồng viết cam kết: “Không được gởi con vào Cô nhi viện, lo cho con ăn học thành tài”. Cô lại tiếp tục cuộc mưu sinh đầy gian khổ cho đến một ngày Lê theo chân những người làm thuê như mình trôi dạt đến Lào mà cứ tưởng đó là vùng đất mới ở quê hương mình.

Đó là năm 1955, Lê tiếp tục mưu sinh bằng nghề buốn bán trái cây và vẫn không ngừng liên lạc tìm con và tìm người thân ở Việt Nam. Không có tin tức, những người biết cũng không dám nói, ngày buôn bán mệt mỏi, đêm về Lê thắp nhang cầu nguyện cho điều tốt lành là tìm được những người thân yêu.

32 hai năm trôi qua trên đất nước Triệu voi, những lời cầu nguyện linh ứng, bà Lê đã tìm được đứa con trai đang sinh sống ở Pháp và năm 1988, bà đến Pháp đoàn tụ với con trai đã xa cách quá nửa đời người.

60 năm sống ở nước ngoài vẫn mang quốc tịch Việt Nam

Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao? Bà lão cười hiền hậu giải thích: “Điều tôi sợ nhất là mất gốc. Mình là người Việt Nam, quê hương tổ tiên mình ở Việt Nam, nếu nhập quốc tịch nước ngoài mình thành người của họ rồi. Không được! Làm gì cũng phải giữ cái gốc Việt Nam của mình chớ. Con trai cứ bắt mẹ nhập quốc tịch Pháp nhưng tôi cương quyết từ chối, có lẽ con tôi không hiểu được điều đó”.

Và bà từ chối mọi cơ hội, kể cả quyền lợi để trở thành công dân nước ngoài - điều mà bao nhiêu người khác mong muốn để giữ bằng được “cái gốc” của mình.

Cụ Lê (trái) với người bạn Pháp trong những ngày ở Việt Nam
Nhiều người cho bà “gàn, dở hơi” còn bà cứ khăng khăng lập trường của mình. Bà kể: “Có lần gặp một phụ nữ Việt Nam, tôi mừng quá hỏi han đủ điều, nhắc đủ thứ về quê hương mình, về những món ăn Việt Nam nhưng cô ta lắc đầu nói với tôi: “Bà nhắc làm gì những chuyện cũ rích?”

Tôi thất vọng quá và từ đó không muốn gặp lại người phụ nữ kia dù cô ta là người Việt Nam ở gần nhà tôi nhất”.

Bà Lê kể tại đảo Tahiti chỉ có khoảng 100 người Việt Nam nhưng người Việt Nam ở gần nhất cũng cách nhau 30 km nên mỗi lần gặp được người Việt còn quý hơn tìm thấy vàng.

Loay hoay một mình, để khỏi quên tiếng Việt, bà gởi người quen ở tận Paris mua băng đĩa cải lương, sách tiếng Việt viết về sử Việt Nam, về Bác hồ để đọc.

Nghe, hát theo rồi thuộc, giờ đây, vốn liếng quý nhất của những năm sống ở nước ngoài của bà cụ là thuộc làu 120 tuồng tích cải lương Việt Nam. Có những tuồng tích lần nào nghe bà cũng khóc vì sao thấy giống cuộc đời lưu lạc, nghèo khó của mình quá.

Về già, được con phụng dưỡng, không còn những ngày tháng cơ cực, mưu toan kiếm sống nhưng bà bảo: “Tôi vẫn nghèo, nghèo xơ xác trong tâm hồn vì nỗi lòng không thể chia xẻ với ai. Vì nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương cào xé trong lòng…”.

Có lúc nhớ quá, bà âm thầm khóc, lén con đốt nhang cầu nguyện. Càng lớn tuổi, tuổi thơ càng trở về trong tiềm thức, cứ thức dậy, thôi thúc bà phải tìm bằng được cội nguồn, nơi mình đã sinh ra và lớn lên.

60 năm - ngày đoàn tụ

Không một giấy tờ tùy thân nên tin tức về gia đình chỉ còn trong ký ức, những lúc rảnh rỗi, bà cụ Lê lại lấy giấy bút ra vẽ lại sơ đồ tìm đến nhà mình, ghi lại tên tuổi cha, mẹ, các anh chị em và nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ liên lạc được với gia đình.

Những dịp hiếm hoi gặp được người Việt Nam, bà lại đem chuyện gia đình mình ra kể với hy vọng sẽ có người biết được tin tức. Một lần tình cờ, bà gặp được một cô gái quê ở Nha Trang và đưa sơ đồ cùng lời chỉ dẫn tận tường để khi cô về Việt Nam hỏi thăm tin tức gia đình.

Cho đến một ngày, bà cụ Lê nhận được điện thoại từ Mỹ bằng tiếng Việt. Bà bảo: “Lúc đó tim tôi như ngừng đập vì hồi hộp vì không tin. Đó là đứa em trai tôi, hai chị em khóc trên điện thoại từ 4 giờ sáng đến 7 giờ. Tôi biết là mình đang sống lại lần thứ hai”. Ngay lập tức, bà thu xếp hành lý và trở về Việt Nam vào năm 2004 sau hơn 60 năm xa cách.

Hai tháng sống với gia đình tại Ninh Hoà, Khánh Hoà, bà Lê bảo: “Lúc mới gặp nhau, chị em cứ ôm nhau mà khóc, bao nhiêu nỗi chất chứa 60 năm nay được nói thay bằng nước mắt. Ngày đoàn tụ mà nước mắt nhiều hơn tiếng cười. Sức khoẻ của tôi như hồi phục, tôi được gặp lại bà con, dòng họ, anh em, được nói tiếng Việt, ăn món Việt thoả thích…”.

Tháng 11.2005, bà Lê từ giã quãng đời 60 năm lưu lạc để hồi hương về quê cha đất tổ.

Thương bà cụ già một mình vượt đại dương về quê hương nên chị Maria, một người bạn láng giềng tình nguyện đưa bà đi. Ba tuần ở Việt Nam, Maria bảo: “Bên Tahiti bà cụ cụ sống rất sung sướng nhưng cứ nằng nặc đòi về. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao bao nhiêu năm trời mà bà cụ vẫn cứ đau đáu đòi về Việt Nam. Tình cảm của người Việt Nam thật mãnh liệt, tôi đã có thêm một bài học từ người Việt Nam, đó là sức mạnh của cội nguồn”.

Ba tuần ở Việt Nam, Maria được bà cụ Lê dạy cho làm bánh, giảng giải về phong tục tập quán. Chị bảo: “Tôi thích nhất là nem, mắm nêm và thích nhất là chiếc áo dài và chiếc võng”. Vì sao? Maria giải thích: “Chiếc áo dài lần đầu được mặc tôi cảm thấy mình mền mại và trẻ ra như những cô gái Việt. Lần đầu được nghe bà cụ ru cháu ngũ trên chiếc võng cùng những câu hát ru rất lạ nhưng nghe rất ấp áp, tình cảm nên tôi sẽ mua một chiếc mang về Pháp cùng bộ áo dài đế nói cho những người ở nước chúng tôi biết về Việt Nam. Lần sau chắc chắn tôi sẽ trở lại và sẽ ra Hà Nội thăm Lăng Bác Hồ”…

Ở tuổi 80, bà cụ Lê rạng rỡ bảo với tôi: “Tôi sẽ ngao du khắp đất nước Việt Nam để nói với mọi người rằng: không nơi đâu hạnh phúc bằng sống trên quê hương mình”.

Theo Người viễn xứ

(vietbao.vn)

Các tin khác