Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người “sống” với hơn 7.000 liệt sĩ
Đã hơn 10 năm nay, người cựu chiến binh già Lê Văn Cam, lặn lội khắp nơi chỉ để làm một việc: Tìm địa điểm mà những đồng đội đã ngã xuống đang yên nghỉ, thông báo cho gia đình họ.

Ông Lê Văn Cam đang làm công việc tìm địa chỉ liệt sĩ

Ông ngồi xếp bằng trên chiếc giường cũ kỹ, mền chăn bông bộ đội ngày xưa, chiếc màn xô đen nhẻm vá mấy miếng, trông ông tựa một nhà tu hành khắc kỷ. Từ nóc nhà thả xuống một ngọn điện 25W vàng ệch, trước mặt là một miếng gỗ tạp kê lên chiếc ghế đẩu dùng làm bàn viết.

Xung quanh ông la liệt sổ sách, giấy tờ, thư từ. Hàng chục năm qua, đêm ngày ông Lê Văn Cam sống với vong hồn các liệt sĩ trên mọi miền đất nước.

Người cựu chiến binh “vác tù và…” vì nghĩa


Những ngày tháng chiến đấu ác liệt trên chiến trường từng chôn cất bao nhiêu đồng đội cứ ám ảnh ông. Ông không nhớ hết đã bao lần gạt nước mắt, đắp mộ cho đồng đội.

 Ông tâm sự : “Tôi tự thấy còn mắc nợ những đồng đội đã ngã xuống, những thân nhân của các liệt sĩ đã bao năm mòn mỏi tuyệt vọng. Nghĩ thế mà tôi phải cố gắng. Tôi chỉ có mấy sào ruộng, mảnh vườn táo và nuôi thêm con gà, con lợn, tiêu pha dè sẻn để có tiền mua tem gửi thư, để đi đến các nghĩa trang tìm liệt sĩ”.

Năm 1995, ông vất lên ô tô chiếc xe đạp cà tàng vào Thanh Hóa, vượt tiếp 130 cây số đường rừng đến nghĩa trang Bá Thước. Ông vừa khóc vừa lần sờ, vừa ghi chép tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh của các liệt sĩ.

Chuyến đi ấy trong sổ tay của ông có địa chỉ của 260 liệt sĩ của nhiều tỉnh, thành phố. Về quê, ông bắt tay vào việc viết thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ. Những lá thư hồi âm của thân nhân liệt sĩ đầu tiên đã bay đến gian nhà nhỏ của ông. Ông bảo những danh sách ấy là “món quà ông trông đợi”.

Năm này qua năm khác, một mình rong ruổi trên chiếc xe đạp lọc cọc, ông đến nhiều nghĩa trang trong tỉnh và nhiều tỉnh thành khác để ghi chép phần mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cứ thế, “vốn” địa chỉ liệt sĩ của ông ngày một nhiều thêm.


Ngôi nhà của ông Lê Văn Cam
Do điều kiện kinh tế eo hẹp, ông Cam không thể đến được những nghĩa trang ở miền Nam. Bao đêm trằn trọc, ông tìm đến chuyên mục “Kết bạn”, “Tìm bạn bốn phương” của đài báo.

Ông viết những lá thư kết bạn và đã “bắc” được mấy chục “cây cầu tình bạn” với các bạn từ mũi Cà Mau, Nam Bộ, Tây Nguyên, ra Quảng Bình, Thanh Hóa. Trong số họ, nhiều người trở thành “đầu mối” cung cấp thông tin các phần mộ liệt sĩ cho ông.

Đã cả chục năm nay, ông hầu như không bỏ sót một bản tin thông báo tìm phần mộ liệt sĩ nào trên Đài tiếng nói Việt Nam phát vào lúc 18 giờ 45 phút các ngày thứ 3, thứ 5 và thứ 7.

Ông luyện cho phản xạ tốc ký sau đó bổ sung hoàn chỉnh ở bản tin phát lại. Đây là một “kênh thông tin” cung cấp địa chỉ liệt sĩ. Ngoài ra, cũng có nhiều người tốt ở gần nghĩa trang đã ghi lại hàng trăm địa chỉ mộ liệt sĩ gửi về cho ông.

Ban ngày nhận được thông tin, đêm đêm tới một hai giờ sáng ông lại ngồi hì hục viết thư báo tin: “Tôi là Lê Văn Cam – sinh năm 1939 – xóm 10, xã Vũ Phúc, thị xã Thái Bình. Kính biếu thông tin : Liệt sĩ… sinh năm… địa chỉ… hy sinh tại mặt trận… hiện đang yên nghỉ tại…

Thân nhân liệt sĩ đối chiếu các giấy tờ liên quan có điểm gì đúng sai cần trao đổi xin liên hệ theo địa chỉ trên. Rất mong thư hồi âm của gia đình”.

Đọc danh sách dài dằng dặc tên, địa chỉ phần mộ các liệt sĩ trong mấy chục quyển sổ ghi chép của ông, tôi thấy mình như đang có mặt ở hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ dọc dài đất nước, từ địa đầu Tổ quốc Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

 Hàng chục năm qua đêm nào ông Cam cũng thức tới một hai giờ sáng để viết thư, ghi chép. Trung bình mỗi tháng ông Cam đạp 15 chuyến xe khoảng 200km để lên huyện Vũ Thư, lên thị xã Thái Bình gửi 80 lá thư.

Ông bảo gửi tin địa chỉ một liệt sĩ đi rồi, đêm ngày ông như sống cùng với họ! Có những đợt một huyện, một tỉnh nhiều địa chỉ liệt sĩ thì ông Cam thông tin qua báo chí.

 Cũng vì công việc mà ông  đã trở thành cộng tác viên của mấy chục tờ báo các tỉnh. Với các thân nhân liệt sĩ ở trong tỉnh Thái Bình, ông Cam lặn lội đến tận nhà báo tin. Xong việc là ông cáo từ và nói: “Tôi làm việc nghĩa với đồng đội tôi chứ không phải đi làm ơn lấy tiền”.

Cùng với việc tìm các địa chỉ phần mộ liệt sĩ, ông Cam còn sưu tầm các bài thơ viết về đề tài liệt sĩ. Hiện ông đã sưu tập được gần hai trăm bài nhưng chưa có điều kiện xuất bản.  Thời kỳ đầu không ít lá thư  gửi thân nhân liệt sĩ bị trả lại vì không đúng địa chỉ. Trong lúc chiến đấu việc ghi chép tên tuổi, địa chỉ liệt sỹ rất dễ sai sót, nhầm lẫn, nhất là tên làng xã.

 Để khắc phục, mười năm qua, ông Cam sưu tập cả các tên làng xã của Việt Nam. Hiện ông đã có trong tay tên của mười ngàn làng xã Việt Nam.

Những chuyện buồn vui

Lần ông Cam đi vào nghĩa trang Anh Sơn, Hà Tĩnh. Chiều thu xào xạc. Thấy cổng nghĩa trang mở, ông mừng rơi nước mắt. Ông vội vàng vứt xe đạp ở ngoài, lấy giấy bút ra mải miết ghi ghi, chép chép. Ghi được khoảng 50 liệt sĩ thì đột nhiên ông thấy tiếng quát rất to.

Hai người đàn ông hỏi giấy tờ. Ông đưa chứng minh thư và một vài lá thư cảm ơn. Họ không chấp nhận, không cho ông ghi chép lại còn xé toàn bộ danh sách liệt sĩ ông vừa chép được và dọa nếu ông không ra họ sẽ báo công an tóm cổ.

Ông uất và buồn đến ứa nước mắt và đành tìm nhà trọ qua đêm để hôm sau lóc cóc đạp xe về Thái Bình.

Lúc đầu, họ hàng, làng xóm không hiểu, đồn thổi dị nghị về chuyện thư từ kết bạn của ông Cam. Ông không ngại vì tất cả những “lá thư tình” ấy ông đều đọc cho người vợ tần tảo nghe.

 Ông đưa tôi một tập thư kết bạn cùng nhiều tấm ảnh của các cô gái, họ đều trẻ và xinh. Xin trích một đoạn trong một lá thư của cô gái 24 tuổi – một cán bộ thuế ở miền Nam: “Ngày 19/10/1999. Bạn Cam thân mến! H rất vui mừng khi nhận lá thư của bạn từ quê hương Thái Bình. H rất ngạc nhiên… Cảm ơn Đài phát thanh đã là nhịp cầu thân ái…

Bạn cứ yên tâm, H sẽ thay mặt bạn và những người thân của những anh hùng này mà chăm sóc phần mộ các liệt sĩ”. Tất nhiên, sau đó H. đã cung cấp cho “bạn Cam” một danh sách dài các liệt sĩ. Ông Cam kể rằng ông có tới 30 địa chỉ như H. ở khắp mọi miền đất nước.

Đến nay, họ vẫn chưa hay biết “bạn Cam” chỉ là một ông già lẩm cẩm suốt ngày đêm đi tìm địa chỉ liệt sĩ. Qua bài viết này, ông xin được thành thật gửi lời cảm ơn những người bạn chưa hề gặp mặt của mình.

Ông Cam đưa cho tôi xem một túi thư hồi âm của các thân nhân liệt sĩ khoảng năm trăm chiếc. Nhiều lá thư viết cách đây tám chín năm đã ố nhòe.

Hàng trăm lá thư của người cha, người mẹ, của người em, người anh, người cháu liệt sĩ gửi tới ông Cam đều thể hiện một sự hàm ơn sâu sắc.

Đây là đoạn thư của Trần Văn Phú – con liệt sĩ ở tỉnh Hòa Bình: “Chị em cháu chẳng đi đến đâu bao giờ để hỏi xem hiện bố cháu đang an nghỉ ở đâu. Hàng năm chỉ lấy ngày báo tử làm ngày giỗ. Nay qua thư của bác, chúng cháu đã biết nơi an nghỉ và ngày giỗ của cha. Từ đáy lòng mình chúng cháu cảm ơn bác nhiều lắm”.

Còn thư của một người trong họ tộc của liệt sĩ ở Tuyên Quang viết: “Khi nhận được lá thư có họ tên địa chỉ đúng là thân nhân mà gia đình chúng tôi mong đợi suốt 31 năm  nay, vui mừng không tả được, chỉ biết rằng liệt sĩ Lại Đức Sinh đã sống lại với gia đình chúng tôi từ lá thư này”.

Ông Cam xúc động nói: “Những dòng chữ ấy là món quà vô giá của đời tôi!”. Nhưng cũng có những lá thư làm ông cả đêm không thể chợp mắt. “Thưa bác Cam, sau khi nhận được thông tin của bác, gia đình cháu liền tổ chức vào Đà Lạt để thăm viếng phần mộ liệt sĩ Hòa. Đúng là chính xác 100% bác ạ. Chỉ tiếc và đau xót là khi đào lên không còn gì để mang về”.

Có nhiều chuyện buồn, như chuyện ông biết chính xác phần mộ của một liệt sĩ đang nằm ở một nghĩa trang miền Trung nhưng do quá tin thầy phán, gia đình lại vào An Giang đưa một liệt sĩ vô danh về.

Một lần, 6 giờ tối, tòa soạn báo Bắc Giang điện xuống hỏi ông một địa chỉ mộ  liệt sĩ, vì “liệt sĩ được đưa về rồi mà bác còn “đưa tin thất thiệt”. Nếu không giải trình được thì cơ quan pháp luật sẽ về làm việc!”.

Thế là 3 giờ đêm, ông Cam lóc cóc đạp xe từ Thái Bình lên Đài TNVN. Đài mở máy vi tính, rà soát mãi vẫn tìm không thấy. May mà ông nhờ được ông Đoàn Văn Líu – một người ở Hà Nội nhiều năm cũng làm việc nhân đức này, làm sáng tỏ.

Liệt sĩ đó từ Campuchia về, đến biên giới tỉnh Bình Phước liền điện trực tiếp cho gia đình vào nhận. Nhưng trung tá Hợp trong đội quy tập không nắm được việc ấy nên đã gửi thông tin lên đài TNVN. Từ đó ông Cam mới ghi được mà thông báo cho gia đình. Thật hú vía!

10 năm qua, cựu chiến binh Lê Văn Cam đã cập nhật được địa chỉ phần mộ hơn 7.000 liệt sĩ của 61 tỉnh thành phố. Ông cũng đã báo tin cho Đài TNVN nơi chôn cất của một phi công Mỹ ở xã Tân Lập, Vũ Thư, Thái Bình.

Từ thông tin của ông,  hàng ngàn gia đình liệt sĩ trong nước đã tìm thấy địa chỉ phần mộ người thân của mình để tới thăm viếng hay quy tập về quê. Có những gia đình mang tiền, mang quà đến cảm ơn nhưng ông Cam không nhận. Nếu họ cứ khăng khăng không về, thì ông chỉ xin nhận ít tem thư phong bì “để tiếp tục cho công việc nhân đức của mình”.

Mới đây, tôi đến thăm ông Cam. Bà Cam rót nước mời tôi. Cầm chiếc chén cũ gẫy tai, nhìn lên chiếc màn vá, nhìn xung quanh gian nhà cấp bốn trống hoác không có vật gì đáng giá, mấy bức tường lồi lõm, mái ngói nhiều chỗ nắng xiên qua thật khó hình dung được những gì ông Cam đã làm. Bà Cam thì lo cơm nước, ruộng đồng, chắt chiu từng đồng cho chồng làm việc nghĩa.

Tôi cứ thầm nhủ: Tạ ơn cuộc đời vẫn còn nhiều những con người như thế.

Ghi chép của Lã Quý Hưng

Theo tienphong.vn

Các tin khác